<經 id="n741">KINH NGŨ KHỔ CHƯƠNG CÚ Hán dịch: Đời Đông Tấn, Sa-môn Trúc Đàm-vô-lan, người xứ Tây Vực. Đức Thế Tôn nói: –Trong năm đường nơi ba cõi bị sinh tử không ngừng. Có năm khổ: 1. Khổ của chư Thiên. 2. Khổ của cõi người. 3. Khổ của súc sinh. 4. Khổ của ngạ quỷ. 5. Khổ của địa ngục. –Khổ của cõi trời: Từ cõi trời thứ nhất cho đến cõi trời thứ hai mươi tám, ngoại trừ trời Tứ A-na-hàm giữ năm giới, tu tập mười nghiệp thiện, chứng được Thiền thứ tư nên sinh lên cõi trời này. Các cõi trời khác, vì không có tâm đạo tuệ nên bị sinh, già, bệnh, chết. Cũng có cõi trời sống rất lâu, tùy theo nghiệp tạo từ đời trước, nên tuổi thọ có dài có ngắn. Chư Thiên có hai tai họa lớn: Mạng hết và kiếp hết. Có ba nhân duyên làm cho kiếp hết: 1. Đại hỏa. 2. Đại phong. 3. Đại thủy. Có bảy hiện tượng làm cho mạng hết: 1. Ánh sáng trên đỉnh đầu tắt. 2. Hoa trên đầu héo. 3. Sắc diện thay đổi. 4. Bụi đất dính trên áo. 5. Dưới nách tiết ra mồ hôi. 6. Thân hình gầy ốm. 7. Ruồi dính trên thân, tự nhiên lìa khỏi chỗ ngồi. Khi gặp thủy tai với cơn đại hồng thủy, cả mười lăm cõi trời đều bị tiêu sạch. Khi gặp phong tai thì gió lớn Tùy-lam từ bốn phương nổi lên, thổi bay cả núi Tu-di và các núi đá khác. Những ngọn núi ấy va chạm vào nhau nát tan như bụi phấn, không còn gì cả. Khi gặp hỏa tai thì cả bảy mặt trời xuất hiện cùng một lúc và đứng yên. Do không chuyển động nên thiêu đốt trụi tất cả trời đất, giống như vàng nung chảy. Toàn bộ Dục giới đều bị tiêu sạch. Tứ Thiên là trên hết, tuy sống tám mươi ức bốn ngàn vạn kiếp cũng phải chết, rơi vào tám nẻo ác. Đó là một khổ. – Khổ của loài người: Có hàng trăm ngàn thứ khổ. Con người thật là khổ cực. Từ hạng nô tỳ cho đến kẻ xin ăn, bần cùng ti tiện. Còn những bậc phú quý tột bậc như Đế vương, Chuyển luân thánh vương đều bị sinh, già, bệnh, chết. Rồi nào đói khát, lạnh nóng, thống khổ, ưu sầu, tai họa hoặc bị lao tù phạt hình lửa thiêu đốt, nước nhấn chìm, rơi xuống hầm hố hoặc bị đá, dao, gậy, ngựa kéo, oan gia, giặc cướp giết hại lẫn nhau. Có rất nhiều cách chết. Vì chưa ra khỏi ba cõi nên tất cả chúng sinh đều có những thứ khổ ấy. –Khổ của súc sinh: Dưới từ loài sâu bọ, côn trùng bò ngoằn ngoèo, nhỏ bé, chim bay, thú chạy; trên đất các loài voi, rồng, chim cánh vàng… đều là súc sinh. Chúng cũng biết lạnh, nóng, đói khát, lo buồn, đau khổ, con mạnh hiếp con yếu, ăn nuốt lẫn nhau. Hoặc có loài bị kẻ đồ tể săn lùng, đặt bẫy, lưới để bắt rồi lấy thịt cung cấp cho người. Hoặc có kẻ dùng trăm ngàn mưu kế để bắt giết, không thể nói hết. –Khổ của ngạ quỷ: Ngạ quỷ có chín loại. Có loại quỷ thân dài một do-tuần, cổ nhỏ như lỗ kim. Khi đi có từng đốt khúc như năm trăm chiếc xe. Một khi phát ra tiếng thì lửa nơi cổ họng phát ra tự thiêu cháy thân. Nếu thấy dòng nước mà chạy đến thì nước liền khô cạn, không được một hớp. Nếu có được thì nước hóa thành máu mủ hoặc là phân dơ, hoặc nước đồng, khi vào cổ thì cháy rát, xuống dưới thì tiêu rụi không còn gì cả, vậy mà tội lỗi vẫn chưa hết, thân tự nhiên trở lại như cũ. Bị quả báo như vậy đều do đời trước làm người sống đời bạo ngược, khủng bố, hiếp đáp bức bách người, không theo đạo lý, tham lam, keo kiệt, không biết bố thí nên phải thọ nhận những tai ương như thế. –Khổ của địa ngục: Thành vây bằng sắt, rồi nào vạc dầu, núi đao, rừng kiếm, trụ sắt, nước đồng sôi, máu mủ, băng lạnh, phân dơ, nước mặn, mũi nhọn, xe bằng lửa, lò than, đinh lửa, mười sáu mũi tên độc, quạ, diều, kên kên, chồn cáo, những loài chim mỏ cứng bằng sắt bay vào miệng người rồi xuyên thấu bên trong, ăn cả ngũ tạng, người ấy không thể trốn tránh ở chỗ nào được. Ngục tội cực khổ ác gồm có mười tám chỗ. Những kẻ bị tội không kể lớn, nhỏ, chỉ theo nghiệp nặng hay nhẹ mà tự nhận lấy quả báo một kiếp hay nửa kiếp mới hết. Có tội nhân không có khả năng thay đổi. Đến khi tội hết thì sinh trở lại thế gian, chịu các tai ương còn sót. Phật nói có tám chỗ ác: 1. Địa ngục. 2. Ngạ quỷ. 3. Súc sinh. 4. Biên địa. 5. Cõi trời Trường thọ. 6. Tuy làm người nhưng bị mù, điếc, câm, ngọng, tay chân tê liệt, không có khả năng nghe và nhận. 7. Tuy làm người, sáu căn đầy đủ, thế trí biện thông, nhưng học kinh điển của thế tục, tin theo tà kiến, cúng tế yêu quỷ, hoặc làm đồ tể săn bắt, tâm ý phóng túng, khinh khi, lừa gạt trăm điều, không tin Tam bảo. Sau khi qua đời, bị đọa trở lại vào địa ngục. Từ chỗ tối tăm vào tối tăm, không biết bao giờ thoát khỏi. Nay được làm người mà không tin chánh pháp, không phụng thờ Tam bảo, chê bai Thánh đạo. 8. Sinh ra không gặp Phật. Tám ác này cũng gọi là tám nạn. Phật nói: –Ba đường ác là nhà chung của tất cả chúng sinh, khi làm người, khi làm trời, giống như làm khách vài ngày rồi trở về nhà. Học giả phải suy nghóa điều này, cần phải tinh tấn nỗ lực mới có thể thoát khỏi khổ. Thân người khó được, sáu căn lại khó đủ, lời nói khó trúng, tài năng thông minh khó đạt được, thọ mạng khó lâu dài, người sáng suốt khó gặp, lòng tin chân chánh khó có, tâm thiện khó sinh, kinh pháp khó nghe và Như Lai càng rất khó gặp. Thế gian có cây Ưu-đàm-bát, chỉ kết trái mà không có hoa, khi nào Đức Như Lai xuất hiện trên thế gian thì cây ấy mới ra hoa. Đã được làm thân người, sáu căn khó đầy đủ, lại khéo giỏi về biện luận, tài năng thông tuệ, sống lâu, được gặp bậc minh sư, học hỏi, phát tâm Bồ-đề, chánh tín không thoái chuyển, được nghe đầy đủ kinh pháp và ra đời được gặp Như Lai. Đây là do phước ở đời trước. Theo dấu chân người phước đức, giống như đi từ sáng vào chỗ sáng. Nếu theo dấu chân của Như Lai đi mãi không dừng thì sẽ gặp nhau, hội họp ở đạo tràng. Không nên làm hư hoại cội gốc ấy mà quên đi công tu hành ở kiếp trước. Một khi mất ý đạo thì phải bị đau khổ trong nhiều kiếp, cho nên phải hết sức cẩn thận. Tất cả chúng sinh luôn bị giam hãm trong địa ngục. Lại nữa, ngục ấy có mười hai lớp thành, được bao quanh với ba lớp gai rào, có sáu tên giặc cầm đao đứng canh giữ. Những tội nhân trong đó rất khó thoát ra được. Sao gọi là luôn bị giam hãm trong địa ngục? Nghóa là nói về ba cõi. Mười hai lớp thành là gì? Là mười hai nhân duyên. Ba lớp gai rào là gì? Là ba độc. Sáu tên giặc cầm dao là gì? Là sáu tình (sáu căn). Ai đã phát tâm Bồ-đề thì nên giữ trọn vẹn giới cấm, thường hành Tứ đẳng tâm đại Bi (bốn Tâm vô lượng), sáu pháp Ba-la-mật, hành pháp quán Sổ tức, ba mươi bảy phẩm Trợ đạo, các Thiền, Tam-muội, tất cả ý pháp nơi các môn Tổng trì, không cao không thấp, vô tưởng, vô nguyện, theo ba cửa giải thoát, chứng được pháp Tam trị, phân biệt được ba hướng, thông tỏ về Tam đạt trí, không buộc, không mở, không cầu ngôi vị Chuyển luân thánh vương, là bậc tôn quý trong hàng trời, người, không làm lay động tâm, không sợ tội khổ, không kể lao nhọc, luôn nghó về chúng sinh. Hiểu rõ ba cõi là không, không tập theo ba nghiệp. Như vâïy mới gọi là được ra khỏi chốn tù ngục lâu dài. Biết sự khởi diệt của mười hai nhân duyên thì có thể đoạn trừ căn bản si, gọi đó là ra khỏi mười hai lớp thành. Biết ba độc tham, sân, si nên không bị trói buộc, ý không vướng mắc. Đó gọi là nhổ được ba lớp gai rào. Hiểu rõ sáu tình (căn) đều không có gốc ngọn, giống như cây chuối. Ý không bị ái trói buộc, như vậy gọi là thoát được sáu giặc cầm dao. Người học đạo trước tiên phải hiểu rõ ràng: không có ta, không có người, không ai làm ra cả mà tất cả đều do duyên sinh. Không có pháp nào mà không từ duyên sinh. Nên tạo ra những công đức ức kiếp không mỏi mệt. Giống như chim bay trên hư không, không để dấu vết. Cũng vậy, người làm phước không để dấu vết, không ai thấy cả. Cho nên không tạo ra các nhân ác, dù nhỏ như mảy lông. Đó gọi là phát tâm Bồ-tát, có thể vượt qua khổ ách. Xem nhà cửa như lao ngục, vợ con, tài sản, của cải quý báu là gông cùm. Đắm đuối nơi ân ái chính là gánh nặng. Phật bảo chúng đệ tử: –Này thiện nam, thiện nữ! Các vị đã xuất gia là lìa được lao ngục, từ bỏ vợ con là cởi được gông cùm. Như vậy sao các ông không buông xả gánh nặng xuống? Các Sa-môn thưa: –Bạch Thế Tôn! Chúng con không có gánh nặng gì cả. Phật nói: –Tham đắm vào cái ta và người, tham sống lâu, đó là gánh nặng của các ông. Muốn cầu được cúng dường, chất chứa của riêng tư, đó là gánh nặng của các ông. Bạn đồng học thì không hòa thuận, để đi thân với cư só, đó là gánh nặng của các ông. Ỷ mình dòng họ cao quý mà cao ngạo, ngã mạn, đó là gánh nặng của các ông. Ỷ mình thông minh mà khinh khi người ít học, đó là gánh nặng của các ông. Phóng túng ngang ngược, không nghe nhận lời can gián của ai, đó là gánh nặng của các ông. Ăn uống không chừng mực, uống rượu, tham vị ngon, đó là gánh nặng của các ông. Không dùng pháp phục lại mặc xiêm y của thế gian, đó là gánh nặng của các ông. Bên ngoài làm bộ giống như theo chánh pháp mà bên trong luôn dối trá, đó là gánh nặng của các ông. Không kiềm chế sáu căn, pháp hủy giới pháp, đó là gánh nặng của các ông. Gom góp của cải nơi dân chúng để xây dựng chùa miếu, đó là gánh nặng của các ông. Cúng tế quỷ thần để cầu phước, đó là gánh nặng của các ông. Mượn pháp Phật để làm chú thuật trị bệnh, đó là gánh nặng của các ông. Ngược lại lời Phật dạy, phạm bốn giới trọng, đó là gánh nặng của các ông. Nghỉ ngơi không chừng mực, không trở lại Tăng phòng, đó là gánh nặng của các ông. Ai không trút bỏ những gánh nặng ấy xuống thì sau sẽ bị đọa vào địa ngục. Phật nói: –Có con voi trắng lớn, rất mạnh. Nó có thể dời núi, phá đất thành khe suối, nhổ cây, nghiền đá. Sức mạnh của voi không gì sánh bằng. Có người dùng sợi tóc buộc vào chân nó, con voi ấy tưởng là chân bị què nên không đám cử động. Phật nói: –Các ông nên hiểu rõ ví dụ này, tư duy cho thật kỹ. Nếu có Hiền giả sống ở gia đình mà hành đạo, nhàm chán tất cả sự vật nơi thế gian, biết rằng tất cả đều khổ, không, vô ngã nên muốn xuất gia. Vì đạo mà từ bỏ vợ con, nhà cửa, tìm minh sư để thọ trì pháp phục. Gần ngày ra đi, vợ con quyến luyến, than khóc, buồn thương ai oán. Thấy sự biệt ly đau khổ này, Hiền giả buồn bã liền thay đổi ý chí. Vì bị vợ con làm mê hoặc, nên không còn ý chí xuất gia. Giống như con voi bị sợi tóc quấn chân, không thể cử động được, do đó luôn đau khổ. Phật nói: –Tất cả sức mạnh không gì bằng tâm. Tâm là oan gia, nó luôn lừa gạt người. Tâm dẫn vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, trời, người, hình tướng ra sao đều do tâm làm ra. Nếu chiến thắng được tâm để hành đạo thì sức mạnh ấy rất lớn. Ta chiến đấu với tâm phải trải qua vô số kiếp, nay mới được thành Phật. Một mình đi trong ba cõi đều do tâm dẫn lối. Tất cả mùi thơm không gì bằng mùi thơm Chiên-đàn. Mùi thơm của nó giá trị như vàng ròng trong cõi Diêm-phù-đề, lại trị được bệnh. Nếu ai bị trúng độc, đau đầu, nóng sốt thì mài vụn Chiên-đàn thoa lên thân hoặc uống sẽ hết bệnh ngay. Tất cả chúng sinh đều mãn nguyện. Có người được cây Chiên-đàn rồi, bó làm củi để bán nhưng không ai mua. Khi còn tại thế, Đức Phật nói kinh pháp để người đắc đạo, ai cũng đều được độ thoát. Sau khi Ngài nhập Niết-bàn, trong thế gian còn lưu lại mười hai bộ kinh với số lượng nhiều vô kể nhưng không có ai xem. Cũng như cây Chiên-đàn bó lại thành củi đem bán mà không ai mua. Trong tất cả cây hôi thối không cây nào bằng cây Y-lan. Nó hôi thối ghê gớm, ai cũng ghét và sợ mùi của nó. Cây Y-lan và cây Chiên-đàn sinh ra có bốn loại: 1. Cây Chiên-đàn bị cây Y-lan bao quanh. 2. Cây Y-lan được cây Chiên-đàn bao quanh. 3. Cây Chiên-đàn mọc thành rừng. 4. Cây Y-lan bao quanh nhau. –Sao gọi là cây Chiên-đàn bị cây Y-lan bao quanh? Như trưởng giả có lòng tin chánh pháp, hành theo nẻo đạo nhưng vợ con ông ta không ai nghe theo. Ngược lại, họ phụng thờ tà kiến ngoại đạo, cúng tế yêu quỷ, không chịu nghe lời ông. Đây là cây Chiên-đàn bị cây Y-lan bao quanh. –Sao gọi là cây Y-lan được cây Chiên-đàn bao quanh? Như có trưởng giả tin theo tà đạo, cúng tế quỷ thần, nhưng vợ con lớn nhỏ trong nhà đều sùng tín Tam bảo, không bỏ Bát quan trai giới, bố thí, làm phước, không lìa sáu Độ. Dù trưởng giả quở trách nhưng họ vẫn cứ lén hành trì. Đây là cây Y-lan được cây Chiên-đàn bao quanh. –Sao gọi là cây Chiên-đàn mọc thành rừng? Như có trưởng giả, dòng họ trong nhà đều nghe theo lời của ông ta không dám trái lời. Họ sùng tín Tam bảo, tâm ý hợp nhau. Đây là cây Chiên-đàn mọc thành rừng. –Sao gọi là cây Y-lan bao quanh nhau? Như có gia đình trưởng giả tin theo tà kiến, làm mười điều ác, cúng tế yêu quỷ, đóng cửa sát sinh, rồi cùng nhau vui thích. Đây là cây Y-lan bao quanh nhau. Bốn hạng người này đều do tâm ý và hành động từ đời trước khác nhau cho nên không hòa hợp. Điều này trong Kinh luật nói rất rõ về chuyện tội phước. Nếu cúng tế, sát sinh cho quỷ ăn thì không theo thờ và không ăn những thức ăn ấy. Nếu vào trong núi, đầm thấy loài chim bay, thú chạy xúm ăn thì không được làm chúng kinh sợ rồi giật thức ăn của chúng. Nếu thấy đồ tể giết heo, dê, đặt lưới săn bắt hoặc giết tội nhân thì không được đứng nhìn mà phải tránh bỏ đi. Nếu tránh không được thì khởi lòng đại Bi, nguyện rằng: “Khi ta thành Phật, trong cõi nước của ta ăn uống tự nhiên, không có các điều ác này.” Ngày xưa, phu nhân của vua cấp cho mọi người hương thơm nhưng không cho vợ của tên đồ tể, do đó tạo nhân duyên oán đối nhau. Có khi tội duyên với phước, có khi phước duyên với tội, tội phước hợp nhau có hai quả. Tâm do tưởng sinh mà gây các hành rồi mọc rễ, đâm chồi, sau chịu quả báo. Người vợ của người đồ tể này bị tội duyên với phước, rồi phải nhiều đời đền trả nhau, luôn luôn chịu các khổ. Đó là do không cho hương thơm. Cha con, vợ chồng, anh em trong nhà, bạn bè, đầy tớ đều có năm nhân duyên: 1. Oan gia. 2. Mắc nợ. 3. Đền trả. 4. Nguyện cũ. 5. Thân thiết. –Sao gọi là oan gia? Như cha con, vợ chồng, anh em, dòng họ, bạn bè, đầy tớ sống gần gũi bên nhau nhưng giết hại nhau. Đó là oan gia. –Sao gọi là mắc nợ? Như cha mẹ gom góp tài sản, bị con tiêu dùng phung phí. Đó là mắc nợ. –Sao gọi là đền trả? Như con cái gom góp tài sản đem cung cấp cho cha mẹ. Đó là đền trả. –Sao gọi là nguyện cũ? Đời trước phát nguyện muốn làm cho gia đình có tâm thiện, hoan hỷ, cung kính hòa thuận nhau. Đó là nguyện cũ. –Sao gọi là thân thiết? Đời trước lấy đạo pháp làm nhân duyên, thờ kính lẫn nhau, sau này cùng nhau ở trong pháp sáng suốt, tinh tấn, ý chí hòa thuận. Đó là thân thiết. Phật nói: –Trước kia trưởng giả A-nan-bân-để có năm phước đức: 1. Giờ giấc. 2. Thân giáo. 3. Nói năng. 4. Thuần nhất. 5. Hòa thuận. –Sao gọi là giờ giấc? Nghóa là ngày đêm sáu thời không quên lễ kính. Đó là giờ giấc. –Sao gọi là thân giáo? Nghóa là khi trưởng giả làm gì thì lớn nhỏ trong nhà đều làm theo. Đây gọi là thân giáo. –Sao gọi là nói năng? Nghóa là trưởng giả muốn làm gì cũng được. Khi làm phước, ông nói trước với người trong nhà thì họ đều nghe theo. Đây gọi là nói năng. –Sao gọi là thuần nhất? Nghóa là mọi người ăn mặc bình đẳng, cho đến nô tỳ cũng vậy. Đây gọi là thuần nhất. –Sao gọi là hòa thuận? Nghóa là trên dưới thuận hợp, không chống trái nhau. Đây gọi là hòa thuận. Do năm phước này mà hàng nô tỳ, trâu ngựa, gia súc, cả loài côn trùng trong nhà ông sau khi chết đều được sinh lên cõi trời. Nếu mọi người trong nhà, người ngủ lại đêm, đi ngang nhà hoặc chim bay, thú chạy ngang nhà ông, khi chết cũng đều được sinh lên cõi trời. Nhà trưởng giả bên trong cửa đóng, giảng nói, tụng kinh pháp mà tiếng kinh ngân vang không dứt. Nếu ai nghe âm thanh ấy đều vui mừng. Vì tâm làm gốc cho nên được sinh lên cõi trời. Trưởng giả được nguyện xưa là do vô số kiếp đến nay nói năng thành tín, không khinh khi, dối gạt người, không tạo các điều ác, công đức thuần thục. Nhờ năng lực của đại thệ nguyện mà ông ta đạt được như thế. Trong cõi trời đất, khi gặp ba tai họa thì tất cả đều bị huỷ diệt, nhưng chỗ của ông trưởng giả thì không sao cả. Khi đại kiếp hết, cảnh giới của Phật gồm có trăm ức núi Tu-di, trăm ức núi Thiết-vi đều tiêu sạch nhưng cõi Phật thì không sao. Như vậy, mười phương các cõi Phật, hư không vô tận, chúng sinh vô cùng, cõi Phật vô số, hư không vô biên, chúng sinh vô biên, vô số đại thiên quốc độ, Như Lai đều ở khắp trong đó. Vì thọ mạng là ức kiếp nên không nói chúng sinh có thuỷ có chung. Trí của Như Lai thấu rõ tất cả chúng sinh không cùng tận. Nói Bát-nhã ba-la-mật là không cùng tận, chúng sinh cũng không cùng tận. Đức Phật lại nói có bốn loại sinh: 1. Thai sinh. 2. Noãn sinh. 3. Thấp sinh. 4. Hóa sinh. Đây là phân biệt để nêu bày thôi, nếu nói rõ thì nhận biết từng chủng loại. Chúng sinh trong năm đường nơi ba cõi, tất cả sở hữu đều do hóa sinh. Cho nên nói như huyễn, như hóa, như mộng, như ảnh, như tiếng vang, như bóng trăng trong nước không có tác giả. Trước tiên phải thấu đạt ý nghóa này thì mới có thể hành đạo được. Đạo cũng như hóa, tất cả đều vô nguyện, vô tạo, vô tác, vô thủy, vô chung. Nếu nói như vậy thì người mới học sẽ kinh hãi, nghi ngờ. Người kinh nghi có ba nhân duyên: 1. Có ít công đức. 2. Không gặp được minh sư. 3. Không siêng năng học kinh, hành động theo ý của mình, vướng vào cái ta, chạy theo sinh sắc, tham cầu danh tiếng, lợi dưỡng, dua nịnh, không thành tín. Những nhân duyên như vạây không thể nào gần gũi, để đi sâu vào pháp nhẫn. Tất cả hư hoại, không có sở hữu, là vô tướng, vô nguyện, đó là yếu chỉ của đạo. Trí tuệ của đạo lấy không làm trên hết. Học đạo lấy vô vi (Niết-bàn) làm tối thượng. Ba câu này không thể nói cho người mới học đạo biết, vì họ nghe “vô sở hữu” thì sẽ buông thả tâm ý, không tu giới hạnh, không lấy gì để bảo vệ. Với sáu đức thì lại phế bỏ, nói: Tất cả đều là không thì cần phải làm gì nữa. Miệng tuy nói “không” mà làm thì trông “có”. Vì rơi vào chốn điên đảo nên nói “không có công đức”. Bồ-tát không ứng với pháp Nhẫn vô sinh. Tri thức thiện muốn dạy bảo người mới học thì phải dạy từ từ. Nói những việc để họ tự gìn giữ, nói tội khổ của sinh tử, giải thích rõ ràng về năm đường để họ tin nơi tội phước. Mọi việc đều phải hiểu rõ mới có thể giảng nói về đạo được. Ngày xưa, vua Phần-hòa-đàn so sánh trí với Phật. Đức Phật bảo vua: –Lấy nước biển để mài mực, vót cây làm bút viết những gì ta nhận biết làm thành quyển kinh, dù nước biển khô cạn, cây cối chết sạch, nhưng kinh của ta thì không hết. Vì sao? Vì Phật có trí Tam đạt nên tất cả sự việc từ xưa đến nay đều thông rõ. Kinh Phật rất nhiều, sánh với hư không. Trí Phật rộng sâu, không có đầu mối. Những điều giảng nói trong kinh thì không thể nghó lường. Hoặc khi lặp đi lặp lại, khó hiểu rõ. Nếu tóm lược thì có sáu việc mới có thể nhận biết được cốt lõi của nó: 1. Chánh đạo. 2. Thiện quyền. 3. Chí giáo. 4. Dụ đạo. 5. Phước đức. 6. Cấm giới. –Sao gọi là Chánh đạo? Nghóa là nói không có đầu mối, không tạo không tác, tất cả đều rỗng lặng, không có sở hữu, không từ đâu sinh, không hành, không đắc, tự nhiên như vậy. Đó là Chánh đạo. –Sao gọi là Thiện quyền? Nghóa là biến hóa đủ cách, hoặc đi, hoặc ở tùy loại mà sinh vào để làm nhân duyên. Hợp thời thì nói ngay, không cần chương cú, mục đích là để hóa độ thôi. Đó là Thiện quyền. –Sao gọi là Chí giáo? Nghóa là chỉ rõ tội, phước, làm như vậy, được như vậy, tất cả đều do nghiệp, không ai đem đến cả, việc ấy rõ ràng. Đó là Chí giáo. –Sao gọi là Dụ đạo? Nghóa là khai mở cho người chưa học, được trời bảo họâ, có phước đức, được sống lâu, lợi ích, được kết quả trong đời hiện tại. Đó là Dụ đạo. –Sao gọi là Phước đức? Nghóa là tu sáu Độ rốt ráo, làm chủ trị sáu căn, giữ gìn các căn môn thì có thể được sinh lên cõi trời, làm Chuyển luân thánh vương, luôn luôn được vui sướng. Đó là Phước đức. –Sao gọi là Cấm giới? Nghóa là giữ gìn thân miệng, nhiếp tâm, thân không sát sinh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, không ở lâu trong ba đường ác. Đó là Cấm giới. Trước tiên hiểu rõ về ý này thì mới có thể hành theo đạo. Ví như kéo lưới, trước phải nắm lấy các giềng mối để cho các mắt lưới chính. Nếu không hiểu điều đó mà sửa các mắt lưới trước thì lưới sẽ bị rối ren, quấn lấy nhau không tháo ra được. Học cũng như vậy, nếu không thông đạt điều cốt yếu, không hiểu rõ những phương tiện giảng nói trong kinh thì không thể phân biệt được, cho nên chê bai nhau, luôn chấp ý riêng của mình rồi nổi sân giận, làm mất đi ý nghóa căn bản, bỏ điều đúng, theo điều sai. Người học cũng vậy, không sửa đổi mình cho chánh. Hiểu đúng thì ít mà sai lầm thì nhiều. Hạng người như vậy chỉ mang tiếng là học mà thôi. Đức Phật dạy bốn Đế: 1. Khổ đế. 2. Tập đế. 3. Diệt đế. 4. Đạo đế. Tất cả chúng sinh không biết rõ về khổ mà cứ cho là vui, ở trong tội khổ mà lại muốn được an vui. Làm giặc mà dối trá nói là người hiền để mê hoặc lòng người. Nói và hành động được kết quả ngay nơi đời hiện tại. Người học nghe như vậy đều thích thú lãnh hội. Lời nói đúng thì nghịch lỗ tai, không chịu chấp nhận, cho nên nói chân chánh còn mình thì ngược lại thì ai có thể nghe theo! Không biết Tập đế. Người biết Tập đế là biết về sự chết. Do biết về sự chết nên không dám làm. Không biết Diệt đế. Người biết Diệt đế là biết về sự chết. Do biết về sự chết nên không dám làm. Không biết Đạo đế. Người biết Đạo đế là nghe về đạo nên làm theo đạo. Tất cả mọi người trong thế gian tạo tội thì dễ mà làm phước thì khó. Học só làm phước thì dễ mà làm theo đạo thì khó. Người làm theo đạo thì dễ mà hiểu đạo lại khó. Người nói về đạo thì dễ mà hành trì đúng với đạo thì khó. Nên nói là rất khó, rất khó. Phật nói: –Kinh luật của Như Lai gồm có tám ức bốn ngàn vạn quyển để làm lương thực chữa trị các bệnh về thân, khẩu, ý cùng sinh, già, bệnh, chết cho tất cả chúng sinh. Tất cả kinh điển ấy đều dạy chúng sinh hai điều: 1. Ai tạo nghiệp thì phải nhận lấy quả báo. 2. Ai không tạo nghiệp thì không nhận lấy quả báo. Phật nói: –Tội khổ não trong năm đường nơi ba cõi đều do ta tạo ra, không phải trời giáng xuống, cũng chẳng phải quỷ thần, vua chúa, cha mẹ, Sa-môn hay Bà-la-môn, Phạm chí đem đến. Làm tội hay phước giống như bóng theo hình, như tiếng vang dội lại, không mất một mảy may nào cả. Phật nói: –Vua Diêm-la có lòng Từ bi rộng lớn. Những tội nhân bị đọa trong địa ngục, vua đều thấy tất cả. Vua hỏi: –Vì sao các ngươi ở trong đây? Các tội nhân trả lời: –Lúc chết chúng con không biết đi đâu. Tự nhiên các thứ xấu ác xua đuổi chúng con đến nơi đây. Xin vua hãy thương xót cứu vớt tội lỗi cho chúng con. Vua hỏi: –Các ngươi đã làm điều ác gì chăng? Tội nhân trả lời: –Khi còn sống chúng con bất hiếu với cha mẹ, sát sinh, trộm cướp, tà dâm, vọng ngữ, uống rượu, tranh giành, cầm dao bức bách cướp lấy của người lương thiện, phỉ báng bậc Thánh hiền. Chúng con đã gây ra các việc ác không thể nói hết. Lại tin theo thầy tà, cúng tế quỷ thần để cầu phước, giết nấu sinh vật để tế lễ thần linh. Ngày nay chúng con tự nhận tội, sám hối việc ác đã tạo ra. Vua hỏi: –Khi các ngươi còn sống, ta đã sai năm sứ giả đi xem xét tình hình trong thiên hạ để chỉ bày, nhưng vì sao các ngươi không vâng theo? Các tội nhân thưa: –Khi còn sống chúng con thật ra không thấy nghe gì cả. Vua nói: –Hãy nghe cho kỹ! Ta sẽ nói về năm sứ giả cho các ngươi: 1. Người mẹ trên thế gian mang thai mười tháng. Do đó làm cho thân bệnh hoạn. Đến ngày gần sinh sản thì cha mẹ lo sợ. Khi đã được sinh rồi giống như từ cõi chết được cứu sống lại, rồi cho bú mớm, ôm ấp, chỗ ráo cho con nằm mẹ giành chỗ ướt, luôn mong con mau được trưởng thành với trăm mối lo âu. Các ngươi thấy không? Các tội nhân trả lời: –Dạ thấy! Vua nói: –Đó là sứ giả thứ nhất của ta. 2. Người già trên thế gian sắc diện tiều tụy, tóc bạc, răng rụng, mắt mờ, tai điếc, thịt nhăn da đùn, đi lòm khòm. Các ngươi thấy không? Các tội nhân thưa: –Dạ thấy! Vua nói: –Đây là sứ giả thứ hai của ta. 3. Người bệnh ở thế gian nằm liệt giường liệt chiếu. Trăm đau đớn cùng nhau kéo đến. Thức ăn ngon cho là dở. Các ngươi có thấy không? Các tội nhân thưa: –Dạ thấy! Vua nói: –Đây là sứ giả thứ ba của ta. 4. Người chết trên thế gian như gió đao cắt từng mạch máu, nhổ mạng căn của họ. Thân thể đẹp đẽ như vậy mà chết chưa đến mười ngày thì thịt thối, máu chảy ra, sình trướng, rữa nát, hôi thối, không ai dám đụng đến. Khi sống thì yêu thương nhau, đến khi chết lại nhàm gớm nhau. Các ngươi thấy không? Các tội nhân thưa: –Dạ thấy! Vua nói: –Đây là sứ giả thứ tư của ta. 5. Kẻ phạm tội trên thế gian bị trói cột, tống vào lao ngục, bị gông cùm, đánh đập, chịu năm độc, dắt ra chợ để giết hoặc cắt tay, chặt chân, chúm đầu, thiêu đốt và dùng năm thứ hình phạt. Các ngươi thấy không? Các tội nhân thưa: –Dạ thấy! Vua nói: –Đây là sứ giả thứ năm của ta. Vua nói tiếp: –Các ngươi đã thấy rồi thì nên tự suy nghó. Thân của các ngươi cũng sinh, già, bệnh, chết. Nếu các ngươi phạm tội thì cũng như họ, hiện tại chịu tai ương. Sao các ngươi không hiếu thuận với cha mẹ, tôn kính các bậc trưởng lão, lấy Từ bi làm đầu? Những gì mình không thích thì đừng đem cho người. Ở đời có bậc Hiền minh thì phải theo học hỏi, quy y Tam bảo, đem tậm phụng thờ đạo, hạn chế, trừ bỏ các dục tình thì mới vượt qua các khổ. Những gì các ngươi đã làm thì bây giờ phải gánh lấy. Ta không thể gánh vác thay các ngươi được. Các tội nhân thưa: –Khi còn sống chúng con đã tạo những tội lỗi tày trời, không có thời gian để tu sửa việc ấy. Vua bảo người giữ ngục: –Ngươi hãy dẫn đám người này đi đến chỗ khổ sở nhất. Tên giữ ngục ấy đầu trâu mà tay người. Hai chân với móng trâu. Hắn rất mạnh, có thể bứng núi, cầm xoa chỉa ba bằng sắt rất cứng. Cái xoa ấy là để xúc cả trăm ngàn vạn tội nhân vào trong vạc lớn. Vạc ấy cao rộng khoảng bốn mươi dặm. Xoa kia giữ chặt không cho một tội nhân nào rớt xuống. Vì tội lỗi chưa hết nên các tội nhân ấy không chết. Từ miệng vạc đến đấy vạc một trăm năm. Từ đáy vạc mà đi lên cũng một trăm năm. Đó gọi là chỗ khổ sở nhất. Các tôïi nhân chịu tội lại càng khổ sở phải trải qua hết mười tám chốn như vậy. Trong đó nếu tội nhân nào trả hết tội mới ra khỏi. Vua hiện lên nói: –Các ngươi nay hãy đi đi. Nếu làm con thì phải luôn nghó đến bao ân, hiếu thuận với cha mẹ. Khi còn nhỏ phải bỏ ác làm lành, dốc lòng tin Tam bảo, luôn giữ giới, làm theo đạo, tu hành nhiều công đức, đừng có làm ác nữa mà phải vào lại nơi đây. Những kẻ ở địa ngục không kêu ai được đâu, phải khéo tự suy nghó. Nghe vậy, các tội nhân hoan hỷ, cùng hô: –Vạn tuế! Đức Phật dạy: –Có người nghe pháp nửa tin nửa ngờ, còn hồ nghi lưỡng lự, tiến thoái trở lại vào đường tà thì đều từ cõi địa ngục ra. Người thọ giáo với Diêm vương vì tín căn mỏng cho nên khiến họ như thế. Dù họ có làm công đức nhưng cuối cùng không khỏi tội xưa. Lòng Từ bi rộng lớn của Đức Phật không quên sót một ai. Dù kiếp số lâu xa nhưng sau này cũng sẽ được giải thoát. Lúc bấy giờ, Phật bảo A-nan: –Ông nên đọc tụng, thọ trì kinh này và hãy rộng nói cho người người để họ mau thông đạt và lưu truyền rộng cho đời sau. A-nan thưa: –Bạch Thế Tôn! Con xin thọ trì. Nay kinh này đặt tên là gì và thọ trì như thế nào? Phật bảo: –Kinh này đặt tên là Tịnh Trừ Tội Cái Ngu Lạc Phật Pháp. Một tên nữa là Thọ Vô Tư Nghì Quang Bồ-tát Đạo Quyết. Nếu thiện nam, thiện nữ nào phụng trì, trọn đời cúng dường Như Lai thì ở chỗ nào cũng được an lạc. Nếu ai dùng hoa trời như núi Tu-di, dùng các hương thơm nổi tiếng và dùng cờ phướn lụa gấm để cung kính cúng dường Phật. Cứ như thế tinh tấn không bê trễ cũng không bằng thiện nam, thiện nữ thọ trì kinh pháp này, phụng hành, đọc tụng, rộng nói giảng giải cho người khác tuân theo cùng hành trì chánh pháp. Ai làm như vậy thì công đức phước lợi nhiều hơn sự cúng dường kia gấp ức vạn lần. Phật bảo: –Này A-nan! Thường nên lấy pháp cúng dường Như Lai. Muốn phụng thờ Đại Thánh Vô Thượng thì nên thọ trì, đọc tụng kinh này để thuyết giảng cho người và biên chép thành quyển. Đức Phật giảng nói như vậy, Bồ-tát Vô Tư Nghị Quang, Hiền giả A-nan, tất cả chúng hội, A-tu-luân, dân chúng trong thế gian, nghe Phật giảng nói hoan hỷ, làm lễ lui ra. Khi phước trời đã hết Đọa làm trùng cổ bò Giống như ông điền chủ Thâu vào bồ đầy tràn. Nếu ăn mà không trồng Lúa hết sẽ bị đói Hưởng phước cũng như vậy Phước hết, đọa đường khổ. Thân người rất khó được Đủ căn lại khó hơn Trăm kiếp lại trăm kiếp Thì mới được làm người. Mất giới là mất thân Nhưng còn vướng nhân duyên Ví không biết nhàm chán Mà chịu khổ liên miên. Loài bò, bay, máy, cựa Đều cùng một thần thức Tội không cho mà lấy Vay mượn rồi không trả. Chống cự người dạy bảo Đánh đập xúc chạm người Qua lại trong súc sinh Khổ ấy khó nói hết. Phật nói khổ ngạ quỷ Không gì bằng quỷ đói Tìm ăn uống khắp nơi Nhưng không nghe cơm nước. Thân cao một do-tuần Lõa hình, tóc phủ thân Xan tham, ăn một mình Nên đọa thành dây đen. Giữa hai núi Thiết vi Sâu kín lại tối tăm Thần thức đọa trong đó Không thấy mặt trời, trăng. Qua lại không thấy nhau Chỉ nghe tiếng kêu gào Tất cả tiếng xấu ác Đau thương cho tình người. Đã được làm thân người Phải chịu các khổ não Đui, mù, điếc, ngọng, câm Què quặt đi không được. Dù có pháp giải thoát Nhưng không thể vào nghe Luôn luôn chịu khổ ấy Lưu chuyển như bánh xe. Làm người tuy đủ căn Đẹp đẽ, giỏi, thông minh Mà tà kiến điên đảo Không tin có kinh Phật. Hoặc làm kẻ đồ tể Ham rượu, đắm dục tình Khi chết gặp Diêm vương Tội rất là đáng sợ. Biên địa không đạo đức Cha con cùng giết hại Gia đình bán lẫn nhau Người thân làm tôi tớ. Nuôi để mà sai khiến Động tịnh thì đánh đập Tuy được làm thân người Nhưng không khác súc sinh. Thế gian chuyên làm thiện Mà không thầy và pháp Sẽ sinh Trường thọ thiên Không hình nhưng có thức. Tuổi thọ tuy kéo dài Lại gần cạnh ba đường Sau làm trùng, loài lươn Ăn uống bằng bùn, cát. Ở trong tám chỗ nạn Khó trở lại làm người Như rùa mù trong biển Muốn gặp bộng cây nổi. Sống chết đọa A-tỳ Mới tới lại đi rồi Gặp pháp đã diệt tận Sinh vào chỗ không Phật. Khi thuyền pháp sắp diệt Tư duy như cam lồ Tinh tấn và nỗ lực Tri thức thiện làm thầy. Tinh tấn là sức mạnh Tuệ sáng như mặt trời Cam lồ trừ các độc Cũng diệt trừ năm ấm. Nếu ai có lòng tin Sống trong giáo, giới Phật Liền có được đạo thông Để mở cửa cam lồ. Tiếng cam lồ vang ra Thông suốt cả pháp giới Đã mở cửa giải thoát Nhưng phải chánh ý hành. Nhất tâm nơi hiện tại Hành đạo chớ gián đoạn Ý người như cái cân Thường giữ cho cân bằng. Tư duy Chỉ và Quán Là ánh sáng thế gian Chắp tay và cúi đầu Ba cõi cùng lễ Phật. <卷 id="96838219">