<經 id="n724">KINH TỘI NGHIỆP BÁO ỨNG GIÁO HÓA ĐỊA NGỤC Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao. Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật cùng với chúng Đại Bồ-tát và quyến thuộc Thanh văn, các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tám bộ chúng Trời, Rồng, Quỷ, Thần… đều tụ hội đông đủ tại núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương xá. Khi ấy, Bồ-tát Tín Tướng bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Có bao nhiêu chủng loại địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nô tỳ sang hèn, giàu nghèo, cúi xin Thế Tôn diễn thuyết đầy đủ. Nếu chúng sinh nào được nghe Phật nói pháp thì cũng như con thơ được gặp mẹ, như bệnh được thuốc, như đói được ăn, như tối được đèn… Thế Tôn nói pháp, chúng sinh được lợi ích cũng lại như vậy. Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết thời đã đến, lại thấy Bồ-tát này ân cần khuyến thỉnh, liền từ tướng lông trắng giữa chặng mày phóng ra ánh sáng chiếu khắp thế giới. Lúc này, địa ngục dứt đau khổ, được bình an, tất cả chúng sinh thọ tội, tìm theo ánh sáng ấy đi đến chỗ Phật, nhiễu quanh bảy vòng rồi đảnh lễ Phật, khuyến thỉnh Đức Thế Tôn thuyết pháp giáo hóa để các chúng sinh này mong được giải thoát. Vì các chúng sinh, nên Bồ-tát Tín Tướng đứng dậy đến trước bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Nay có chúng sinh thọ tội, bị các ngục tốt chém chặt, cắt thân, từ đầu cho đến thân, gió thổi cho sống lại, rồi lại chém nữa. Chúng sinh này vì tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật bảo: –Vì đời trước không tin Tam bảo, bất hiếu với cha mẹ, chủ trương bằm chém, cắt xé chúng sinh, cho nên phải chịu tội như vậy. Thứ hai, lại có chúng sinh thân thể bệnh liệt, lông mày, râu ria đều rụng sạch, toàn thân như tan rã đem bỏ nơi vắng vẻ, không có người đến vì sợ làm nhiễm ô đến thân tộc, không ai muốn nhìn, đó là bệnh hủi. Chúng sinh này vì tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do đời trước không tin Tam bảo, bất hiếu với cha mẹ, phá hoại chùa tháp, lột da xẻo thịt người tu đạo, bắn chém bậc Hiền thánh, làm tổn hại Sư trưởng, thường hay phản phúc, vong ân bội nghóa, hay làm việc cẩu thả, dâm loạn không kể đến tôn ti, coi thường điều cấm kî, cho nên phải chịu tội như vậy. Thứ ba, lại có chúng sinh thân thể dài lớn, tai điếc, lẩn thẩn, không chân, thường đi bằng bụng, chỉ ăn bùn đất để sống, luôn chịu nỗi khổ của các loài trùng nhỏ rỉa rúc không thể kham nổi. Chúng sinh này vì tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do đời trước làm người không tin lời nói tốt của người, bất hiếu với cha mẹ, phản phúc khi quân. Hoặc làm vua chúa, đại thần trấn giữ bốn phương, cai quản châu quận, lãnh chức lệnh trưởng, đốc hộ, cậy vào oai lực đó để chiếm đoạt của dân, không có đạo lý, khiến dân chúng phải chịu khổ nhọc, than thở bỏ đi, nên nay phải chịu quả báo như vậy. Thứ tư, lại có chúng sinh hai mắt bị mù, không còn thấy gì, hễ đi thì đụng cây cối hoặc rơi vào hầm hố tử vong, sau lại thọ thân cũng bị như thế. Chúng sinh này vì tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do đời trước không tin tội phước, ngăn che ánh sáng của Phật, may mắt chim ưng, nuốt cột bịt đầu chúng sinh không cho thấy, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ năm, lại có chúng sinh câm ngọng, đớt, liệu, không nói năng được. Nếu muốn nói điều gì chỉ nháy mắt hoặc ra dấu, ú ớ không rõ. Chúng sinh này vì tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước phỉ báng Tam bảo, khinh hủy đạo Thánh, bàn luận việc tốt xấu của người, bươi móc sự hay dở của người, vu khống kẻ lương thiện, ganh ghét bậc Hiền nhân, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ sáu, lại có chúng sinh bụng to cổ nhỏ, không thể ăn được. Nếu thấy thức ăn thì thức ăn liền biến thành máu mủ. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước trộm cắp thức ăn của chúng Tăng, hoặc lén lút trộm ăn ở nơi đại hội, mở tiệc, của mình thì giữ bo bo, chỉ tham lấy của người khác, thường buông tâm ác, cho người uống thuốc độc, khiến hơi thở không thông, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ bảy, lại có chúng sinh thường bị ngục tốt thiêu đốt, lấy đinh sắt đóng vào đầu hay trăm đốt xương của người ấy đóng rồi lửa tự nhiên bốc cháy đốt thiêu thân thể, làm cho tiêu tan. Chúng sinh này tạo nghiệp gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước làm thầy châm cứu, châm vào thân thể người bệnh nhưng lại không hết bệnh, dối gạt người để lấy tiền, khiến họ tiền mất tật mang, phải chịu sự đau đớn, vì đã làm cho người khác khổ não nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ tám, lại có chúng sinh thường ở trong vại nước sôi bị ngưu đầu A-bạn dùng thiết xoa ba mũi đâm xuyên thân, bỏ vào vạc nước sôi nấu cho nát nhừ, xong thổi cho sống lại, rồi nấu tiếp. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước theo tà kiến điên đảo, cúng tế quỷ thần, mổ xẻ chúng sinh, trụng nước cạo lông rồi bỏ vào chảo nấu nướng không thể kể xiết, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ chín, lại có chúng sinh ở trong thành lửa bị thiêu đốt đau đớn, cả bốn cửa đều mở, nếu tội nhân muốn chạy ra thì cửa liền đóng lại, rảo chạy khắp nơi nhưng không thể thoát, rốt cuộc bị lửa đốt sạch. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước thiêu đốt núi đầm, thui nướng gà con, đốt phá làng xóm người khác, lột da xẻ thịt, nấu luộc chúng sinh, làm cho thân thể họ nát nhừ cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười, lại có chúng sinh thường ở trong núi Tuyết, một khi gió lạnh thổi đến khiến da thịt của người ấy bị nứt nẻ, lúc đó muốn chết cũng không được. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước làm giặc cướp, giữa đường trấn lột áo quần của người khác, làm cho người phải chết cóng vào những ngày mùa đông, hoặc xẻ lột da của trâu, dê khiến chúng phải chịu đau đớn không cùng, cho nên phải nhận quả báo như vậy. Thứ mười một, lại có chúng sinh luôn ở trên núi đao rừng kiếm, nếu bị rơi xuống thì tổn hại không cùng, tay chân bị cắt đứt. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước làm nghề mổ xẻ, nấu hại chúng sinh, mổ cắt, lột xé làm cho xương thịt ly tán, đầu chân văng vãi, rồi treo ở hàng thịt định giá để bán. Hoặc lại treo sống chúng sinh, khiến chúng phải chịu đau đớn không lường, cho nên phải thọ quả báo như vậy. Thứ mười hai, lại có chúng sinh năm căn không đủ là do tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước hay săn bắn các loài chim bay, thú chạy, hoặc cắt đầu, hoặc cắt chân, cắt cánh chim sống, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười ba, lại có chúng sinh tay chân co quắp, lưng gù, gối đơ, chân rút, tay cong, không thể đi được, không thể nắm cầm được. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước làm người bị sai khiến đặt chông trên đường đi, hoặc đặt bẩy, đào hầm, gài bắn để cho các chúng sinh sập bẩy, chịu bể đầu, gãy chân, tổn thương vô kể, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười bốn, lại có chúng sinh thường bị ngục tốt trói cùm thân thể, không sao thoát khỏi. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước giăng lưới bủa bắt chúng sinh nhốt vào lồng, khiến chúng phải chịu đói khát khốn khổ, hoặc làm đế chúa, lệnh trưởng tham vét tiền của, trói bắt oan uổng người lương thiện, khiến họ phải oán khổ kêu trời, như vậy mà vẫn không vừa lòng, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười lăm, lại có chúng sinh bị điên cuồng, ngu si không phân biệt được tốt xấu. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước ham uống rượu đến say mèm, phạm ba mươi sáu lỗi, sau phải chịu si cuồng, khác gì kẻ say, không biết tôn ti, không phân biệt được tốt xấu, trong tám vạn kiếp chịu đọa vào địa ngục Phí thỉ, bị ngục tốt chém chặt, đến lúc đó cầu chết không được, mong sống cũng không, cùng cực đêm ngày, nhiều kiếp chịu khổ, do vì tham rượu quá độ. Sau khi chịu tội rồi, được làm thân người nhưng phải bị lưng gù, đi đứng khập khiễng nhằm phải các vật luôn bị người oán ghét. Hễ đụng đến việc thì thường không vui. Do uống rượu quá độ nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười sáu, lại có chúng sinh thân hình thì nhỏ bé mà âm tàng rất lớn, kéo đi lê lết khiến thân phải chịu mệt mỏi, đi đứng nằm ngồi đều bị chướng ngại. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước mua bán đổi chác, tự khen vật mình, chê bai của cải người khác, lừa thăng tráo đấu, cân non đong thiếu, dối gạt người khác, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười bảy, lại có chúng sinh nam căn không đủ, làm thân huỳnh môn, không thể cưới vợ được. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước ưa nuôi nhiều voi, ngựa, trâu, dê, heo, chó, không thể kể hết, khiến chúng sinh này chịu nhiều đau khổ, không thể nhẫn nổi, hành hạ chúng cho đến chết, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười tám, lại có chúng sinh từ sinh ra cho đến già không có con cái, chỉ sống độc thân, chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước làm người bạo ác, không tin tội phước, đợi đến mùa chim chóc sinh sản lại bơi thuyền men theo bờ nước lấy trứng bắt chim non của các loài chim nông, chim hộc, chim vẹt, ngang, chim cắt đem về nấu ăn. Chim mẹ của chúng về thấy mất con, buồn rầu, kêu la thảm thiết, khóc đến chảy máu mắt, cho nên nay phải chịu quả báo như vậy. Thứ mười chín, lại có chúng sinh từ nhỏ đã phải chịu nỗi cô đơn lạnh lẽo, không có cha mẹ anh em, sống dưới cảnh tôi tớ, chịu sự sai sử đau khổ, đến khi lớn khôn thình lình lại bị tai ương, quan chức bắt trói tống vào ngục, không ai thăm nuôi, đói khát khốn khổ, không ai nhắc đến. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do từ đời trước thích bắt các loài chim điêu, thứu, cắt, két, gấu, beo, cọp, báo đem nhốt trói riêng rẽ, khiến cha mẹ anh em của chúng luôn buồn nhớ, kêu khóc bi thảm làm cảm động lòng người, không ai cho ăn uống, chăm sóc, khiến chúng phải đói khát, ốm đến lòi xương, cầu chết cũng không được, cho nên phải chịu quả báo như vậy. Thứ hai mươi, lại có chúng sinh tướng mạo xấu xí, thân thể đen thui, hai tai xanh lét, đầu và hai gò má đều nổi hột, mũi tịt sát mặt, hai mắt thì vàng đỏ, răng nước thưa thớt, hơi thở hôi thối lại ngắn, bụng thì phình to, xương lòi, chân cẳng lại cong queo, lưng gù tốn vải, ăn nhiều, bị mụt nhọt ung đầy máu mủ, thêm bệnh cổ trướng, càn tiêu, ghẻ chóc bướu nhọt mang đầy mình, đủ các thứ bệnh độc hại. Tuy muốn gần gũi mọi người nhưng không ai vừa lòng. Nếu người khác tạo tội, mình lại phải gánh chịu tai ương, vónh viễn không được gặp Phật, không nghe pháp, không biết tăng. Chúng sinh này tạo tội gì mà phải chịu như vậy? Phật đáp: –Do nơi đời trước làm con bất hiếu với cha mẹ, làm tôi không trung với vua, làm vua không kính người dưới, không giữ lòng tin với bạn bè, không kính trọng những người lớn tuổi ở làng xóm, không làm tròn chức tước với triều đình, chỉ biết làm càn, tâm ý điên đảo không có chừng mực, không tin Tam bảo, giết vua hại quan, bán nước, buôn dân, phá thành đập dinh, cướp hại, trộm cắp, tội ác tày trời, khen mình chê người, lấn hiếp người đơn lẻ, già nua, vu khống Hiền thánh, coi thường bậc tôn trưởng, lừa dối người thấp hèn, không có tội gì là không phạm. Đến khi quả báo ập đến thì phải gánh chịu như vậy. Nghe Đức Phật giảng nói như thế rồi, tất cả chúng sinh chịu tội kêu khóc đến động đất, lệ như mưa rơi, bạch Phật: –Cúi xin Thế Tôn sống lâu ở đời để thuyết pháp khiến cho đám chúng con mong được giải thoát. Phật bảo: –Nếu ta có sống lâu ở đời thì những người đức mỏng không trồng căn lành, họ sẽ cho rằng ta luôn trường tồn nên không nghó đến lý Vô thường. Này thiện nam! Ví như con thơ luôn ở bên mẹ thì không bao giờ chúng có ý tưởng khó gặp mẹ, nếu mẹ đi rồi, chúng mới sinh tâm khát ngưỡng nhớ mong. Khi mẹ trở về, liền sinh tâm vui vẻ. Này thiện nam! Nay ta cũng lại như vậy, biết rõ nghiệp duyên thiện, ác, chịu quả báo tốt xấu của chúng sinh nên mới vào Niết-bàn. Khi ấy, Đức Thế Tôn vì các chúng sinh thọ tội này nói kệ: Nước chảy mãi không đầy Lửa mạnh không cháy lâu Mặt trời mọc rồi lặn Trăng tròn rồi lại khuyết Người tôn vinh, giàu có Vô thường nhanh hơn nhiều Mỗi niệm siêng tinh tấn Đảnh lễ Bậc Vô Thượng. Đức Thế Tôn nói kệ này rồi, các chúng sinh thọ tội bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Tu việc thiện nào mới có thể lìa khỏi khổ ấy? Phật đáp: –Phải luôn hiếu thuận với cha mẹ, kính thờ bậc Sư trưởng, quy phụng Tam bảo, siêng làm việc Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ, Từ, Bi, Hỷ, Xả, phải xem kẻ oán người thân đều bình đẳng không hai, không khinh khi người cô thân hay già cả, cũng không khinh chê kẻ hạ tiện, phải nên bảo vệ họ như bảo vệ chính mình. Nếu các ngươi tu hành như vậy, thì đó chính là báo được ân Phật và vónh viễn lìa hết mọi khổ đau. Nói kinh này rồi, Bồ-tát Ma-ha-tát liền chứng được Chánh đẳng Chánh giác. Còn các hàng Thanh văn, Duyên giác thì đạt sáu thông, ba minh, đầy đủ tám giải thoát và đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Nếu có chúng sinh nào nghe được kinh này thì không còn bị đọa vào tám nạn, ba đường dữ, dứt khổ đau và được bình an. Lúc đó, Bồ-tát Tín Tướng bạch Phật: –Bạch Thế Tôn! Kinh này tên là gì và nên phụng trì như thế nào? Phật bảo Bồ-tát Tín Tướng: –Này thiện nam! Kinh này tên là Tội Nghiệp Báo Ưùng Giáo Hóa Địa Ngục kinh, các vị phải nên phụng trì và truyền bá rộng rãi, công đức đó thật là vô lượng. Nghe kinh này rồi, chư Thiên và cả đại chúng đều hoan hỷ đảnh lễ, năm vóc sát đất, tín nguyện phụng hành. <卷 id="96841745">