<經 id="n80">PHẬT NÓI KINH NGHIỆP BÁO SAI BIỆT CHO TRƯỞNG GIẢ THỦ-CA Hán dịch: Đời Tùy, Cư só Cù-đàm Pháp Trí, người Thiên trúc. Tôi nghe như vầy: Một thời Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Phật bảo Trưởng giả Thủ-ca, con trai của Đao-đề-da: –Này Trưởng giả Thủ-ca, Ta sẽ nói cho ông nghe về pháp môn sai biệt của nghiệp báo thiện ác. Ông hãy lắng nghe và khéo nhớ nghó. Trưởng giả Thủ-ca, liền bạch: –Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con muốn được nghe. Đức Phật bảo Trưởng giả Thủ-ca: –Tất cả chúng sanh luôn gắn liền với nghiệp, dựa vào nghiệp, tùy theo nghiệp của chính mình tạo tác mà lưu chuyển, do nhân duyên đó nên có sự sai biệt về phẩm loại cao, vừa, thấp không đồng. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo chết yểu, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được sống lâu. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo nhiều bệnh, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo ít bệnh. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo có hình sắc thô xấu, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo có hình tướng đẹp đẽ. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh có quả báo có ít uy thế, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh có quả báo có uy thế lớn. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh vào dòng họ cao quý. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo có ít của cải, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo có nhiều của cải. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo tà trí, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo chánh trí. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo đọa vào địa ngục, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo làm súc sanh. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo làm ngạ quỷ, làm A-tu-la. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo làm người, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh nơi cõi trời. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo nơi trời cõi Sắc, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo nơi cõi trời Vô sắc. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo quyết định, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo bất định. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh nơi biên địa, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở vùng giữa nước. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh trọn thọ mạng ở địa ngục, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh nửa thọ mạng ở địa ngục. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh trong địa ngục vừa vào liền ra. Hoặc có nghiệp làm mà không tụ tập, hoặc có nghiệp tụ tập mà không làm. Hoặc có nghiệp vừa làm vừa tụ tập, hoặc có nghiệp không làm không tụ tập. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh trước vui sau khổ, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh trước khổ sau vui. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh trước khổ sau khổ, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh trước vui sau vui. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh nghèo mà ưa thích bố thí, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh giàu mà keo kiệt. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh giàu mà hay bố thí, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh nghèo mà keo kiệt. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh thân được vui mà tâm bị khổ, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh tâm được vui mà thân bị khổ. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh cả thân tâm đều vui, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh cả thân tâm đều khổ. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh mạng tuy hết rồi nhưng nghiệp chưa hết, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh nghiệp tuy hết rồi mà mạng vẫn còn. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh cả nghiệp và mạng đều hết, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh cả nghiệp và mạng đều còn, có thể đoạn trừ các phiền não. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh sanh nơi cõi ác mà hình dung đẹp đẽ, diện mạo đoan nghiêm, da dẻ tươi tắn, ai cũng ưa nhìn. Hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh sanh nơi cõi ác mà hình dung thô xấu, da dẻ sù sì, không ai thích nhìn, hoặc có nghiệp khiến cho chúng sanh sanh nơi cõi ác, mà thân miệng hôi thối, các căn khuyết tật. Hoặc có chúng sanh tạo tác hành động theo mười nghiệp bất thiện bị ác báo bên ngoài. Hoặc có chúng sanh tạo tác hành động theo mười thiện nghiệp được quả báo thù thắng ở bên ngoài. Lại nữa, này Trưởng giả, hoặc có chúng sanh kính lạy tháp miếu của Phật được mười thứ công đức; cúng thí lọng quý được mười thứ công đức; cúng thí cờ phướn được mười thứ công đức; cúng thí chuông, linh được mười thứ công đức; cúng thí y phục được mười thứ công đức; cúng thí chén, bát đồ dùng được mười thứ công đức; cúng thí đồ ăn thức uống được mười thứ công đức; cúng thí giày dép được mười thứ công đức; cúng thí hương hoa được mười thứ công đức; cúng thí đèn sáng được mười thứ công đức; cung kính chắp tay đảnh lễ được mười thứ công đức. Đó gọi là lược nói về pháp môn sai biệt của nghiệp báo tại thế gian. Đức Phật bảo: –Này Trưởng giả Thủ-ca, có mười loại nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo chết yểu: Tự mình sát sanh. Bảo người sát sanh. Khen ngợi sự giết hại. Thấy giết hại thì vui sướng. Đối với người oán ghét thì muốn tiêu diệt. Thấy người oán của mình bị tiêu diệt rồi thì trong lòng sung sướng. Làm hư thai của người khác. Dạy người hủy hoại thai nơi người khác. Xây dựng miếu thờ trời để giết hại chúng sanh. Dạy người đánh nhau để hai bên bị tàn hại. Do mười nghiệp này nên bị quả báo chết yểu. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo trường thọ: Tự mình không sát sanh. Khuyên người khác đừng sát sanh. Tán thán sự không sát sanh. Thấy người không sát sanh trong lòng vui mừng. Thấy người bị giết hại, dùng phương tiện cứu thoát. Thấy kẻ bị cái chết khủng bố, luôn an ủi họ. Thấy kẻ bị khủng bố, bố thí sự vô úy. Thấy người bị các khổ nạn, khởi tâm thương xót. Thấy người bị các tai nạn cấp bách, luôn khởi tâm đại bi. Dùng các thức ăn uống bố thí cho chúng sanh. Do mười nghiệp này nên được trường thọ. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo nhiều bệnh: Thích đánh đập tất cả chúng sanh. Khuyên người khác đánh đập. Khen ngợi sự đánh đập. Thấy đánh đập thì hoan hỷ. Gây khổ não cho cha mẹ khiến cha mẹ buồn rầu. Quấy nhiễu các bậc Thánh hiền. Thấy người oán của mình bị bệnh khổ, trong lòng vô cùng vui sướng. Thấy người oán của mình lành bệnh, trong lòng không vui. Đối với bệnh của kẻ oán thù, cho không đúng thuốc trị bệnh. Đồ ăn cách đêm khó tiêu lại ăn vào. Do mười nghiệp này nên bị quả báo nhiều bệnh. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo ít bệnh: Không đánh đập tất cả chúng sanh. Không khuyên người khác đánh đập. Tán thán sự không đánh đập. Thấy người không đánh đập, tâm sanh hoan hỷ. Cúng dường cha mẹ và các người bệnh. Thấy bậc Hiền thánh bị bệnh hoạn thì giúp đỡ chăm sóc, cúng dường. Thấy kẻ oán của mình lành bệnh sanh tâm hoan hỷ. Thấy người bệnh khổ thì bố thí thuốc hay, cũng khuyên người khác bố thí. Đối với chúng sanh bệnh khổ, sanh tâm thương xót. Đối với đồ ăn thức uống, tự mình có thể biết hạn chế, điều độ. Do mười nghiệp này nên được quả báo ít bệnh. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo hình tướng thô xấu: Ưa phẫn nộ. Ưa ôm lòng ghét giận. Dối láo làm mê hoặc người khác. Gây phiền khổ cho chúng sanh. Đối với chỗ ở của cha mẹ không có lòng kính yêu. Đối với chỗ của các bậc Hiền thánh không sanh tâm cung kính. Xâm đoạt ruộng vườn sản nghiệp của các bậc Hiền thánh. Phá bỏ ánh sáng của đèn đuốc nơi tháp miếu Phật. Thấy người thô xấu thì hủy báng khinh chê. Làm theo các hạnh ác. Do mười nghiệp này nên bị quả báo hình tướng thô xấu. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo đoan chánh: Không sân hận. Bố thí y phục. Thương yêu cha mẹ. Tôn trọng các bậc Hiền thánh. Tu bổ, sơn phết tháp Phật. Lau quét từ đường. Lau quét Già-lam. Lau quét tháp Phật. Thấy người thô xấu không có tâm khinh khi, mà có lòng cung kính. Thấy người đoan chánh biết rõ do nhân từ đời trước. Do mười nghiệp này nên được quả báo đoan chánh. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo ít uy thế: Đối với chúng sanh khởi tâm ganh ghét. Thấy người khác được tài lợi, sanh tâm buồn rầu, bực tức. Thấy người khác bị mất lợi, trong lòng vui mừng. Thấy người khác được danh tiếng, sanh tâm ganh ghét. Thấy người bị mất danh dự, trong lòng hân hoan. Tâm Bồ-đề thoái chuyển, hủy hoại hình tượng của Phật. Đối với cha mẹ mình và chỗ ở của các bậc Hiền thánh không có tâm thờ phụng. Khuyên người tu tập theo nẻo ít uy đức. Làm chướng ngại đối với kẻ khác tu tập theo nẻo có uy đức lớn. Thấy người có ít uy đức sanh lòng khinh dễ. Do mười nghiệp này nên bị quả báo có ít uy thế. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh có quả báo được uy thế lớn: Đối với chúng sanh không có tâm đố kî. Thấy người khác được tài lợi sanh tâm hoan hỷ. Thấy người khác mất lợi sanh tâm thương xót. Thấy người khác được danh dự trong lòng hân hoan. Thấy người khác bị mất danh dự, giúp họ bớt buồn lo. Phát tâm Bồ-đề, tạo hình tượng Phật, cúng thí dù, lọng báu. Đối với cha mẹ mình và chỗ các bậc Hiền thánh luôn cung kính nghinh đón. Khuyên người bỏ nghiệp ít có uy đức. Khuyên người tu hành theo nghiệp có uy đức lớn. Thấy người không có uy đức không đem lòng khinh chê. Do mười nghiệp này nên được quả báo có uy lực lớn. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém: Không biết kính Cha. Không biết kính Mẹ. Không biết kính Sa-môn. Không biết kính Bà-la-môn. Đối với các bậc Tôn trưởng không biết kính ngưỡng. Đối với các Sư trưởng không cung kính đón tiếp cúng dường. Thấy các bậc Tôn trưởng không cung kính mời ngồi. Đối với cha mẹ không tuân theo lời giáo huấn. Đối với các bậc Hiền thánh không thọ nhận sự chỉ dạy. Khinh chê kẻ thấp kém. Do mười nghiệp này nên bị quả báo sanh vào dòng họ thấp kém. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh vào dòng họ cao quý: Khéo biết kính Cha. Khéo biết kính Mẹ. Khéo biết kính Sa-môn. Khéo biết kính Bà-la-môn. Cung kính giúp đỡ bậc Tôn trưởng. Cung kính tiếp đón các bậc Sư trưởng. Thấy các bậc Sư trưởng cung kính mời ngồi. Đối với cha mẹ thì kính thọ lời giáo huấn. Đối với bậc Hiền thánh thì tôn kính, thọ giáo. Không khinh kẻ thấp hèn. Do mười nghiệp này nên được quả báo sanh vào dòng họ cao quý. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo có ít của cải: Tự mình làm việc trộm cắp. Khuyên người khác trộm cắp. Khen ngợi sự trộm cắp. Thấy trộm cắp thì hoan hỷ. Đối với cha mẹ không lo làm ăn, phụng dưỡng. Đối với Hiền thánh thì chiếm đoạt tài vật. Thấy người khác được tài vật thì tâm không hoan hỷ. Ngăn cản người khác được lợi, làm cho họ thường gặp tai nạn. Thấy người khác bố thí, không có tâm tùy hỷ. Thấy người đời đói kém, tâm không thương xót mà lại vui sướng. Do mười nghiệp này nên bị quả báo đời sống có ít của cải. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo đời sống có nhiều của cải: Tự mình xa lìa trộm cắp. Không khuyên người khác trộm cắp. Không tán thán sự trộm cắp. Thấy người không trộm cắp sanh tâm hoan hỷ. Đối với chỗ ở của cha mẹ lo gắng sức làm ăn, phụng dưỡng. Đối với các vị Hiền thánh thì cung cấp những vật cần dùng. Thấy người khác được lợi, sanh tâm hoan hỷ. Thấy người tìm cầu điều lợi ích thì tạo phương tiện hỗ trợ. Thấy người bố thí thuốc trị bệnh thì sanh tâm hoan hỷ. Thấy người đời đói khổ, sanh tâm thương xót. Do mười nghiệp này nên được quả báo đời sống có nhiều của cải. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo tà trí: Không hay học hỏi với Sa-môn, Bà-la-môn có trí tuệ. Rao truyền pháp ác. Không thể tu tập, thọ trì chánh pháp. Tán thán pháp không phải định, cho là pháp định. Tiếc pháp không chịu nói. Thân cận kẻ tà trí. Xa lìa chánh trí. Tán thán tà kiến. Xả bỏ chánh kiến. Thấy người ngu si, xấu xí thì khinh khi chê bai. Do mười nghiệp này nên bị quả báo tà trí. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo chánh trí: Khéo hỏi han những vị Sa-môn, Bà-la-môn có trí tuệ. Rao truyền pháp lành. Nghe và thọ trì chánh pháp. Thấy người nói pháp định khen ngợi: “Lành thay!”. Ưa nói chánh pháp. Thân cận người có chánh trí. Thân giữ, bảo vệ chánh pháp. Siêng tu hạnh nghe nhiều. Xa lìa tà kiến. Thấy người ngu si, xấu xí không có tâm khinh chê. Do mười nghiệp này nên được quả báo chánh trí. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo đọa vào địa ngục: Thân tạo nghiệp ác nặng. Miệng lời nghiệp ác nặng. Ý tạo nghiệp ác nặng. Khởi sanh kiến chấp về không. Khởi sanh kiến chấp về có. Khởi sanh kiến chấp về không có nhân quả. Khởi sanh kiến chấp không có sự tạo tác. Khởi sanh kiến chấp không có kiến thức. Khởi sanh kiến chấp về một bên. Không biết báo đáp ân đức. Do mười nghiệp này nên bị quả báo đọa vào địa ngục. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào hàng súc sanh: Thân tạo nghiệp ác bậc trung. Miệng tạo nghiệp ác bậc trung. Ý tạo nghiệp ác bậc trung. Từ phiền não tham khởi ra các nghiệp ác. Từ phiền não sân khởi ra các nghiệp ác. Từ phiền não si khởi ra các nghiệp ác. Chửi mắng chúng sanh. Não hại chúng sanh. Bố thí vật bất tịnh. Làm việc tà dâm. Do mười nghiệp này nên bị quả báo sanh vào hàng súc sanh. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào hàng ngạ quỷ: Thân tạo nghiệp ác nhẹ. Miệng tạo nghiệp ác nhẹ. Ý tạo nghiệp ác nhẹ. Sanh tâm tham nhiều. Sanh tâm tham ác. Ganh ghét. Tà kiến. Tham đắm về của cải trong đời sống ngay khi mạng chung. Do đói mà chết. Bị khô khát bức bách mà chết. Do mười nghiệp này nên bị quả báo sanh vào hàng ngạ quỷ. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh vào hàng A-tu-la: Thân tạo nghiệp ác chút ít. Miệng tạo nghiệp ác chút ít. Ý tạo nghiệp ác chút ít. Kiêu mạn. Ngã mạn. Tăng thượng mạn. Đại mạn. Tà mạn. Mạn mạn. Đem các căn lành hướng về cõi A-tu-la. Do mười nghiệp này nên bị quả báo sanh vào hàng A-tu-la. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở cõi người: Không sát sanh. Không trộm cắp. Không tà dâm. Không nói dối. Không nói lời thêu dệt. Không nói hai lưỡi. Không nói lời ác độc. Không tham lam. Không sân hận. Không tà kiến. Đối với mười nghiệp thiện, vẫn còn thiếu sót, chưa được hoàn toàn. Do mười nghiệp này nên được quả báo sanh vào cõi người. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh vào cõi trời thuộc Dục giới. Đó là tu hành đầy đủ làm tăng trưởng mười điều thiện. Lại có mười nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sinh vào cõi trời thuộc Sắc giới. Đó là tu hành mười điều thiện hữu lậu cùng tương ưng với pháp định. Lại có bốn nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở cõi trời thuộc Vô sắc giới: Vượt qua tất cả tưởng về Sắc, diệt trừ các tưởng Hữu đối, nhập vào định Không xứ. Vượt qua tất cả định Không xứ, nhập vào định Thức xứ. Vượt qua tất cả định Thức xứ, nhập vào định Vô sở hữu xứ. Vượt qua định Vô sở hữu xứ, nhập vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do bốn nghiệp này nên được quả báo sanh ở cõi trời thuộc Vô sắc giới. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo quyết định. Nếu ai đối với Phật, Pháp, Tăng và người giữ giới, khởi tâm bố thí luôn tăng trưởng. Do nghiệp thiện này, nên phát nguyện hồi hướng, liền được vãng sanh. Đó gọi là nghiệp báo quyết định. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo bất định. Như tạo nghiệp không phải với tâm tăng trưởng hỗ trợ, lại không tu tập, cũng không phát nguyện hồi hướng thọ sanh. Đó gọi là nghiệp báo bất định. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh bị quả báo sanh ở biên địa. Như tạo nghiệp đối với Phật, Pháp, Tăng, người trì giới thanh tịnh cùng với chỗ ở của đại chúng, nhưng không sinh tâm bố thí và hỗ trợ sự bố thí, rồi do căn lành này nguyện sanh ở biên địa. Do nguyện ấy nên liền sanh ở biên địa, thọ quả báo tịnh và bất tịnh. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh được quả báo sanh ở vùng trung tâm đất nước. Nếu khi tạo nghiệp đối với Phật, Pháp, Tăng, người trì giới thanh tịnh, gần người phạm hạnh, và chỗ ở của đại chúng, khởi tâm bố thí, hết lòng hỗ trợ sự bố thí. Nhờ căn lành này quyết định phát nguyện cầu sanh nơi vùng trung tâm đất nước, lại được gặp Phật, nghe chánh pháp, thọ quả báo thanh tịnh thượng diệu. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh mãi mãi ở trong địa ngục. Như có chúng sanh, tạo nghiệp địa ngục rồi, không hổ thẹn, cũng không chán lìa, tâm không biết sợ hãi, trái lại còn sanh tâm vui thích, cũng không sám hối, còn tạo thêm nghiệp ác sâu nặng, như Đề-bà-đạt-đa… do tạo nghiệp này cho nên suốt đời ở trong địa ngục. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh bị đọa vào địa ngục, nửa chừng thì mạng yểu, không hết mạng. Như có chúng sanh tạo nghiệp địa ngục, tích tập thành rồi, sau sanh sợ hãi, xấu hổ, chán lìa, sám hối từ bỏ, chẳng còn tâm hỗ trợ. Do nghiệp này nên ở trong địa ngục, sau biết hối cải, chỉ thọ quả báo nửa chừng thì yểu, không hết thọ mạng. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh bị đọa vào địa ngục, mới vào liền ra. Như có chúng sanh tạo nghiệp địa ngục, tạo tác xong thì sợ sệt, khởi lòng tin luôn tăng trưởng, sanh tâm xấu hổ, chán lìa điều ác nên xả bỏ, ân cần sám hối, lại không tạo nữa. Như vua A-xà-thế giết cha, tạo nên các tội, vừa vào địa ngục liền được giải thoát. Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói kệ: Nếu ai tạo tội nặng, Tạo rồi tự trách mình. Sám hối không tạo nữa Nhổ hết nghiệp căn bản. Lại có nghiệp làm mà không nhóm tập. Như có chúng sanh thân, khẩu, ý… tạo các nghiệp ác, tạo rồi lo sợ, xấu hổ xa lìa, tự trách cứ hối hận, không còn tạo điều ác lại nữa, đó gọi là làm mà không chứa nhóm. Lại có nghiệp nhóm tập mà không làm. Như có chúng sanh tự mình không tạo nghiệp, do vì ác tâm nên khuyên người khác làm ác. Đó gọi là chứa nhóm không làm. Lại có nghiệp vừa tạo tác vừa tích tập. Như có chúng sanh tạo các nghiệp ác rồi, tâm không hối cải, mà thỉnh thoảng cứ tạo nghiệp, lại còn khuyên người khác tạo điều ác. Đó gọi là vừa tạo tác vừa tích tập. Lại có nghiệp không tạo tác cũng không tích tập. Như có chúng sanh tự mình không tạo điều ác, cũng không dạy người khác tạo điều ác, thuộc về nghiệp vô ký. Đó gọi là không tạo tác cũng không tích tập. Lại có nghiệp ban đầu thì vui sau thì khổ. Như có chúng sanh do người khác khuyên nên hoan hỷ bố thí, nhưng tâm bố thí không kiên cố, sau lại hối tiếc. Do nhân duyên đó nên sanh ở nhân gian, trước thì giàu có sung sướng, sau lại bần cùng nghèo khổ. Đó gọi là ban đầu thì vui sau thì khổ. Lại có nghiệp ban đầu thì khổ sau thì vui. Như có chúng sanh nhờ người khuyên bảo, miễn cưỡng bố thí chút ít, nhưng bố thí rồi thì hoan hỷ, tâm không hối tiếc. Do nhân duyên này nên sanh ở nhân gian, ban đầu thì nghèo khổ nhưng về sau thì giàu có sung sướng. Đó gọi là ban đầu thì khổ nhưng sau thì vui. Lại có nghiệp ban đầu thì khổ về sau cũng khổ. Như có chúng sanh, xa lìa thiện tri thức, không ai khuyên bảo, dẫn dắt, cho đến không thể làm việc bố thí dù chút ít. Do nhân duyên này nên sanh ở nhân gian ban đầu đã bần khổ về sau cũng bần khổ. Đó gọi là ban đầu khổ mà về sau vẫn khổ. Lại có nghiệp ban đầu vui sướng mà về sau cũng vui sướng. Như có chúng sanh được gần gũi thiện tri thức, nhờ họ khuyên bảo nên bố thí, rồi sanh tâm hoan hỷ, kiên cố tu hạnh bố thí. Do nguyên nhân đó nên sanh ở nhân gian, ban đầu đã giàu có, sung sướng, về sau cũng giàu có sung sướng. Lại có nghiệp nghèo mà ưa thích bố thí. Như có chúng sanh, trước đã từng bố thí, nhưng không gặp phước điền, bị lưu chuyển trong sanh tử, nên sanh ở nhân gian, do không gặp phước điền, nên được quả báo rất ít, vừa được liền mất. Nhưng do nhân đã bố thí nên dù có bần cùng vẫn hay làm việc bố thí. Lại có nghiệp giàu có mà tham lam keo kiệt. Như có chúng sanh chưa từng bố thí, gặp thiện tri thức khuyên bảo nên tạm thời làm việc bố thí, lại gặp được phước điền tốt đẹp. Nhờ gặp ruộng phước tốt nên đời sống được sung túc. Vì trước không có tạo nhân cho nên kẻ ấy tuy giàu có mà keo kiệt. Lại có nghiệp giàu có mà hay bố thí. Như có chúng sanh gặp được thiện tri thức, tu hạnh bố thí thật nhiều, lại gặp được phước điền tốt. Do nhân duyên này nên được giàu có hết mực, tiền của nhiều, mà vẫn luôn thực hành bố thí. Lại có nghiệp nghèo mà tham lam keo kiệt. Như có chúng sanh xa lìa thiện tri thức, không ai khuyên bảo chỉ dẫn, nên không thể thực hành bố thí. Do nhân duyên này, sanh ở nhà bần cùng mà vẫn tham lam keo kiệt. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh được thân an lạc nhưng tâm không an lạc, như hàng phàm phu có được phước đức. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh tâm được an lạc nhưng thân không an lạc, như bậc A-la-hán không phước. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh cả thân lẫn tâm đều an lạc như bậc A-la-hán có phước. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh cả thân lẫn tâm đều không an lạc, như kẻ phàm phu vô phước. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh mạng đã tận mà nghiệp không dứt hết. Như có chúng sanh từ địa ngục, chết rồi cũng lại sanh vào địa ngục, hoặc súc sanh, ngạ quỷ, cho đến các cõi người, trời, A-tu-la… cũng lại như vậy. Đó gọi là mạng đã tận mà nghiệp không dứt hết. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh nghiệp đã tận mà mạng không tận. Như có chúng sanh hết vui thì thọ khổ, hết khổ thì được vui…, đó gọi là nghiệp đã tận mà mạng không tận. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh cả nghiệp lẫn mạng đều tận. Như có chúng sanh từ địa ngục ra lại sanh vào hàng súc sanh hay ngạ quỷ, cho đến cõi người, trời, A-tu-la…, đó gọi là cả nghiệp lẫn mạng đều tận. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh cả nghiệp lẫn mạng đều không tận. Như có chúng sanh đã trừ hết các phiền não, tức là các bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán… đó gọi là cả nghiệp lẫn mạng đều không tận. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh tuy sanh ở cõi ác nhưng hình dáng lại đẹp đẽ, mắt mày đoan nghiêm, da dẻ tươi tắn ai cũng thích nhìn. Như có chúng sanh do phiền não tham dục, khởi nghiệp phá giới. Do nhân duyên này, tuy sanh nơi cõi ác mà hình dáng đẹp đẽ, mắt mày đoan nghiêm, da dẻ tươi tắn ai cũng muốn nhìn. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh sanh ở cõi ác, hình dung xấu xí, da dẻ thô nhám, chẳng ai muốn nhìn. Như có chúng sanh do phiền não sân hận dấy khởi nghiệp phá giới. Do nhân duyên này, sanh vào cõi ác, hình sắc xấu xí, da thịt thô nhám, chẳng ai muốn nhìn. Lại có nghiệp khiến cho chúng sanh sanh nơi cõi ác, thân miệng hôi thối, các căn khuyết tật. Như có chúng sanh do phiền não si mê khởi ra nghiệp phá giới. Do nhân duyên này sanh nơi cõi ác, thân miệng hôi thối, các căn khuyết tật. Lại có mười nghiệp bị quả báo xấu ác ở bên ngoài. Như có chúng sanh đối với mười nghiệp bất thiện phần nhiều tạo tác hành động nên tương ứng với các ngoại vật đều không được đầy đủ: Do nghiệp sát sanh cho nên khiến cho các quả báo bên ngoài như ở vùng đất muối mặn, cỏ thuốc không có. Do nghiệp trộm cắp nên tương ứng với ngoại cảnh như sương sa, mưa đá, trùng sâu… khiến cho đời sống luôn bị đói kém. Do nghiệp tà dâm nên cảm ứng với ngoại cảnh như gió mưa dữ dội, bụi bặm đầy dẫy. Do nghiệp nói dối nên cảm ứng với ngoại vật đều dơ bẩn, hôi thối. Do nghiệp nói hai lưỡi, nên cảm ứng với ngoại cảnh như đất đai cao thấp không bằng phẳng, bờ ao hang hốc gồ ghề, cây cối gai gốc. Do nghiệp ác khẩu nên cảm ứng với quả báo bên ngoài như chỗ ở toàn là đá, sạn, cát, sỏi, các vật xấu xí thô nhám, không thể gần gũi. Do nghiệp nói thêu dệt nên cảm ứng với quả báo bên ngoài, khiến cảnh vật chung quanh toàn là cây cối rậm rạp, cành nhánh chông gai. Do nghiệp tham nên cảm ứng với quả báo bên ngoài khiến cho các thứ hạt mầm, lúa thóc đều nhỏ bé. Do nghiệp sân hận nên cảm ứng với quả báo bên ngoài, khiến cây cối sanh ra đều là trái đắng. Do nghiệp tà kiến nên cảm ứng với quả báo bên ngoài khiến các thứ lúa thóc không hạt thu gặt quá ít ỏi. Do mười nghiệp này bị quả báo xấu ác nơi bên ngoài như thế. Lại có mười nghiệp đạt được quả báo thù thắng ở bên ngoài. Như có chúng sanh tu mười nghiệp thiện luôn thuận hợp, tăng trưởng, nên biết là đạt được mười quả báo thù thắng ở bên ngoài. Như có chúng sanh thường kính lễ tháp miếu của Phật, sẽ được mười thứ công đức: Được sắc đẹp, tiếng hay. Nói ra điều gì ai cũng tin phục. Không sợ sệt trước mọi người. Trời, người đều ái hộ. Đầy đủ uy lực. Có uy lực, được chúng sanh tìm đến thân cận, nương nhờ. Thường được gần gũi chư Phật, Bồ-tát. Có đầy đủ phước đức lớn lao. Mạng chung được sanh lên cõi trời. Mau chứng đạo quả Bồ-đề. Đó là kính lạy tháp miếu của Phật được mười thứ công đức như vậy. Như có chúng sanh cúng thí dù lọng báu sẽ được mười thứ công đức: Sống ở thế gian cũng như là dù lọng che chở chúng sanh. Thân tâm an ổn, xa lìa các thứ phiền não bức bách. Mọi người đều kính trọng, không ai dám khinh mạn. Có uy lực lớn. Thường được thân cận chư Phật, Bồ-tát, là các bậc có uy đức lớn, lấy đó làm quyến thuộc. Thường được làm Chuyển luân Thánh vương. Luôn làm bậc Thượng thủ, tu tập nghiệp thiện. Có đầy đủ phước báo lớn. Mạng chung được sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí dù lọng báu sẽ được mười thứ công đức. Như có chúng sanh cúng thí cờ phướn được mười thứ công đức: Ở đời giống như lá cờ phướn quý giá, từ quốc vương đại thần, thân hữu tri thức luôn cung kính cúng dường. Giàu có, tự tại, đầy đủ tài sản lớn. Tiếng tốt truyền khắp, bao trùm các phương. Tướng mạo đoan nghiêm, thọ mạng lâu dài. Thường ở chỗ mình, sinh sống, thể hiện hạnh kiên cố. Có danh vọng lớn. Có uy đức lớn. Sanh nơi tộc họ cao quý. Thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời. Mau chứng Bồ-đề. Đó là cúng thí cờ phướn sẽ được mười thứ công đức như thế. Như có chúng sanh cúng thí các loại chuông, linh sẽ được mười thứ công đức: Được âm thanh như Phạm thiên. Được tiếng tăm lớn. Tự biết kiếp trước. Nói ra điều gì ai cũng cung kính, thọ nhận. Thường có dù lọng báu để tự trang nghiêm. Có ngọc Anh lạc đẹp làm đồ trang sức. Diện mạo đoan nghiêm, ai nhìn thấy cũng hoan hỷ. Có đủ phước báo lớn lao. Mạng chung được sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí các loại chuông, linh được mười thứ công đức. Như có chúng sanh cúng thí y phục sẽ được mười thứ công đức: Mặt, mắt tươi đẹp. Da dẻ tươi thắm, mịn màng. Thân tướng không dính bụi bặm cấu uế. Lúc sanh ra liền có đầy đủ y phục tốt đẹp. Có đủ đồ nằm, ngồi tốt đẹp, che chắn thân. Có đầy đủ mọi tâm hổ thẹn. Ai thấy cũng kính yêu. Có nhiều tài sản, vật báu. Mạng chung sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí y phục sẽ được mười thứ công đức. Như có chúng sanh cúng thí các vật dụng đựng đồ ăn thì sẽ đạt được mười thứ công đức: Ở đời như một người có tài năng. Luôn được pháp luật tốt đẹp che chở, ban ơn. Lìa mọi nẻo tham đắm ái dục. Như cạn nguồn nước uống, thì các khe suối liền vọt nước ra tràn trề. Không hề bị sanh vào cõi ngạ quỷ. Có được vật dụng đẹp đẽ của trời. Xa lìa bạn ác. Đầy đủ phước báo lớn. Mạng chung sanh lên cõi trời. Mau chứng đắc Niết-bàn. Đó là cúng thí các vật dụng đựng đồ ăn sẽ được mười thứ công đức như vậy. Như có chúng sanh cúng thí các thứ ăn uống sẽ đạt được mười thứ công đức: Được thọ mạng lâu dài. Được sắc đẹp. Được sức lực khỏe mạnh. Được biện tài vô ngại, an ổn. Được pháp không hề sợ hãi. Không có biếng nhác, luôn được mọi người kính ngưỡng. Mọi người đều yêu thích. Có đủ phước báo lớn. Mạng chung sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí các thức ăn uống sẽ được mười điều công đức như thế. Như có chúng sanh cúng thí giày dép sẽ được mười thứ công đức: Có đầy đủ xe cộ đẹp đẽ. Chân bước đi luôn bình an. Bàn chân mềm mại. Đi xa luôn nhẹ nhàng, khoẻ khoắn. Thân không mệt mỏi. Dù đi đến đâu cũng không bị chông gai, sạn sỏi làm chân bị tổn thương. Được diệu lực thần thông. Luôn được các sứ giả giúp đỡ. Mạng chung được sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí giày dép sẽ được mười thứ công đức. Như có chúng sanh cúng thí hương hoa sẽ được mười thứ công đức: Sống ở đời như bông hoa. Thân thể không hôi thối. Hương phước hương giữ giới lan tỏa khắp các phương. Theo chỗ sanh đến, tỷ căn không hề hư hoại. Hơn hẳn thế gian, được mọi người quy ngưỡng. Thân thường sạch thơm. Yêu thích chánh pháp, thọ trì đọc tụng. Đủ phước báo lớn. Mạng chung sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí hương hoa sẽ được mười thứ công đức. Như có chúng sanh cúng thí đèn sáng sẽ được mười thứ công đức: Tỏa sáng thế gian như đèn. Theo chốn sanh ra, mắt thịt không bị tổn. Được thiên nhãn. Đối với các pháp thiện ác, có trí tuệ biết rõ. Trừ diệt sự hôn ám lớn. Được trí tuệ sáng suốt. Lưu chuyển ở thế gian, thường không bị ở nơi chốn tối tăm. Có đủ phước báo lớn. Mạng chung được sanh lên cõi trời. Mau chứng Niết-bàn. Đó là cúng thí đèn sáng sẽ được mười thứ công đức. Nếu có chúng sanh chắp tay cung kính sẽ được mười thứ công đức: Được phước báo thù thắng. Sanh nơi tộc họ cao quý. Được sắc đẹp hơn hết. Được âm thanh bậc nhất. Được dù, lọng quý báu. Được biện tài thù thắng. Được lòng tin thù thắng. Được giới pháp thù thắng. Được sự hiểu biết rộng khắp thù thắng. Được trí tuệ thù thắng. Đó gọi là chắp tay cung kính sẽ được mười thứ công đức. Bấy giờ Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp xong, Trưởng giả Thủ-ca nghe Đức Phật giảng đạt được tín tâm thanh tịnh. Trưởng giả Thủ-ca, cung kính đảnh lễ Đức Phật, thưa: –Nay con xin thỉnh Đức Phật đến thành Xá-bà-đề, tới chỗ ở của cha con, tức nhà Trưởng giả Đao-đề. Mong Ngài hạ cố, khiến cho cha con và tất cả mọi người mãi mãi được an lạc. Đức Thế Tôn vì muốn đem lại lợi ích cho mọi người nên im lặng nhận lời. Trưởng giả Thủ-ca, nghe Phật dạy xong, trong lòng hết sức hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui ra. <卷 id="34453690">