<經 id="n1496">KINH PHẬT THUYẾT CHÁNH CUNG KÍNH HỘI VĂN HÓA GIÁO DỤC LINH SƠN ĐÀI BẮC XUẤT BẢN SỐ 1496 KINH PHẬT THUYẾT CHÁNH CUNG KÍNH Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy, Tam Tạng Phật Đà Phiến Đa, người Thiên Trúc. Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu vườn rừng Kỳ-đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với hai trăm năm mươi Tỳ-kheo Thanh-văn, năm trăm vị Bồ Tát, đều là dòng giống của Như lai, theo phương tiện vào sáu đường, giúp Phật giáo hóa, biết căn cơ của chúng sanh, oai đức tự tại, làm sáng tỏ phương tiện mật giáo của Như lai, tên của các vị ấy là: Bồ tát Sanh Nghi, Bồ tát Bảo Đức, Bồ tát Quang Minh Vương, Bồ tát Tuệ Đăng, Bồ tát Đức Trăn, Bồ tát Tất Đạt, Bồ tát Vô Úy, Bồ tát Giác Thủ, Bồ tát Tài Thủ, Bồ tát Bảo Thủ, Bồ tát Đức Thủ, Bồ tát Mục Thủ, Bồ tát Tấn Thủ, Bồ tát Pháp Thủ, Bồ tát Trí Thủ, Bồ tát Hiền Thủ,. v.v…đại thể có năm trăm đại Bồ tát như thế. Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ ưa pháp phải cung kính pháp và cung kính thầy như thế nào? Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan: -Thôi, thôi! A-nan! Hiện nay chúng sanh không thể cung kính và không có pháp cung kính. Tôn giả A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn! Nay con ưa pháp và kính pháp, đã cung kính và sẽ cung kính Bạch Thế Tôn! Từ khi con gần gũi Như lai đến nay chưa từng được nghe pháp môn như thế. Vì không nghe cho nên đối với việc cung kính Như lai chắc chắn sẽ bị mất phép tắc. Nay nếu được nghe thì con sẽ như pháp tu hành. Bạch Thế Tôn! Lại có thiện nam, thiện nữ ưa pháp nghe pháp môn nầy liền được tu hành. Bạch Thế Tôn! Lại có Tỳ-kheo xuất gia trong giáo pháp của Như lai do bần cùng thấp kém chỉ cầu cơm ăn, áo mặc, chẳng thích cầu pháp và kính pháp sư, tuy gần gũi Phật pháp nhưng làm việc thấp hèn chẳng thể che giấu, chắc chắn sẽ lộ bày. Bạch Thế Tôn! Vì vậy, hiện tại con đang tự làm và vị lai, tất cả các Tỳ-kheo sẽ thưa hỏi Như lai pháp cung kính như thế. Bạch Thế Tôn! Chúng con nên tu chánh hạnh như thế nào? Cúi xin Như lai nói cho con. Đức Phật bảo Tôn giả A-nan: -Thiện nam, thiện nữ ưa kính pháp nếu muốn đọc tụng, thưa hỏi kinh pháp thì nên đến chỗ Hòa thượng, A-xà-lê; đến rồi, nên thưa hỏi Hòa thượng, A-xà-lê về pháp mà Hòa thượng, A-xà-lê đã thông đạt, vì chánh pháp của Như lai là pháp tùy tâm ưa thích. Trước phải xin phép các vị ấy có cho hỏi hay không. Nếu Thầy cho thì sau đó mới được hỏi. Tuy mình đã được mười hoặc mười hai tuổi hạ, nhưng vì ưa pháp nên cần phải đến thưa hỏi và xin y chỉ. Vì sao? Vì trong giáo pháp Như lai, tuy cho phép Tỳ-kheo năm hạ được phép lìa y chỉ, nhưng vị ấy lúc đầu kính pháp, vì pháp, thích cầu pháp, vì vị ấy muốn thành tựu đức hạnh của mình, thì nầy A-nan! Vị A-xà-lê ấy nên vì thế mà cho y chỉ, hoặc nói “Được”, hoặc nói “ Đúng vậy”, hoặc nói “Vâng”, hoặc nói “Tốt”, hoặc nói “Nên học hỏi”, hoặc nói”Luôn cẩn thận hành trì, đừng buông lung.” Nếu theo đúng như pháp tu hành nghiêm chỉnh thì cho y chỉ. Tỳ- kheo thành tựu các pháp như thế mới có thể cho y chỉ. Vị ấy được gọi là thành tựu y chỉ. Giả sử Tỳ-kheo trăm tuổi hạ mà chẳng thể thông đạt các vấn đề như thế thì vị ấy còn nên xin y chỉ, huống là có thể làm thầy y chỉ cho người khác. Nếu như Tỳ-kheo không có tuổi hạ mà thành tựu các pháp như vậy, thì Sa-môn nói nhỏ với vị ấy liền được gọi là đã thọ y chỉ. Giả sử người trăm tuổi hạ mà không thông đạt các Luật pháp như thế thì vị ấy phải xin y chỉ. Trong khi đó thì Tỳ-kheo tụng Kinh ở chỗ vắng vẻ nên khởi tâm kính trọng và cung kính đúng mức với người đọc tụng thọ trì Kinh kia. Ở trước A-xà-lê không được để lộ răng, không được nhìn dưới chân, không được nhịp chân, không được tréo chân, không được nhón chân, không được rung chân, không được ngồi trên tòa cao. Thầy không hỏi đến thì không được nói, không được trái lời thầy, không được nhìn chăm chăm vào mặt thầy , ở trước thầy, đứng cách ba khuỷu tay. Thầy cho ngồi mới ngồi; ngồi rồi, khởi lòng thương mến Thầy. Kinh nào Thầy tụng, thì trước mình phải đọc thuộc; tụng thuộc rồi thì theo thầy thọ trì Kinh nhiều ít tùy ý. Theo các pháp môn, trong đó có gì thắc mắc thì trước hết phải thưa thỉnh Thầy cho hỏi hay không. Nếu Thầy cho thì sau đó mới thưa hỏi. Thầy thọ trì Kinh xong, mình phải quỳ gối phải xuống đất, hai tay đảnh lễ sát chân Thầy. Nếu chỗ đất dơ mà có lối đi khác thì lui lại mà đi đến chỗ đất bằng phẳng. Nếu chỗ đất bằng phẳng thì trước hết phải đảnh lễ sát chân thầy, sau đó mới đi; đi được mười khuỷu tay, lại đảnh lễ, sau đó theo đường mà đi. Nên nghó thế nầy:”Bậc A-xà-lê thường ở bên ta. Ta chẳng thể xa lìa A-xà-lê.” Đệ tử nên biết thời, mỗi ngày ba thời đến chỗ A-xà-lê; nếu không đến thì sẽ bị trị như pháp. Nếu đến mà không thấy A-xà-lê thì phải dùng cỏ hoặc cây, hoặc gậy, hoặc đất cục, hoặc đá để làm dấu cho biết. Nếu A-xà-lê đang ngồi thiền trong phòng thì nên đi nhiễu quanh để kính lễ, xong mới đi. Nếu muốn làm việc gì mà chưa hỏi thầy thì không được làm, trừ đại tiểu tiện; không được nói lời thô tục, hung ác với Thầy, không được nhái lại lời thầy. Những chỗ ngồi của thầy, như là võng, giường, đều không được ngồi. Những vật ấy nếu hư hỏng thì phải sửa ngay. Mỗi buổi sáng sớm, đến chỗ thầy phải đúng lúc, không được đến phi thời. Đến nơi phải thưa hỏi A-xà-lê cần vật gì và mình làm gì, có vào xóm làng chăng. Nếu Thầy nói vào thì phải chuẩn bị y cho Thầy; phải rửa tay và lau tay, rồi hai tay cầm y thầy để chỗ sạch sẽ. Xong, trước mang nước sạch cho thầy rửa tay, sau đó mới trao y cho thầy, kế đến là trao y An-đà-hội, phất trần, hoặc y choàng thân, hoặc y đi mưa, hoặc y và các đồ dùng khác. Phải cung kính như thế. Trước A-xà-lê, không được khạc nhổ; hoặc trong chùa, hoặc phía đông, phía tây, không được vắt y hai vai, không được quấn trên đầu. Tùy theo chỗ Thầy ở, có chỗ Kinh hành thì phải quét dọn sạch sẽ, một ngày lau quét ba lần, ba lần xách nước tắm rửa, ba lần thăm hỏi; vì thầy khất thực. Nếu thầy có việc thì phải làm hết sức mình. Khi ăn xong, phải xin thầy để được phép mang bát đi rửa. Nếu thầy cho rửa thì phải rửa bát thầy trước, sau đó mới rửa bát mình. Nếu thầy không cho thì không được van nài. Vì sao? Nầy A-nan! Vì vị lai có Tỳ-kheo làm như thế, sẽ nghó thế nầy:” Bát của Như Lai Đẳng Chánh Giác không có người rửa”. Vì học theo ta, họ sẽ tự rửa bát. Nhưng Như Lai cũng cho họ làm như vậy. Mùa hạ thì lấy nước mát, mùa đông thì lấy nước nóng, tùy theo nhu cầu của Thầy mà đáp ứng. Ở trước thầy, không được xỉa răng; không được nói thầy là tốt hoặc xấu. Trông thấy thầy từ xa, phải đứng dậy nghinh tiếp. Nầy A-nan! Nếu theo vị nào đọc tụng, thưa hỏi một bài kệ bốn câu thì vị đó là Thầy A-xà-lê của mình. Vì vậy phải cung kính A-xà-lê. Nầy A-nan! Nếu không cung kính A-xà-lê như thế là người làm điều không chân chánh. Người nói lỗi lầm của thầy thì đừng gọi ta là Thế Tôn. Vì sao? Nầy A-nan! Vì người ấy chẳng tôn trọng Phật, chẳng Kính Pháp, chẳng ở trong đoàn thể Tăng. Vì sao? Nầy A-nan! Vì người ngu si như thế chẳng được gọi là an trụ trong hạnh chân chánh. Nầy A-nan! Người an trụ trong hạnh chân chánh thì Ta giảng nói Phật pháp cho người ấy. Bấy giờ, Tôn giả A-nan cảm động rơi lệ, thưa: -Bạch Thế Tôn! Trong đời vị lai, nếu có chúng sanh, có thể an trú, có thể thực hành các hạnh như thế thì thật là hiếm có! Bạch Thế Tôn! Con có thể thực hành những hạnh như vậy. Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ- kheo không cung kính Hòa thượng, A-xà-lê và nói lỗi của những vị ấy thì Tỳ-kheo nầy bị những tội báo gì? Đức Phật bảo A-nan: - Nếu có Tỳ-kheo không cung kính Hòa thượng, A-xà-lê và nói lỗi của những vị ấy, thì Ta nói, những người nầy là phàm phu ngu si. Vì sao? Nầy A-nan! Vì nếu thật sự A-xà-lê có lỗi còn không được nói, huống là nói điều không có! Như vậy, nầy A-nan! Nếu người không cung kính Hòa thượng, A-xà-lê thì có địa ngục Bích chi còn gọi là Diệt, khi người ấy qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục ấy. Bị đọa vào đó rồi, liền có bốn đầu, trên thân lửa bốc cháy như hòn sắt nóng; ở trong đó có các trùng tên là thiết cẩu (chó sắt), thường cắn ăn lưỡi của tội nhân. Ở nơi ấy, khi qua đời lại sanh vào loài súc sanh làm hổ, sói, dã can; mọi người thấy đều nói đó là loài hổ, sói, dã can; ai thấy cũng đều không ưa, vì trong quá khứ, miệng thường ăn phân dơ; chịu tội báo xong rồi, lại sanh vào loài người, nhưng thường ở chỗ biên địa, nơi không có Phật pháp. Tuy sanh trong loài người nhưng đầy đủ các điều xấu ác, xa lìa công đức; hình dạng, sức lực chẳng giống con người, thọ thân hình chẳng giống cha mẹ, chẳng được cha mẹ thương yêu, thường bị chê bai, xa lìa chư Phật, đời đời ngu si, mê muội vô trí, mau chóng bị đọa địa ngục. Vì sao? Vì không cung kính thầy dạy pháp, vị cứu độ hoạn nạn cho mình. Nầy A-nan! Những người như thế luôn bị khổ sở. Nầy A-nan! Giả sử đọc tụng thọ trì một bài kệ bốn câu và sao chép Kinh điển cúng dường thì mỗi chữ có công đức bằng công đức cung kính đội, hoặc vác, hoặc cõng Thầy trên lưng và dùng tất cả những vật dụng vừa ý để cúng dường Thầy trong một kiếp. Nầy A-nan! Cúng dường như thế rồi còn không thể báo ân A-xà-lê. Đức Phật bảo A-nan: Trong đời vị lai, có những Tỳ-kheo ác, có được Kinh nầy nhưng không cung kính A-xà-lê, Hòa thượng. Vì không có hạnh nên nói lỗi của A-xà-lê, Hòa thượng. Ta chắc chắn rằng những Tỳ-kheo như vậy là những người ngu si, sẽ bị đọa vào các địa ngục chịu khổ sở lớn. Nầy A-nan! Nay ta nói với Thầy, đồng thời tuyên bố rằng, Như lai vì chúng sanh mà nói các việc làm thiện hay ác, tùy theo việc làm thiện hay ác của họ thế nào mà có qủa báo như thế ấy. Vì vậy, nầy A- nan! Nay các thầy cần phải khéo cung kính, cần phải suy nghó kỹ. Này A-nan! Thiện nam, thiện nữ nào khéo cung kính thì đạt được pháp môn nầy, khen ngợi pháp giải thoát, chê bỏ các dục bất tịnh, diệt tận các trần cấu, đạt pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, A-nan sửa lại y phục, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Pháp cốt yếu nầy gọi là Kinh gì? Tỳ-kheo, Tỳ- kheo ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di phải thọ trì, tu hành như thế nào để tiếp nối dòng dõi Tam bảo vào đời vị lai, không để gián đoạn và mất hẳn? Đức Phật bảo A-nan: Kinh nầy tên là “Chánh Cung Kính,” hãy như thế mà thọ trì. Đó gọi là yêu kính Phật, yêu kính Pháp và yêu kính Tăng. Đức Phật thuyết giảng Kinh nầy xong, Tôn giả A-nan, các Tỳ- kheo cùng chư Bồ tát nghe Phật nói rồi đều vô cùng vui mừng cung kính làm theo.  LINH SƠN PHÁP BẢO ĐẠI TẠNG KINH TẬP 82