<經 id="n841">KINH THUYẾT DIỆU PHÁP QUYẾT ĐỊNH NGHIỆP CHƯỚNG Hán dịch: Đại Đường, Sa-môn Thích Trí Nghiêm, chùa Chí Tướâng. Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật đang ở nơi đạo tràng Vô biên, thuộc điện Pháp giới tạng là chỗ của chư Phật hội họp, cùng với chúng đại Tỳ-kheo và chúng Đại Bồ-tát hội đủ. Lúc đó, trong đạo tràng có một phu nhân tên là Công Đức Trang Nghiêm Khai Phu Hoa chắp tay hướng lên Đức Phật, rồi lui ra ngồi một bên, bạch: –Bạch Thế Tôn! Nếu có Bồ-tát mới phát tâm tu học thì không nên sống chung với những hạng không phải là Thiện tri thức nào? Đức Phật bảo: –Này phu nhân! Trong ba cõi, tất cả Phạm, Thích, Tứ vương, Sa-môn, Bà-la-môn đều là những bậc Thiện tri thức đối với Bồ-tát đang tu tập, chỉ trừ hàng Thanh văn không phải là Thiện tri thức, sợ rằng Thanh văn sẽ làm thoái lui Bồ-tát tu hành hạnh Đại thừa. Vì sao? Vì Thanh văn, Duyên giác đều là tự lợi, khuyến khích hướng dẫn Bồ-tát mới tu hành quay về Tiểu thừa, thế nên người tu Thanh văn thừa không phải là Thiện tri thức. Phu nhân nên biết! Bồ-tát mới tu hành không nên ở chung cùng phòng xá với Tỳ-kheo Thanh văn, không ngồi chung giường, không đi chung đường. Nếu Bồ-tát mới tu hành mà trí tuệ sâu rộng thì phân biệt không hai, tỏ ngộ pháp Đại thừa lại vì phương tiện, khuyến khích, hướng dẫn Thanh văn vào Đại thừa, lúc đó mới cho ở chung. Nếu Tỳ-kheo Thanh văn phước trí mỏng manh mà tu hành Bồ-tát thì không nên giảng nói pháp Đại thừa sâu xa vì sợ họ sẽ phỉ báng. Lại nữa, người tu hạnh Bồ-tát không nên xem kinh luận Tiểu thừa. Vì sao? Vì sẽ làm chướng ngại Phật đạo. Phu nhân nên biết! Tu hạnh Bồ-tát thà xả bỏ thân mạng chứ không bỏ tâm Bồ-đề để nhập Thanh văn, cầu đạo La-hán. Bồ-tát khuyến thỉnh tất cả chúng sinh rồi, lúc đó nếu bỏ tâm Bồ-đề, riêng cầu đạo khác nhập vào đạo quả Thanh văn La-hán, hoặc nhân não loạn mà Bồ-tát thoái tâm Bồ-đề, thì cả hai đều bị đọa vào địa ngục Vô gián. Đức Phật nói: –Này phu nhân! Người tu hạnh Bồ-tát thà phạm năm đại tội như sát sinh… chứ không học quả Tu-đà-hoàn, không thoái lui việc tu hành Bồ-đề. Bồ-tát thà trong một kiếp, trăm kiếp cho đến ngàn kiếp chịu khổ nơi địa ngục chứ không học đạo quả Tư-đà-hàm, không thoái lui việc tu hành Bồ-đề. Bồ-tát thà bị đọa nẻo súc sinh chứ không học đạo quả A-na-hàm, không thoái lui việc tu hành Bồ-đề. Bồ-tát thà giết hại chúng sinh bị đọa vào địa ngục, chứ không tu đạo quả A-la-hán, lui sụt Bồ-đề. Hàng La-hán, chỉ riêng mình chứng đắc riêng nhập Niết-bàn, ví như loại cắp vặt lén vào nhà người khác. Người tu hạnh Bồ-tát phát tâm Bồ-đề nhiếp hóa chúng sinh, thà vào hầm lửa chứ không trụ nơi Niết-bàn tịch diệt của Thanh văn, không lui sụt Bồ-đề. Vì ý nghóa đó, cho nên Bồ-tát luôn thâu tóm chúng sinh khiến họ vào Phật đạo. Như vậy người tu hạnh Bồ-tát được tất cả thế gian, Trời, Người, A-tu-la tôn trọng, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường siêu việt hơn Thanh văn, nên quyến thuộc của tà ma không thể nhiễu loạn, não hại. Lúc đó, phu nhân bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Thế nào là quyến thuộc của tà ma? Đức Phật bảo: –Này phu nhân! Những nơi diễn nói kinh điển Đại thừa, nếu có chúng sinh nghe mà tâm không ham thích, trái lại khinh thường hủy báng, nên biết những hạng người như thế là quyến thuộc của tà ma. Người có tâm phỉ báng kinh điển Đại thừa, sau khi chết bị đọa địa ngục A-tỳ chịu khổ vô lượng, lại sinh làm ngạ quỷ ăn đồ nhơ, chịu khổ trong vô lượng kiếp xong, sau sinh làm người phải chịu đui điếc, câm ngọng, mọi thứ ghẻ lở. Các chúng sinh này sau khi mạng chung, trải qua vô lượng kiếp mới được gặp Như Lai, thân cận cúng dường, ở chỗ chư Phật lại được nghe kinh điển Đại thừa, thuần nhất không xen tạp. Lúc đó, nơi các lỗ chân lông của chư Phật đều phát ra âm thanh ngôn từ, mỗi mỗi lỗ chân lông lại phóng ra vô lượng ức trăm ngàn ánh sáng chánh pháp, lại có vô lượng Pháp âm nói kệ tán thán. Khi ấy, trong chúng hội nếu có Thanh văn thì nghe pháp của Thanh văn thừa; nếu có người tu Duyên giác thừa thì nghe pháp của Duyên giác thừa; nếu có người tu hành Đại thừa thì nghe pháp của Đại thừa vi diệu; các loài chim thú cũng tùy theo âm thanh của chúng mà nghe pháp Phật. Lúc đó, trong hội nếu có chúng sinh nơi thời quá khứ chưa từng nghe pháp Phật, thì đều thấy Đức Như Lai im lặng không nói; còn các chúng sinh khác nơi quá khứ từng hủy báng kinh điển Đại thừa, tuy trong nhiều kiếp chịu khổ ở địa ngục, ngạ quỷ, do vì nghe pháp Đại thừa mà hủy báng, thế nên nay đích thân nghe Phật nói pháp Đại thừa, tâm sinh hoan hỷ phát tâm Vô thượng Bồ-đề, cuối cùng thành tựu Chánh đẳng Chánh giác. Bấy giờ, phu nhân bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Đại thừa là gì? Vì sao gọi là Đại thừa? Phật khen: –Hay thay, hay thay! Phu nhân ham thích pháp Đại thừa cao độ, do đó nên phải suy nghó kỹ lưỡng, ta sẽ trình bày về danh hiệu Đại thừa. Đại thừa gồm: 1. Khiến người hết lòng ham thích, đó là Đại thừa. 2. Không lay động, đó là Đại thừa. 3. Không lỗi lầm, đó là Đại thừa. 4. Vô lượng, đó là Đại thừa. 5. Như bốn biển cả, đó là Đại thừa. 6. Được các loại Kim sí điểu, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già và các loại khác cung kính, đó là Đại thừa. 7. Được chúng Càn-thát-bà ca ngợi, đó là Đại thừa. 8. Được chư Thiên cung kính, đó là Đại thừa. 9. Phạm thiên quy y, đó là Đại thừa. 10. Trời Đế Thích kính trọng, đó là Đại thừa. 11. Tứ Thiên vương thâu giữ, đó là Đại thừa. 12. Long vương cúng dường, đó là Đại thừa. 13. Bồ-tát phụng trì, đó là Đại thừa. 14. Thành tựu Phật tánh, đó là Đại thừa. 15. Hiền, Thánh quy y, đó là Đại thừa. 16. Tất cả đều dốc sức thọ nhận, đó là Đại thừa. 17. Như cây thuốc hạng nhất, đó là Đại thừa. 17. Cắt đứt mọi phiền não, đó là Đại thừa. 19. Có khả năng chuyển pháp luân, đó là Đại thừa. 20. Không ngôn không thuyết, đó là Đại thừa. 21. Như tướng hư không, đó là Đại thừa. 22. Không cắt đứt chủng tánh Tam bảo, đó là Đại thừa. 23. Chúng sinh độn căn không thể tin nổi, đó là Đại thừa. 24. Vượt qua tất cả, đó là Đại thừa. Lúc Đức Phật giảng nói về danh hiệu, oai lực của Đại thừa, tam thiên đại thiên thế giới đều hiện đủ sáu cách chấn động, trăm ngàn nhạc cụ không tấu mà tự kêu vang, trên hư không chư Thiên mưa hoa. Vô lượng trăm ngàn Thiên tử phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Vô lượng trăm ngàn vị Thanh văn đều phát tâm cầu đạo quả Chánh đẳng Chánh giác. Lại có Bồ-tát mới thọ giới chưa ngộ chánh pháp, nay đều thông hiểu. Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Pháp này tên gọi là gì và nên phụng trì như thế nào? Đức Phật nói: –Này Tôn giả A-nan! Kinh này tên là Đại Thừa Cự Noa Thắng, nên thọ trì như thế. Lại còn có tên Diệu Pháp Quyết Định Nghiệp Chướng phải nên theo như thế mà thọ trì. Đức Như Lai giảng nói kinh này xong, Tôn giả A-nan và phu nhân Công Đức Trang Nghiêm Khai Phu Hoa cùng tám bộ chúng chư Thiên, Rồng… đều rất hoan hỷ, thọ trì, phụng hành. <卷 id="109368871">