<經 id="n470">KINH VĂN-THÙ-SƯ-LỢI TUẦN HÀNH Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi, người nước Thiên Trúc. Tôi nghe như vầy: Một thời, Đức Phật cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ năm trăm vị, đang ở tại núi Kỳ-xà-quật, thuộc thành Vương xá. Buổi xế hôm ấy, Đức Thế Tôn khoan thai đi từ phòng ra ngoài, cả đại chúng vây quanh, cung kính cúng dường để mong được nghe thuyết pháp. Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi tuần tự đi đến khắp chỗ ở của năm trăm vị Tỳ-kheo, cuối cùng đến chỗ của Trưởng lão Xá-lợi-phất, thấy Trưởng lão Xá-lợi-phất ngồi một mình ngay thẳng, nhập thiền suy nghó. Văn-thù-sư-lợi hỏi: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức nhập thiền? Trưởng lão Xá-lợi-phất đáp: –Đúng vậy! Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức vì chưa vắng lặng muốn được sự vắng lặng mà nhập thiền? Vì trước đã vắng lặng, nay còn chỗ nào chưa vắng lặng mà phải nhập thiền? Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức dựa vào thiền nào? Là dựa vào quá khứ, là dựa vào vị lai, là dựa vào hiện tại, là dựa vào trong, ngoài mà nhập thiền? Lại nữa, này Đại đức Xá-lợi-phất! Là nương vào thân mà thiền hay nương vào tâm mà thiền? Trưởng lão Xá-lợi-phất đáp: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Đối với nghóa thiền này, tôi có tất cả sự thấy được hạnh pháp lạc, có tất cả tâm không bị tán loạn, như vậy là chánh niệm. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đại đức được pháp đó chăng? Pháp đó là pháp nào? Là thấy hạnh pháp lạc hay không thấy hạnh pháp lạc? Trưởng lão Xá-lợi-phất đáp: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Pháp ấy còn không được thì làm gì có pháp, hoặc thấy hạnh pháp lạc, hoặc không thấy hạnh pháp lạc? Lại nữa, thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Đức Như Lai nói pháp lìa dục cho các người là hàng Thanh văn, tôi nương vào pháp đó, như vậy là nhập thiền. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Thế nào là pháp lìa dục? Đức Như Lai nói cho các người là hàng Thanh văn? Đại đức Xá-lợi-phất nương vào pháp đó mà thực hành? Trưởng lão Xá-lợi-phất đáp: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Các Tỳ-kheo cũng như thế. Nương vào quá khứ mà thực hành, nương vào vị lai mà thực hành, nương vào hiện tại mà thực hành, cho đến nương vào tâm mà thực hành. Những pháp như vậy cần nên biết. Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Đức Như Lai vì các người là hàng Thanh văn mà nói pháp lìa dục này, tôi tùy theo đó mà thực hành. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu nói: Nương vào quá khứ mà thực hành, nương vào vị lai mà thực hành, nương vào hiện tại mà thực hành, cho đến nương vào tâm, lìa dục mà thực hành như vậy. Này Đại đức Xá-lợi-phất! Như các pháp đó, Như Lai quá khứ không, Như Lai vị lai không, Như Lai hiện tại cũng không, thì như vậy pháp này là không? Đại đức Xá-lợi-phất! Hôm nay vì sao lại nói: Nương vào quá khứ mà thực hành, nương vào vị lai mà thực hành, nương vào hiện tại mà thực hành? Có phải do không có pháp nên cũng không có chỗ nương? Lại nữa, này Đại đức Xá-lợi-phất! Như Lai quá khứ, Như Lai vị lai, Như Lai hiện tại, không có người khiến trụ, không có chỗ để có thể trụ. Nếu không trụ thì chỗ nương cũng không thể được. Lại nữa, này Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu có người nói: Như Lai ở hiện tại, vị lai hay quá khứ có nương, không nương, người nói như vậy tức là chê bai Như Lai. Vì sao? Vì chân như là không nhớ nghó, cũng không có đối tượng để nhớ nghó. Chân như là không thoái chuyển, chân như là không tướng. Lại nữa, này Đại đức Xá-lợi-phất! Chân như quá khứ là không thể thủ đắc, chân như vị lai là không thể thủ đắc, chân như hiện tại là không thể thủ đắc, cho đến chân như của tâm cũng không thể thủ đắc. Những điều như vậy cần nên biết. Lại nữa, này Đại đức Xá-lợi-phất! Lại không có pháp nào ở ngoài chân như mà có thể hiển bày nói nêu. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói: –Này Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Chư Phật Như Lai trụ nơi chân như rồi sau đấy thuyết giảng pháp. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Chân như chẳng có, thì làm sao Như Lai trụ vào chân như rồi mới giảng nói pháp? Đại đức Xá-lợi-phất! Pháp đó cũng không thì làm thế nào Như Lai trụ vào chân như rồi mới giảng nói pháp? Như Lai cũng không, vậy chỗ nào để Như Lai trụ nơi chân như rồi mới giảng nói pháp? Tất cả các pháp đều không thể thủ đắc. Chư Phật Như Lai cũng không thể thủ đắc. Lại pháp ấy có thể thủ đắc, pháp không thể thủ đắc, cả hai như vậy là không thể thủ đắc. Như Lai chẳng phải nói, cũng chẳng phải là không nói. Tại sao? Này Đại đức Xá-lợi-phất! Vì Như Lai là không nói, là không thể nói năng, đấy mới là Như Lai. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Có người nào thọ pháp như vậy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Nếu có người không bám lấy pháp giới hữu vi, không mong cầu Niết-bàn, thì người ấy mới có thể thọ trì được pháp này. Nếu có người không thủ đắc pháp quá khứ, không biết gì về pháp ấy, không thủ đắc pháp vị lai, hiện tại, cũng không biết về pháp ấy, người như vậy mới có thể thọ pháp này. Hoặc không thấy nhiễm, hoặc không thấy tịnh, hoặc không tâm chấp giữ, người như vậy mới thọ pháp này. Hoặc chẳng phải là hành của ngã, chẳng phải là hành không ngã, chẳng phải là hành lấy bỏ, người như vậy mới có thể thọ pháp này. Người như vậy mới có thể nhận biết nghóa của những lời giảng nói này. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Làm thế nào để nhận biết? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đây là không thể nói, cũng không có chỗ hỏi là làm thế nào để nhận biết? Trưởng lão Xá-lợi-phất nói: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Nói pháp quá sâu, người tin pháp này thì quá ít. Văn-thù-sư-lợi! Đây không phải là cảnh giới của A-la-hán, của người Hữu học, Vô học, huống chi là tất cả phàm phu còn ngu tối. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Đúng thế, đúng thế! Này Đại đức Xá-lợi-phất! Đúng không phải là cảnh giới của A-la-hán. Tại sao? Vì A-la-hán là không có các cảnh giới. A-la-hán là không trụ, không xứ, mới gọi là A-la-hán. Không thể thủ đắc mới gọi là A-la-hán. Do không nói, nêu mới gọi là A-la-hán. Tại sao? Vì vô vi, vô trụ mới gọi là A-la-hán. A-la-hán ấy ở cảnh giới nào? A-la-hán thì chẳng phải là danh, chẳng phải là sắc, còn phàm phu ngu tối thì phân biệt danh sắc. A-la-hán đối với danh sắc đó không phân biệt, nhận biết, mới gọi là A-la-hán. A-la-hán không phải là danh để phân biệt, không phải là sắc để phân biệt. Phàm phu ngu tối cũng không thể thủ đắc. Pháp của phàm phu cũng không thể thủ đắc. A-la-hán cũng không thể thủ đắc. Pháp của A-la hán cũng không thể thủ đắc. Nếu không thể thủ đắc thì không có phân biệt. Nếu không phân biệt thì không có đối tượng hành. Nếu không đối tượng hành thì không hý luận. Nếu không hý luận thì là vắng lặng. Như vậy là không hành cũng không hý luận. Người vắng lặng thì không giữ lấy có, cũng không giữ lấy không, chẳng phải là có, chẳng phải là không, như vậy là không nắm giữ. Nếu người không nắm giữ thì không có chỗ thủ đắc, người như vậy mới lìa tất cả thủ đắc, không tâm, lìa tâm mới trụ vào pháp Thanh văn. Nên biết như vậy. Khi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giảng nói pháp này rồi, có năm trăm Tỳ-kheo liền đứng dậy rời khỏi tòa, bỏ đi, còn nói: –Chúng tôi không muốn thấy thân của Đồng tử Văn-thù-sư-lợi, cũng không muốn nghe đến danh hiệu của Đồng tử Văn-thù-sư-lợi. Bất cứ nơi nào nếu có Văn-thù-sư-lợi ở đó thì chúng tôi cũng tránh xa. Vì sao? Vì Đồng tử Văn-thù-sư-lợi khác với phạm hạnh của chúng tôi, do vậy nên phải tránh xa. Khi ấy, Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát nói pháp này, lẽ nào ý của Bồ-tát không muốn cho các chúng sinh biết nghóa đó? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Đúng vậy, đúng vậy! Thưa Đại đức Xá-lợi-phất. Trưởng lão Xá-lợi-phất nói: –Như vậy thì tại sao lại để cho năm trăm Tỳ-kheo ấy rời khỏi tòa? Lại còn chê bai, hý luận, phỉ báng bỏ đi? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Các Tỳ-kheo đó đã nói như vầy: “Ta không muốn thấy thân của Đồng tử Văn-thù-sư-lợi, cũng không muốn nghe đến danh hiệu của Đồng tử Văn-thù-sư-lợi. Ở nơi nào hễ có Đồng tử Văn-thù-sư-lợi thì cũng nên tránh xa.” Nói như vậy là lành thay, lành thay! Này Đại đức Xá-lợi-phất! Các Tỳ-kheo ấy thật khéo nói lời như thế. Vì sao? Vì không có Đồng tử Văn-thù-sư-lợi nên không thể thủ đắc. Như vậy, những lý lẽ đó là không thể thủ đắc, không thể thấy, cũng không thể nghe. Dù ở nơi nào nếu có Đồng tử Văn-thù-sư-lợi thì cũng nên tránh xa. Người nói như thế thì nơi chốn Văn-thù-sư-lợi đến cũng không. Nếu nơi đó đã không thì không thể gần gũi, cũng không thể tránh xa. Khi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giảng nói pháp này rồi, năm trăm Tỳ-kheo nghe vậy liền quay trở lại, cùng hướng đến Đồng tử Văn-thù-sư-lợi và nói: –Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi giảng nói pháp như vậy, chúng tôi không thể hiểu. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo các ông là hàng Thanh văn, là đệ tử của Như Lai nên học như vậy. Này các thầy Tỳ-kheo! Pháp như vậy không phải do thức mà biết được, không phải do trí mà biết được. Vì sao? Vì pháp giới vốn là như vậy. Pháp giới như vậy là không nhớ nghó, không thoái chuyển. Như vậy, pháp ấy là không nhớ nghó, không thoái chuyển, không phải do thức biết được, không phải do trí biết được. Nếu không phải do thức biết được, không phải do trí biết được thì không phải là chỗ để nhớ nghó. Tỳ-kheo các ông là Thanh văn, đệ tử của Như Lai, nên học như vậy. Phật nói: “Người học như vậy thì được pháp tối thắng, là ruộng phước cho thế gian, nên nhận sự cúng dường.” Khi giảng nói pháp này, trong số năm trăm Tỳ-kheo kia, có đến bốn trăm Tỳ-kheo không còn nhận lấy các pháp, dứt sạch các ràng buộc của phiền não, tâm được giải thoát, một trăm Tỳ-kheo còn lại khởi lên tâm ác, tự thân sẽ bị đọa vào địa ngục lớn. Lúc này, Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Đồng tử Văn-thù-sư-lợi: –Thưa Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Bồ-tát nói pháp không cứu hộ được chúng sinh, mà còn làm mất một trăm Tỳ-kheo như vậy. Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Xá-lợi-phất: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Chớ nói như thế. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Một trăm Tỳ-kheo ấy đọa vào địa ngục lớn Khiếu Hoán, chịu một đời, rồi sinh lên chỗ đồng nghiệp ở cõi trời Đâu-suất-đà, được vậy là nhờ đã nghe pháp ấy. Này Xá-lợi-phất! Các Tỳ-kheo ấy nếu không được nghe pháp môn như vậy thì nhất định sẽ bị đọa vào địa ngục, mãn một kiếp mới sinh vào loài người. Nhờ nghe pháp môn này mà một kiếp ở địa ngục chỉ thọ có ít nghiệp. Này Xá-lợi-phất! Một trăm Tỳ-kheo ấy, sẽ ở trong hội ban đầu của Như Lai Di-lặc làm Thanh văn, chứng A-la-hán, diệt sạch các lậu. Như vậy, này Xá-lợi-phất! Nghe pháp môn này được phước hơn hẳn, chẳng phải tu bốn Thiền, không phải là bốn Vô lượng, không phải là bốn Tam-ma-bạt-đề vô sắc. Vì sao? Nếu người không được nghe pháp môn này thì không thể thoát khỏi sinh tử. Ý ta nói là người ấy không thể thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, buồn, khổ, lo sầu, áo não. Khi ấy, Trưởng lão Xá-lợi-phất nói với Đồng tử Văn-thù-sư-lợi: –Thật là hiếm có! Chỉ Đồng tử Văn-thù-sư-lợi mới có thể khéo giảng nói pháp môn này và thành tựu chúng sinh như vậy. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: –Này Đại đức Xá-lợi-phất! Chân như không giảm, chân như không tăng, pháp giới không giảm, pháp giới không tăng, giới các chúng sinh không giảm, không tăng. Vì sao? Vì trước chỉ nói: Không người có thể nương, không chỗ có thể nương, chứ chẳng phải là nương, hay không nương. Này Đại đức Xá-lợi-phất! Không nương như vậy mới là Bồ-đề. Bồ-đề như vậy tức là giải thoát. Nếu người nương vào pháp tức là còn phân biệt. Nếu biết chẳng phải làm, cũng chẳng phải chẳng làm, thì đó là Niết-bàn. Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo Trưởng lão Xá-lợi-phất: –Đúng vậy, đúng vậy! Này Xá-lợi-phất! Đúng như những lời Đồng tử Văn-thù-sư-lợi nói. Pháp giới không giảm, pháp giới không tăng, giới các chúng sinh không giảm, không tăng, không nhiễm, không tịnh. Đức Thế Tôn vì muốn làm rõ nghóa này nên lập lại bằng kệ: Nói các pháp quá khứ Hiện tại và vị lai Nói chẳng phải nghóa này Chẳng phải tướng, không tướng. Hoặc tướng, hoặc không tướng Đều không chỗ phân biệt Tùy phân biệt nên được Phân biệt nên không tướng. Nếu phân biệt hữu vi Thì phân biệt Niết-bàn Cả hai đều nghiệp ma Tuệ sáng biết như vậy. Ấm, nhập, giới, chỉ danh Không tướng không sinh, diệt Nếu quán sát phân biệt Ấy là không quan sát. Tuệ sáng không phân biệt Hành cảnh giới như không Nếu phân biệt tức giữ Không phân biệt không giữ. Giữ phân biệt, bị trói Không phân biệt, giải thoát Nếu biết pháp như vậy Người ấy gọi là trí. Người tường tận như vậy Là trí không phân biệt Có trí nên trí nói Cả hai đều là không. Nếu người biết như vậy Gọi người đó là trí Báu đầy ba ngàn cõi Đem bố thí được phước. Nếu người nghe pháp này Phước đó còn nhiều hơn Bố thí, trì giới, nhẫn Thần thông không chướng ngại. Nhiều kiếp thường tu hành Không bằng nghe kinh này Nếu biết pháp môn ấy Bậc Chánh Biến Tri nói. Người nghe kinh này rồi Tất cả đều Như Lai. Khi Như Lai giảng nói pháp môn này xong, có mười ngàn chúng sinh liền xa lìa trần cấu, ở trong các pháp được mắt pháp trong sạch. Có năm trăm Tỳ-kheo phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc đó, Đức Thế Tôn thọ ký cho năm trăm Tỳ-kheo này, Đức Thế Tôn nói: –Tỳ-kheo các ông đến kiếp Tinh dụ đều thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đồng cùng một hiệu: “Như Lai Pháp Hoa Chánh Biến Tri.” Đức Thế Tôn giảng nói rồi, Đồng tử Văn-thù-sư-lợi, Trưởng lão Xá-lợi-phất, các chúng Trời, Người, A-tu-la, Càn-thát-bà… đều vui vẻ thọ nhận, phụng hành. <卷 id="117512277">