<經 id="n34">PHẬT NÓI KINH PHÁP HẢI Hán dịch: Đời Tây Tấn, Sa-môn Thích Pháp Cự. Nghe như vầy: Một thời Đức Phật du hóa tại nước Chiêm-ba, ở trên bờ ao Hán-khư-lợi cùng đông đủ chúng đại Tỳ-kheo. Bấy giờ vào ngày thứ mười lăm trong tháng, là lúc thuyết giới. Đức Phật ngồi thật lâu mà vẫn im lặng, không thuyết giới. Thị giả A-nan liền sửa lại y phục, quỳ xuống, bạch Phật: –Đầu đêm đã qua, nửa đêm sắp đến, đại chúng tập hợp đã lâu, mong Đức Thế Tôn không từ mệt mỏi, xin Đức Thế Tôn thuyết giới. Đức Phật vẫn ngồi im lặng. Chúng Tăng ngồi đã lâu. Lúc ấy có một Tỳ-kheo tên là A-nhã-đô-lô, lại sửa y phục, quỳ thẳng bạch Phật: –Đầu đêm, nửa đêm đã qua, bây giờ gà sắp gáy, chúng Tăng nhóm họp đã lâu, mong Đức Thế Tôn không từ mệt mỏi thuyết giới cho chúng Tăng. Đức Phật vẫn im lặng. Lại bạch: –Bạch Đức Thế Tôn, sao mai đã mọc, thời giờ sắp qua. Đức Phật dạy: ­Này Tỳ-kheo, hãy lắng nghe! Trong chúng Tăng có kẻ bất tịnh cho nên Ta không thể thuyết giới được. Hiền giả Đại Mục-kiền-liên trong lòng suy nghó: “Ta nên định tâm quán xem ai là kẻ bất tịnh”. Hiền giả Mục-kiền-liên bạch Phật: –Con muốn dùng định tâm quán xem ai là người bất tịnh. Nếu là bất tịnh, con sẽ bảo kẻ ấy ra khỏi chúng. Đức Phật bảo: –Hiền giả muốn dùng định tâm quán xem ai là kẻ bất tịnh rồi bảo kẻ ấy ra khỏi chúng. Lời nói ấy rất hay, vậy hãy quan sát đi. Hiền giả Mục-liên liền dùng định tâm quan sát thấy người đệ tử phạm trọng giới, rồi từ định tâm đứng dậy, đến trước vị Tỳ-kheo ấy nói: –Ông làm Sa-môn, phải tôn thờ giới, giới là căn bản, giới giống như cái đầu của con người, giới hạnh của Sa-môn cần phải thanh bạch giống như nước, như ngọc, đó là tòa ngồi của Như Lai, là chỗ hội tụ của Hiền thánh, là nơi y cứ của pháp vượt thế, là chỗ nhóm họp của các vị đạo đức thanh tịnh. Tòa ngồi này giống như rừng Chiên-đàn, ông đã dùng mùi hôi thối của cây Y lan làm rối loạn sự chân chánh. Hiền giả Mục-liên dùng tay tự dẫn người ấy đi ra ngoài và nói: –Ông là người phế thải, không được tham dự vào sự tập hợp thanh tịnh đại chúng của Đức Như Lai, không được dùng cái nhà cầu, ô uế dự vào sự tập hợp lớn của đại tăng. Biển cả không thâu nhận xác chết hôi thối. Ông hãy tự suy nghó điều ấy, đừng để ô uế chúng Hiền thánh. Người ô uế đã đi ra, Hiền giả Mục-liên bạch Phật: –Người uế trược đã đi xa, chúng Tăng đã được thanh tịnh. Cúi mong Đức Thế Tôn thuyết giới. Đức Thế Tôn vẫn cứ im lặng. Hiền giả Mục-liên thấy lạ, quan sát bốn bên, thấy ở tòa trên, Tỳ-kheo vừa rồi vẫn còn ngồi ở tòa, Hiền giả Mục-liên ra lệnh: –Ông là người phế thải, tại sao không tự đi ra? Tội ô uế của ông nặng, ngồi ở tòa này làm gì? Hiền giả Mục-liên khiển trách nặng nề, vị ấy mới rời khỏi tòa ra đi. Hiền giả Mục-liên lại thưa: –Bạch Thế Tôn, người ô uế đã ra rồi, đại chúng đã thanh tịnh không còn ô uế nữa. Cúi mong Đức Thế Tôn thuyết giới, khiến cho chúng Tăng được tu tịnh nghiệp. Đức Phật bảo Hiền giả Mục-liên: –Từ nay về sau Ta không thuyết giới nữa. Các vị có thể tự cùng nhau thuyết giới. Nếu Ta thuyết giới, người phạm giới ở trong chúng im lặng, không tự phát lồ tội lỗi mà vẫn dự vào tòa của Như Lai, đó là sự im lặng vọng ngữ. Nếu im lặng vọng ngữ thì đầu kẻ ấy bị vỡ làm bảy mảnh. Đức Như Lai thuyết giới cho đại chúng đâu phải là chuyện dễ. Từ nay về sau các vị hãy tự thuyết giới. Hiền giả Mục-liên bạch Phật: –Trước kia đệ tử nghe đạo, trước nhờ Đức Như Lai giáo hóa cho, chớ không phải do đệ tử tự ngộ mà thành đạo. Thánh Đức của Như Lai sâu nặng như trời đất. Lời nói chân thật mà trọng yếu, đệ tử tụng tập nên chứng được đạo quả. Đức Như Lai giống như trời mưa, trăm loài lúa thóc, cây cỏ được tươi tốt, không loài nào không nhờ Ngài mà được tươi tốt. Đệ tử đức mỏng, đạo nhỏ, người không tin phục. Thế Tôn thương xót kẻ phàm tục đui điếc, khiến cho tất cả được an ổn, được lòng tin, được sự chân chánh, vì để tế độ cho ý chí của họ. Hiền giả Mục-liên ân cần tha thiết thỉnh cầu đến ba, bốn, năm lần. Đức Thế Tôn bảo Hiền giả Mục-liên: – Hiền giả đã vì tất cả đại chúng mà thỉnh cầu Đức Như Lai, ân cần đến bốn, năm lần, nay Ta sẽ vì các vị mà thuyết giới. Tăng pháp của Ta giống như biển lớn, có tám đức. Các vị hãy lắng nghe: Nước trong biển lớn không đầy không vơi. Pháp của Ta cũng vậy, không đầy không vơi. Đó là đức thứ nhất. Nước thủy triều trong biển lớn hễ đúng giờ thì dâng, không có thất thường; bốn bộ chúng thọ giới của Ta không phạm giới cấm, làm sai trái với pháp thường. Đó là đức thứ hai. Nước của biển lớn chỉ có một vị, không có nhiều vị, hoàn toàn là vị mặn. Pháp của Ta cũng như vậy, chỉ có vị thiền định, chí cầu đạt định tịch tónh, đạt đến thần thông. Vị của Tứ đế, chí cầu bốn đạo nên giải thoát khỏi sự trói buộc. Vị của Đại thừa, chí cầu đại nguyện nhằm hóa độ mọi người. Đó là đức thứ ba. Biển lớn đã sâu mà còn rộng, không có hạn lượng, Pháp của chúng Tăng cũng vậy, hết sức thâm diệu. Tám phương là lớn nhưng không lớn bằng Pháp của Tăng. Pháp của Tăng rất là to lớn. Đó là đức thứ tư. Ở trong biển lớn có vàng, bạc, lưu ly, pha lê, san hô, xa cừ, mã não, ma-ni hết sức quý giá, rất dồi dào. Trong Tăng pháp của Ta có ba mươi bảy phẩm đạo cao quý vi diệu, thần túc, sống lâu, bay khắp mười phương, không chỗ nào là không thích ứng, chỉ trong nháy mắt mà đã đến khắp cõi Phật, tới cảnh giới thù thắng, có thể lấy đạo của mình hóa độ dẫn dắt quần sanh, làm thanh tịnh cõi Phật. Đó là đức thứ năm. Trong biển lớn óc trú xứ của các Rồng thần như: Long vương Sa-kiệt, Long vương A-nậu-đạt, Nan-đầu-hòa-la, Ma-na-tư-y-la-mạt. Các Rồng thần như vậy có diệu đức khó lường, có thể tạo ra cung trời, các loại phẩm vật, không ai là không ngưỡng mộ. Tăng pháp của Ta cũng lại như thế, có bốn hướng tám quả, mười hai bậc Hiền, Bồ-tát đại só ra sức giáo hóa vô cùng thịnh mỹ. Đó là đức thứ sáu. Biển lớn gồm thâu cả trăm sông, vạn dòng nước, kể cả nước của sông Hằng, không đâu là không đổ về, suốt ngày suốt đêm không thể gọi là đầy vơi hay tăng giảm. Trong Tăng pháp của Ta cũng như vậy. Dòng Phạm thích nhập vào Pháp của Tăng chúng, bốn họ vọng tộc, hoặc Thích, hoặc Phạm, dòng dõi vua chúa, xả bỏ hào quý của thế gian, đi đến nhập vào chánh đạo chuyển hóa; công sư, dòng họ nhỏ cũng nhập vào chánh đạo chuyển hóa. Chủng tộc tuy khác, đến học tập nơi đại đạo, đồng có một vị, đâu chẳng phải là Thích tử. Đó là đức thứ bảy. Biển lớn thanh tịnh, không dung nạp tử thi, không có các thứ uế trược, chỉ thọ nhận các loài trong biển mà thôi. Tăng pháp của Ta thanh tịnh, cũng như biển lớn không chấp nhận kẻ không có phạm hạnh thanh tịnh, vi phạm giới cấm, ô uế, nhất thiết không thọ nhận loại người ấy, phải lìa bỏ, phải xa lánh, giống như biển cả không thọ nhận tử thi vậy. Đó là đức thứ tám. Đức Phật bảo Hiền giả Mục-liên: –Đại chúng của Như Lai chỉ lấy sự thanh tịnh, làm tiêu chuẩn để thực hiện giới cấm, nếu không giữ được sự thuần nhất thì không phải là dòng họ Thích nữa. Do đó Ta không thuyết giới. Các vị hãy khéo cùng nhau dựa vào giới luật răn bảo nhau, đừng để chánh pháp bị hủy diệt. Đức Phật nói như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành. <卷 id="34453594">