<經 id="n1498">KINH BÁT CHỦNG TRƯỞNG DƯỠNG CÔNG ĐỨC HỘI VĂN HÓA GIÁO DỤC LINH SƠN ĐÀI BẮC XUẤT BẢN SỐ 1498 KINH BÁT CHỦNG TRƯỞNG DƯỠNG CÔNG ĐỨC Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hộ “Quy mạng tất cả chư Phật, cúi xin chư Phật, chư Bồ tát gia hộï cho con.” Rồi nói kệ: Con xin quy mạng Đấng Giác Ngộ Phật Pháp tối thượng, Tăng thanh tịnh Con phát tâm Bồ đề rộng lớn Lợi mình, lợi người đều thành tựu Sám hối tất cả nghiệp bất thiện Vô cùng tùy hỷ các việc phước Trước hết, không ăn trong một ngày Sau tu tập tám pháp trưởng dưỡng. Nên biết, tám pháp trưởng dưỡng chính là tám giới. Đệ tử nên ở trước A-xà-lê nói lại kệ ấy hai, ba lần, kế đến xưng tên của mình: Con tên là… cúi xin A-xà-lê chứng minh cho con. Từ nay, con phát khởi lòng tin thanh tịnh cho đến khi ngồi nơi đạo tràng Bồ đề, thành Đẳng Chánh Giác, nguyện qui y Phật, Đấng Lưỡng Túc vô cùng tôn quí, nguyện qui y Pháp, pháp ly dục vô cùng tôn quí, thề qui y Tăng, bậc điều phục vô cùng tôn quí. Tam bảo chính là nơi hướng về. Con tên… là Ưu-bà-tắc có lòng tin thanh tịnh. Cúi mong A-xà-lê đoái thương hộ niệm cho con. Ngay bây giờ, ngày hôm nay, con phát khởi tâm thanh tịnh cho qua hết đêm nay, cho đến khi mặt trời vừa mọc, trong khoảng thời gian đó, con xin phụng trì tám giới. Đó là: Một, Không sát sanh, hai: Không trộm cắp, ba: Không dâm dục, bốn: Không nói dối, năm: Không uống rượu, sáu: Không ăn phi thời, bảy: Không dùng vòng hoa trang điểm thân thể và không vui chơi ca múa, tám: Không ngồi nằm giường cao rộng lớn. Nay con lìa bỏ các việc như thế, thề nguyện không bỏ tám thứ công đức của giới cấm thanh tịnh. Lặp lại hai, ba lần như thế. Lại nói: Con trì giới hạnh trang nghiêm, khiến tâm con hoan hỷ, hành tất cả các hạnh thù thắng tương ưng, cầu thành quả Phật, hoàn toàn viên mãn. Rồi nói kệ: Con phát tâm vô thượng không hai Vì chúng sanh, không vì thân thiện Tu hạnh lành Bồ đề thù thắng Thành Phật, lợi ích khắp thế gian. Con nguyện nương theo nghiệp thiện ấy Đời này, mau chóng thành Chánh Giác Thuyết pháp lợi ích cho thế gian Giải thoát khổ chúng sanh ba cõi  LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH TẬP 82