<經 id="n265">KINH TÁT-ĐÀM PHÂN-ĐÀ-LỢI Hán dịch: Mất tên người dịch, trích lục trong bản đời Tây Tấn. Nghe như vầy: Bấy giờ, Đức Phật ngự trên núi Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương xá, cùng với chúng đại Tỳ-kheo hội đủ bốn muôn hai ngàn vị. Các bậc Bồ-tát như Phổ Hiền, Văn-thù-sư-lợi… có tám muôn bốn ngàn vị. Các bậc Bồ-tát như Di-lặc… trong hiền kiếp này có một ngàn vị. Đế Thích cùng với các vị trời cõi trời Đao-lợi nhiều không thể tính kể. Phạm vương cùng với các vị trời ở cõi trời Phạm thiên nhiều không thể kể hết. Vua A-xà-thế cùng các vị vua cõi người ở cõi Diêm-phù-đề đông không thể tính kể. Đức Phật đang ở trước bốn chúng đệ tử Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di mà nói về Tát-đàm Phân-đà-lợi (Hán dịch là Pháp Hoa) giảng nói vô số bài kệ. Khi ấy, một ngôi tháp bằng bảy thứ châu báu từ dưới đất vụt lên, cao vút tới cõi Phạm thiên, ở giữa ngôi tháp ấy có một giảng đường lớn cũng được cấu tạo bằng bảy thứ báu, treo cờ phướn, lọng đẹp, hương thơm tinh khiết. Trong giảng đường lộng lẫy này có chiếc giường bằng vàng, trên giường có một vị Phật đang ngồi, hiệu là Bảo-lưu-la-lan (Hán dịch là Đại Bảo) khen ngợi Đức Phật Thích-ca rằng: –Lành thay, lành thay! Ta từ lúc nhập Nê-hoàn đến nay trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng, các cõi Phật nhiều như số cát sông Hằng, trụ trong không trung, nhớ nghó về hằng sa chư Phật thời quá khứ, ta đã trải qua số lượng kiếp như thế, lúc đầu không trở lại cõi ấy, ta thấy Đức Phật Thích-ca tinh tấn mong cầu Phật đạo, vì lợi ích của mọi người mà bố thí không biết nhàm chán, không hề tiếc đến chi phần của thân mạng mình như tay chân, mắt mũi, đầu cổ… cả vợ con và của cải như voi ngựa, xe cộ, châu báu… cũng đều bố thí tất cả, không hề có tâm tham luyến. Vì vậy, ta xuất hiện cõi này là để cúng dường Đức Phật Thích-ca đồng thời hóa độ các chúng sinh thấp kém. Mong Phật Thích-ca hãy an tọa trên giường vàng của ta đây mà nói kinh Tát-đàm Phân-đà-lợi! Bấy giờ, Đức Phật Thích-ca bước lên giảng đường, ngồi trên chiếc giường vàng và nói Kinh Tát-đàm Phân-đà-lợi. Lại nói vô số bài kệ: Nghe Phật Lạc Bảo Biết được danh hiệu Chẳng sợ sinh tử Không còn lao khổ. Nghe Phật Dược Vương Biết được danh hiệu Tật bệnh dứt trừ Tự biết túc mạng. Bấy giờ, Đức Phật Thích-Ca nói vô số a-tăng-kỳ kiếp, lại nói vô số a-tăng-kỳ kiếp, lúc ta còn hành đạo Bồ-tát, cầu tìm kinh Tát-đàm Phân-đà-lợi, bố thí cho người các món họ xin như thức ăn, y phục, bảy thứ báu, vợ con, tâm không hề ái luyến. Có lúc ta làm vua, thời đó tuổi thọ con người rất lâu dài, ta bèn lập thái tử làm vua, giao phó mọi việc nước, còn ta thì gióng trống, khua chuông tự rao về thân mình rằng: –Ai muốn mướn ta làm kẻ hầu hạ, ta chỉ mong cầu có được kinh Tát-đàm Phân-đà-lợi, ta muốn thực hành cúng dường. Lúc ấy, có vị Bà-la-môn nói với ta: –Hãy làm kẻ hầu hạ tôi! Tôi có kinh Tát-đàm Phân-đà-lợi. Thế là ta đi theo vị Bà-la-môn, dốc lòng làm một kẻ hầu hạ, phục dịch đủ mọi công việc như bưng nước, quét dọn, hái nhặt hoa quả, cùng lo chuyện ăn uống cho vị Bà-la-môn ấy, trải qua hàng ngàn năm không chút biếng nhác, trễ nải. Đức Phật liền nói bài kệ: Giống trống khua chuông nguyện Tự rao rằng ai muốn Mướn ta làm kẻ hầu Ta muốn hành cúng dường Tâm tôi tớ, ý lành. Đức Phật bảo: –Vị vua bấy giờ nay chính là ta, còn vị Bà-la-môn thời ấy nay chính là Điều-đạt. Vậy nhờ ân đức của ai khiến cho ta được đủ sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đó đều là do phước ân của Điều-đạt, Điều-đạt là bậc Thầy tốt của ta. Nhờ ân của bậc Thầy tốt khiến cho ta được sáu pháp Ba-la-mật, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, uy thần tôn quý, hóa độ khắp mười phương, tất cả đều nhờ ân đức của Điều-đạt. Điều đạt trải qua vô số kiếp về sau này sẽ được thành Phật, hiệu là Đề-hòa-la-da (Hán dịch là Thiên Vương Phật), có mười năng lực, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Cõi nước của Phật Thiên Vương tên là Đề-hòa-việt (Hán dịch là Thiên địa quốc). Thiên Vương Phật sẽ nói pháp cho mọi người nghe, trọn kiếp không mỏi mệt hay ngừng nghỉ. Trong lần nói pháp thứ nhất sẽ độ chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng chứng quả A-la-hán, độ chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng chứng quả Bích-chi-phật, độ chúng sinh nhiều như số cát sông Hằng phát tâm Vô thượng chính đẳng chính giác. Thời ấy, Phật Thiên Vương sống lâu hai mươi kiếp mới nhập Nê-hoàn, chính pháp tồn tại trong hai mươi kiếp. Sau khi Phật Thiên Vương nhập Nê-hoàn, xá-lợi được giữ nguyên và được tôn thờ trong ngôi tháp bằng bảy thứ báu. Tháp ấy rộng sáu mươi dặm, dài tám mươi dặm, tất cả dân chúng cõi Diêm-phù-đề đều đến cúng dường xá-lợi Phật. Bấy giờ, có vô số chúng sinh chứng quả A-la-hán, vô số chúng sinh phát tâm Bích-chi-phật, vô số chúng sinh phát tâm Vô thượng chính đẳng chính giác. Nếu có thiện nam, thiện nữ nào được nghe kinh Pháp Hoa này sinh tâm tin tưởng, không bài bác chê bai, sẽ dứt trừ được tội lỗi trong quá khứ và vị lai, đóng cửa ba đường ác, mở cửa ba đường lành, sinh lên cõi trời là bậc nhất, sinh vào cõi người cũng là bậc nhất, sinh trước các Phật trong mười phương, tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bằng bảy báu. Lúc đó, ở phương dưới, vị Bồ-tát theo hầu Đức Phật Đa Bảo, tên là Bát-nhã Câu, liền bạch với Đức Phật Đa Bảo nên sớm trở về cõi nước của mình. Đức Phật Thích-ca bèn bảo Bồ-tát Bát-nhã Câu: Ta có vị Bồ-tát tên là Văn-thù-sư-lợi, các vị nên gặp nhau rồi hãy trở về. Tức thì Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi từ dưới ao lớn của rồng đầu đàn Sa-kiệt vụt hiện lên, ngồi trên hoa sen lớn như bánh xe, có đến ngàn cánh, với vô số các vị Bồ-tát cùng đi theo. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi từ nơi đóa hoa sen bước xuống, đảnh lễ Phật Thích-ca và Phật Đa Bảo, rồi trở lại thăm hỏi Bồ-tát Bát-nhã Câu. Bồ-tát Bát-nhã Câu hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: –Bồ-tát xuống ao ấy hóa độ được bao nhiêu chúng sinh? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Số chúng sinh được tôi hóa độ rất nhiều, không thể tính kể, nếu nói bằng lời e tâm không tin được, xin chờ một lát sẽ có chứng cớ. Liền đó, từ dưới ao vụt hiện lên vô số hoa sen, tản ra kín khắp mặt ao rộng, vị nào vốn phát tâm Bồ-tát thì hoa sẽ ở trong hư không, chỉ nói các pháp Đại thừa, các vị vốn phát tâm Thanh văn thì hoa sen ở trong hư không, chỉ nói các pháp dứt trừ sinh tử. Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thấy hoa như vậy liền dùng kệ đáp Bồ-tát Bát-nhã Câu: Nhân giả dùng ý mình Tự biết được số ấy. Bồ-tát Bát-nhã Câu lại hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: –Nhân giả đã nói pháp gì mà hóa độ được chúng sinh nhiều như vậy? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Ở dưới ao ấy, tôi chỉ nói về Tát-đàm Phân-đà-lợi. Bồ-tát Bát-nhã-câu lại hỏi: –Pháp đó rất tôn quý, không pháp nào bằng, vậy có ai đã hội nhập để chứng quả Phật chăng? Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đáp: –Rồng đầu đàn Sa-kiệt có một người con gái mới tám tuổi, nhưng có trí tuệ rộng lớn, ý nguyện lớn lao, có khả năng chứng quả Phật. Bồ-tát Bát-nhã Câu nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: –Tôi thấy Thầy của Nhân giả là Phật Thích-ca vì cầu quả vị Phật, mà siêng năng khổ nhọc, chứa nhóm công đức, trải qua nhiều kiếp mới đạt được, nên tôi không tin là vị Long nữ kia có khả năng thành Phật. Tức thì từ dưới ao, Long nữ vụt hiện lên, đi nhiễu quanh hai vị Phật ba vòng, rồi chắp tay bạch Phật: –Phật có tướng tốt khôi ngô, công đức vòi vọi, được các trời tôn thờ, được tất cả rồng, quỷ thần, dân chúng khắp mọi nơi chốn cung kính pháp, Phật nói rất tôn quý, nay con phát nguyện muốn được thành Phật. Tôn giả Xá-lợi-phất liền nói với Long nữ: –Thiện nữ tuy phát nguyện như vậy nhưng không thể thành Phật, vì nàng còn mang thân nữ, phải thực hành chứa nhóm công đức, trải qua các hạnh thích hợp của bậc Bồ-tát. Long nữ liền cầm viên ngọc ma-ni giá trị bằng cả một nước lớn, dâng lên Đức Phật, Phật liền thọ nhận. Long nữ hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất và Bồ-tát Bát-nhã Câu: –Tôi dâng viên ngọc quý lên Đức Phật, việc ấy là mau hay chậm? Đáp: –Rất mau! Long nữ lại hỏi: –Phật nhận hạt châu là mau hay chậm? Đáp: –Rất mau! Long nữ nói: –Tôi dâng viên ngọc quý lên Đức Phật, việc ấy là chậm. Được Phật thọ nhận viên ngọc ấy, việc đó cũng chậm. Nay tôi đạt được quả vị Phật, việc này còn mau hơn hai việc vừa rồi. Tức thì thân Long nữ liền biến thành Bồ-tát, khiến cho tất cả các vị trong chúng hội thảy đều kinh ngạc. Rồi lại biến thành thân Phật đầy đủ các tướng tốt, cõi nước đệ tử đều như các Đức Phật. Tất cả chư vị trong chúng hội gồm có trời, rồng, quỷ, thần cùng vô số người đều phát tâm Vô thượng chính chân, tam thiên đại thiên thế giới rung chuyển sáu cách, ba muôn người chứng quả Tu-đà-hoàn, được không thoái chuyển. <卷 id="77333527">