<經 id="n31">PHẬT NÓI KINH NHẤT THIẾT LƯU NHIẾP THỦ NHÂN Hán dịch: Đời Hậu Hán, Sa-môn An Thế Cao. Nghe như vầy: Một thời Đức Phật tại pháp nghị Tư duy, Lưu quốc tụ hội thuộc nước Câu-lưu. Bấy giờ Phật gọi các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo thưa: –Xin vâng. Các Tỳ-kheo liền theo Đức Phật để nghe dạy. Đức Phật dạy: ­Người có trí, có kiến, này Tỳ-kheo, nên các lậu được tận diệt, chứ không phải người không có trí, không có kiến mà các lậu tận diệt được. Này Tỳ-kheo, sao gọi là người có trí, có kiến mới khiến các lậu được tận diệt, chứ người không trí, không kiến thì các lậu không thể tận diệt được? Đó là do có chánh tư duy (bổn quán) hay không chánh tư duy (phi bổn quán) mà thôi. Nếu không chánh tư duy thì dục lậu chưa sanh sẽ phát sanh, dục lậu đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu (hữu lưu) và vô minh lậu chưa sanh liền sanh, hữu lậu và vô minh lậu đã sanh liền tăng trưởng. Những người ngu si, này Tỳ-kheo, là kẻ thế gian không nghe chánh pháp, không thấy bậc trí tuệ, cũng không theo bậc trí tuệ để nghe chánh pháp, cũng không theo bậc trí tuệ để được chỉ dạy, cũng không theo bậc trí tuệ để được phân biệt hiểu rõ. Do đó mới không có chánh tư duy (phi bổn niệm) nên khiến cho dục lậu chưa sanh liền sanh, dục lậu đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu và vô minh lậu chưa sanh liền sanh, đã sanh liền tăng trưởng. Do không biết, không hiểu cho nên pháp không đáng ghi nhớ thì lại ghi nhớ, còn pháp nên ghi nhớ thì lại không ghi nhớ. Do vì pháp đáng ghi nhớ mà không ghi nhớ, pháp không đáng ghi nhớ mà lại ghi nhớ, nên ái lậu chưa sanh liền sanh, ái lậu đã sanh liền tăng trưởng; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh liền sanh; hữu lậu, vô minh lậu đã sanh liền tăng trưởng. Người nghe là đệ tử của bậc Tỳ-kheo đạo đức, nhờ gặp được bậc trí tuệ, theo bậc trí tuệ để thọ giáo, cũng theo bậc trí tuệ để phân biệt hiểu rõ, liền biết pháp như thật. Kẻ không có chánh tư duy (phi bổn niệm) thì ái lưu (dục lậu) chưa sanh liền sanh, ái lưu đã sanh liền tăng trưởng, dục lậu chưa sanh, vô minh lậu liền sanh; dục lậu đã sanh, vô minh lậu liền tăng trưởng. Người có chánh tư duy (bổn niệm) thì dục lậu chưa sanh liền không sanh, dục lậu đã sanh liền xả bỏ, dục lậu chưa sanh, vô minh lậu cũng không sanh, đã sanh liền xả bỏ. Nếu biết như thật như vậy thì không ghi nhớ đối với pháp không nên ghi nhớ, ghi nhớ đối với pháp nên ghi nhớ. Nhờ không ghi nhớ đối với pháp không nên ghi nhớ, ghi nhớ đối với pháp nên ghi nhớ thì ghi nhớ nên khiến cho dục lậu chưa sanh liền không sanh, đã sanh liền xả bỏ; hữu lậu, vô minh lậu chưa sanh liền không sanh, đã sanh liền xả bỏ. Này Tỳ-kheo, có bảy pháp đoạn trừ lậu, phiền não nóng bức và ưu sầu. Những gì là bảy? Này Tỳ-kheo, hữu lậu được đoạn do kiến, hữu lậu được đoạn do thủ, hữu lậu được đoạn do xa lánh, hữu lậu được đoạn do dụng (xúc), hữu lậu được đoạn do nhẫn, hữu lậu được đoạn do hiểu, hữu lậu được đoạn do nhớ nghó (hành tăng). Này Tỳ-kheo, thế nào là hữu lậu được đoạn do kiến? Hãy lắng nghe, này Tỳ-kheo, kẻ thế gian ngu si không nghe chánh pháp, không gặp bậc Hiền giả, cũng không theo Hiền giả để được khai mở, cũng không theo bậc Hiền giả để được chỉ dạy khai mở, do đó đối với pháp không tự nhớ nghó: “Ta có đời trước chăng? Ta không có đời trước chăng? Đời trước ta làm những gì? Đời trước ta như thế nào? Ta sẽ có đời vị lai chăng? Ta sẽ không có đời vị lai chăng? Đời vị lai ta sẽ như thế nào? Đời vị lai ta sẽ làm gì? Tự nghi thân ta là gì? Con người từ đâu mà đến, rồi sẽ đi về đâu? Cốt lõi của vấn đề này là thế nào?”. Kẻ ấy do không tự nhớ nghó như vậy nên sáu tà kiến phát sanh, theo đó một tà kiến khởi lên cho rằng: “Quả thật có thân (ngã) này”, “Quả thật không có thân này”. Đó là nghi sanh, sanh ra tự chấp vào thân (ngã), và thân kiến. Như vậy nghi sanh, sanh ra tự chấp: “Thân là ngã của ta”, hoặc sanh nghi: “Thân sanh tương kiến thân”, hoặc sanh nghi: “Cái không phải thân thấy là thân”, hoặc sanh nghi chấp: “Đó chính là thân của ngã, nó có thể biết, có thể nói, có thể hành động, có thể cảm thọ, có thể nâng lên, có thể đứng dậy, nơi nơi, chốn chốn đã tạo tác, hành động thiện ác và thọ tội, nó chấm dứt không sanh hay sanh thì cũng vậy”. Này Tỳ-kheo, đó là kết sử làm trói buộc trong nghi, khiến có nghi ngờ; niệm nghi ác, không chánh kiến làm cho dao động, đã nghi lại buộc ràng; đắm chấp thêm nghi. Này Tỳ-kheo, người thế gian không nghe chánh pháp, do đó Khổ, Tập hiện hữu, do đó có sự sanh. Bậc Tỳ-kheo đa văn dạy đệ tử: “Đây là khổ phải nên biết, đây là nguyên nhân của khổ phải nên biết, đây là sự diệt khổ phải nên biết, đây là con đường tu tập để diệt trừ khổ, phải nên biết”. Biết như vậy, thấy như vậy, ba kết được tận trừ: Thân kết. Nghi kết. Hạnh nguyện kết. Do vì ba kết đã tận trừ liền theo đạo được chuyên nhất, không còn đọa vào cõi ác nữa, liền được thoát khỏi thế gian, ở nhân gian hay thiên thượng không quá bảy lần thọ sanh nữa. Sau bảy lần thọ sanh liền hết khổ. Nếu Tỳ-kheo không biết, không thấy liền sanh dục lậu, phiền não ưu sầu. Nếu có tri kiến thì đoạn trừ dục lậu, phiền não ưu sầu, khiến không còn hiện hữu nữa. Đó là Tỳ-kheo nhờ Kiến mà đoạn trừ hữu lậu. Này Tỳ-kheo, sao gọi là hữu lậu đoạn được nhờ thủ? Đó là vị Tỳ-kheo nghe pháp tu tập, khi mắt thấy sắc liền nhiếp nhãn căn để tự phòng hộ, thực hành pháp quán bất tịnh, hướng niệm theo đó. Này Tỳ-kheo, nếu không phòng hộ nhãn căn, thực hành pháp quán bất tịnh, hướng niệm theo đó thì liền sanh sầu lo khổ não. Nếu thâu nhiếp nhãn căn, đình chỉ tâm, nhờ chánh tư duy quán bất tịnh thì phiền não, sầu lo sẽ không còn. Đó là Tỳ-kheo đoạn được hữu lậu nhờ thủ. Đối với tai, mũi, miệng, thân, ý cũng lại như vậy. Này Tỳ-kheo, sao gọi là hữu lậu đoạn được nhờ xa lánh? Đó là Tỳ-kheo nghe pháp, tu tập, cần phải theo đó tự phòng hộ, tránh né voi dữ, ngựa chứng, trâu điên, chó dữ, rắn độc, đường hầm hiểm, cây độc, khe độc, chỗ nguy hiểm, ao sâu, núi dốc, nơi bất an, sông ngòi, khe sâu, tri thức xấu ác, bạn ác, kẻ mong cầu điều ác, kẻ thọ nhận điều ác, chỗ ác, đồ nằm để chỗ ác. Này Hiền giả, những thứ đó làm cho người không nghi ngờ khiến cho nghi ngờ. Như vậy, Tỳ-kheo cần phải xa lìa những chỗ như trên đã nói, nếu không xa lìa liền sanh phiền não ưu sầu, nếu xa lìa thì phiền não ưu sầu sẽ không còn nữa. Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ hữu lậu nhờ sự xa lìa. Sao gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ hữu lậu nhờ dụng? Đó là Tỳ-kheo nghe pháp, tu tập, khi dùng y phục chẳng phải để khoe đẹp, không phải để vui thích, không phải để tham đắm, không phải để trang sức, mà chỉ vì khiến cho thân không bị muỗi mòng, gió, nắng, các loại độc tấn công, sanh ra loạn ý, nên cần phải tự phòng hộ. Khi ăn không vì để vui chơi, không vì tham lam, không vì để mạnh mẽ, không vì để đẹp đẽ, mà chỉ vì thân được tồn tại để tu hành. Thọ nhận cúng dường để bệnh cũ được đoạn trừ, không tái phát, bệnh mới không sanh, được hết bệnh, không tạo tội, có sức, an ổn tu hành. Khi thọ dụng đồ nằm, giường, chiếu không phải để khoe khoang, không phải để vui thích, không phải để tham đắm, không phải để trang sức, mà chỉ vì để thân này khỏi bị mệt mỏi, đau khổ dữ dội. Khi thọ dụng thuốc thang không phải để khoe khoang, không phải để vui thích, không phải để tham đắm, không phải để trang sức, mà mục đích chỉ để khiến cho thân này chấm dứt được những thống khổ kịch liệt, đau đớn, thật khó chịu, nhờ thuốc thang đó mà được cứu thoát. Nếu Tỳ-kheo không dùng nó thì liền sanh phiền não, ưu sầu, nếu dùng nó thì phiền não, ưu sầu sẽ không sanh nữa. Này Tỳ-kheo, đó gọi là đoạn trừ hữu lậu nhờ dụng. Này Tỳ-kheo, sao gọi là hữu lậu đoạn được nhờ nhẫn? Đó là vị Tỳ-kheo nghe pháp, tu tập, phát hạnh tinh tấn để đoạn trừ pháp ác, nhận lãnh pháp thanh tịnh, nỗ lực, kiên trì theo phương tiện tinh tấn, không bỏ pháp thanh tịnh. Thà thân này da, thịt, xương khô kiệt, tan nát cho đến tủy, mỡ, đều tiêu hủy tất cả, chỉ vì để đạt được sự pháp khởi tâm tinh tấn, vì để được tâm kiên định, tâm can đảm, theo phương tiện tinh tấn, chừng nào chưa đạt được mục đích mong muốn thì không thể nửa chừng mà bỏ tinh tấn. Này Tỳ-kheo, hãy nên chịu đựng sự nóng lạnh, đói khát, muỗi mòng, gió nóng, mặt trời bức bách, nghe những lời độc ác, khó chịu của người có ý kiêu mạn cũng có thể nhẫn chịu được. Nếu thân bị ngộ độc đau đớn, nhức nhối kịch liệt, không vừa ý, không sao chịu nổi nhưng vẫn nhẫn được. Nếu Tỳ-kheo không nhẫn nại thì sanh ra phiền não, sầu lo; nếu nhẫn chịu được thì phiền não, ưu sầu sẽ không sanh nữa. Này Tỳ-kheo, đó gọi là hữu lậu được đoạn trừ nhờ nhẫn. Này Tỳ-kheo, sao gọi là hữu lậu đoạn được nhờ hiểu? Hãy nghe! Này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đã sanh dục mà không đoạn trừ, không xả ly, đã sanh sân hận mà không đoạn trừ, không xả ly, đã sanh sát sanh, dối láo, trộm cắp mà không đoạn trừ, không xả ly, này các Tỳ-kheo, nếu không hiểu (xả ly) thì sanh ra phiền não, ưu sầu, nếu đã hiểu mà xả ly thì phiền não ưu sầu sẽ không sanh ra nữa. Đó gọi là các Tỳ-kheo đoạn trừ hữu lậu nhờ hiểu. Sao gọi là Tỳ-kheo đoạn trừ hữu lậu nhờ hành tăng (tư duy)? Hãy lắng nghe, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo hãy tư duy về giác chi thứ nhất là Niệm. Hãy ngồi một mình, nương vào sự xa lìa pháp ác, Phân biệt giác chi cũng như vậy, Tinh tấn giác chi cũng như vậy, Hỷ giác chi cũng như vậy, Ý giác chi cũng như vậy, Định giác chi cũng như vậy, cho đến quán sát về Khước (xả) giác chi cũng như vậy. Nếu các Tỳ-kheo không thực hành pháp tư duy thì liền sanh phiền não, sầu lo. Nếu có thực hành tư duy thì không sanh phiền não ưu sầu nữa. Đó gọi là các Tỳ-kheo đoạn trừ hữu lậu nhờ Hành tăng (tư duy). Này Tỳ-kheo, nếu hữu lậu nhờ kiến để được đoạn trừ thì hãy dùng kiến để đoạn. Nếu hữu lậu nhờ thủ nhiếp để được đoạn trừ thì hãy dùng thủ nhiếp để đoạn. Nếu hữu lậu nhờ xa lìa để được đoạn trừ thì hãy dùng xa lìa để đoạn. Nếu hữu lậu nhờ dụng để được đoạn trừ thì hãy dùng dụng để đoạn. Nếu hữu lậu nhờ nhẫn để được đoạn trừ thì hãy dùng nhẫn để đoạn. Nếu hữu lậu nhờ hiểu để được đoạn trừ thì hãy dùng hiểu để đoạn. Nếu hữu lậu nhờ hành tăng để được đoạn trừ thì hãy dùng hành tăng để đoạn. Đó gọi là các Tỳ-kheo đoạn trừ tất cả lậu, đã diệt bỏ nẻo ái xấu ác của thế gian, đã được thoát khỏi thế gian, xả bỏ sự trói buộc, đạt được chỗ trọng yếu là lìa khổ. Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe Đức Phật dạy, hoan hỷ thực hành pháp vượt khỏi thế gian, liền đắc đạo. <卷 id="34453588">