<經 id="n128b">(B) KINH TU-MA-ĐỀ NỮ Hán dịch: Đời Ngô, Ưu-bà-tắc Chi Khiêm, người nước Nguyệt Chi. Nghe như vầy: Một thời Đức Phật du hóa ở vườn Kỳ-đà Cấp cô độc, thuộc nước Xá-vệ, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ trưởng giả A-na-bân-trì là bậc giàu có, với nhiều tài sản quý giá, vàng bạc châu báu, xa cừ, mã não, ngọc quý, hổ phách, thủy tinh, lưu ly; voi ngựa, bò dê, tỳ nữ nô bộc nhiều vô số kể. Khi ấy, trong thành Mãn phú, có trưởng giả tên Mãn Tài cũng là hàng cự phú với nhiều tài sản quý giá như xa cừ, mã não, ngọc quý, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, voi ngựa, bò dê, tỳ nữ nô bộc, không thể tính hết. Ông ta là bạn của trưởng giả A-na-bân-trì từ lúc còn nhỏ, thân ái kính trọng nhau chưa một lúc nào rời. Về sau, trưởng giả A-na-bân-trì thường xuyên đem ngàn vạn vàng ngọc quý giá cùng các tài sản hàng hóa, buôn bán ở trong thành Mãn phú, nhờ trưởng giả Mãn Tài giúp đỡ, sắp đặt, ghi chép. Trưởng giả Mãn Tài cũng có số ngàn vạn vàng ngọc quý giá và tài sản hàng hóa đem đến buôn bán tại thành Xá-vệ, nhờ trưởng giả Bân-trì giúp đỡ, trông coi. Trưởng giả A-na-bân-trì có con gái tên Tu-ma-đề, dung mạo đoan chánh, sắc đẹp như hoa đào, hiếm có trên đời. Gặp lúc trưởng giả Mãn Tài có ít công việc nên vào thành Xá-vệ, đi đến nhà trưởng giả A-na-bân-trì, tới nơi, ngồi vào chỗ. Tu-ma-đề nữ từ tịnh thất đi ra, trước tiên quỳ lễ bái cha mẹ, sau đó quỳ lễ bái trưởng giả Mãn Tài rồi lui vào phòng riêng. Khi trưởng giả Mãn Tài trông thấy Tu-ma-đề nữ dung mạo đoan chánh, tươi đẹp, trên đời thật ít có, bèn hỏi trưởng giả A-na-bân-trì: –Đây là con gái nhà ai vậy? A-na-bân-trì đáp: –Thiếu nữ mà bạn vừa thấy là con gái của tôi. Trưởng giả Mãn Tài nói: –Tôi có đứa con trai nhỏ chưa lấy vợ, bạn có thể gả con gái cho nhà nghèo này không? Khi ấy trưởng giả Bân-trì đáp: –Việc này không nên! Trưởng giả Mãn Tài nói: –Vì sao mà việc ấy lại không nên? Vì vọng tộc hay vì tài sản? Trưởng giả A-na-bân-trì đáp: –Dòng họ tài sản đều như nhau, chỉ có sự phụng thờ thần linh của bạn cùng gia đình tôi thì không giống nhau. Con gái tôi là đệ tử tôn thờ Phật Thích-ca, còn nhà bạn thì thờ ngoại đạo dị học. Lý do là vậy nên không thể đáp ứng theo ý bạn được. Trưởng giả Mãn Tài nói: –Sự phụng thờ của gia đình chúng tôi có cúng lễ riêng. Cô ấy như về làm dâu, thì được cúng dường theo tín ngưỡng của mình. Trưởng giả A-na-bân-trì nói: –Nếu con gái tôi gả sang nhà bạn thì vàng ngọc quý giá phải bỏ ra không sao tính hết. Vậy trưởng giả cũng phải bỏ ra vàng ngọc quý giá khá nhiều đấy! Trưởng giả Mãn Tài hỏi: –Nay bạn đồng ý thì số tài sản quý giá bên tôi sẽ bỏ ra là bao nhiêu? Trưởng giả Bân-trì đáp: –Hiện nay tôi cần bạn bỏ ra sáu vạn lượng vàng. Ngay lúc đó trưởng giả Mãn Tài liền đưa đủ số lượng vàng ấy. Trưởng giả A-na-bân-trì tự nghó: “Ta đã dùng phương tiện để từ chối trước nhưng vẫn không thể ngăn được”, bèn nói với trưởng giả Mãn Tài: –Nếu tôi gả con gái thì phải đến hỏi Đức Phật, xem Đức Thế Tôn có dạy điều gì, tôi sẽ theo đấy phụng hành. Khi ấy trưởng giả A-na-bân-trì, giả đặt ra sự việc tợ như nói đùa, rồi đi đến chỗ Phật, đầu mặt lạy sát chân Ngài, đứng qua một bên, bạch Phật: –Trưởng giả Mãn Tài thành Mãn phú cầu hôn Tu-ma-đề nữ cho con trai ông ta, vậy con có nên gả hay không? Thế Tôn dạy: –Nếu đưa Tu-ma-đề nữ gả sang nước kia thì có nhiều lợi ích, sẽ độ thoát cho dân chúng không thể tính kể. Bấy giờ trưởng giả A-na-bân-trì tự nghó: “Thế Tôn dùng phương tiện nhận biết nên mới bảo ta gả con sang nước kia”. Trưởng giả liền đầu mặt lạy nơi chân Phật, đi nhiễu ba vòng rồi từ giã. Ông ta trở về nhà, bày biện nhiều món ăn uống thịnh soạn mời trưởng giả Mãn Tài. Trưởng giả Mãn Tài nói: –Tôi dùng thức ăn này làm gì! Chỉ cần bạn có đồng ý gả con gái cho gia đình tôi hay không? A-na-bân-trì đáp: –Ý bạn đã muốn vậy, tôi xin vâng theo. Mười lăm ngày sau bạn đưa con trai đến đây. Sau khi nói xong, hai bên chia tay nhau. Bấy giờ trưởng giả Mãn Tài sắm sửa đầy đủ các vật dụng cần thiết, dùng xe gắn lông quý, đi đến cách thành khoảng tám mươi do-diên. Trưởng giả A-na-bân-trì cũng trang sức cho con gái mình, tắm gội thoa chất thơm, đi xe gắn lông quý, đưa cô gái đi đón tiếp con trai của trưởng giả Mãn Tài; họ gặp nhau giữa đường. Khi ấy trưởng giả Mãn Tài được con dâu, liền đưa về nhà mình trong thành Mãn phú. Thời đó dân chúng nơi thành này có đặt ra quy chế: Con gái ở đây mà đi lấy chồng nơi nước khác thì gia đình phải bị phạt nặng, con trai cưới vợ từ nước khác đem về xứ này thì cũng bị phạt nặng. Theo quy chế, nếu ai vi phạm sẽ bị phạt là dọn ăn cho sáu ngàn Phạm chí. Trưởng giả Mãn Tài biết mình đã phạm quy chế, liền lo dọn thức ăn cho sáu ngàn Phạm chí. Những thức ăn này gồm các món thịt nướng, thịt heo nấu canh xúp và rượu cất nhiều lần. Lại nữa còn phải giúp y phục cho các Phạm chí mặc, hoặc bằng vải trắng hoặc bằng vải lông mịn. Nhưng theo phép của họ thì những khi đi vào, lấy y vắt lên vai bên phải, nửa thân dưới bày ra. Lúc ấy trưởng giả thưa với các Phạm chí: –Giờ đã đến, thức ăn uống đã đủ, xin mời các vị! Sáu ngàn Phạm chí đều vắt y lên một bên vai, nửa thân dưới bày ra, đi vào nhà trưởng giả. Trưởng giả thấy các vị Phạm chí đến, bèn đi ra ở trước, quỳ xuống cung kính nghênh đón làm lễ. Vị Phạm chí lớn nhất đưa tay chúc mọi sự tốt đẹp, rồi choàng cổ trưởng giả đi đến chỗ ngồi. Các Phạm chí khác đều tùy theo thứ lớp mà an tọa. Khi sáu ngàn Phạm chí đã ổn định chỗ ngồi xong, trưởng giả nói với Tu-ma-đề nữ: –Con hãy trang nghiêm hướng về các vị thầy của ta làm lễ. Tu-ma-đề nữ trả lời: –Thôi thôi, thưa ngài! Con không thể vâng lời làm lễ những kẻ lõa lồ như vậy. Trưởng giả nói: –Đây không phải là những kẻ lõa lồ, chẳng phải là không biết hổ thẹn, chỉ vì y phục mặc như vậy là pháp phục của họ. Tu-ma-đề nữ nói: –Đây là những người không biết hổ thẹn, cùng nhau phô bày hình thể ra ngoài, chứ pháp phục gì vậy? Xin trưởng giả nghe cho, Đức Thế Tôn đã dạy, có hai sự việc là nhân duyên để người quý trọng, đó là có hổ, có thẹn. Nếu hiện nay không có hai việc ấy thì cha mẹ, anh em, tông tộc năm họ, tôn ti cao thấp không thể phân biệt được, cũng như các loài cầm thú sống lẫn lộn với nhau không có phép tắc gì. Nhờ có hai pháp này mà ở thế gian mới có thứ tự tôn ti. Nhưng những người kia đã xa lìa hai pháp ấy, khác nào đám cầm thú cùng sống chung, thật không thể nào hướng đến họ lễ bái được. Bấy giờ chồng của Tu-ma-đề nữ nói với vợ: –Nàng nên đứng dậy, làm lễ các vị thầy của ta. Những người này là những bậc trời mà ta luôn thờ phụng. Tu-ma-đề nữ trả lời: –Này Tộc tánh tử, thôi đi! Thiếp thật không thể hướng đến những kẻ lõa lồ không chút hổ thẹn ấy để làm lễ được. Nay mình là người lại hướng về đám súc vật làm lễ sao!? Người chồng lại nói: –Ngừng lại! Ngừng lại! Này cô gái quý, chớ nói lời như thế, hãy giữ mồm miệng, đừng nên xúc phạm. Họ không phải là con vật, chẳng phải điên cuồng mê hoặc, chỉ vì y phục của họ mặc chính là pháp y. Bấy giờ Tu-ma-đề nữ khóc lóc, nước mắt đầm đìa, nhan sắc đổi khác, vẫn nói: –Tôi cũng như cả cha mẹ năm họ thà bị hình phạt chặt năm chi thể, dứt cả mạng sống, chứ quyết không rơi vào nẻo tà kiến. Khi ấy cả sáu ngàn Phạm chí cùng nhau lớn tiếng nói: –Hãy ngừng lại! Ngừng lại, ông trưởng giả! Tại sao lại để cho kẻ ti tiện ấy mắng chửi lung tung như vậy. Nếu hiện nay ngươi có dốc lòng mời thì hãy bày biện các thức ăn uống. Bấy giờ vị trưởng giả và người chồng Tu-ma-đề nữ lo dọn các thứ thức ăn đã chuẩn bị sẵn, cùng với rượu cất nhiều lần cho sáu ngàn Phạm chí, họ đều ăn uống đầy đủ. Các Phạm chí sau khi ăn uống xong, bèn bàn luận công việc đối phó, rồi đứng dâïy ra về. Lúc ấy trưởng giả Mãn Tài ở trên lầu cao, phiền não sầu muộn, ngồi một mình suy nghó: “Nay ta đem cô gái này về, chính là phá nhà, chứ không ai khác, vì đã làm nhục gia đình ta”. Bấy giờ có vị Phạm chí tên Tu-bạt, đạt được ngũ thông và cũng đã chứng đắc các pháp thiền định. Trưởng giả Mãn Tài đối với vị này luôn rất quý trọng. Khi ấy Phạm chí Tu-bạt tự nghó: “Ta cùng trưởng giả Mãn Tài từ biệt đã lâu ngày, nay nên đến thăm”. Thế là Phạm chí đi vào thành Mãn phú đến nhà trưởng giả, hỏi người giữ cửa. Người này trả lời: –Trưởng giả hiện ở trên lầu, đang rất âu sầu buồn bã, không thể nói hết. Phạm chí bèn lên lầu cùng trưởng giả gặp nhau. Phạm chí hỏi trưởng giả: –Tại sao trưởng giả ưu sầu đến như vậy? Có phải là do triều đình, hay trộm cướp, nước lửa hay các tai biến xâm phạm gây phiền hà chăng? Hoặc là trong nhà có sự bất hòa? Trưởng giả đáp: –Không phải tai biến do triều đình hay trộm cướp, chỉ vì trong nhà có duyên sự không vừa ý. Phạm chí hỏi: –Xin được nghe về tình trạng đó, có duyên sự gì? Trưởng giả đáp: –Hôm qua vì con trai tôi cưới vợ, do phạm quy chế trong nước, năm họ bị nhục, nên thỉnh mời thầy về tại nhà cúng dường, tôi bảo đứa con dâu ra chào hỏi nhưng nó không nghe lời. Phạm chí Tu-bạt hỏi: –Nhà cô gái này ở nước nào? Cưới vợ cho con trai gần hay xa? Trưởng giả trả lời: –Cô gái này là con của trưởng giả A-na-bân-trì trong thành Xá-vệ. Phạm chí Tu-bạt nghe nói xong thì lấy làm ngạc nhiên kinh sợ, hai tay bịt tai, nói to lên: –Này trưởng giả, chuyện này kỳ lạ thật, rất đặc biệt. Cô gái ấy mà còn sống, lại không tự sát hay nhảy xuống lầu là điều may mắn lớn. Tại sao vậy? Vị Thầy cô ta thờ phụng, là Bậc Đại Phạm Hạnh. Hôm nay, cô ta còn ở đây đã là chuyện đặc biệt. Trưởng giả hỏi: –Tôi nghe bạn nói thật là buồn cười. Bạn là người ngoại đạo dị học, vì sao lại đi ca ngợi đức hạnh của Sa-môn dòng họ Thích. Vị Thầy của cô gái thờ phụng có uy đức gì, có thần biến gì chăng? Phạm chí Tu-bạt trả lời: –Này trưởng giả, có muốn nghe thần thông và đạo đức của Thầy cô gái ấy không? Nay tôi sẽ nói qua về nguồn gốc của nó. Trưởng giả đáp: –Xin nghe bạn nói. Phạm chí bảo: –Ngày trước, tôi đi đến phía Bắc Tuyết sơn, đi khất thực trong nhân gian, xong việc tôi bay đến suối A-nậu-đạt. Khi đó Trời, Rồng, Quỷ thần từ xa thấy tôi đến, đều cầm dao kiếm tiến về phía tôi, bảo: “Này tiên só Tu-bạt, ông không được đến nghỉ ở bờ suối này, đừng làm mất vẻ thanh tịnh ở đây. Nếu không tuân theo lời chúng tôi thì ông sẽ khó giữ lấy mạng sống đấy”. Tôi nghe lời này, liền rời khỏi suối, cách đó không xa lắm để ăn. Trưởng giả nên biết, vị Thầy của cô gái ấy thờ phụng, có một đệ tử nhỏ là Sa-di Quân-đầu. Vị này cũng khất thực ở vùng núi phía Bắc Tuyết sơn, và bay đến suối A-nậu-đạt, tay ôm tấm y của người đã qua đời nơi nghóa địa, y còn dính nước mắt, máu bụi dơ nhớp. Khi ấy vị đại thần của suối nước và các chúng Trời, Rồng, Quỷ thần ở đấy đều đứng dâïy bước ra trước nghênh tiếp, cung kính thăm hỏi: “Lành thay! Vị thầy của loài người hãy đến đây, mời ngồi vào chỗ này”. Sa-di Quân-đầu bèn đi đến suối nước. Lại nữa, này trưởng giả, ngay giữa suối có một cái bàn bằng vàng. Sa-di Quân-đầu đem tấm y kia, ngâm vào trong nước, sau đó ngồi ăn, ăn xong, rửa bát, ngồi kiết già trên chiếc bàn bằng vàng ấy, chánh thân chánh ý, niệm ở trước, liền vào Sơ thiền; từ Sơ thiền lần lượt vào đệ Nhị thiền, đệ Tam thiền, rồi đệ Tứ thiền. Từ đệ Tứ thiền lần lượt vào Không xứ, Thức xứ, Bất dụng xứ, Hữu tưởng-Vô tưởng xứ. Từ Hữu tưởng-Vô tưởng xứ lại lần lượt vào Diệt tận Tam-muội, Diễm quang Tam-muội, Thủy khí Tam-muội. Từ Thủy khí Tam-muội trở lại nhập Diễm quang Tam-muội, sau đó nhập vào các pháp Diệt tận Tam-muội, Hữu tưởng-Vô tưởng Tam-muội, Bất dụng xứ Tam-muội, Thức xứ Tam-muội, Không xứ Tam-muội, rồi trở lại vào đệ Tứ thiền, đệ Tam thiền, đệ Nhị thiền, Sơ thiền. Sau khi ra khỏi cảnh giới thiền định, vị ấy bèn giặt tấm y của người đã chết. Bấy giờ các vị Trời, Rồng, Quỷ thần đều cùng giúp cho công việc giặt giũ ấy, hoặc dùng nước rưới lên, hoặc dùng nước giặt ấy để uống. Tấm y được giặt sạch, Sa-di Quân-đầu đưa lên không trung để phơi khô, rồi thu xếp gọn gàng, xong liền bay lên không trung trở về lại chỗ cũ. Trưởng giả nên biết là tôi đứng từ xa trông thấy chứ không được lại gần. Đệ tử nhỏ nhất của vị Thầy mà cô gái ấy thờ phụng đã có thần lực đến như vậy, huống chi là đệ tử lớn nhất thì ai có thể bì kịp? Như thế bậc Thầy của họ là Đức Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Giác thì uy thần làm sao có thể lường được? Tôi xem xét ý nghóa đó nên mới nói là việc này rất kỳ lạ hết sức đặc biệt, cô gái đó sao có thể còn sống mà không tự sát, không cắt đứt thọ mạng mình. Trưởng giả nghe xong bèn nói với Phạm chí: –Chúng tôi có thể gặp được vị Thầy mà cô gái ấy thờ phụng không? Phạm chí trả lời: –Nên hỏi cô gái ấy xem. Trưởng giả bèn hỏi Tu-ma-đề nữ: –Nay cha muốn được gặp vị Thầy mà con tôn kính. Con có thể làm cho vị ấy đến đây chăng? Cô gái nghe nói, vui mừng hớn hở, liền thưa: –Xin sửa soạn các thức ăn uống ngay bây giờ, ngày mai Đức Như Lai sẽ đến đây cùng các vị Tỳ-kheo Tăng. Trưởng giả nói: –Tự con lo việc thỉnh mời, cha không rõ nghi thức. Cô dâu ông trưởng giả lo tắm gội sạch sẽ, tay cầm hương đèn đi lên lầu cao, chắp tay hướng về Đức Như Lai, thưa: –Cầu mong Đức Thế Tôn, Ngài khéo quán sát, tuy con không thấy được Ngài, nhưng Thế Tôn không việc gì là không biết, không việc gì là không thấu suốt. Nay con đang ở trong chốn nguy khốn, cầu mong Thế Tôn khéo xem xét đến con. Lại dùng kệ để thỉnh cầu. Quán sát bằng mắt Phật Xem khắp đời không sót Hàng phục Ma, Thần vương Và hàng Quỷ Tử mẫu Như quỷ kia ăn người Lấy tay người làm chuỗi Sau đó muốn hại mẹ Nhưng Phật vẫn hàng phục. Lại, tại thành La-duyệt Voi dữ muốn đến hại Tự tùy thuận quy y Chư Thiên khen lành thay Sau đến nước Ô trì Lại gặp Long vương ác Thấy lực só Mật Tích Nên rồng tự quy y Biến hóa không thể tính Đều đưa vào chánh đạo Nay con gặp nguy ách Cầu Phật ra uy thần. Bấy giờ hương như mây Giăng khắp trên hư không Bao trùm khu Kỳ hoàn Trụ ở trước Như Lai Chư Thiên trong hư không Hoan hỷ đảnh lễ Phật Lại thấy hương ở trước Chỗ thỉnh của Ma-đề Thành vô số mưa hoa Không thể nào đếm hết Tràn đầy rừng Kỳ hoàn Như Lai cười, phóng quang. Vào lúc ấy, Tôn giả A-nan nhìn thấy trong khu Kỳ hoàn có loại hương kỳ lạ, bèn đi đến gặp Thế Tôn, đầu lạy sát chân Phật, đứng qua một bên, rồi thưa: –Kính thưa Thế Tôn, đây là loại hương gì mà tỏa khắp cả khu Tinh xá Kỳ hoàn. Thế Tôn nói: –Hương này là của sứ giả tìm đến Phật, do sự thỉnh cầu của Tu-ma-đề nữ nơi thành Mãn phú. Nay ông hãy gọi các vị Tỳ-kheo tập hợp hết lại một nơi, phát thẻ và phổ biến: “Các vị Tỳ-kheo là bậc A-la-hán, dứt sạch các lậu đạt được thần túc thì nên nhận thẻ, sáng mai sẽ đến thành Mãn phú, thọ thỉnh của Tu-ma-đề”. A-nan bạch Phật: –Bạch Thế Tôn, con xin vâng lời. Ngay lúc ấy, Đại đức A-nan theo lời Phật dạy liền tập hợp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội, và nói: –Các vị đắc đạo quả A-la-hán thì nên nhận thẻ, ngày mai sẽ đi thọ thỉnh của Tu-ma-đề nơi thành Mãn phú. Lúc ấy có vị Thượng tọa trong chúng Tăng tên Quân-đầu Ba-thán, mới đắc quả Tu-đà-hoàn, chưa dứt sạch kết sử, chưa đắc thần túc, bèn tự nghó: “Nay ta là hàng Thượng tọa cao nhất trong đại chúng, nhưng kết sử chưa diệt hết, chưa đắc thần thông. Ngày mai, ta không thể đến nơi thành Mãn phú thọ thực. Vị Tăng thấp nhất trong đại chúng của Đức Như Lai là Sa-di Quân-đầu, lại đạt thần túc và có uy lực lớn nên được đến chỗ ấy thọ thỉnh. Vậy ta cũng đến nơi họ thọ thỉnh”. Bấy giờ vị Thượng tọa dùng tâm thanh tịnh của mình, ở địa vị hữu học mà thọ thẻ. Đức Thế Tôn dùng Thiên nhãn thanh tịnh thấy Quân-đầu Ba-thán ở địa vị hữu học, nhờ thọ thẻ mà đắc quả Vô học. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Trong đệ tử của Ta, người thọ nhận thẻ thứ nhất là Tỳ-kheo Quân-đầu Ba-thán. Thế Tôn lại nói với các Tỳ-kheo chứng đắc thần túc: –Các Hiền giả Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-việt, Tu-bồ-đề, Ưu-tỳ Ca-diếp, Ma-ha-thất-na, La-vân, Quân-lợi-bàn-đặc, Sa-di Quân-đầu. Các thầy hãy dùng thần túc đi đến nơi thành kia trước. Các vị Tỳ-kheo, bạch: –Xin vâng lời Thế Tôn! Thế là, vị sứ giả của chúng Tăng tên Càn-đồ, từ sáng sớm đã lo vác chảo lớn, bay lên không trung đi đến thành Mạn phú. Bấy giờ trưởng giả và dân chúng ở xứ ấy muốn gặp được Thế Tôn nên lên lầu cao nhất, từ xa trông thấy sứ giả liền hỏi cô gái bằng bài kệ: Áo trắng mà tóc dài Thân gầy bay như gió Lại vác thêm chảo lớn Là Thầy con phải không? Tu-ma-đề nữ nói kệ đáp: Chẳng phải Phật, đệ tử Là sứ giả Như Lai Ba đạo đủ năm thông Người ấy tên Càn-đồ. Bấy giờ sứ giả Càn-đồ nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đi đến nhà trưởng giả. Sau đó, Sa-di Quân-đầu hóa ra năm trăm cây hoa với rất nhiều màu sắc, các cây ấy đều nở hoa rực rỡ, tươi đẹp như hoa sen xanh. Số hoa như vậy đều vô hạn cùng bay đến thành ấy. Trưởng giả từ xa nhìn thấy Sa-di đến, nói kệ hỏi: Vô số loại hoa kia Đều ở trên hư không Lại có người thần túc Là Thầy con phải chăng? Tu-ma-đề nữ nói kệ: Trước đây, Tu-bạt nói Vị Sa-di trên suối Thầy tên Xá-lợi-phất Vị ấy là đệ tử. Bấy giờ Sa-di Quân-đầu nhiễu quanh thành ba vòng, rồi bay đến nhà trưởng giả. Đến lượt Tôn giả Bàn-đặc hóa ra năm trăm con bò, lông toàn màu xanh, người thì ngồi kiết già trên bò bay đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy, dùng kệ hỏi Tu-ma-đề nữ: Đàn bò lớn đông ấy Lông toàn một màu xanh Riêng ngồi trên lưng chúng Là Thầy con phải không? Tu-ma-đề nữ đáp kệ: Giáo hóa ngàn Tỳ-kheo Tại nơi vườn Kỳ thành Tâm ý luôn sáng suốt Vị ấy tên Bàn-đặc. Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc bèn nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đi đến nhà trưởng giả. Tiếp theo là Tôn giả La-vân hóa ra năm trăm chim Khổng tước với đủ loại màu sắc, người thì ngồi kiết già trên mình chúng, bay đến thành Mãn phú. Trưởng giả thấy vậy, lại dùng kệ hỏi Tu-ma-đề nữ: Năm trăm khổng tước ấy Màu sắc rất xinh đẹp Vị đại tướng quân kia Là Thầy con phải không? Ma-đề nữ dùng kệ đáp: Giới luật Như Lai nêu Hết thảy không chút phạm Thường hộ trì pháp giới Là Phật tử La-vân. La-vân nhiễu quanh thành ba vòng rồi đi tới nhà trưởng giả. Rồi đến Tôn giả Ca-thất-na hóa ra năm trăm con Kim sí điểu thảy đều dũng mãnh, người thì ngồi kiết già trên mình chúng, bay tới thành. Trưởng giả từ xa trông thấy liền dùng kệ hỏi Ma-đề nữ: Năm trăm Kim sí điểu Rất rực rỡ dũng mãnh Ngồi trên, không sợ hãi Là Thầy con phải không? Ma-đề nữ dùng kệ đáp: Thường tu quán hơi thở Chuyển tâm sinh hành thiện Tuệ lực luôn dũng mãnh Vị này, Ca-thất-na. Tôn giả Ca-thất-na bèn nhiễu quanh thành ba vòng rồi bay đến nhà trưởng giả. Bấy giờ Tôn giả Ưu-tỳ Ca-diếp hóa ra năm trăm con rồng mỗi con đều có bảy đầu, người thì ngồi kiết già trên chúng, bay đến thành kia. Trưởng giả từ xa nhìn thấy liền dùng kệ hỏi Ma-đề nữ: Nay, rồng bảy đầu ấy Dáng uy rất đáng sợ Bay đến nhiều vô số Là Thầy con phải không? Ma-đề nữ đáp: Thường có ngàn đệ tử Thần túc dạy Thiên vương Gọi Ưu-tỳ Ca-diếp Thật chính là vị này. Ưu-tỳ Ca-diếp bèn nhiễu quanh thành ba vòng, rồi bay đến nhà trưởng giả. Đến lượt Tôn giả Tu-bồ-đề hóa ra ngọn núi lưu ly, mình thì ngồi kiết già trong đó, rồi cùng bay đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy, nói kệ hỏi Ma-đề nữ: Núi này rất vi diệu Làm toàn bằng lưu ly Người đang ngồi trong động Là Thầy con phải không? Ma-đề nữ nói kệ đáp: Xưa, do tạo bố thí Nay được công đức này Đã thành phước điền tốt Tu-bồ-đề không tuệ. Tôn giả Tu-bồ-đề nhiễu quanh thành ba vòng rồi đi tới nhà trưởng giả. Sau đố, là Tôn giả Đại Ca-chiên-diên hóa ra năm trăm con ngỗng trời, màu sắc thuần trắng, cả người cùng ngỗng đều bay đến thành Mãn phú. Trưởng giả từ xa nhìn thấy dùng kệ hỏi Tu-ma-đề nữ: Năm trăm ngỗng trời kia Tất cả đều màu trắng Giăng khắp cả hư không Thầy con đó phải không? Ma-đề nữ dùng kệ đáp: Các kinh Đức Phật thuyết Phân biệt nghóa và câu Giảng nẻo tụ kết sử Đấy là Ca-chiên-diên. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên liền nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả. Tới lượt Tôn giả Ly-việt hóa ra năm trăm con cọp, người thì ngồi trên chúng cùng bay đến thành kia. Trưởng giả trông thấy, dùng kệ hỏi Ma-đề nữ: Năm trăm mãnh hổ ấy Màu lông rất hợp mắt Người ngồi trên lưng chúng Có phải Thầy con không? Ma-đề nữ dùng kệ đáp: Xưa tại rừng Kỳ hoàn Sáu năm không di động Bậc nhất về tọa thiền Tên gọi là Ly-việt. Tôn giả Ly-việt bèn nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả. Tiếp đến, Tôn giả A-na-luật hóa ra năm trăm con sư tử hết sức dũng mãnh, ngồi trên mình chúng cùng bay đến thành ấy. Trưởng giả thấy vậy dùng kệ hỏi Ma-đề nữ: Năm trăm sư tử này Dũng mãng rất đáng sợ Vị đang ngồi trên chúng Là Thầy con phải không? Khi ấy Tu-ma-đề nữ nói kệ: Khi sinh đại địa chuyển Vàng ngọc ra khỏi đất Mắt thanh tịnh trong sáng A-na-luật, em Phật. Tôn giả A-na-luật liền nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đi tới nhà trưởng giả. Rồi tới Tôn giả Đại Ca-diếp hóa ra năm trăm con ngựa, đuôi và lông đều đỏ rực, trên thân ngựa được trang sức bằng vàng bạc xen nhau, người thì ngồi trên chúng, cùng tạo ra mưa bằng hoa trời, tất cả đều đi đến thành kia. Trưởng giả từ xa trông thấy liền nói kệ hỏi Tu-ma-đề nữ: Ngựa vàng, lông đuôi đỏ Số lượng đến năm trăm Ấy là vua Chuyển luân Hay là Thầy của con? Tu-ma-đề nữ dùng kệ đáp: Hạnh Đầu-đà bậc nhất Hằng thương kẻ khó nghèo Như Lai nhường nửa tòa Đó là Đại Ca-diếp. Đại Ca-diếp liền nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đi tới nhà trưởng giả. Đến lượt Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hóa ra năm trăm voi mỗi con đều có sáu ngà, bảy chỗ trên thân mình đều bằng phẳng, trang sức bằng vàng bạc chen nhau, người thì ngồi trên chúng cùng bay đi, phóng ánh sáng lớn tỏa chiếu khắp thế giới, đi tới thành kia, trụ trên không, hòa tấu các loại nhạc, tuôn xuống như mưa vô số các loại hoa không thể tính kể. Lại nữa, trên vùng hư không ấy còn giăng treo lụa là, cờ phướn, dù lọng vô cùng kỳ diệu. Trưởng giả từ xa trông thấy bèn dùng kệ hỏi Tu-ma-đề nữ: Voi trắng có sáu ngà Ngồi trên như Thiên vương Nghe có tiếng hòa nhạc Thích-ca Văn phải không? Tu-ma-đề nữ dùng kệ đáp: Ngồi trên núi lớn kia Hàng phục rồng Nan-đà Vị thần túc đệ nhất Tên gọi Mục-kiền-liên. Thầy con chưa đến đây Đấy là chúng đệ tử Thánh sư sẽ giáng thần Hào quang tỏa chiếu khắp. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đi tới nhà trưởng giả. Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn biết đã đến lúc đi đến chỗ thọ thỉnh, bèn mặc Tăng-già-lê, bay trên hư không, cách mặt đất chừng bảy nhẫn. Có Tôn giả A-nhã-câu-lân ở bên phải Như Lai, Tôn giả Xá-lợi-phất ở bên trái, Tôn giả A-nan nương uy thần của Phật bay sau Như Lai cầm phất hầu, còn một ngàn hai trăm đệ tử khác thì vây quanh trước sau. Đức Như Lai ở ngay chính giữa cùng với các đệ tử thần túc. A-nhã-câu-lân hóa ra Nguyệt thiên tử, Xá-lợi-phất hóa ra Nhật thiên tử, còn các vị Tỳ-kheo thần túc khác thì hóa thành Thích-đề-hoàn-nhân, hoặc hóa thành Phạm thiên, hoặc hóa ra hình tướng Trì Quốc thiên vương, Tăng Trưởng thiên vương, hoặc hóa ra Tỳ-sa-môn, thống lãnh các chúng quỷ thần, hoặc có vị hóa ra hình Chuyển luân thánh vương, hoặc có vị nhập Hỏa quang Tam-muội, hoặc có người phóng hào quang, hoặc có người phóng khói, nói chung là thị hiện đủ các loại thần túc. Bấy giờ, Phạm thiên vương ở bên phải, Thích-đề-hoàn-nhân ở bên trái, tay cầm phất trần, còn lực só Kim cang Mật Tích thì ở sau Như Lai, tay cầm chùy Kim cang; Tỳ-sa-môn Thiên vương tay cầm bảy báu, che khoảng hư không phía trên Như Lai, sợ bụi đất dính vào thân thể Thế Tôn. Lúc ấy, Bát-già-tuần tay ôm đàn lưu ly, xưng tán công Đức Như Lai, cùng các vị thiên thần đều ở trên không trung, hòa tấu hàng ngàn vạn loại âm nhạc, tuôn xuống như mưa các thứ hoa trời tung rải lên Như Lai. Khi đó vua Ba-tư-nặc, trưởng giả A-na-bân-trì và các chúng trong thành Xá-vệ đều trông thấy Đức Như Lai ở trên không cách mặt đất bảy nhẫn nên hết sức vui mừng hầu như không thể tự kiềm chế. Trưởng giả A-na-bân-trì nói kệ: Như Lai thật thần diệu Thương dân như con đỏ Vui thay! Tu-ma-đề Sẽ thọ pháp Như Lai. Vua Ba-tư-nặc và trưởng giả A-na-bân-trì liền tung rải các loại hương thơm hoa đẹp để cúng dường Phật. Bấy giờ Thế Tôn hướng dẫn các chúng Tỳ-kheo kẻ trước người sau vây quanh cùng với chư vị thiên thần không sao kể hết, giống như vua ngỗng trời ở trên không, cùng bay đến thành kia. Thần Bát-già-tuần dùng kệ tán thán Phật: Diệt sạch các mối buộc Ý niệm không tán loạn Dùng thần túc vô cầu Đi vào quốc độ kia Tâm tánh rất thanh tịnh Đoạn niệm ác, ma tà Công đức như biển lớn Nay vào quốc độ ấy Dung nhan rất thù thắng Không còn dấy các sử Vì họ không tự cứu Nay vào quốc độ đó Để độ bốn hạng người Thoát khỏi sinh, già, chết Nhằm dứt nguồn gốc Hữu Nay vào quốc độ kia. Trưởng giả Mãn Tài từ xa trông thấy Đức Thế Tôn các căn tự tại trên đời thật ít có, thanh tịnh như vàng ròng, với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm nơi thân, như núi Tu-di vượt lên các loại núi khác, lại như một khối vàng phóng ra ánh sáng tỏa chiếu khắp. Trưởng giả dùng kệ hỏi Tu-ma-đề nữ: Đây là Nhật quang chăng? Chưa từng thấy dáng ấy Ngàn vạn ức hào quang Chưa được xem tường tận. Bấy giờ Tu-ma-đề nữ quỳ thẳng, chắp tay hướng về Đức Như Lai, nói kệ trả lời trưởng giả: Chẳng có mặt trời nào Phóng được ngàn ánh sáng Vì tất cả chúng sinh Như là thầy của con. Đều tán thán Như Lai Như đã nói ở trước Nay sẽ được quả lớn Nên dốc cúng dường Ngài. Trưởng giả Mãn Tài quỳ gối bên phải sát đất, dùng kệ tán thán Như Lai: Quy y Đấng Mười Lực Viên quang thân sắc vàng Trời người đều khen kính Hôm nay con quy mạng Ngài là vua mặt trời Ánh sáng giữa trăng sao Đã độ người khó độ Hôm nay con quy mạng. Ngài như Thiên đế Thích Như phạm hạnh tâm Từ Tự giác, độ chúng sinh Hôm nay con quy mạng Tôn quý trong trời người Trên các quỷ, thần vương Hàng phục các ngoại đạo Hôm nay con quy kính. Tu-ma-đề nữ quỳ thẳng, chấp tay, tán thán Đức Thế Tôn: Tự điều, khéo điều người Tự ngăn, lại ngăn người Tự độ, độ muôn loài Giải thoát mình và người Mình, người đến bờ kia Tự chiếu, chiếu quần manh Không ai không được độ Không tranh, không giành giật Luôn an trụ thanh tịnh Tâm ý không dao động Mười lực thương thế gian Cúi đầu lễ lần nữa. Ngài là bậc có đủ bốn Tâm vô lượng là Từ, Bi, Hỷ, Hộ, đầy đủ ba cửa giải thoát là Không, Vô tướng, Vô nguyện, là Bậc Tối Tôn đệ nhất trong Dục giới, ở trên cả các cõi trời, đầy đủ Bảy thánh tài, luôn ủng hộ muôn người, đời sống phạm hạnh tự nhiên, không một bậc nào sánh bằng Ngài kể cả về hình tướng, ngày nay con xin quy y. Khi ấy, sáu ngàn Phạm chí, trông thấy Thế Tôn hiện các thần biến như vậy, đều nói với nhau: –Chúng ta nên rời khỏi nước này, đi đến một đất nào khác. Sa-môn Cù-đàm đã hàng phục dân chúng ở đây rồi. Thế là sáu ngàn Phạm chí ấy bèn tìm cách ra khỏi nước, không trở lại nữa. Cũng như sư tử là vua loài thú, khi ra khỏi hang núi, liền xem xét bốn phương rồi rống lên ba tiếng, sau đó mới đi kiếm ăn. Các loài thú lớn nhỏ nghe thấy tiếng rống đều bỏ chạy tứ tán, như bay đi mất hay ẩn núp không còn biết đâu là dấu vết. Ngay cả loài voi có thần lực đang an ổn, mà vì tiếng rống của sư tử, cũng đều vội chạy đi không thể ở yên chốn cũ. Tại sao như vậy? Vì sư tử là vua của các loài thú, rất có uy thần. Ở đây cũng vậy, sáu ngàn Phạm chí nghe âm hưởng cùng tiếng nói của Thế Tôn thì đều tìm cách tẩu thoát vì tự thấy bất ổn trước uy lực quá lớn lao của Sa-môn Cù-đàm. Bấy giờ Thế Tôn xả hết thần túc, như thường pháp đi vào thành Mãn phú. Lúc chân Thế Tôn đạp trên bệ cửa đi vào thì trời đất chấn động, các tôn thần, chư Thiên đều tung rải hoa cúng dường. Khi ấy dân chúng thấy dung mạo của Đức Thế Tôn với các căn trong lành, có ba mươi tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm, nên họ cùng nói bài kệ: Lưỡng Túc Tôn kỳ diệu Phạm chí không dám chống Chẳng nên thờ Phạm chí Không được gặp Thế Tôn! Thế Tôn đến nhà trưởng giả, ngồi trên tòa. Bấy giờ dân chúng trong nước ấy hết sức phấn khởi. Tại nhà trưởng giả, đã có tới tám vạn bốn ngàn người dân vây tập như muốn phá vỡ nhà ông để được thấy Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo Tăng. Đức Thế Tôn tự nghó: “Những người dân này tất sẽ gây sự tổn hại, nên dùng thần lực để khiến cho dân chúng cả nước được thấy thân Ta và chúng Tỳ-kheo Tăng”. Nghó như vậy rồi, Đức Thế Tôn liền biến nhà cửa của trưởng giả đều trở thành lưu ly, trong ngoài đều thấy nhau, như là xem viên ngọc ở trong lòng bàn tay. Vào lúc ấy, Tu-ma-đề nữ đi đến trước Phật, đầu mặt lạy nơi chân Ngài, mừng vui lẫn lộn, nói kệ: Đủ nhất thiết trí tuệ Vượt lên tất cả pháp Dứt sạch lưới dục ái Nay con tự quy y Thà sai cha mẹ con Làm mù đôi mắt con. Quyết không vào chốn ấy Nẻo tà kiến, ngũ nghịch Xưa làm duyên ác gì Phải bị đến chốn này Như chim sa vào lưới Xin giải mối nghi buộc. Thế Tôn dùng kệ đáp: Con hãy vui chớ buồn Ý yên ổn, bình tónh Đừng sinh tâm lo lắng Nay Như Lai sẽ giảng Con vốn không gây tội Để bị đến chốn này Quả báo của thệ nguyện Muốn độ chúng sinh ấy Nay phải nhổ gốc rễ Không đọa ba đường ác Chúng sinh đến số ngàn Hiện tiền sẽ được độ Hôm nay sẽ trừ sạch Khiến được mắt trí tuệ Cho trời, người, dân chúng Thấy rõ như xem ngọc. Tu-ma-đề nữ nghe lời Phật dạy như vậy thì vui mừng hớn hở. Trưởng giả bèn sai những người tùy tùng các món ăn thức uống thịnh soạn dâng cúng Đức Phật. Sau khi thấy Đức Thế Tôn thọ trai xong, trưởng giả liền dâng nước thanh tịnh đến Ngài, rồi lấy một ghế nhỏ ngồi trước Thế Tôn. Đến lượt những người phục vụ trong nhà và tám vạn bốn ngàn người đều ngồi theo thứ tự, hoặc có người tự xưng tên rồi ngồi xuống. Bấy giờ Đức Thế Tôn tuần tự vì trưởng giả và tám vạn bốn ngàn người dân giảng giải về diệu luận, gồm các luận về giới, luận về bố thí, luận về sinh thiên; nêu rõ các thứ dục, các tướng bất tịnh, các lậu là cấu uế xấu ác; pháp xuất gia là quan trọng. Đức Thế Tôn thấy trưởng giả, Tu-ma-đề nữ và tám vạn bốn ngàn dân chúng, tâm ý mở thông, nên theo sự thuyết pháp thường lệ của chư Phật Thế Tôn, thuyết giảng về Khổ, Tập, Diệt, Đạo cho các chúng sinh ấy. Những người kia ngay nơi chỗ mình ngồi, đoạn sạch mọi phiền não cấu nhiễm, đắc pháp nhãn thanh tịnh, như tấm vải trắng rất sạch, dễ nhuộm màu. Trưởng giả Mãn Tài, Tu-ma-đề nữ và tám vạn bốn vạn dân chúng đã đạt được các pháp ấy, dứt hết mọi nghi ngờ nên đắc Vô sở úy, họ đều dốc lòng quy y Tam bảo, thọ trì năm giới. Tu-ma-đề nữ ở ngay trước mặt Phật, nói kệ: Tai Như Lai thông suốt Nghe con gặp khổ này Giáng thần đến hóa độ Mọi người được pháp nhãn. Khi Đức Thế Tôn thuyết giảng pháp xong, liền rời chỗ ngồi trở về chỗ ở. Các Tỳ-kheo bạch Phật: –Tu-ma-đề nữ vốn tạo được nhân duyên gì, được sinh vào nhà phú quý; lại do nhân duyên gì lại bị đọa vào chốn tà kiến như thế, rồi tạo nên công đức thiện gì mà nay được pháp nhãn tịnh; cũng như khiến cho tám vạn bốn vạn người cũng đều được pháp nhãn thanh tịnh? Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: –Vào thời quá khứ xa xưa, trong hiền kiếp này, có Đức Phật Ca-diếp gồm đủ các tôn hiệu: Minh Hạnh, Thành Vi, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Só, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, hiệu Phật, Chúng Hựu, du hóa trong nước Ba-la-nại, cùng với chúng đại Tỳ-kheo gồm đủ hai vạn người. Thời bấy giờ, có vua tên Ai Mẫn, con gái tên Tu-ma-na. Vị công chúa ấy có tâm luôn kính trọng đối với Phật Ca-diếp, giữ gìn giới cấm, thường ưa thích bố thí, cúng dường thể hiện đủ bốn pháp. Thế nào là bốn? Một là bố thí, hai là ái kính, ba là lợi người, bốn là đồng lợi. Đối với Pháp cú của Đức Như Lai Ca-diếp, công chúa Tu-ma-na luôn đọc tụng ghi nhớ, thường lên lầu cao đọc tụng lớn tiếng và phát nguyện: –Xin luôn có được bốn pháp ái kính này, lại đối trước Như Lai đọc tụng pháp cú, trong việc làm này giả như có được chút ít phước đức, thì nguyện sinh vào nơi nào cũng không bị đọa các nẻo ác và nhà nghèo khổ, trong vị lai, cũng sẽ được gặp Bậc Thế Tôn như vậy, khiến con không chuyển đổi thân nữ, ngay nơi thân nữ đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Khi ấy dân chúng trong thành, nghe công chúa phát thệ nguyện như thế, họ đều cùng nhau tập hợp lại đến gặp vương nữ, thưa: –Ngày nay, vương nữ đã dốc bày tỏ lòng tin rất lớn lao, lại làm các công đức về bốn pháp không thiếu là bố thí, ái kính, lợi người, đồng sự, cùng phát thệ nguyện, mong cho trong đời vị lai cũng gặp được bậc Thế Tôn như vậy, xin được nghe thuyết pháp và đạt được pháp nhãn thanh tịnh. Hôm nay vương nữ đã phát thệ nguyện ấy thì xin cùng với chúng tôi và dân chúng trong nước đồng thời cùng được cứu độ. Vương nữ đáp: –Tôi xin đem công đức này hồi hướng đến các người, đến mọi người dân. Nếu như gặp được Như Lai thuyết pháp thì đồng thời đều được độ thoát. Này các Tỳ-kheo, các thầy có điều nghi ngờ chăng? Đừng nên nghó như vậy. Vua Ai Mẫn lúc ấy nay là trưởng giả Tu-đạt (A-na-bân-trì), Vương nữ lúc ấy nay là Tu-ma-đề nữ, còn dân chúng trong nước kia, nay là tám vạn bốn ngàn người dân của thành Mãn phú. Do thệ nguyện của họ, nên nay gặp được Ta, nghe pháp, đắc đạo, cả thảy số dân chúng đó đều được Pháp nhãn thanh tịnh. Đây là ý nghóa cần phải ghi nhớ và phụng hành. Vì sao? Vì bốn pháp ấy là phước điền cao nhất. Nếu có Tỳ-kheo tuân hành bốn pháp ấy thì liền thấu đạt được thánh pháp Tứ đế. Vậy phải cầu phương tiện để thành tựu bốn pháp đó. Này các Tỳ-kheo, cần phải tu học như thế. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, đều hoan hỷ phụng hành. <卷 id="113355405">