<經 id="n344">KINH THÁI TỬ HÒA HƯU Hán dịch: Tăng Hựu sao lục ghi thất dịch, phụ vào dịch <詞>Phẩm đời Đông Tấn. Bấy giờ, Đức Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật thuộc thành La-duyệt-kỳ, cùng với một vạn Bồ-tát, một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo và vô số các Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, các Thiên vương, Phạm, người, quỷ, thần, rồng cùng tụ hội. Thái tử con vua A-xà-thế tên là Hòa Hưu và năm trăm người con của các trưởng giả, đều cầm lọng hoa vàng từ thành La-duyệt-kỳ đi đến chỗ Phật, dâng lọng hoa vàng lên Phật rồi, đồng chắp tay, đầu mặt sát đất đảnh lễ xong, lui ra đứng trước Phật. Thái tử chắp tay bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát được thân tướng đẹp đẽ? Vì nhân duyên gì Bồ-tát không vào thai người nữ mà từ trong hoa sen hóa sinh? Vì nhân duyên gì biết được nguyện đời trước? Xin Phật xót thương vì chúng con mà phân biệt giảng nói. Phật bảo thái tử: –Bồ-tát nhẫn nhục không sân giận, đời sau sinh làm người được thân tướng đẹp đẽ. Bồ-tát không dâm dật, không cùng với người nữ giao phối, đời sau làm người không vào trong thai người nữ mà ở trong hoa sen hóa sinh. Bồ-tát vui vẻ đem Kinh, Luật dạy cho người, đời sau sinh ra liền tự biết được các sự việc của vô số đời trước. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát có ba mươi hai tướng tốt? Vì nhân duyên gì có tám mươi vẻ đẹp? Vì nhân duyên gì khi được thấy hình tướng Phật người dân nhìn không chán? Phật bảo thái tử: –Khi còn là Bồ-tát, thường hay bố thí cho người tùy theo chỗ mong cầu của họ, người muốn được quần áo, thức ăn uống, vàng bạc châu báu, xe, ngựa, người giúp việc, vợ con, da, thịt, đầu, mắt đều đem thí cho người, không có luyến tiếc, do đó nên được ba mươi hai tướng tốt. Bồ-tát có tâm từ thương xót muôn dân, cả đến các loài côn trùng, xem như con mình, đều muốn độ thoát, vì thế nên được tám mươi vẻ đẹp. Bồ-tát gặp oan gia như gặp cha mẹ, tâm đều bình đẳng không phân biệt. Vì thế nên khi thấy thân tướng Phật mọi người đều nhìn không chán. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát có trí tuệ biết được kinh sâu xa? Vì nhân duyên gì biết sự an ổn của Tam-muội? Vì nhân duyên gì những lời Phật đã nói đều làm cho người nghe sinh hoan hỷ? Phật bảo thái tử: –Bồ-tát thích biên chép, đọc tụng, học tập, nói giảng kinh điển cho nên có trí tuệ biết được kinh sâu xa. Bồ-tát tâm thường ưa thích định ý an tâm nên được sự an ổn của Tam-muội. Những lời Bồ-tát nói đều chí thành không dối trá, lừa gạt, do đó lời nói ra thành thật, người nghe đều hoan hỷ. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì mà hành động của thân, lời nói của miệng và ý nghó nơi tâm của Bồ-tát đều trong sạch? Vì nhân duyên gì ma không thể tìm được chỗ sơ hở của các vị? Vì nhân duyên gì mọi người không dám phỉ báng kinh Phật, không dám phỉ báng Tỳ-kheo Tăng? Phật bảo thái tử: –Bồ-tát hầu kính Phật, ưa thích học kinh, vui thích kính Tỳ-kheo Tăng nên được trong sạch. Bồ-tát ngày đêm hành trì tinh tấn, nên ma không thể tìm được chỗ sơ hở. Lời nói của Bồ-tát luôn chí thành nên mọi người không dám phỉ báng Phật, không dám phỉ báng kinh pháp, không dám phỉ báng Tỳ-kheo Tăng Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát được mạng sống dài lâu? Vì nhân duyên gì được không bệnh tật? Vì nhân duyên gì trong gia đình đều hòa thuận, tôn trọng nhau, không khiến người khác chia rẽ? Phật bảo thái tử: –Bồ-tát vì có tâm từ không sát sinh, vì thế nên đời sau được mạng sống dài lâu. Bồ-tát không cầm dao, đồ binh khí làm người kinh sợ, cho nên đời sau sinh ra được không bệnh tật. Bồ-tát thấy người có ý gây gổ bèn khuyên giải làm cho hòa hợp, cho nên đời sau sinh ra không khiến người khác bị chia rẽ. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát dễ được tài sản giàu có không khó khăn? Vì nhân duyên gì không mất của cải, không bị người trộm cắp? Vì nhân duyên gì được sang trọng? Phật bảo thái tử: –Bồ-tát luôn có trí tuệ không ngu si, do đó nên được giàu có không khó khăn. Bồ-tát bố thí cho người khác tâm không luyến tiếc nên không bị mất tài sản. Thấy người giàu vui được tiền của không sinh ganh ghét, do đó nên được tôn trọng. Bồ-tát không giết hại, không tự cao do đó nên được sang quý. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát được thiên nhãn thấy thấu suốt? Vì nhân duyên gì Bồ-tát được thiên nhó nghe thông suốt? Vì nhân duyên gì biết được các nẻo sinh tử thiện ác của thế gian? Phật bảo thái tử: –Bồ-tát thích đốt đèn sáng trong chùa Phật, do đó nên được thiên nhãn thấy thấu suốt. Bồ-tát thích tấu nhạc cúng dường trong chùa Phật nên được thiên nhó nghe thông suốt. Bồ-tát nhập vào thiền định được Tam-muội nên biết được các nẻo sinh tử thiện ác của thế gian. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát đạt bốn thần túc phi hành? Vì nhân duyên gì Bồ-tát nhớ được việc của vô số kiếp trước? Vì nhân duyên gì Bồ-tát thành Phật liền chấm dứt sinh tử? Phật bảo thái tử: –Vì Bồ-tát đem bố thí cho người những thứ như: xe, ngựa, voi, lừa, la, lạc đà, giày dép, do đó nên được bốn thần túc phi hành. Bồ-tát nghó nhớ về Tam-muội thần túc học được của chư Phật đem dạy cho mọi người, do thế nên nhớ được việc của vô số kiếp trước. Bồ-tát thành tựu được ý không chấp trước của Phật cho nên được vào Niết-bàn chấm dứt sinh tử. Thái tử bạch Phật: –Vì nhân duyên gì Bồ-tát được dự vào việc làm trang nghiêm nước Phật? Vì nhân duyên gì Bồ-tát đoán biết được đời sau sẽ làm Tỳ-kheo Tăng? Vì nhân duyên gì có được ánh sáng chiếu khắp mười phương? Phật bảo thái tử: –Vì Bồ-tát thường có nhiều thệ nguyện, do vậy nên được dự vào việc làm trang nghiêm nước Phật. Bồ-tát ưa thích bố thí và dạy bảo mọi người thực hành sáu Ba-la-mật, nên đời sau được làm Tỳ-kheo Tăng. Bồ-tát dùng vật bảy báu làm lọng che Phật và chùa thờ Phật, do vậy nên có được ánh sáng chiếu khắp mười phương. Phật phân biệt thuyết giảng các việc này cho thái tử. Thái tử và năm trăm người con của các trưởng giả đều vui mừng. Thái tử bạch Phật: –Đời sau, những điều Phật dạy bảo, con đều vâng giữ, thực hành đầy đủ. Phật cười lớn, từ trong miệng phóng ra ánh sáng năm sắc chiếu khắp mười phương. Bồ-tát Di-lặc liền bước ra trước chỗ Đức Phật, quì gối chắp tay thưa: –Phật không bao giờ cười mà không có nguyên do. Vì nhân duyên gì miệng lại phóng ra ánh sáng năm sắc chiếu khắp mười phương? Phật bảo Bồ-tát Di-lặc: –Ông hãy nghe Ta nói! Thái tử Hòa Hưu cùng năm trăm người con của các trưởng giả, đời trước đã cúng dường trăm ức Phật, đều hành trì đạo Bồ-tát. Đến đời trước thời Đức Phật Đề-hòa-kiệt-la, năm trăm người này đều là đệ tử được Ta dạy bảo. Đời sau đều được chung một hội, cúng dường sáu ức Phật. Sau đó một kiếp, kiếp tên là Ma-ha Ba-la-mật, năm trăm người này thứ lớp đều cùng thành Phật đồng một hiệu là Nhã-na-cảnh-đầu-đà-na. Cõi nước ấy giống như cõi của Đức Phật A-di-đà. Bồ-tát bay đi qua lại trong cõi nước, biến hóa đều như các Bồ-tát trong quốc độ của Phật A-di-đà. Người nghe kinh này, đều được sinh về cõi nước Phật A-di-đà, làm Bồ-tát như Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát Tam-ma-đề-bát, đời sau sẽ thành Phật như Phật A-di-đà. Phật giảng nói kinh này rồi, thái tử Hòa Hưu cùng năm trăm người con của các trưởng giả, các Bồ-tát, Tỳ-kheo Tăng, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, chư Thiên, Phạm, người, quỷ, thần, rồng đều rất vui mừng, làm lễ trước Phật rồi lui ra.