<經 id="n45">PHẬT NÓI KINH VUA ĐẠI CHÁNH CÚ Hán dịch: Đời Tống, Đại sư Pháp Hiền. <卷 id="34453616">QUYỂN THƯỢNG Tôi nghe như vầy: Một thời Tôn giả Đồng tử Ca-diếp ở tại nước Kiêu-tát-la, tuần tự du hành, dừng chân nơi vườn Lộc dã thuộc rừng Thi-lợi-sa, phía Bắc thành lớn Thi-lợi-sa. Thời ấy có vị vua tên là Đại Chánh Cú, đóng đô ở thành Thi-lợi-sa. Nhà vua trước đây không tin nhân quả, thường nói như vầy: “Không có đời sau, cũng không có người tái sanh, không có hóa sanh”. Ông thường khởi niệm đoạn diệt như vậy. Khi đó, trong thành lớn Thi-lợi-sa có các bậc Đại Bà-la-môn và Trưởng giả chủ… cùng nhau bàn luận: Vì sao vị Sa-môn Đồng tử Ca-diếp ấy đi đến phía Bắc thành này trú trong vườn Lộc dã, thuộc rừng Thi-lợi-sa? Lúc ấy Tôn giả Ca-diếp đang ở trong thành đó tiếng tăm đồn khắp, tất cả dân chúng vùng này trước đây từng được nghe Tôn giả Ca-diếp khéo giảng nói các pháp cốt yếu, với nhiều ý nghóa thâm diệu, nên bảo nhau: “Tôn giả Ca-diếp đã được an lạc, thường hành hạnh đầu đà, chính là Bậc Ứng Cúng, là Bậc Đại A-la-hán. Nay Tôn giả đã đến đây, chúng ta nên cùng nhau đi tới khu rừng chỗ Tôn giả ngụ để lễ bái, kính cẩn cúng dường”. Bấy giờ các Đại Bà-la-môn, Trưởng giả… ở trong thành đều đi về phía Bắc của thành, đến vườn Lộc dã, thuộc rừng Thi-lợi-sa muốn cùng được tham vấn. Lúc ấy vua Đại Chánh Cú đang ở trên lầu cao, từ xa trông thấy các vị Bà-la-môn, Trưởng giả… cùng nhau ra khỏi thành, đi về phía Bắc đến vườn Lộc dã, rừng Thi-lợi-sa. Nhà vua thấy vậy bèn hỏi vị quan hầu: –Tại sao các vị Bà-la-môn, Trưởng giả đều cùng nhau ra khỏi thành đi đến vườn Lộc dã, nơi rừng Thi-lợi-sa? Quan hầu thưa: –Có một vị Sa-môn tên là Đồng tử Ca-diếp du hóa đến phía Bắc của thành lớn này, hiện trú trong vườn Lộc dã, thuộc rừng Thi-lợi-sa. Cho nên các hàng Bà-la-môn, Trưởng giả… ở trong thành đều cùng nhau tìm đến chỗ ấy để lễ bái cúng dường. Nhà vua nghe tâu liền bảo quan hầu: –Ngươi đến bảo các vị Bà-la-môn, Trưởng giả… kia hãy dừng lại một chút để chờ ta. Nay ta sẽ cùng họ đồng đến chỗ ấy để lễ bái, tham vấn Sa-môn Đồng tử Ca-diếp. Vì sao? Vì theo ý ta, sợ các Bà-la-môn, Trưởng giả này sẽ bị Sa-môn Đồng tử Ca-diếp dùng tà pháp để dẫn dắt. Vị này không căn cứ vào trí thức, dối nói là “có người và có đời sau, lại có hóa sanh”. Quan hầu vâng lệnh vua, đi đến chỗ các Bà-la-môn, Trưởng giả… nói với những người ấy: –Vua Đại Chánh Cú bảo các vị hãy dừng lại chốc lát, vua sẽ tới ngay bây giờ để cùng đi với các vị đến lễ bái thăm hỏi Sa-môn Đồng tử Ca-diếp. Mọi người theo lệnh vua ban nên đều không dám đi trước. Quan hầu làm xong nhiệm vụ, liền trở về chỗ vua tâu lại đầy đủ sự việc như thế. Bấy giờ vua Đại Chánh Cú cho người điều khiển xa giá đưa nhà vua ra khỏi cung thành, cùng với các vị Bà-la-môn và Trưởng giả đồng đi đến vườn Lộc dã, thuộc rừng Thi-lợi-sa. Tâm vua vốn kiêu mạn, cho xa giá đến chỗ đường hẹp rồi mới xuống xe, đi bộ vào trong vườn, chỗ Tôn giả Đồng tử Ca-diếp đang ở. Vua Đại Chánh Cú cùng các vị Bà-la-môn, Trưởng giả trông thấy Tôn giả Đồng tử Ca-diếp. Lúc đầu họ chưa có lòng tin đối với Tôn giả nên không tỏ ra quá cung kính. Nhà vua và Tôn giả Đồng tử Ca-diếp vấn an thăm hỏi rồi cùng ngồi qua một bên. Các vị Bà-la-môn, Trưởng giả thấy nhà vua như vậy nên họ cũng có chút kính trọng, đều cùng nhau chào hỏi, rồi đứng chung quanh. Bấy giờ đại vương Đại Chánh Cú liền đi thẳng vào chuyện: –Này Tôn giả Ca-diếp, hãy lắng nghe tôi nói. Theo ý tôi thì không có đời sau, không có người tái sanh, cũng không có hóa sanh. Ý tôi là như vậy, còn ý của Tôn giả thì thế nào? Tôn giả Ca-diếp đáp: –Nếu vua thích nghe về ý nghóa chân chánh như vậy, trước hết phải thành tâm tin một cách chắc thật. Vua liền đáp: –Thưa vâng, tôi xin thọ giáo. Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp nói với nhà vua: –Đại vương thấy mặt trời, mặt trăng là có hay không có? Nó thuộc về đời này hay đời sau? Lý ấy quá rõ ràng chẳng có gì gượng ép cả. Này đại vương, ngài thấy như thế nào và nghe như thế nào? Vua đáp: –Này Tôn giả Ca-diếp, sự thấy và nghe của tôi cũng giống như Tôn giả là mặt trời, mặt trăng đó thuộc về đời này và cũng thuộc về đời sau nữa. Tôn giả Ca-diếp lại hỏi: –Như điều đại vương trông thấy là cũng có ở đời sau nữa. Này đại vương, không nên chấp như kiến giải từ trước. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, như các hàng Sa-môn, Bà-la-môn cho đến Bậc Ứng Cúng, Thế Gian Giải… nhờ trí tự thông tỏ, biết như thật, chắc chắn rằng có nhân, có quả, có đời này, có đời sau. Này đại vương, không nên chấp đoạn diệt như trước nữa. Sự mê chấp của nhà vua vẫn chưa tỉnh ngộ. Nhà vua nói với Tôn giả Ca-diếp: –Tôn giả nay sao nói những lời như vậy? Như ý của tôi thì thật sự không có đời sau. Này Tôn giả Ca-diếp, chớ lại gượng nói như thế. Tôn giả Ca-diếp đáp: –Thân của nhà vua ngay vào lúc này là có hay không có? Như thân này của vua là có thì tại sao lại chấp đoạn cho rằng không có đời sau? Nên dùng ví dụ gì để chứng minh cho lý này? Nhà vua đáp: –Này Tôn giả Ca-diếp, nay tôi có một ví dụ để chứng minh cho lý ấy, là thân hiện nay là có còn đời sau là không. Vua nói: –Này Tôn giả Ca-diếp, như người thân thuộc của tôi bị mắc phải tật bệnh kéo dài đã lâu, lúc gần mạng chung, bấy giờ tôi tới chỗ người bệnh để thăm hỏi và bảo: “Bệnh ông hiện rất nặng, chắc chắn là không thoát khỏi. Nếu có chết đi hãy trở về báo cho ta biết. Ta nghe các hàng Sa-môn, Bà-la-môn trước kia có nói rằng, nếu người nào phá giới, tạo nghiệp ác, sau khi mạng chung phải bị đọa vào địa ngục. Nếu như các Sa-môn, Bà-la-môn kia nói đúng thì các ông là thân thuộc của ta, sau khi mạng chung chắc chắn phải bị đọa địa ngục. Vì sao? Vì các người thân thuộc của ta đã phá giới, tạo tội, do đó nên biết chắc chắn phải bị đọa lạc vào cõi ác. Nếu ông ở nơi cõi ác hãy nhờ người khác hoặc chính mình trở về báo cho ta biết rằng nay tôi đang ở trong địa ngục chịu lấy bao sự thống khổ cùng cực. Nếu ông trở về báo cho ta biết, chắc chắn ta sẽ đến đó để cứu”. Nhưng chỉ thấy có người chết ra đi chớ chưa từng thấy có người chết trở lại. Này Tôn giả Ca-diếp, như ý của tôi do ví dụ này thì nên biết chắc chắn là không có đời sau. Tôn giả Ca-diếp đáp: –Này đại vương, ví dụ này tuy rõ ràng nhưng chưa phải là lý thuyết chân chánh. Nay tôi xin hỏi vua: Ví như có người vi phạm phép nước bị binh lính tuần tra bắt được, đưa đến chỗ vua tâu: “Người này phạm tội như vậy, không dám che giấu”. Nhà vua nghe tâu như vậy liền ra lệnh cho quan có trách nhiệm đem tội nhân này trói chặt hai tay lại rồi dẫn ra ngã tư đường, chỗ đông người tụ hội, đánh trống loan báo nay tội nhân này phạm tội như vậy và theo lệnh của vua xin báo cho mọi người ở khắp Đông, Tây, Nam, Bắc cùng nhân dân trong thành được biết, rồi dẫn tội nhân ra khỏi thành, cứ theo pháp mà xử trị. Như tội nhân này khi sắp tới pháp trường sẽ nói với người canh giữ rằng: “Xin hãy thương xót thả tôi ra một chút để tôi về nhà có đôi lời từ biệt với những người thân thuộc, rồi tôi sẽ trở lại liền”. Này đại vương, đao phủ kia có dám thả người ấy ra một lát để y trở về nhà chăng? Vua đáp: –Không thể thả, thưa Tôn giả Ca-diếp. Giả sử gã này có hết lời cầu khẩn thì người đao phủ ấy cũng không dám thả ra. Vì sao vậy? Vì phép vua đã quy định thì không thể thả ra dù chỉ một giây lát. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, các người thân thuộc của đại vương do vì tạo nghiệp gây tội lỗi cho nên sau khi mạng chung phải bị đọa trong địa ngục. Do tội lỗi đã tạo tác nên họ mãi mãi phải nhận lấy mọi sự khổ sở. Các tội nhân này nói với ngục tốt: “Xin hãy tạm thời thả cho chúng tôi trở về nhân gian, đến chỗ vua để cầu xin vua cứu khổ”. Này đại vương, vậy ngục tốt này có chịu thả tội nhân ấy ra không? Vua đáp: –Không thả. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, cùng là người đồng ở thế gian mà không chịu tạm thời thả tội nhân ra, huống chi những người thân thích của nhà vua đã tạo đủ điều ác và bị đọa trong địa ngục. Này đại vương, đừng đem ví dụ này để cho là không có đời sau. Sự chấp đoạn ấy chẳng phải là lý lẽ chân chánh, do đấy nên biết đã có đời hiện tại vậy phải có đời sau. Cho đến các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, các Bậc Ứng Cúng, Thế Gian Giải nhờ trí tuệ tự thông tỏ nên biết rõ sự thật. Vậy vua không nên chấp theo kiến giải như trước. Vua lại đáp: –Này Tôn giả Ca-diếp, lời nói đó chẳng đúng, tâm của tôi chưa đồng ý, không thể lại nói rằng thật có đời sau. Tôn giả Ca-diếp lại nói với nhà vua: –Ý của vua như thế, vậy có ví dụ nào có thể chứng minh nữa chăng? Vua đáp: –Nay tôi lại có một ví dụ về người thân, có thể dùng để chứng minh. Này Tôn giả Ca-diếp, như người thân thuộc của tôi bị bệnh nặng, sắp sửa mạng chung. Tôi đến dặn dò và nói với người bệnh: “Tôi nghe các vị Sa-môn, Bà-la-môn thường nói như vầy: ‘Nếu người nào trì giới, tu các pháp thiện, hoặc là bố thí mà người cho, người nhận và vật được cho đều thanh tịnh, thấy người khác đạt được điều thù thắng không sanh lòng ganh tị. Người ấy khi mạng chung được sanh lên cõi trời.’ Nếu lời nói của các Sa-môn, Bà-la-môn ấy mà đúng thì sau khi ông mạng chung, chắc chắn sẽ sanh về cõi trời. Vì sao? Ta thấy ông thường có đủ giới hạnh tu pháp thiện, khi thực hành bố thí thì người cho, người nhận và vật bố thí đều được thanh tịnh, đối với việc thù thắng của người khác không hề sanh lòng ganh ghét. Do đó nên biết chắc chắn ông được sanh lên cõi trời. Nếu được sanh lên cõi trời thì ông hãy nhờ người khác hoặc chính mình trở về để báo cho ta biết: ‘Nay tôi đã được sanh lên cõi trời đó, hưởng mọi sự an lạc’.” Này Tôn giả Ca-diếp, các người thân thuộc của tôi ấy nếu thật đã sanh lên cõi trời thì chắc chắn phải về báo cho tôi biết. Vậy tại sao người thân thuộc của tôi chỉ thấy chết mất, không hề trở lại báo gì cả, do đó nên biết chắc chắn là không có đời sau. Tôn giả Ca-diếp nói với nhà vua: –Nay tôi cũng xin nói một ví dụ để khiến cho vua thấy là thật có đời sau. Này đại vương, ví như có một hầm phân hôi thối không thể đến gần. Bấy giờ có một người lỡ rớt vào trong đó, dơ nhớp vô cùng nhưng nhờ phương tiện nên được thoát ra khỏi chốn ấy. Khi thân đã ra khỏi rồi, liền dùng các thứ dầu thơm nấu nước tắm rửa, lại dùng hương bột để xoa vào thân. Khi thân hình kẻ ấy đã được thơm sạch, lại dùng các loại áo Ca-thi-ca tuyệt đẹp mặc vào, dùng các ngọc báu, tràng hoa để trang sức nơi thân, rồi người ấy ở trong nhà để thọ hưởng mọi sự diệu lạc. Này đại vương, theo ý vua thì sao? Như vậy người ấy có muốn trở vào hầm xí nơi trước nữa chăng? Vua nói: –Không bao giờ, thưa Tôn giả Ca-diếp. Cái hầm phẩn hôi thối ấy người kia đâu có thích thú gì! Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, người kia sanh lên cõi trời cũng lại như thế. Đã được sanh lên cõi trời rồi, há lại muốn trở về nhân gian nữa sao? Lại nữa, này đại vương, ở nhân gian một trăm năm thì bằng một ngày một đêm ở cõi trời Đao-lợi. Người thân của đại vương tu các pháp thiện đã được sanh lên cõi trời ngày đêm thọ hưởng sự an lạc, há còn nghó đến việc trở lại để báo cho vua biết: “Tôi đã được sanh ở cõi trời, ngày đêm hưởng mọi sự vui sướng”. Này đại vương, đại vương cùng với chư Thiên thọ mạng dài ngắn có giống nhau chăng? Vua nói: –Không giống, thưa Tôn giả Ca-diếp. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, cõi trời, cõi người vốn tự cách biệt, không nên như kẻ khờ khạo mong được trở về báo cho biết, sau đó mới có thể tin là có đời sau. Này đại vương, chỉ có các hàng Sa-môn, Bà-la-môn, các Bậc Ứng Cúng, Thế Gian Giải mới có thể thật biết là có đời sau. Có thể dùng trí của chính mình để rõ biết một cách như thật, không nên lại có kiến chấp là không có đời sau. Nhà vua nói với Tôn giả Ca-diếp: –Như lời Tôn giả nói cũng chưa đủ để tôi tin. Vì sao? Tôn giả nói ở nhân gian một trăm năm bằng ở cõi trời Đao-lợi một ngày một đêm. Vậy có người nào đến nói với Tôn giả là thời gian ở hai cõi khác nhau như vậy chăng? Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Như chỗ thấy của nhà vua thì cũng giống như người mới sanh ra đã bị mù. Vì sao? Người mới sanh đã mù, tự mình không thấy các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng; hình tướng vi tế, thô xấu, dài ngắn nên nói: “Như vậy vốn không có màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và hình tướng vi tế, thô xấu, dài ngắn”. Lại nói: “Ta không biết, ta cũng không thấy”. Người mới sanh ra đã mù ấy do tự mình không thấy nên mới chấp rằng vốn không có màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, cho đến hình tướng dài ngắn… Này đại vương, đừng giống như người mới sanh đã mù kia chấp cho là không có các hình sắc. Nhà vua nói: –Này Tôn giả Ca-diếp, như ý của tôi, nếu cõi trời kia thật có thì tôi liền nói có. Còn nếu quả thật là không có thì tại sao khiến tôi nói là thật có. Lại nữa, này Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả không phải là người thiện. Vì sao? Sự thấy biết của tôi vốn chân chánh, sao lại ví tôi với người sanh ra đã mù kia? Này Tôn giả Ca-diếp, những điều ông nói về việc sanh lên cõi trời… quả thật là tôi không tin. Nếu tin lời ấy thì khác nào ăn phải thuốc độc, như kiếm nhọn đâm vào thân, như leo lên núi mà bị ngã xuống, chỉ tự hại mạng mình mà thôi. Những điều xấu ác như vậy tôi đều xa lìa. Tôn giả Ca-diếp nói với vua Đại Chánh Cú: –Tôi nhớ đời xưa có một Bà-la-môn nhà cửa hết sức giàu có, mà đến khi tuổi già chỉ có một người con trai tuổi mới mười sáu, mẹ nó đã chết. Bà-la-môn kia không thể sống cô độc, bèn tục huyền. Không lâu sau người vợ kế này lại có thai. Người vợ ấy chưa kịp sanh thì ông Bà-la-môn ấy qua đời. Bấy giờ người con trai nói với mẹ kế: –Tất cả những của cải vàng bạc châu báu cho đến tất cả vật dụng trong nhà này đều thuộc về tôi, không một người nào khác có thể phân chia tài sản vật dụng của tôi được. Người kế mẫu kia nghe người con trai nói xong liền bảo: –Nay tôi đã mang giọt máu của cha cậu ở trong bụng, hãy chờ nó lớn khôn thì chia cho nó một nửa. Người con trai kia vẫn nói lại những lời như trước. Người kế mẫu suy nghó: “Thằng nhỏ này tuổi còn thơ ấu, tánh tình dại khờ. Tuy mình đã nói hết lời nhưng nó vẫn chưa thể hiểu”. Lại do lòng tham nên muốn gấp thấy đứa con trong bụng ra đời, bà dùng nhiều phương tiện để được sanh nhanh. Do chưa đủ ngày tháng nên việc ấy trở lại làm hư thai. Này đại vương, người đàn bà kia vì lòng tham lam ganh ghét nên trở lại làm hư thai của chính mình. Này đại vương, nay ngài vì không chịu nhận thứ tìm hiểu nên mới khởi lên đoạn như vậy. Vua đáp: –Này Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả chớ nói lời như trước: “Ai trì giới, tu thiện và thực hành bố thí, sau khi mạng chung sẽ được sanh lên cõi trời, thọ mạng lâu dài, thường thọ hưởng an lạc”. Tôi thật tình không tin như vậy. Nay tôi nếu tin vào lời của Tôn giả thì đó là ăn thuốc độc, là bị gươm nhọn đâm vào thân mình, là rơi từ núi cao xuống, chỉ tự hại mình mà thôi. Tại sao Tôn giả Ca-diếp vẫn cứ giữ mãi những lời nói như vậy? Theo như ý tôi thì chắc chắn không có người đầu thai, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Tôn giả Ca-diếp nói với nhà vua: –Há không còn ví dụ nào để chứng minh cho lời của ngài nữa sao? Vua đáp: –Này Tôn giả Ca-diếp, tôi lại có một ví dụ cho việc ấy, để biết là không có người đầu thai, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Này Tôn giả Ca-diếp, như bà con thân thuộc của tôi bị bệnh nặng, tôi liền đến đó an ủi, thăm hỏi. Khi người ấy chưa chết thì còn nói chuyện với tôi về sự khổ não của y, đến khi chết rồi thì không còn nói với tôi về sự khổ não nữa. Do đó có thể biết rằng chắc chắn là không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Tôn giả Ca-diếp nói: –Tôi nhớ ngày xưa có một thôn xóm, dân chúng trong đó không biết tiếng hình tướng của tù và, lại cũng chưa từng nghe tiếng tù và bao giờ. Bỗng nhiên có một người từ ngoài đi đến, dừng chân ở thôn xóm này. Người ấy thường cầm một vỏ ốc để làm công việc, mỗi ngày cầm tù và đi đến chỗ tượng Thánh thổi lên để cúng dường, xong thì trở về trú xứ. Lúc đó tất cả dân chúng trong thôn xóm bỗng nhiên nghe tiếng tù và ấy thảy đều kinh sợ, cùng nhau bảo: “Đó là tiếng gì vậy? Chúng ta chưa hề nghe tiếng như thế”. Này đại vương, tất cả dân chúng trong thôn xóm khi ấy cùng đến chỗ phát ra tiếng tù và hỏi cái tù và kia: –Ngươi từ đâu đến, phải nói sự thật, nếu nói không đúng sự thật, chúng ta sẽ đập phá ngươi! Tù và nếu biết ý của chúng ta tất phải nói gấp lý do. Này đại vương, đám dân chúng kia đối với hình tướng của vỏ ốc cùng tiếng tù và, vốn chưa từng thấy, cũng chưa từng nghe, nên muốn bảo cái vỏ ốc đó hỏi đáp với họ. Vỏ ốc đã là vật vô tình thì đâu có thể trả lời được! Vì sao vậy? Bởi vì nó cũng như đại vương muốn nói chuyện với người đã chết. Người đã chết rồi há có thể nói lại được sao? Đại vương không nên chấp giữ kiến giải như vậy, cho rằng không có người đầu thai, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Có những bậc Sa-môn, Bà-la-môn đạt được đầy đủ thiên nhãn, dùng thiên nhãn thanh tịnh ấy nên thấy rõ con người chết ở đây, sanh ở kia, thọ thân hình đẹp hay xấu, đoan nghiêm hay thô lậu, được sanh lên cõi trời hay đọa vào cõi ác. Này đại vương, những việc như vậy đều có thể chứng minh được cả. Vậy không nên nói không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Vua nói: –Này Tôn giả Ca-diếp, tuy ngài nêu ví dụ như vậy nhưng tôi vẫn không tin. Theo kiến giải của tôi thì chắc chắn không có người thọ sanh, cũng không có hóa sanh, không có đời sau. Tôn giả Ca-diếp lại nói với nhà vua Đại Chánh Cú: –Nếu như vậy, vua lại có ví dụ gì nữa để chứng minh rằng không có người thọ sanh, cũng không có đời sau, không có hóa sanh chăng? Vua đáp: –Này Tôn giả, ví như quan coi về pháp luật xử trị con người, đến khi thực hiện thì tự mình vi phạm những luật cấm, sau đó bị hạch hỏi, tấu trình lên vua mọi việc. Vua đều biết rõ nên ra lệnh cho quan Pháp ti dẫn tội nhân đi, cứ y theo pháp luật mà xử. Vua lại ra lệnh trói chặt hai tay tội nhân lại, đem đến pháp trường để trừng trị thật thích đáng, dùng các thứ cực hình để xử theo tội nặng nhẹ. Người ấy khi còn sống thì biết khổ đau, nếu đã chết rồi thì không còn hơi thở nữa. Lại nữa, kẻ tội phạm ấy lúc chưa chết thì thân thể mềm mại, nhưng khi chết rồi thì thân thể cứng đờ. Cho đến việc nhẹ lúc còn sống, nặng lúc đã chết khác nhau. Này Tôn giả, do đó mà biết chắc chắn là không có đời sau, không có người thọ sanh, cũng lại không có sự hóa sanh chi cả. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, theo ý ngài thì thế nào? Ví như cục sắt cũng có nhẹ nặng, mềm cứng khác nhau? Khi sắt nóng thì thể chất của nó nhẹ mà mềm, để sắt nguội đi thì thể chất của nó nặng mà cứng. Này đại vương, loài hữu tình hay vô tình thân tướng đều bẩm thọ từ tứ đại, do tứ đại ấy mà có sự hợp hay tan, do đó nên có sự sai khác về mềm cứng, lạnh nóng. Đừng nên đem lý này để so sánh với đời sau và sự hóa sanh… Đại vương nên biết, thật có các bậc Sa-môn, Bà-la-môn chứng đắc đầy đủ thiên nhãn, thấy các chúng sanh chết ở đây sanh ở kia, cho đến thân tướng đoan nghiêm hay thô xấu, hoặc sanh ở cõi trời hay đọa vào đường ác, họ đều có thể chứng biết là thật có đời sau, có hóa sanh. Vua nói: –Thưa Tôn giả, như lời ngài nói thì chưa đủ để vững tin. Theo ý tôi thì quả thật không có người thọ sanh, không có đời sau, cũng không có hóa sanh.  PHẬT NÓI KINH VUA ĐẠI CHÁNH CÚ <卷 id="34453618">QUYỂN HẠ Tôn giả Ca-diếp lại nói với vua Đại Chánh Cú: –Vậy nhà vua còn có ví dụ nào nữa để chứng minh là không có người tái sanh và không có đời sau, cũng không có hóa sanh? Vua đáp: –Tôi lại có một ví dụ có thể chứng minh cho lý của tôi. Này Tôn giả, ví như có người phạm tội rất nặng. Quan cận thần biết được liền tâu với vua hiện nay có người này phạm tội rất nặng. Nhà vua nghe tâu rồi liền ra lệnh cho quan trực thuộc bắt trói tội nhân, theo pháp luật xử trị. Quan Pháp ti vâng lệnh vua, dẫn tội nhân đi, trói chặt hai tay, bỏ vào trong vạc mà đun nấu. Vua lại ra lệnh hãy nấu cho thật nhừ, thịt xương rời ra, rồi lấy cây dò thật kỹ trong cái vạc, để xem kẻ ấy có thành đời sau và sự hóa sanh… ra vào không? Quan Pháp ti chấp hành theo lệnh vua nấu tội nhân cho đến lúc thịt chín nhừ, rồi tìm thật kỹ trong vạc, rốt cuộc không thấy có đời sau của con người và sự hóa sanh… ra vào chi cả. Cho đến trước sau tìm kiếm nhiều lần mà vẫn chẳng thấy gì. Vua nói: –Này Tôn giả, do ví dụ đó mà biết quả thật là không có người tái sanh, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Tôn giả Ca-diếp nói với nhà vua: –Này đại vương, ví như có người trong giấc ngủ mộng thấy một khu vườn tuyệt đẹp. Trong vườn có nhiều thứ cây cối, hoa quả sầm uất, ao nước trong vắt. Người ấy ở trong giấc mộng hết sức ưa thích. Này đại vương, cái vườn ấy là có thật chăng? Và sự xem chơi, thưởng ngoạn, việc người ấy đi ra, đi vào trong khu vườn kia là có thật chăng? Vua đáp: –Không có thật, thưa Tôn giả Ca-diếp. Những điều thấy trong giấc mộng đều chẳng phải là chân thật. Tôn giả Ca-diếp nói: –Cũng như sự chấp trước về đoạn diệt của đại vương chẳng phải là chân thật. Này đại vương, cần phải biết rõ sự thật là thật có người tái sanh, có đời sau, có hóa sanh, cho đến thật có các bậc Sa-môn, Bà-la-môn chứng đắc đầy đủ thiên nhãn thanh tịnh, vượt hơn thế gian, thấy các chúng sanh chết ở đây, sanh ở kia, thân tướng đoan nghiêm hay xấu xí, được sanh lên cõi trời hay bị đọa vào địa ngục. Đó là sự chân thật không nên trở lại chấp đoạn như trước nữa. Vua nói: –Này Tôn giả, tại sao Tôn giả cứ luôn luôn nói những điều như vậy? Theo ý tôi biết thì chắc chắn là không có người tái sanh, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Tôn giả Ca-diếp lại nói với nhà vua: –Đại vương còn có ví dụ nào để chứng minh là không có người tái sanh, không có đời sau, cũng không có hóa sanh? Vua bảo: –Này Tôn giả Ca-diếp, tôi còn có một ví dụ để chứng minh cho lý của mình. Ví như có người chấp hành việc của vua, nhưng tự mình lại vi phạm những điều lệ. Quan cận thần tâu hết sự việc ấy lên nhà vua. Vua nghe xong, bèn lệnh cho quan Pháp ti tra hỏi cho ra sự thật. Khi tội nhân đã nhận tội thì nên dùng hình phạt để xử trị. Vua ra lệnh trước tiên là xẻo da thịt, sau đó cắt gân, mạch, chặt xương, đập tủy để tìm kiếm thần thức người ấy và kẻ hóa sanh. Quan Pháp ti vâng lệnh vua, cứ theo pháp luật thi hành, đúng như lời vua bảo không dám trái lệnh, nhất nhất theo thứ lớp xẻ da, cắt thịt cho đến cả gân mạch, xương, tủy ở bên trong thân thể tội nhân cũng bị cắt xẻ để tìm kiếm thần thức của con người hóa sanh… Từ đầu đến cuối hoàn toàn không thấy có thần thức của con người cùng sự hóa sanh gì cả. Này Tôn giả, cứ lấy ví dụ này mà biết thì quả thật là không có người tái sanh, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Tôn giả Ca-diếp nói: –Này đại vương, tôi nhớ thời xưa có một đạo nhân sống ở trong núi. Bấy giờ có một đoàn khách buôn đem theo nhiều xe cộ chở nhiều của cải, đến gần am của đạo nhân dừng lại ngủ qua đêm rồi bỏ đi. Vị đạo nhân kia vào lúc sáng sớm vội đến xem chỗ các người khách buôn ngủ đêm qua, sợ còn bỏ sót tài vật gì chăng. Quả nhiên ở đó thấy có một đứa bé mới bỏ bú, chưa biết gì cả, hẳn là do các khách buôn bỏ lại. Đạo nhân thương xót, sợ đứa bé kia đói khát mà chết, bèn đem về trong am mình nuôi dưỡng nó như người thân. Nhưng vị đạo nhân này là người thờ lửa, luôn chuyên chú tâm bỏ thêm củi vào đống lửa, nên lửa trong nhà ông chưa bao giờ bị tắt. Cậu bé ấy ngày qua tháng lại, dần dần lớn khôn, tuổi đã được mười lăm, mười sáu. Đạo nhân suy nghó: “Cậu bé đã lớn khôn, ta hoàn toàn có thể giao phó công việc cho nó được”. Một ngày nọ, đạo nhân vì có việc nên phải vào thành, tạm thời rời xa am của ông. Ông bảo cậu bé: “Ta có công việc nên tạm thời phải xa am. Lửa trong am, hãy như ta mỗi ngày liên tục bỏ thêm củi vào đừng để cho nó tắt”. Nói xong ông liền ra đi. Đạo nhân đã đi khỏi, cậu bé còn dại khờ nên ham chơi, do ham chơi nên quên thờ lửa, vì không bỏ củi liên tục vào đống lửa nên làm lửa tắt. Bấy giờ, cậu bé thấy lửa đã tắt, liền lượm hết củi chất vào lò rồi cầu nguyện: “Này lửa, hãy mau xuất hiện. Nếu lửa không xuất hiện ta sẽ hủy hoại ngươi”. Cậu bé ấy đã khổ sở cầu xin, nhưng cuối cùng lửa vẫn không cháy. Do lửa không cháy nên cậu bé lại phát ra lời nói ác: “Nếu lửa không xuất hiện, ta sẽ đánh ngươi”. Khi ấy, cậu bé mong có lửa mà lửa vẫn không hiện, trong lòng rất lo sợ nếu đạo nhân trở về, chắc chắn sẽ đánh nó. Nó đứng một chỗ để suy nghó đến lửa. Công việc xong xuôi, đạo nhân lại trở về am, thấy cậu bé ngồi im lặng, liền biết là lửa đã tắt. Ông bảo thằng bé: “Con ham chơi bời lêu lỏng đến nỗi để lửa tắt sao?”. Đồng tử thưa: “Con vừa quên một chút thì lửa đã tắt rồi. Sau khi lửa tắt, con chất củi vào trong lò, dùng lời thiện, ác để cầu đảo nhưng lửa vẫn không xuất hiện”. Đạo nhân nói: “Con thật là khờ dại, nếu lửa đã tắt, muốn có lửa thì phải đốt lửa. Ta chưa từng nghe ai nói là cứ chất củi vào trong lò lạnh mà có lửa xuất hiện bao giờ! Giả sử con cứ chất thật nhiều củi vào trong lò, rồi dùng đủ các phương tiện để mong có lửa thì chỉ tự mình chuốc lấy khổ sở chứ không thể làm vậy mà có lửa được”. Này đại vương, cũng như đứa bé, sau khi lửa tắt rồi, cứ tìm lửa trong tro, sự mê chấp, sự không tỉnh ngộ của đại vương cũng vậy. Đối với cái thây chết mà tìm cầu thần thức của con người và kẻ hóa sanh, rồi vọng chấp cho là không có thần thức, nên khởi ra đoạn. Vua nói: –Này Tôn giả, chớ nói lời như vậy! Nếu tôi theo lời ngài nói rằng có đời sau, chắc chắn là tôi sẽ bị người ta dị nghị. Vì sao vậy? Vì ở đây mọi người sẽ nói như vầy: “Từ xưa nhà vua vốn không tin nhân quả, thường nói là không có đời sau, không có thần thức, cũng không có hóa sanh. Ngày nay nhà vua lại bị Tôn giả Ca-diếp cảm hóa nên không còn dị kiến đó nữa”. Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, tôi nhớ thuở trước có hai người khách buôn, họ đều có tài sản châu báu hơn cả một nước. Về sau, họ giao ước kết nghóa làm bạn với nhau, cùng đi đến một nước khác, đem hàng hóa để buôn bán kiếm lời. Hai người khách buôn ấy mỗi người đều tập hợp một số thương nhân để làm bạn đồng hành. Bấy giờ mọi người đều chuẩn bị xe cộ, sắp đặt ngựa kéo trong cùng một ngày thì lên đường. Cứ nhắm về phía trước mà đi cách nước mình đã xa, gần tới chỗ hiểm trở. Một người khách buôn biết rõ con đường ấy ở phía trước có chỗ nguy hiểm nên bảo vị chủ buôn kia: “Ông nay nên biết, con đường ở phía trước đây rất hiểm trở, không có người, không có khói lửa chi cả. Vậy tất cả thương nhân phải chuẩn bị đầy đủ các thứ vật dụng cần thiết”. Hai người chủ buôn luận bàn xong, một người đi trước, nghó: “Đoàn của mình ít người nên nhu cầu cũng ít. Tất cả vật dụng, lúa mì, thức ăn uống cho đến củi để đốt cũng đều bỏ lại hết”. Tiếp tục đi về phía trước bỗng gặp một người đi ngược chiều, thân hình to lớn, da đen, hai mắt đỏ ngầu, đầu tóc bờm xờm, áo quần rách rưới, ngồi trên một chiếc xe do lừa kéo, hình dáng như quỷ. Chủ buôn hỏi người ấy: “Này nhân giả, con đường phía trước có đồ ăn thức uống và củi đốt… chứ?”. Người kia trả lời: “Con đường phía trước có rất nhiều thức ăn uống, củi đốt không thiếu gì cả. Những thứ ấy ông có chở trên xe thì hãy nên vứt tất cả đi, chỉ khiến cho xe thêm nặng nề làm chậm bước đi tới con đường phía trước mà thôi”. Chủ buôn nghe lời nói ấy, liền bảo các thương nhân: “Tất cả chúng ta đều nghe nói là đồ ăn, thức uống và các thứ vật dụng nơi con đường phía trước chẳng thiếu gì cả. Đâu cần mang những thứ ấy trên xe ngựa cho vướng bận”. Vì chủ buôn này và các bạn đồng hành đều là những người, không có trí tuệ, nên họ vứt bỏ những vật dụng cần thiết rồi đi. Họ đi cả ngày thứ nhất cho đến lúc mặt trời lặn chỉ gặp toàn là đồng không mông quạnh, không gặp người hay khói lửa chi cả, nhìn bốn bên đều trống vắng, chẳng có gì để cung cấp, đồ ăn thức uống bị thiếu hụt, tất cả đều bị đói khát. Họ chịu sự đói khổ suốt đêm, sáng ra lại gắng sức đi tới nữa. Bước sang ngày thứ hai, cũng đi tới tối chỉ toàn là đồng vắng, chẳng thấy gì cả. Các khách buôn cùng nhau bàn bạc: “Kẻ mà chúng ta gặp trước đây, xem qua tướng mạo nhất định biết nó là quỷ rồi. Chúng ta không có trí tuệ nên mới tin vào lời nó, bị loài yêu tinh dối gạt nên chúng ta mới đến nông nỗi này”. Tới ngày thứ ba, cả người lẫn ngựa đều thiếu lương thực và nước uống nên không thể đi được nữa. Họ nhìn nhau, chẳng nói lời nào, chỉ còn chờ chết mà thôi. Người chủ buôn kia thì qua ngày hôm sau mới lên đường, cũng gặp người như trước ngược đường đi đến, mới hỏi: “Con đường phía trước này có đồ ăn uống và các thứ vật dụng cần thiết không?”. Người ấy cũng như lần trước, mỗi mỗi đều nói dối: “Các nhu cầu về ăn uống chẳng thiếu, cần gì phải chở các thứ ấy trên xe, trên ngựa cho nặng. Các ông nên vứt bỏ các thứ ấy đi”. Người chủ buôn sau là hạng thông minh trí tuệ, hễ làm điều gì trước hết đều suy nghó cẩn thận. Ông vốn biết con đường này có vùng đồng không mông quạnh rộng lớn, rất nguy hiểm, qua vùng đất này đâu thể đi mau được. Ông lại quán sát người nói chuyện với mình sắc mặt khác lạ, hành vi thô ác, nên sợ đây có thể là yêu tinh dối trá, không nên tin tưởng. Ông cùng các thương nhân luận bàn với nhau xong rồi tiến hành. Đến ngày thứ ba, bỗng thấy trên đường đám chủ buôn và các thương nhân đoàn trước bị đói khát cùng quẩn. Hỏi lý do thì cũng chính là vì gặp con yêu tinh xấu ác ấy và nghe theo lời dối gạt của nó. Các thương nhân đoàn sau cùng nhau bàn tính rồi đem phần lương thực của mình chia sẻ cho đoàn trước, cứu giúp họ, để các thương nhân kia cùng vượt qua được quãng đường hiểm trở. Này đại vương, người chủ buôn kia vì ngu si nên mới tin lời yêu tinh dối gạt, đi đến con đường hiểm thọ lãnh bao sự khổ não cùng cực. Này đại vương, do không hiểu biết cho nên mới chấp đoạn kiến, chắc chắn đại vương cũng sẽ mãi chịu khổ não cùng cực. Vua Đại Chánh Cú nghe lời nói ấy thì bảo Tôn giả Ca-diếp: –Thôi đừng dẫn ví dụ nữa, tâm tôi không hồi tỉnh đâu. Vì sao như vậy? Vì e rằng người trong nước gọi tôi là người bất định. Họ bảo: “Đại vương Chánh Cú thường nói thật không có người tái sanh, không có hóa sanh, cũng không có đời sau. Nay trở lại bị Tôn giả Ca-diếp cảm hóa”. Do đó, nên tôi nay không thể thay đổi kiến giải từ trước của mình. Bấy giờ Tôn giả Ca-diếp lại nói với nhà vua: –Xưa có hai người, tài sản không nhiều, họ bèn kết bạn với nhau để kinh doanh. Tiền bạc của cải kiếm được tuy khác nhau nhưng nếu có lợi hãy báo cho nhau biết. Kết ước xong xuôi, cả hai chọn ngày lên đường. Khoảng mấy ngày đường, họ đến một nước khác, đất ở đấy có rất nhiều cây gai, bỏ tiêàn ra mua sẽ có lãi. Hai người bàn tính rồi bỏ tiền ra mua, bó cột lại gọn gàng rồi gánh đi, nói với nhau: “Đến nước khác hễ có lợi thì bán ngay”. Họ đi lần về phía trước tới một nước khác, thấy loại sợi bông được lời gấp bội, có thể bỏ cây gai để lấy sợi bông này. Một người có trí thì tìm người bán cây gai để mua sợi bông, còn người kia không có trí nên nói với bạn đồng hành: “Tôi không thể đổi cây gai để lấy sợi bông được. Vì sao? Vì cây gai hiện có này, tôi đã ra công cột bó rất chặt chẽ, gọn gàng, lại gánh từ xa đến đây nên thật tình tôi không thể đổi nó để lấy thứ khác được”. Ngày hôm đó, hai người đều gánh hàng của mình. Họ tiếp tục đi tới, lại đến một nước khác, hàng ở đó là lại sợi tơ có lợi hơn sợi bông. Người có trí liền bán sợi bông để lấy sợi tơ, còn người không trí thì lại nói như trên: “Tôi không thể đổi cây gai để mong kiếm lời của loại hàng tơ sợi đó”. Hai người lại mang hàng của mình tiếp tục đi về phía trước, vào một nước nhiều vải lụa giá rẻ, có lợi hơn tơ gấp bội. Người có trí thấy lợi như thế, liền đổi sợi tơ để lấy vải lụa. Còn người không có trí, vì tiếc cây gai đã mang từ xa đến, nên không chịu đổi. Hai người lại mang hàng của mình đi tiếp tới một nước chuyên nghề đúc tiền, vải lụa tuy quý nhưng so với bạc thì kém xa, nếu đổi lụa lấy bạc thì lợi gấp trăm lần. Người có trí liền bán lụa mua bạc thu được lợi vô số, còn người không có trí thì cho rằng tuy gai này không đáng giá là bao, nhưng vì tiếc công sức gánh đi nên không chịu đổi. Người có trí lại nghe nói ở nước kia chỉ sản xuất vàng, hoàn toàn không có bạc, liền bảo với bạn: “Chúng ta hãy đến nước ấy”. Chẳng bao lâu họ đến nơi. Lúc ấy người có trí liền bán bạc để mua vàng ròng. Khi mua được vàng rồi, anh ta ngắm nghía, rất vui mừng, tự tính toán: “Ngày trước ta rời nhà đi buôn bán vốn liếng chẳng là bao, ban đầu ta mua cây gai cho là đã có lợi lớn, nhưng không ngờ đến nay mua được vàng ròng, thế gian quý trọng nó không gì bằng, ta đem nó về quê nhà sẽ giàu to”. Anh liền gọi bạn: “Thời gian trải qua đã lâu rồi, vậy chúng ta hãy cùng nhau trở về nước mình, tùy theo của cải có được mà giúp đỡ bà con quyến thuộc”. Khi ấy người gánh cây gai nói với bạn: “Tôi đã mua cây gai này những mong được lợi lớn, nào ngờ đến đây mới hay chẳng lợi bao nhiêu. Nay anh muốn trở về tôi đâu dám cản. Thôi thì tôi sẽ gồng gánh những bó cây gai này cùng nhau trở về, nếu gặp giá cao thì tùy chỗ sẽ bán”. Bàn tính xong họ chọn ngày cùng nhau trở về đường cũ. Khi gần đến quê nhà, những người thân tộc được tin đều ra ngoài thành để đón, ai cũng vui mừng vô cùng và đều trở về nhà. Nhà của người mua được nhiều vàng, khi cha mẹ vợ con hỏi đi buôn bán thu được lợi gì, người ấy liền đáp được nhiều vàng, gia đình có thể giàu có, cho đến người trong tộc họ cũng đều được giúp đỡ. Còn người gánh gai thì khi người nhà hỏi: “Từ lúc đi buôn bán anh được lợi gì?”. Người ấy đáp chỉ được cây gai này chớ chẳng được vật gì khác. Cả nhà nghe xong đều bức rức buồn rầu, bảo người ấy: “Theo cách kinh doanh buôn bán của ông thì cả gia quyến chúng ta vẫn cứ nghèo khổ mãi mà thôi”. Này đại vương, người gánh cây gai ấy do tánh cố chấp, ngu tối, tuy thấy vàng thiệt mà vẫn không chịu đổi lấy đến nỗi thân quyến cứ mãi chịu cảnh khổ sở. Cũng giống như đại vương không tự tìm hiểu mà cứ giữ lấy chấp đoạn, mãi chịu lấy khổ đau, về sau hối hận cũng không kịp. Nhà vua nghe lời ấy rồi thì nói với Tôn giả Ca-diếp: –Ý của tôi không thay đổi là có lý do. Do người trong nước này đều biết kiến giải của tôi. Nếu tôi bỏ kiến giải của mình thì người trong nước sẽ cùng nhau bàn tán: “Đại vương Chánh Cú thường nói là không có người tái sanh, không có đời sau, cũng không có hóa sanh. Ngày nay trở lại bị Tôn giả Ca-diếp cảm hóa”. Tôi nhất định không thể chịu sự sỉ nhục này. Tôn giả Ca-diếp nói: –Này đại vương, tôi nhớ ngày xưa có một người không biết luật lệ, nuôi nhiều heo kiếm lợi để sinh sống. Anh ta bỗng một hôm đi đến xứ khác, thấy phân thối rất nhiều, liền hốt lấy, đội trên đầu, muốn mang về nhà cho heo ăn. Bất thần nửa đường gặp trời mưa, nước phân chảy thối cả người, trong lòng liền hối hận. Này đại vương, người không biết luật ấy bị mọi người khinh chê, chờ cho thân thể bị hôi thối rồi mới chịu hồi tâm. Vua là người ở địa vị tôn quý, trở lại coi trọng những lời nói phù phiếm rồi chuyên chấp chặt trong tâm mà không xả bỏ đoạn. Bấy giờ Tôn giả Ca-diếp lại nói: –Này đại vương, trước đây tôi đã khéo nói các thí dụ nhằm khiến cho đại vương xả bỏ đoạn kiến, biết có đời sau và đặt niềm tin nơi Tam bảo. Vọng chấp của đại vương là cố chống đối lại tôi. Nay tôi lại vì đại vương nói thêm một ví dụ nữa. Nếu nhà vua tin được thì hãy lắng nghe, khéo ghi nhớ. Vua nói: –Này Tôn giả Ca-diếp, xin hãy nói cho tôi nghe. Tôn giả Ca-diếp nói với nhà vua: –Tôi nhớ thuở xưa có một con heo tên là Đại Phúc. Khi ấy Đại Phúc dẫn một bầy heo đi vào núi sâu, bỗng gặp một con sư tử. Sư tử thấy con heo bèn bảo: “Ta là vua của các loài thú, ngươi mau tránh đường cho ta đi”. Đại Phúc đáp: “Bảo ta tránh đường cho ngươi đi, việc này không thể được”. Sư tử nói: “Vậy hãy cùng ta chiến đấu, không được trái lệnh”. Heo nói: “Chờ ta một chút, để ta mặc áo giáp”. Khi ấy con sư tử nói: “Tên họ ngươi là gì. Ngươi đâu phải là dòng dõi cao quý mà dám chiến đấu với ta như vậy? Hãy mặc áo giáp đi và tùy ý ngươi”. Lúc ấy con Đại Phúc bèn đi vào chỗ hầm phân, lăn làm phân dính đầy mình rồi trở lại trước mặt con sư tử, nói: “Ta sẽ chiến đấu với ngươi”. Sư tử bảo Đại Phúc: “Ta là vua trong các loài thú, thường bắt các loài hươu nai để ăn thịt. Còn đối với các con vật ốm yếu thì ta tha không ăn. Huống chi thân ngươi dơ nhớp, hôi thối. Nếu ta chiến đấu cùng ngươi chỉ làm ô uế cho ta mà thôi”. Bấy giờ sư tử nói với con Đại Phúc bằng bài kệ: Thân ngươi vốn dơ nhớp Nay lại càng hôi thối Ý ngươi muốn chiến đấu Chỉ làm ta ô uế. Tôn giả Ca-diếp lại nói với nhà vua: –Kiến chấp của đại vương cũng giống như con heo đòi chiến đấu với con sư tử. Như con sư tử, tôi trước đã vì đại vương mà hết lòng nêu bày. Bấy giờ vua Chánh Cú nghe Tôn giả Ca-diếp nói lời ấy xong, trong thâm tâm xấu hổ, hối hận nên thưa với Tôn giả Ca-diếp: –Thưa Tôn giả, ngay từ lúc đầu nghe Tôn giả nói ví dụ về mặt trời, mặt trăng, tôi đã tin phục. Nhưng chỉ vì muốn lãnh hội sự biện tài trí tuệ của Tôn giả, nên tôi mới biện luận quanh co để nghe Tôn giả giảng nói. Cúi mong Tôn giả xét sự thành tâm của tôi và nhận biết sự tín phục của tôi. Tôi xin nguyện quy y Tôn giả Ca-diếp. Tôn giả Ca-diếp đáp: –Chớ nên quy y với tôi. Chỗ tôi quy y đó là Phật, Pháp, Tăng. Vua hãy theo đó mà quy y. Vua lại nói: –Theo lời dạy của Tôn giả, tôi xin quy y Phật, Pháp, Tăng, thọ giới cận sự. Từ nay về sau, tôi nguyện không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối và không còn uống rượu nữa, cho đến khi mạng chung, xin giữ tịnh giới của Phật. Bấy giờ đại vương Đại Chánh Cú thọ nhận sự giáo hóa xong, thành tâm hướng về Đức Phật thọ ba pháp tự quy y, trọn phụng hành năm giới, rồi cùng các vị Bà-la-môn, Trưởng giả… hoan hỷ lễ bái rồi lui ra. <卷 id="34453619">