<經 id="n356">KINH BẢO TÍCH TAM MUỘI VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT VẤN PHÁP THÂN Hán dịch: Đời Hậu Hán, Tam tạng An Thế Cao, người nước An Tức. Nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo lưu trú trong núi Kỳ-xà-quật thuộc nước La-duyệt-kỳ. Khi ấy, Bồ-tát Văn-thù đến chỗ Phật nhưng đứng bên ngoài cửa. Vì sao? Vì Đức Phật mới vào chánh định. Biết Văn-thù đến, Đức Phật liền mời vào. Văn-thù làm lễ Phật xong rồi đứng yên. Phật bảo Văn-thù hãy ngồi xuống. Văn-thù hỏi Phật: –Bạch Thế Tôn! Thế Tôn vào chánh định tên là gì vậy? Phật dạy: –Tên là Bảo tích. Văn-thù lại hỏi: –Bạch Thế Tôn! Sao gọi là Bảo tích? Phật dạy: –Ví như châu ma-ni, vốn tự nó sạch đẹp. Nếu lấy nước rửa sạch rồi đặt trên đất bằng phẳng thì nó càng trong suốt, không vật gì không thấy. Cũng vậy, khi Ta an trụ trong Tam-muội ấy, quan sát thấy chư Phật trong vô số cõi nước ở phương Đông cũng đang an trú trong Tam-muội đó. Tất cả chư Phật đều đang quan sát bản tế của các pháp, cho nên những ai an trụ trong Tam-muội ấy thì đều nhận ra nhau. Những gì vừa nói cũng giống như: Bảo châu ma-ni có bốn góc, ở góc này có thể thấy tất cả các góc kia, không thiếu sót. Cho nên nói thấy các bản tế. Phật hỏi Văn-thù: –Ông biết bản tế không? Văn-thù trả lời: –Biết. Phật hỏi: –Nó là gì? Văn-thù trả lời: –Những gì thuộc về ngã chính là “bản tế”, còn những gì mà con người ham thích thì chẳng phải bản tế. Cho nên trong bản tế không có pháp cũng không có thiện và ác. Các pháp cũng như vậy. Ai biết như vậy là biết một cách rõ ràng. Sự hiểu biết ấy không do đâu biết cả, mà do xưa truyền theo tập quán chứ đâu có tác giả. Cho nên không cùng tận. Phật hỏi Văn-thù: –Sao gọi là tuệ? Văn-thù thưa: –Vì có đặc tính phán xét nên gọi là tuệ. Phật hỏi: –Đạo là gì? Tại sao niệm cũng gọi là đạo? Văn-thù thưa: –Cái gọi là niệm, là đạo ấy chính là vô niệm, cho nên gọi đó là đạo. Phật hỏi Văn-thù: –Vì có niệm nên nói vô niệm, vậy thì lấy pháp gì để dạy cho người nam, người nữ mới học? Văn-thù thưa: –Không có gì đưa ra cũng không có gì để giải thích. Dâm nộ si không có gì cùng cực, nên lấy pháp ấy dạy cho tất cả.Vì không có căn duyên nên không thể đưa ra, và không thể giải thích. Như có người nói: Tôi có thể bỏ Niết-bàn và đoạn sinh tử, người ấy không thể dạy cho chúng sinh được. Nhưng có người nói đối với việc thế tục tôi không bỏ, Thánh đạo cũng không gần, thì người ấy mới có thể dạy cho hàng phàm phu được. Văn-thù thưa Phật: –Như Lai dùng pháp gì để dạy cho họ học? Phật dạy: –Những gì Ta dạy là không hoại sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có gì để hoại, cũng không dạy hoại dâm nộ si, khiến họ đạt được pháp không thể tính đếm. Ai dùng pháp ấy dạy thì đạt được Phật đạo. Ta nhờ đó mà tự chứng thành Phật. Phật dạy Văn-thù: –Vì pháp không chỗ hoại nên thành Phật. Vì pháp không chỗ đắc nên thành Phật. Phật là pháp thân. Các loại lực, vô sở úy đều nhập vào pháp thân. Vì sao? Vì chẳng phải một phần của thân mà làm pháp thân được. Pháp thân không đếm biết được. Vì sao? Vì bất kể là phàm phu hay không phàm phu, pháp thân không sai khác, không có phân tán. Thân ấy là pháp thân. Ví như nước của bốn sông lớn đều chảy về biển hợp thành một vị. Cũng vậy, cho dù có bao nhiêu cách nói về pháp cũng không ngoài pháp thân. Giống như tất cả hạt giống, mỗi loại mỗi loại đều có mỗi tên, nhưng khi nhóm lại một chỗ thì gọi là ngũ cốc. Dù đời hay đạo khi hợp thành một thì gọi đó là pháp thân. Vì sao không thể phân biệt rõ ràng được? Vì dù đó là đạo hay tục còn không thể nói được, huống chi là tục ấy vốn là pháp thân, cũng không thể hiểu thấu được. Pháp thân mà Ta nói ấy nếu có người cho đó có hai thì phải biết không còn người làm ác nữa. Văn-thù thưa: –Đối với pháp thân không thấy có sinh lên cõi trời, cũng không thấy có ở trong cõi người, cũng không thấy có ở trong ba cõi, cũng không phải ở trong cảnh giới Niết-bàn. Phật dạy Văn-thù: –Đúng như điều ông nói. Nếu có ai hỏi ông, Phật hiện nói có năm đường thì ông sẽ giải thích với họ thế nào? Văn-thù thưa: –Ví như có người nằm mộng thấy mình vào địa ngục, hoặc làm cầm thú, ngạ quỷ, hoặc lên cõi trời, hoặc trong cõi người. Nhưng khi thức dậy thì không còn thấy gì nữa. Pháp thân ấy không chỗ chấp trước. Vì sao? Vì chỉ có trí tuệ. Mà có trí tuệ thì rơi vào thế tục. Nếu La-hán, Phật-bích-chi trên đến Phật thì đều có cùng một pháp thân như nhau. Vì sao? Vì không thể phân biệt. Ví như bao nhiêu loại châu báu đều có thể phân biệt nhưng pháp thân thì không có phân biệt. Vì sao? Vì không thể phân biệt, nên không có sinh, không có diệt. Cho nên pháp thân không từ đâu sinh, cũng không do đâu diệt. Vì sao? Vì bản chất của nó vốn thường trụ, không cấu bẩn, cũng không thanh tịnh. Vì sao? Vì không có thua kém, không có vượt trội, nên cũng không có gì hơn. Đức Phật thì không việc gì mà không biết. Đức Phật lại hỏi Văn-thù: –Ông biết pháp thân không? Văn-thù thưa: –Nếu đạt được thì có thể biết. Phật hỏi Văn-thù: –Ông biết thế gian ở đâu không? Văn-thù trả lời: –Thưa biết. Phật hỏi: –Ở đâu? Văn-thù thưa: –Chỗ mà người sinh sống một đời gọi là thế gian. Cái gọi là thế gian ấy chỉ có danh xưng và giống như đầu lông vậy. Đồng thời nó không có một chủ thể cố định. Vì thế gian ấy cũng không lìa pháp thân. Phật lại hỏi: –Cõi ấy hiện ở đâu? Văn-thù thưa: –Ví như mây không ở một chỗ nào cả, không yếu cũng không mạnh, đó là tướng của thế gian. Phật hỏi Văn-thù: –Ông cho rằng Ta có bị diệt không? Văn-thù thưa: –Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì pháp thân không có sinh. Nếu có sinh thì có diệt. Vì pháp thân không sinh, nên biết Phật không diệt. Phật hỏi Văn-thù: –Nếu nghe vô số chư Phật trong quá khứ đều vào Niết-bàn thì ông tin không? Văn-thù thưa: –Dạ tin. Phật hỏi: –Ông tin thế nào? Văn-thù thưa: –Phật ấy đều do Phật biến hóa ra, để hóa hiện Bát-niết-bàn nên con tin. Phật hỏi Văn-thù: –Ông thấy có người nào khi sắp chết biết được đường hướng để đi không? Văn-thù thưa: –Người còn không thể biết, làm sao biết hướng đi. Phật hỏi Văn-thù: –Có hội họp để nói pháp không? Văn-thù thưa: –Ai thích nghe? Phật dạy: –Ai muốn nghe thì nhóm họp. Văn-thù thưa: –Con nên lấy pháp gì để nói? Phật dạy: –Nói về pháp thân. Văn-thù thưa: –Con không thấy pháp thân thì nói thế nào? Phật dạy Văn-thù: –Nếu ông nói pháp thân không thể thấy thì trong chúng hội ấy người chưa hiểu mà khi nghe nói như vậy họ sẽ sợ sệt. Văn-thù thưa: –Nếu sợ sệt thì bản tế của họ vốn đã sợ sệt. Phật nói: –Bản tế không sợ sệt thì người chưa hiểu cũng không sợ sệt. Văn-thù thưa: –Các pháp không có sợ sệt giống như Kim cang. Phật hỏi: –Sao gọi là Kim cang? Văn-thù thưa: –Không thể nào cắt chặt nó được nên gọi là Kim cang. Phật chẳng thể nghó bàn, các pháp cũng chẳng thể nghó bàn. Do đó gọi là Kim cang. Phật lại hỏi: –Sao gọi là Kim cang? Văn-thù thưa: –Vì nó vượt hơn các pháp. Vì Phật có sự soi xét phân biệt mỗi pháp, đó là Kim cang Phật. Phật hỏi: –Lấy gì làm Kim cang? Văn-thù thưa: –Dù có hay không có cũng đều như nhau, cho nên không có gọi là “không”, mà không tức là Phật, đó gọi là Kim cang. Tất cả các pháp đều là Phật. Nương vào chỗ không có gì để nương cho nên gọi là Kim cang. Phật hỏi: –Duyên vào đâu mà nói đó là Kim cang? Văn-thù thưa: –Không chỗ nương dựa nên không có chỗ gần gũi. Cho nên gọi là Kim cang. Phật dạy Văn-thù: –Nay Ta muốn gọi A-nan đến. Vì sao? Vì muốn A-nan ghi nhận tất cả các pháp này. Văn-thù thưa: –Pháp mà Thế Tôn nói không thể thấy, không thể đắc, nếu A-nan đến sẽ nhận pháp gì? Phật dạy: –Lành thay! Lành thay! Đúng như lời Văn-thù nói. Phật nói: –Ta thấy chư Phật trong vô số cõi ở phương Đông đều nói như vậy. Khi ấy, Xá-lợi-phất rời khỏi trú xứ của mình đến chỗ Văn-thù, gặp Văn-thù nhưng Xá-lợi-phất không ở lại đó mà bèn đến chỗ Phật và đứng ngoài cửa. Phật nói với Văn-thù: –Ông hãy mời Xá-lợi-phất vào đây. Văn-thù thưa Phật: –Pháp thân bản tế có chính giữa, có ngoài, có trong, vậy phải vào từ chỗ nào? Phật dạy: –Không thể vào. Văn-thù thưa: –Bản tế không tế. Nhập diệt và không nhập diệt. Văn-thù nói tiếp: –Xá-lợi-phất cũng ở trong pháp thân, nên không từ đâu đến và sẽ đi vào đâu. Phật dạy Văn-thù: –Nếu nói là khổ thì Xá-lợi-phất không khổ. Ví như các Thanh văn ở bên trong cùng nói chuyện với Ta. Nhưng nếu đứng bên ngoài không vào đúng giờ thì không bị phiền. Văn-thù thưa: –Mặc dù đứng bên ngoài mà không khổ cũng không phiền. Phật hỏi: –Vì sao không khổ không phiền? Văn-thù thưa: –Nếu Phật nói pháp cho hàng Thanh văn, thì con cũng như vậy không khổ, không phiền. Vì sao? Vì chư Phật đã lìa pháp thân. Văn-thù thưa: –Ví như trải qua Hằng hà sa kiếp không gặp Phật thì cũng không được vào, không khổ cũng không phiền. Vì sao? Vì giáo pháp mà Phật nói không tăng không giảm. Vì sao? Vì các pháp không có chủ tể. Do đó không khổ không phiền. Các pháp đều có tên riêng. Phật nhân vào đó mà giáo hóa mọi người. Vì sao? Vì Phật đem những điều đó để chỉ dạy. Từ xa Phật hỏi Xá-lợi-phất: –Ông có nghe những gì Văn-thù nói không? Xá-lợi-phất thưa: –Xin Phật đừng lo lắng. Con muốn được đến đó để nghe Văn-thù nói pháp. Văn-thù thưa Phật: –Có thể cho Xá-lợi-phất vào. Phật gọi Xá-lợi-phất vào. Sau khi lễ Phật xong, Xá-lợi-phất ngồi qua một bên. Văn-thù hỏi Xá-lợi-phất: –Trong pháp ấy tôn quý ở chỗ nào mà ông muốn vào nghe nói về pháp tôn quý? Xá-lợi-phất nói: –Vì ưa thích muốn nghe nên vào. Văn-thù hỏi: –Đúng như điều ông nói. Pháp ấy rất tôn quý, rất sâu xa, rất sâu xa. Vì sao? Vì pháp ấy không có hai tâm. Vì sao? Vì chẳng có chỗ để biết, nó không ở trong đó. Các hàng La-hán, Phật-bích-chi, ngay cả người cầu Phật đạo cũng như vậy. Vì sao? Vì không thể đắc, cũng không do sự hy vọng mà được, cho nên không ở trong đó. Vì nó vốn thanh tịnh nên các pháp cũng thanh tịnh. Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù: –Vì sao La-hán không ở trong đó? Văn-thù nói: –Vì khi dứt hết dâm nộ thì đó là La-hán. Đã không chỗ trụ không chỗ thành thì ở trong chỗ nào? Xá-lợi-phất nói: –Vì đến chỗ người mà không thấy, nên đến đứng bên ngoài cửa để nghe pháp thâm diệu sâu xa. Xá-lợi-phất nói tiếp: –Tôi từ Phật, từ người nghe pháp ấy, thật không cùng tột. Khi ấy Văn-thù nói: – Đối với pháp không cùng tột, đúng như điều Xá-lợi-phất nói. Văn-thù hỏi: –Pháp thân có thể hàm chứa được pháp không? Vì sao mà không có biên vực? Xá-lợi-phất nói: –Pháp thân không có chỗ để dung nạp. Văn-thù hỏi: –Bản tế của nó có dung nạp được không? Xá-lợi-phất nói: –Không dung nạp được. Văn-thù nói với Xá-lợi-phất: –Vì bản tế không dung nạp nên cũng không có biên vực. Văn-thù lại nói: –Nếu bản tế dung nạp được thì có biên vực. Xá-lợi-phất nói: –Ngoài những gì Phật nói, còn những gì tôi nói không có sánh bằng. Văn-thù hỏi: –Ông có thể tự tin pháp ấy để đạt đến Niết-bàn hoặc tự tin mà không đến Niết-bàn? Xá-lợi-phất nói: –Từ xưa đã có Niết-bàn. Văn-thù hỏi: –Ông có tin Niết-bàn vónh viễn không thay đổi không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Pháp thân không sinh cũng không diệt. Cho nên biết, không có gì biến đổi. Văn-thù hỏi: –Ông có tin La-hán sạch tận không còn phiền não mà không biết không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Dựa vào đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Biết nó không do đâu mà có nên không biết. Không biết thì không dừng lại. Cho nên gọi là tận. Văn-thù nói: –Đúng như vậy, La-hán hoàn toàn đoạn hết phiền não. Vì sao? Xá-lợi-phất nói: –Vì đối với tất cả các pháp đều xả bỏ nên không có gì để chứng đắc. Văn-thù hỏi: –Ông tin có hằng sa Phật nhập diệt mà chưa từng nhập diệt không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Dựa vào đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Vì pháp thân không sinh, không diệt nên cũng không có nhập diệt. Văn-thù hỏi: –Ông tin tất cả chư Phật chỉ là một không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Vì pháp thân chỉ có một không có hai. Văn-thù hỏi: –Ông tin tất cả quốc độ nhưng chỉ là một không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Vì có tận. Văn-thù hỏi: –Ông tin tất cả pháp vô sở thức, vô sở thoát, vô sở niệm, không có chứng hay không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Không tự nhiên mà biết tự nhiên. Cho nên vô sở thức, vô sở thoát, vô sở niệm, không có chứng, cũng không sinh không diệt, không thấy cũng không có gì để thấy, bản tế không có xứ sở. Cho nên tin như vậy. Văn-thù hỏi: –Ông tin pháp thân trụ vào không chỗ sinh, không chỗ diệt, không chỗ dừng nghỉ hay không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin pháp ấy cũng chẳng phải là pháp? Xá-lợi-phất đáp: –Vì pháp ấy có chỗ sinh, có chỗ diệt, có chỗ dừng lại nên tôi tin như vậy. Văn-thù hỏi: –Ông tin pháp thân không thể nghó bàn từ nơi hiểu biết sinh ra hay không? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Vì pháp thân không có dâm loạn tức giận và si mê, nên tin nó không xứ sở. Văn-thù hỏi: –Ông tin các pháp nương vào Phật, nương vào không chỗ dựa? Xá-lợi-phất đáp: –Tin. Văn-thù hỏi: –Do đâu mà tin? Xá-lợi-phất đáp: –Không chỗ dừng nghỉ. Không có chỗ dừng nghó nghóa là không thấy chỗ dựa. Văn-thù nói: –Lành thay! Lành thay! Này Xá-lợi-phất! Đúng như cảnh giới của ông, tôi đều hỏi hết, ông đã trả lời theo sự hiểu biết của mình. Xá-lợi-phất nói với Văn-thù: –Những gì tôi nghe hôm nay nhớ mãi không quên. Phật dạy Xá-lợi-phất: –Nếu có người nam, người nữ nghe pháp này mà thọ trì đọc tụng, giảng nói cho hết thảy mọi người cùng nghe, giải thích nghóa ấy cho họ thì sẽ mau đạt được những gì mình ước muốn. Văn-thù nói với Xá-lợi-phất: –Đúng như những gì Phật đã nói. Xá-lợi-phất bạch Phật: –Có phải vì đời trước cúng dường Đức Phật cho nên đời sau được như vậy. Bạch Thế Tôn! Pháp ấy tên là gì? Và phải hành trì như thế nào? Phật dạy: –Pháp ấy tên là “Hỏi Về Pháp Thân Bảo Tích”, phải hành trì bản tế, hành trì không có xứ sở. Hành trì thì phải hành trì tất cả pháp, không bị trở ngại. Nếu ai nghe như vậy thì nhờ pháp ấy chắc chắn được chứng đắc. Người nghe ấy chỉ dạy lại cho người khác, lần lượt chỉ dẫn nhau. Vì sao? Vì văn ít mà hiểu nhiều. Phật giảng nói kinh ấy xong, Xá-lợi-phất, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, hàng trời, người, dân chúng, long, thần thảy đều hoan hỷ, làm lễ rồi lui ra.