Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .

 

SỐ 6

KINH BÁT NÊ HOÀN[1]
 

Hán Dịch: Vô danh

Việt dịch:  Thích Chánh Lạc

Hiệu-chú: Tuệ Sỹ  – Đức Thắng

--- o0o ---

QUYỂN THƯỢNG[2]

  

Nghe như vầy[3]:

Một thời Phật du hóa tại núi Diêu[4], thuộc thành Vương-xá, cùng chúng đại Tỳ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi người.

Bấy giờ Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, cùng với nước Việt-kỳ không hòa thuận. Nhà vua tập họp quần thần cùng bàn bạc:

“Nước Việt-kỳ cậy mình giàu có, dân chúng đông đúc, đất đai phì nhiêu, lại có nhiều châu báu nên không chịu thần phục ta. Vậy hãy đem binh chinh phạt nước ấy.”

Trong số các bậc hiền thiện của nước Ma-kiệt có một đại thần tên Vũ-xá vốn thuộc chủng tộc Phạm chí. Vua A-xà-thế sai ông đến đảnh lễ ra mắt đức Phật, kính hỏi thăm tin tức, Ngài ngồi đứng có nhẹ nhàng không, đi lại có khỏe mạnh không, đức hóa ngày có càng tốt đẹp không, và thưa:

“Vua A-xà-thế của nước Ma-kiệt cùng với nước Việt-kỳ có sự hiềm khích, vua quan cùng bàn luận muốn đem quân sang đánh nước ấy, cúi mong đức Chúng hựu[5] có lời gì dạy bảo chăng?”

Đại thần Vũ-xá vâng mệnh vua, liền cho năm trăm cỗ xe, hai ngàn người đi bộ, hai ngàn người cỡi ngựa tất cả cùng đi đến núi Diêu. Tới chỗ giáp con đường nhỏ Vũ-xá liền xuống xe đi bộ. Thấy đức Phật hoan hỷ, sắc diện khiêm cung, từ tốn; thần khí trang trọng, nhún nhường, Vũ-xá liền vái chào đúng lễ nghi rồi quỳ mọp mà bạch rằng:

“Vua A-xà-thế nước Ma-kiệt, sai con đến đảnh lễ đức Phật, cung kính hỏi thăm tin tức, Ngài ngồi đứng có nhẹ nhàng không, đi lại cỏ khỏe mạnh không, đức hóa ngày có càng tốt đẹp không?”

Đức Phật đáp:

“Rất tốt! Nhà vua, dân chúng trong nước cùng ông thảy đều bình an chăng?”

Vũ-xá bạch:

“Nhà vua cùng với nước Việt-kỳ có điều hiềm khích. Vua và các quan họp lại bàn bạc: ‘Vì nước ấy cậy mình giàu có, dân đông, đất đai phì nhiêu, sản sanh ra nhiều châu báu, nên không chịu thuần phục nước Ma-kiệt. Vì vậy vua nước Ma-kiệt muốn đem quân sang đánh. Cúi mong đức Phật dạy bảo’.”

Đức Phật nói với vị đại thần:

“Ngày xưa, một thời ta từng du hóa ở nước Việt-kỳ, dừng chân nơi miếu thần Chánh táo[6], thấy dân chúng nước ấy đều hết lòng tuân theo lệnh vua. Khi ấy ta liền nói về bảy pháp trị nước, là con đường không nguy vong. Nếu ai thực hành được, thì ngày càng hưng thịnh, không hề suy tổn.”

Đại thần Vũ-xá liền chắp tay bạch:

“Con muốn được nghe bảy pháp ấy, và cách thức thi hành như thế nào?”

Đức Phật dạy:

“Hãy lắng nghe!”

Đáp:

“Con xin thọ giáo.”

Khi ấy, hiền giả A-nan đứng phía sau quạt hầu Phật. Đức Phật bảo hiền giả A-nan:

“Ngươi có nghe người nước Việt-kỳ thường cùng nhau tụ hội, bàn luận về chính sự, tu chỉnh phòng bị để tự thủ chăng?

Đáp:

“Con có nghe người nước họ thường cùng nhau tụ hội để bàn luận về chính sự, tu chỉnh phòng bị để tự thủû.”

Đức Phật dạy:

“Nếu như vậy thì nước ấy không thể suy thối.”

“Ngươi có nghe ở nước Việt-kỳ, vua tôi thường hòa thuận, trung thành với trách nhiệm, cùng tôn kính, cúng dường nhau[7] chăng?”

Thưa:

“Con có nghe vua tôi nước ấy thường hòa thuận, trung thành với trách nhiệm, cùng tôn kính, cúng dương nhau.”

“Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ cùng nhau tôn trọng pháp luật, không chấp nhận những điều không đáng được chấp thuận; không dám trái phạm chăng[8]?”

Đáp:

“Con nghe dân chúng nước ấy tôn trọng luật pháp, không chấp nhận những điều không đáng được chấp thuận; không dám trái phạm.”

“Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ kính cẩn giữ đúng lễ, nam nữ sống riêng biệt, lớn nhỏ kính nhường lẫn nhau chăng?”

Đáp:

“Con có nghe dân nước Việt-kỳ kính cẩn giữ đúng lễ, nam nữ sống riêng biệt, lớn nhỏ kính nhường lẫn nhau.”

“Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn trọng sư trưởng, luôn nghe lời dạy bảo của các bậc trưởng thượng chăng?”

Đáp:

“Con có nghe dân nước ấy hiếu thuận đối với cha mẹ, tôn kính sư trưởng, luôn nghe lời dạy bảo của các bậc trưởng thượng.”

“Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ vâng theo phép trời, noi theo phép đất, kính sợ quỉ thần, kính thuận bốn mùa chăng?”

Thưa:

“Con có nghe dân nước ấy vâng theo phép trời, noi theo phép đất, kính sợ quỉ thần, kính thuận bốn mùa.”

“Ngươi có nghe dân nước Việt-kỳ tôn thờ đạo đức, trong nước có các bậc Sa-môn, A-la-hán[9] hoặc chư vị ấy từ bốn phương đến thì luôn cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc chữa bệnh chăng?”

Thưa:

“Con có nghe dân nước ấy kính thờ đạo đức, trong nước có các bậc Sa-môn, A-la-hán, hoặc chư vị ấy từ bốn phương đến thì luôn cúng dường y phục, thức ăn uống, giường nằm và thuốc chữa bệnh.”

Đức Phật dạy:

“Phàm nước nào thực hành bảy pháp này, thì khó làm cho họ nguy khốn được.”

Vũ-xá thưa:

“Nếu dân nước Việt-kỳ thực hành được một pháp thôi thì hãy còn không thể công phá nổi, huống chi là thực hành đủ bảy pháp ấy.”

Vũ-xá lại thưa:

“Vì việc nước quá bề bộn nên con xin cáo từ.”

Đức Phật bảo:

“Ông nên biết thời.”

Vũ-xá liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi.

Bấy giờ Đức Phật bảo Hiền giả A-nan, hãy báo cho các Tỳ-kheo ở trong núi Diêu biết, tất cả tập họp tại giảng đường.

Hiền giả A-nan liền triệu tập đông đủ các Tỳ-kheo tại giảng đường. Đại chúng cung kính đảnh lễ đức Phật rồi ngồi sang một bên.

Đức Phật dạy:

“Này các Tỳ-kheo! Hãy nghe ta nói, hãy khéo suy nghĩ, lãnh hội.”

Tất cả Tỳ-kheo đều bạch:

“Chúng con xin thọ giáo.”

Đức Phật dạy:

“Tỳ-kheo có bảy giáo pháp thì chánh pháp không suy thoái. Những gì là bảy?

“Một, thường xuyên tụ hội để tụng giảng kinh đạo, không được biếng nhác.

“Hai, phải hòa thuận, trung chánh, dạy bảo lẫn nhau, cùng tôn kính, cúng dường nhau.

“Ba, không chấp nhận những điều không đáng được chấp thuận; vui thích ở những nơi chốn thanh vắng[10].

“Bốn, phải dứt bỏ dâm dục, lớn nhỏ có thứ tự, đối xử nhau đúng lễ.

“Năm, phải lấy lòng từ hiếu kính thờ các bậc sư trưởng, nghe lời dạy bảo.

“Sáu, phải phụng thờ giới pháp, kính sợ kinh giới, tu tập phạm hạnh.

“Bảy, phải tuân theo đạo pháp, cúng dường Thánh chúng, khai mở cho kẻ mới tu học. Người đến học, phải cung cấp y phục, thức ăn uống, giường nằm cùng thuốc chữa bệnh cho họ.

“Đó là bảy pháp có thể làm cho chánh pháp được trụ lâu dài.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy điều cần phải giữ gìn thì chánh pháp không suy thối. Phải khéo suy tư, thực hành:

“Một, giữ sự thanh tịnh, không ưa thích các pháp hữu vi[11].

“Hai, giữ sự vô dục, không tham lợi dưỡng.

“Ba, giữ nhẫn nhục, không có tranh tụng.

“Bốn, giữ hạnh Không[12], không vào chỗ đông người.

“Năm, giữ pháp ý, không khởi các tưởng.

“Sáu, giữ nhất tâm, tọa thiền, định ý.

“Bảy, giữ sự kiệm ước, ăn mặc giản dị, lấy cỏ làm giường.

“Bảy pháp như vậy, có thể làm cho pháp chánh được trụ lâu dài.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, có bảy điều cung kính thì chánh pháp không bị suy thối. Phải khéo suy niệm, thực hành:

“Một, kính Phật, hãy khéo đem tâm lễ bái, không nương tựa vào đâu khác.

“Hai, kính pháp, chí ở nơi ý đạo, không nương tựa vào đâu khác.

“Ba, kính chúng Tăng, vâng theo lời dạy, không nương tựa vào đâu khác.

“Bốn, kính trọng sự tu học, kính thờ người trì giới, không nương tựa vào đâu khác.

“Năm, kính trọng những điều hiểu biết, kính thờ những vị giảng dạy, không nương tựa vào đâu khác.

“Sáu, kính trọng sự thanh tịnh, vô dục, không nương tựa vào đâu khác.

“Bảy, kính trọng thiền định, dốc thực hành việc ngồi thiền, tĩnh lặng, không nương tựa vào đâu khác.

“Hành bảy pháp như vậy thì chánh pháp có thể được trụ lâu dài.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy thứ tài sản[13], khiến cho chánh pháp không suy thối, phải khéo nhớ nghĩ, thực hành:

“1. Phải có tín tâm, thấy biết điều chân chánh thì vui mừng.

“2. Phải có giới pháp, thận trọng giữ gìn, không phạm.

“3. Phải có tâm xấu hổ, quyết sửa đổi lỗi lầm, tự hối hận về điều sai quấy đã vấp phải.

“4. Phải có tâm hổ thẹn, nói và làm phải phù hợp.

“5. Phải gắng học h ỏi để hiểu biết, đọc tụng không nhàm chán.

“6. Phải có trí tuệ để sự hành hóa đạt đến chỗ sâu xa, vi diệu.

“7. Phải bố thí giáo pháp, chớ mong được mọi người kính lạy.

“Thực hành bảy pháp như vậy, thì chánh pháp có thể được trụ lâu dài.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy pháp giác ý[14] thì chánh pháp không suy thối, phải khéo nhớ nghĩ, thực hành:

“1. Chí niệm giác ý, thanh tịnh không dâm, tịch tĩnh, ý phân tán.

“2. Pháp giải giác ý, thanh tịnh không dâm, lìa bỏ ý phân tán.

“3. Tinh tấn giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

“4. Ái hỷ giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

“5. Nhất hướng giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

“6. Duy định giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

“7. Hành hộ giác ý, thanh tịnh không dâm, xả bỏ ý phân tán.

“Thực hành bảy pháp như vậy, có thể làm cho chánh pháp được trụ thế lâu dài.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy điều cần phải biết[15], thì chánh pháp được trụ thế lâu dài, phải khéo nhớ nghĩ, thực hành:

“1. Phải hiểu biết về giáo pháp, đối với mười hai bộ kinh của Phật, phải thọ trì, tụng đọc thật kỹ.

“2. Phải hiểu biết về ý nghĩa, cầu các pháp để mở mang trí huệ, hiểu rộng chỗ cốt yếu.

“3. Phải hiểu biết về thời gian, hoàn cảnh lúc nào nên tụng kinh, lúc nào đi kinh hành, lúc nào tham thiền, lúc nào nằm nghỉ, đừng xáo trộn thời biểu.

“4. Phải tự tri, đã hội nhập nẻo hành hóa đúng pháp nhiều hay ít, sâu hay cạn, đã thành thục hay mới thực tập, quyết chí ngày một tiến bộ.

“5. Phải biết tiết chế, chớ tham lam các vật dụng tốt đẹp, phải biết thích nghi thân, điều độ trong việc ăn uống, đừng để thân mình bị bệnh.

“6. Biết rõ về các chúng. Khi đi vào chỗ những chúng Tỳ-kheo, Phạm chí, thánh nhân, quân tử và đám đông dân chúng, phải biết phân biệt biết chỗ nào đáng cung kính, chỗ nào nên đứng, chỗ nào nên ngồi, chỗ nào nên im lặng, chỗ nào nên nói năng.

“7. Biết về người. Hãy quán về chỗ tốt đẹp, xem xét ý chí, khả năng của từng người, theo đấy mà khuyến khích, dẫn dắt, khiến mọi người đều biết được chỗ giáo hóa của bậc Thánh.

“Thực hành bảy pháp như vậy, có thể làm cho chánh pháp được trụ lâu dài.

“Lại nữa, Tỳ-kheo có bảy điều suy tưởng[16], khiến cho chánh pháp không suy thối, phải khéo lãnh hội, thực hành:

“1. Nhớ nghĩ về kinh sách đạo pháp, như người tưởng nhớ về cha mẹ. Cha mẹ sanh con, lo lắng cực nhọc cả một đời, nhưng chánh pháp thì cứu độ người trong vô số đời, đưa con người thoát khỏi sanh tử.

“2. Nhớ nghĩ về cuộc sống của con người, chẳng ai là chẳng khổ. Lo nghĩ về vợ con trong gia đình mình, chết rồi mỗi người ly tán một ngả, chẳng biết đọa lạc nơi nào?! Nếu thân ta có tội thì quyến thuộc cũng không thể cứu. Biết nó là vô thường, nên nhớ nghĩ như vậy mà hành đạo.

“3. Nhớ nghĩ về sự tinh tấn, phải khiến cho thân, khẩu, ý luôn đoan nghiêm thì giữ đạo không khó khăn.

“4. Nhớ nghĩ đến sự khiêm cung, không tự kiêu, tự đại, phải vâng theo sự chỉ bảo của bậc minh triết, kính thuận lời răn dạy trước đây chưa được nghe, vì đấy là do lòng từ bi mà chỉ dạy.

“5. Nhớ nghĩ về sự hàng phục tâm ý, không chạy theo sáu tình, nên chế ngự ba độc tham dâm, giận dữ, si mê, không tạo tà hạnh.

“6. Nhớ nghĩ biết trong thân, toàn là đồ xú uế, chỉ là hơi lạnh máu nóng, có gì để tham đắm?!

“7. Nhớ nghĩ về việc tự quán sát. Thân hình như đất bụi, nghĩ rằng nó có thể chết vào một ngày nào đó, kể từ mới tạo dựng trời đất, mạng sống con người từ xưa đến nay, không ai là không chết. Thế gian như mộng, nhìn thấy sự vật đáng yêu, đâu biết rằng nó chỉ như sự biến hóa, khi tỉnh ngộ mới rõ là không. Nên biết đó là huyền ảo, đừng để con mắt mình bị đánh lừa.

“Thực hành bảy pháp như vậy thì chánh pháp được trụ lâu dài.

“Lại nữa, này các Tỳ-kheo, có sáu pháp tôn trọng[17] nên khéo nhớ nghĩ, thực hành, thì chánh pháp có thể được trụ lâu dài.

“1. Tu tập về thân với tâm từ ái[18]; thực hành trọng nhiệm này, thảy đều lấy sự thanh tịnh hòa hợp của Thánh, bằng sự hòa kính, mà đối sử với những bạn người cùng học, đoàn kết không tranh cãi, cùng xây dựng lẫn nhau, cùng giữ gìn đạo hạnh[19].

“2. Tu tập thiện hành của miệng[20] mà khởi tâm từ ái.

“3. Tu tập về ý, mà khởi tâm từ ái.

“4. Thọ nhận được các thứ y phục, thức ăn uống bình bát và những vật dụng khác một cách đúng pháp[21] không nên tiếc của, che giấu.

“5. Giữ giới không phạm, không vi phạm giới thì mới có thể dạy người được.

“6. Bằng chánh kiến để thành tựu sự xuất yếu[22] để ra khỏi sinh tử, chấm dứt khổ đau, đạt được tri kiến rốt ráo. Thực hành trọng nhiệm này, thảy đều lấy sự thanh tịnh hòa hợp của Thánh, bằng sự hòa kính, mà đối xử với những bạn người cùng học, đoàn kết không tranh cãi, cùng xây dựng lẫn nhau, cùng giữ gìn đạo hạnh[23].

“Lại nữa, Tỳ-kheo phải thương yêu tất cả côn trùng, cho đến đối với con trùng, con kiến, cũng phải thể hiện tâm từ. Đối với sự chết của con người phải nên buồn thương. Kẻ ấy được làm người, nếu không hiểu biết về đạo thì chỉ khiến cả nhà khóc lóc, cũng chẳng rõ khi chết rồi, thần thức đi về đâu? Chỉ có người đắc đạo mới có thể biết được việc ấy. Đức Phật vì mọi người cho nên mới giảng giải rõ trong kinh pháp. Vậy kinh không thể không học, đạo không thể không hành. Trong thiên hạ có nhiều đạo, chỉ có Vương đạo là lớn. Phật đạo như thế là tối thượng. Ví như vài mươi người cùng nhau bắn vào một cái đích, có người bắn trúng trước, có người bắn trúng sau, cứ bắn liên tục không dừng nghỉ thì chắc chắn sẽ trúng đích.

“Lại như các dòng nước trong trời đất luôn chảy không ngừng, thảy đều đổ về biển. Tỳ-kheo cũng như vậy, hành đạo không ngừng nghỉ, sẽ đạt được giải thoát.

“Đúng như giáo pháp của đức Phật mà cùng tôân kính cúng dường lẫn nhau. Tụng đọc lời Phật dạy; tùy thời mà khuyên bảo nhau. Bốn chúng đệ tử chỉ dạy lẫn nhau. Như vậy kinh giáo của Phật có thể được tồn tại lâu dài.

Bấy giờ, Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi đến xóm Ba-liên-phất[24]. Hiền giả liền vâng lời. Đức Phật thu xếp y bát, đi qua thành Vương-xá, mới được nửa đường, Ngài bỗng dừng chân nơi vườn vua[25]. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tất cả hãy lắng nghe! Người hành đạo phải biết rõ về Bốn Đế. Phàm người không biết rõ về Bốn Đế nên mãi trôi lăn, qua lại trong sanh tử, chẳng khi nào dừng. Vì vậy, ta muốn mở mang tâm ý cho các ngươi. Những gì là bốn? Một là biết khổ của khổ. Đó là chân đế. Hai là khổ do tập mà sanh. Đó là chân đế. Ba là sự diệt tận tập khởi của khổ. Đó là chân đế. Bốn là con đường đưa đến diệt tận tập khởi của khổ. Đó là chân đế[26].

“Đối với khổ mà không nhận biết rõ nên mới trôi giạt mãi trong nẻo sanh tử không dừng. Vậy nên phải biết rõ về khổ đế. Khổ là: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ưu sầu buồn bực là khổ, yêu thương mà xa lìa là khổ, mong cầu mà chẳng đạt được là khổ. Nói tóm lại, năm thạnh ấm là khổ[27].

“Đã biết rõ về khổ như vậy rồi thì có thể đoạn trừ tập khởi tức là ái. Đó gọi là được con mắt[28], cho đến hết đời nầy về sau không còn khổ nữa. Bởi vì tập là do từ ái; đạo đế là con đường đưa đến diệt tận tập khởi của khổ; có con mắt để thấy pháp, chứng pháp, sự sanh đã dứt, đời sau không còn thọ sanh. Đã thấy chân đế liền đạt được đạo nhãn, không còn trở lại nẻo sanh tử, con đường dài ấy đã vĩnh viễn chấm dứt. Như vậy, này Tỳ-kheo, lại còn phải biết là đạo có được tám hạnh[29]. Những gì là tám?

“1. Chuyên tâm thọ trì kinh pháp của Phật.

“2. Bỏ ái dục, không tranh cãi với thế gian.

“3. Trọn đời không làm các việc sát sinh, trộm cắp, dâm dục.

“4. Không được lừa dối, dua nịnh, chửi mắng.

“5. Không được ganh ghét, tham lam, keo kiệt, bất tín.

“6. Nhớ nghĩ đến sự vô thường, khổ, không, vô ngã[30].

“7. Quán trong thân người toàn là các thứ xú uế, dơ nhớp.

“8. Không tham đắm về thân mạng, biết rằng cuối cùng là trở về với đất bụi.

“Các vị Phật thời quá khứ đều thấy rõ về Bốn Đế này. Các vị Phật thời vị lai cũng thấy rõ Bốn Đế ấy. Những ai tham luyến việc ân ái, nhà cửa, cùng ưa thích về tuổi thọ, vinh hoa phú quý của thế gian, cuối cùng không thể đạt được giải thoát. Đạo do tâm sanh. Tâm thanh tịnh thì đạt được đạo. Tiếp theo, giữ tâm đoan chánh, không phạm năm giới sẽ được sanh lên cõi Trời. Thứ nữa là tin đạo, thích học kinh pháp, về sau có thể được làm người. Nếu muốn đoạn tuyệt các cõi ác là địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ thì phải nhất tâm phụng hành kinh giới.

“Nay Phật vì mọi người trong thế gian, khiến họ giải thoát khỏi sanh tử, nên khai mở chánh đạo. Những người muốn học đạo cần phải suy tư đúng đắn.”

Phật cùng Hiền giả A-nan trước tiên đến Ba-liên-phất, dừng chân bên một gốc cây thần[31] ở ngoài thành. Các Phạm chí, cư sĩ nghe tin đức Phật cùng các đệ tử đến, họ đều ra ngoài thành, muốn đến để được gặp và cúng dường đức Phật. Có người mang chiếu, có người mang nệm, có người mang nước và xách đèn cùng đi tới chỗ đức Phật, cung kính đảnh lễ rồi đứng qua một bên. Đức Phật nói với các Phạm chí, cư sĩ:

“Con người ở thế gian, ham muốn dục lạc, tâm ý buông lung thì có năm điều hao tổn:

“1. Tự mình phóng túng, tài sản ngày một giảm.

“2. Tự mình phóng túng làm nguy hại đến thân, mất đạo.

“3. Tự mình phóng túng nên mọi người không kính nể, lúc chết phải hối hận.

“4. Tự mình phóng túng bị nhơ danh, gây tiếng xấu, thiên hạ đều nghe.

“5. Tự mình phóng túng, khi chết thần thức bị đọa vào ba đường ác.

“Nếu ai hàng phục được tâm, không phóng túng thì có đầy đủ năm điều phước đức:

“1. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì tài sản ngày một tăng.

“2. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì được gần với ý đạo.

“3. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì mọi người kính yêu, khi chết không hối hận.

“4. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì được tiếng tốt, danh thơm, mọi người đều biết.

“5. Tự mình biết kềm chế, giữ gìn thì khi chết thần thức được sanh lên cõi trời, cảnh giới phước đức.

“Người tự mình không buông lung thì có năm điều thiện ấy, phải luôn nhớ nghĩ.”

 Đức Phật vì mọi người thuyết pháp, giáo hóa họ theo con đường chánh, cùng với pháp yếu, khiến ai nấy đều hoan hỉ. Những người nghe cùng đến trước đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ đức Phật đi đến xóm A-vệ[32], ngồi cạnh một gốc cây, dùng tâm thần diệu cùng mắt đạo xem thấy chư thiên nơi cõi trời đang sai khiến hiền thần lo bảo vệ vùng đất này.

Hiền giả A-nan từ chỗ ngồi thiền đứng dậy, cúi lạy đức Phật rồi đứng qua một bên. Đức Phật hỏi Hiền giả A-nan:

“Ai lo liệu công việc xây cất thành quách nơi Ba-liên-phất này?”

Thưa:

“Đó là do đại thần Vũ-xá của nước Ma-kiệt xây cất, nhằm ngăn chận sự xâm phạm của nước Việt-kỳ.”

Đức Phật dạy:

“Lành thay! Lành thay! Vũ-xá là vị quan hiền mới biết lo tính như vậy. Ta thấy các vị trời thần diệu ở cõi trời Đao-lợi cùng nhau hộ trì đất này. Đất đai nào được thiên thần bảo vệ, thì đã an ổn mà lại sang quýù. Lại nữa, cuộc đất này nằm trong phạm vi gần gũi với cõi trời. Vị thần chủ đất này là Nhân Ý[33] luôn hộ trì nước này được tồn tại lâu dài và càng tăng trưởng hơn nữa. Chắc chắn xứ này có nhiều bậc thánh hiền, nhân trí, hào kiệt hơn các nước khác, cho nên cũng không thể phá hoại được. Thành này về lâu sau, như khi muốn phá hoại phải có ba nguyên nhân: Một, lửa lớn. Hai, nước lớn. Ba, người trong nước và bên ngoài cùng âm mưu với nhau thì mới có thể phá hoại được.”

Vũ-xá nghe đức Phật cùng chúng đệ tử đi đến nơi đây, liền nương oai của vua, sửa soạn năm trăm cỗ xe, ra khỏi thành nhằm đến yết kiến, cúng dường đức Phật. Khi tới nơi, Vũ-xá liền xuống xe, đi bộ vào cửa của khu vườn, trông thấy Phật hoan hỉ, sắc diện khiêm cung, từ tốn, khí sắc đáng tôn quý, Vũ-xá liền vái chào đúng lễ nghi rồi đứng qua một bên. Đức Phật giảng nói pháp cho ông nghe, giáo hóa theo nẻo chánh, cùng với nhiều pháp yếu. Ông Vũ-xá vui mừng, bèn nhích khỏi chỗ ngồi mà bạch rằng:

“Con muốn dâng cúng một bữa ăn nhỏ[34], cúi mong Ngài cùng Thánh chúng đồng hạ cố.”

Đức Phật liền im lặng nhận lời.

Ông liền đứng dậy đảnh lễ đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi trở về. Đại thần trở về nhà rồi, suốt cả đêm lo sắm đủ các thứ đồ ăn thức uống ngon, bổ, lại sửa sang phòng ốc, bên trong đặt ghế ngồi. Sáng sớm, ông đi đến bạch đức Phật:

“Trai phạn đã chuẩn bị xong, cúi mong đức Phật biết cho.”

Đức Phật liền khoác y cầm bát, cùng chúng đệ tử đồng đi đến nhà Vũ-xá. Ngài ngồi chỗ cao hơn trước đại chúng. Vũ-xá tự tay mình bưng dọn thức ăn và sớt thức ăn vào bát đức Phật. Khi ăn uống rửa tay xong, ông đứng lên bạch Phật:

“Con đã tạo phước duyên này, cúi mong đức Phật chú nguyện cho dân chúng cùng tất cả Trời Người ở trong nước này luôn luôn được an lạc.”

Đức Phật chú nguyện:

“Phật tùy hỷ ngươi. Vì Trời và Người mà cúng dường, dẫn dắt dân chúng trong nước. Những ai cúng thức ăn cho Phật và Tỳ-kheo Tăng, tán dương chánh pháp, thọ nhận giáo pháp trí tuệ, phụng hành kinh giới, ta đều chú nguyện cho họ: ‘Đáng kính thì biết kính, việc đáng thờ thì biết thờ, bố thí rộng rãi, cùng thương yêu cùng khắp, có tâm từ bi thương xót, mong cho tất cả mọi người thường được phước lợi, thấy được chánh đạo’.”

Đại thần Vũ-xá vui mừng. Đức Phật lại dạy:

“Ông ở đời này tuy mắc việc quan, nhưng nhờ phước đức này, về sau chắc chắn được giải thoát. Nếu ai cúng dường trai phạn cho Phật, cùng những bậc hiền thiện chân chính trì giới, nhờ Sa-môn chú nguyện, thì trọn đời được lợi ích.

“Lại phải nên biết, nếu muốn làm quan hay chỉ là cư sĩ, đều không nên có tâm tham, không nên có tâm xa xỉ, không nên khởi tâm kiêu mạn, không nên có tâm bạo ngược, không nên có tâm khoái lạc. Bỏ năm thứ tâm này về sau sẽ không hối hận về những lỗi lầm của mình, chết được sanh lên cõi trời, trừ bỏ tội lỗi trong nẻo ác.

Đức Phật dạy xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, ra khỏi cửa thành phía Đông. Vũ-xá gọi kẻ hầu bảo:

“Hãy gọi cửa thành này là cửa Cù-đàm[35], bến đò Ngài đi qua thì gọi là bến Cù-đàm[36].

Khi ấy, dân chúng có người đi thuyền lớn, có người đi thuyền nhỏ, có người đi bè tre, có người dùng bè gỗ để qua sông rất đông. Đức Phật ngồi nhập định tư duy: ‘Ngày xưa, khi ta chưa thành Phật, muốn qua đây, ta đi trên bè gỗ không biết bao nhiêu lần. Nay ta đã giải thoát rồi, không còn dùng bè gỗ ấy nữa, cũng khiến cho các đệ tử được xa lìa điều ấy.’ Đức Phật xuất định, tự nói bài tụng:

Phật là hải thuyền sư,

Pháp là cầu sang sông;

Là cỗ xe đại thừa,

Độ hết thảy trời người.

Cũng là người giải thoát,

Sang bờ thành Phật đạo;

Khiến tất cả đệ tử,

Giải thoát đạt Niết-bàn[37].

Bấy giờ đức Phật bảo hiền giả A Nan:

“Tất cả hãy đi đến ấp Câu-lợi[38].

Tôn giả vâng lời cùng đi. Đến nơi, ngồi dưới một gốc cây, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Tất cả hãy lắng nghe. Hãy thọ trì giới pháp thanh tịnh, nên tập trung tâm ý tư duy, nên tu tập để phát huy trí huệ. Ba điều ấy[39] một khi tu tập đã đầy đủ[40]ù, lại xa lìa sự cấu uế của dâm nộ si; đó gọi là chánh thức vượt qua tai họa của dục[41], do vậy, bằng tự lực mà giải thoát, bằng nhất tâm mà biết rằng “Sự sanh đã dứt hết, hạnh thanh tịnh đã trụ vững, điều cần làm đã làm”[42], do tánh hiền thiện nên không tranh cãi với thế gian. Đã biết về thế sự, phải tự lo thân mình, nên ở nơi vắng lặng mà tư duy bên trong, tâm ý liền sáng, ba thứ cấu nhiễm đã trừ, liền đạt được đạo, tâm không còn dong ruổi, cũng không còn tham đắm vướng mắc. Giống như vị quốc vương là chủ của muôn dân. Tỳ-kheo có năng lực tự tư duy, thấy vạn cảnh đều do tâm làm chủ.”

Đức Phật cùng tôn giả A-nan đi đến xóm Hỷ Dự[43] dừng chân bên cây Kiền-kỳ[44] gần bờ sông. Các đệ tử bèn vào thành khất thực, tắm rửa rồi trở về đảnh lễ đức Phật và thưa:

“Nước này đang có bệnh dịch khiến nhiều người chết. Sáng nay chúng con đều nghe có các Thanh tín sĩ như: Huyền Đảm, Thời Tiên, Sơ Động, Hoặc Chấn, Thục Lương, Khoái Hiền, Bá Tông, Kiêm Đốc, Đức Xứng, Tịnh Cao, cả thảy mười người đều qua đời[45], những người ấy thân chết rồi thì thần thức sẽ đi về đâu?”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Mười người ấy đã dứt bỏ thần thức tự nhiên, được sanh lên trên mười tám cõi Trời[46], vào quả vị Bất-hoàn, không còn sanh trở lại để thọ pháp thế gian nữa. Vả lại, những người chết trong nước này, không phải chỉ như vậy. Phật bằng thiên nhãn quan sát thấy năm trăm Thanh tín sĩ, tất cả đều như Nan-đề... đã xa lìa ba thứ cấu uế, đoạn tuyệt năm đạo[47], chết đều sanh lên địa vị của Bất-hoàn ở bên trên mà đạt Nê-hoàn ở đó.

“Lại có ba trăm Thanh tín sĩ, đã đoạn trừ ba kết[48], không còn dâm, nộ, si[49], thăng lên quả vị Tần lai[50], sau hạ sanh trở lại hạ giới, rồi sẽ thấy được biên vực tận cùng của sự khổ.

“Lại có năm trăm thanh tín nữ, đều đã được bốn hy[51], đã dứt hết ba kiết, được quả Câu cảng[52], xa lìa ba cõi xấu[53], sanh trong cõi trời hay nhân gian, không quá bảy lần, liền đạt được đạo quả Ứng chơn[54].”

Bấy giờ đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Các ngươi nói về sự chết của những người ấy như thế là quấy rầy ta! Nhưng ta đã là Phật, nên không còn nhận chịu điều đó, cũng chẳng còn lo sợ. Thật là vi diệu! Sanh tử luôn có lúc.

“Phàm chư Phật xuất hiện, tuy gọi là sanh nơi thế gian, nhưng không có Phật pháp tánh vẫn vậy[55]. Vì sao vậy? Như Lai đã an trụ pháp tánh, cho nên không gì không biết. Đã rõ về sự sanh này, trình bày phân minh, cho nên gọi là Diệu. Do cái này có nên cái kia có, do cái này không nên cái kia không, do cái này sanh nên cái kia sanh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Vì sao vậy?

“Vì tham dục khởi nên mới bị vô minh, duyên vô minh có hành, duyên hành có thức, duyên thức có danh sắc, duyên danh sắc có lục nhập, duyên lục nhập có xúc, duyên xúc có thọ, duyên thọ có ái, duyên ái có thủ, duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, duyên sanh có già chết, buồn sầu, khổ bất mãn, bực bội, đưa đến toàn bộ sự khổ đau được tạo nên[56]. Hữu là nguồn gốc của sanh tử, nó sẽ xoay chuyển như bánh xe, vận hành không bao giờ ngừng. Do si vô minh[57] nên mới có sanh tử. Ví như khiến cho vô minh không còn dấu vết, vô dục, tức vô minh đã diệt thì hành diệt, hành diệt nên thức diệt, thức diệt nên danh sắc diệt, danh sắc diệt nên lục nhập diệt, lục nhập diệt nên xúc diệt, xúc diệt nên thọ diệt, thọ diệt nên ái diệt, ái diệt nên thủ diệt, thủ diệt nên hữu diệt, hữu diệt nên sanh diệt, sanh diệt nên già chết, buồn sầu, khổ não, đưa đến toàn bộ khối khổ đau được tạo thành đều bị tiêu diệt.

“Cho nên trước đây Ta đã nói, kẻ si mê thì có sanh tử, người trí huệ giữ đạo nên không còn sanh tử nữa. Hãy suy niệm về điều ấy, phải kiềm chế tâm mình mới không còn rơi vào đường sanh tử nữa.

“Lại nữa nếu muốn gần với đạo nên có bốn điều hoan hỷ[58], phải khéo suy tư, thực hành:

1. Niệm Phật, ý hoan hỷ, không xả ly[59].

2. Niệm pháp, ý hoan hỷ, không xả ly.

3. Niệm chúng, ý hoan hỷ, không xả ly.

4. Niệm giới, ý hoan hỷ, không xả ly.

“Niệm về bốn điều hoan hỷ này, khiến luôn đầy đủ, tự thấy rõ, mong đạt chánh đạo, dốc cầu giải thoát, chắc chắn có thể đoạn trừ ba đường ác là địa ngục, súc sanh và quỷ thần[60], dẫn đến là đạt được quả vị Câu cảng, không bị đọa vào ác các cõi, chỉ còn sanh lại ở cõi trời, người không quá bảy lần, là giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Đức Phật bảo hiền giả A-nan đi đến nước Duy-da-ly[61]. Hiền giả liền vâng lời cùng đi. Đức Phật vào thành Câu-lợi-lịch[62], rồi dừng chân trong vườn xoài của kỹ nữ[63] ở ngoài thành. Nại nữ[64] nghe đức Phật cùng các đệ tử từ nước Việt-kỳ đến, liền sửa soạn xe cộ, y phục, cùng năm trăm nữ đệ tử đồng ra khỏi thành, đi đến vườn xoài muốn được gặp và lễ bái. Đức Phật từ xa trông thấy năm trăm người nữ đến, liền bảo các Tỳ-kheo là: ‘Khi thấy họ tất cả đều phải thu nhiếp tâm ý, nội quán, phải tự giữ đoan nghiêm tâm. Những y phục cùng trang sức của họ giống như cái bình vẽ, tuy bên ngoài màu sắc đẹp đẽ, nhưng bên trong toàn chứa những thứ dơ nhớp hôi thối. Nên biết các người con gái đẹp đều là những cái bình vẽ vừa nói. Người hành đạo thì không nên để chúng mê hoặc, cho nên phải tích cực chế ngự[65], tập trung tư duy[66] và phân biệt[67]. Nàng Nại nữ này đến đây cũng là để nghe ta chỉ dạy.

“Sao gọi là phải tích cực chế ngự? Là nếu pháp ác đã sanh thì phải đoạn trừ liền, tinh tấn thực hiện, tự giữ lấy tâm ý cho đoan nghiêm. Nếu pháp ác chưa sanh thì đừng cho sanh, tinh tấn thực hiện, tự thu nhiếp tâm ý cho đoan nghiêm. Nếu pháp lành chưa sinh thì khiến nó phát sanh, tinh tấn thực hiện, tự giữ vững tâm ý cho đoan nghiêm. Nếu pháp lành đã sanh, lập chí đừng quên, khiến nó luôn tăng trưởng, tinh tấn thực hiện, tự giữ tâm ý mình cho đoan nghiêm. Đó là điều phải làm. Thà bị gân cốt chặt đứt, thân thể bị tan nát, chớ đừng theo vọng tâm mà làm ác. Đó gọi là kiên quyết kiềm chế vọng tâm.

“Sao gọi là tập trung tư duy? Là quán thân trên nội thân[68], quán thân trên ngoại thân; quán nội ngoại thân, tư niệm phân biệt, đoạn trừ, không xao lãng[69]. Hãy quán thọ trên cảm thọ bên trong[70]; quán thọ trên cảm thọ bên ngoài, quán thọ trên nội ngoại thọ, tư niệm phân biệt đoạn trừ, ý không xao lãng. Hãy quán tâm trên nội tâm[71], quán tâm trên ngoại tâm, quán tâm trên nội ngoại tâm, tư niệm phân biệt đoạn trừ, tâm ý không xao lãng. Hãy quán pháp trên nội pháp, quán pháp trên ngoại pháp; quán pháp trên nội ngoại pháp, tư niệm phân biệt, đoạn trừ, tâm ý không xao lãng. Đó gọi là chí duy.

“Sao gọi là phân biệt[72]? Biết biết trường hợp nên làm; trường hợp không nên làm. Vì tùy theo trường hợp chơn chánh mà thực hành riêng biệt, đó gọi là phân biệt.

“Phàm ai có thể tích cực chế ngự, tập trung tư duy, và phân biệt thì đó là người có sức mạnh, chẳng phải chỉ những tráng sĩ có thể lực dồi dào mới là người có sức mạnh. Nếu ai có thể bỏ ác theo thiện thì gọi đó là người có sức mạnh tối thượng.

“Từ khi Ta cầu quả vị Phật đến nay, đã tự chiến đấu với tâm[73] mình trong vô số kiếp, nhờ không nghe theo tâm tà nên nay mới đạt được quả vị Phật nơi thế gian, và cũng có thể an nghỉ. Tâm ý của các ngươi từ lâu đã ở trong chỗ bất tịnh, phải tự vươn lên, dứt sạch tâm ý ấy để thoát khỏi các khổ. Nếu thấy những người nữ đến, hãy như lời dạy của Ta.”

Bấy giờ, Nại nữ đi đến, cung kính đảnh lễ đức Phật rồi đứng qua một bên. Đức Phật hỏi:

“Hiện giờ, ý người nữ các ngươi thế nào?”

Thưa:

“Chúng con đã thọ lãnh ơn đức lớn của Phật, được nghe giáo pháp khiến cho kẻ ngu si tỉnh ngộ, sớm tối luôn tự căn dặn lòng mình không dám có tâm tà nữa.

Đức Phật bảo Nại nữ:

“Người nào ham thích tà dâm, thì có năm điều tổn hại:

1. Nhiều tiếng không tốt.

2. Bị phép vua theo dõi.

3. Ôm lòng lo sợ, có nhiều nghi ngờ.

4. Chết bị đọa vào địa ngục.

5. Tội trong địa ngục hết rồi phải thọ thân hình súc sanh. Tất cả điều đó do dục mà ra, hãy tự diệt trừ tâm dục.

“Người nào không tà dâm thì có năm điều làm cho phước đức tăng trưởng:

1. Được nhiều người khen ngợi.

2. Không sợ phép nước theo dõi.

3. Thân được an ổn.

4. Lúc chết được sanh lên trời.

5. Được đạo Nê-hoàn thanh tịnh.

“Do đó, tự mình cần phải nhàm chán những tai họa do dục sanh ra. Nữ nhơn sanh bệnh, nguyệt kỳ bất tịnh, luôn bị gò bó, trói buộc, đánh đập, không được tự do. Nếu thọ nhận, thực hành kinh luật thì có thể đạt được đạo thanh tịnh như Phật.”

Đức Phật thuyết pháp, giảng nói nhiều pháp yếu cho Nại nữ nghe. Nàng rất vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ mọp, bạch Phật:

“Con muốn bày biện các thứ đồ ăn thức uống thịnh soạn, cúi mong đức Phật cùng thánh chúng đồng thể hiện oai thần hạ cố.”

Đức Phật im lặng nhận lời. Nại nữ liền đảnh lễ rồi lui ra về. Nàng đi chưa lâu thì các tộc họ cao quý ở Duy-da-ly, có các Ly-xa[74], nghe đức Phật cùng các đệ tử đến, cách thành bảy dặm, họ liền vâng theo oai thần của vua, sửa soạn loại xe bốn màu, đi tới, muốn được yết kiến đức Phật. Trong các Ly-xa có người cỡi ngựa xanh, xe xanh, áo xanh, lọng xanh, cờ phướn xanh, đám quan thuộc đều dùng màu xanh. Có người cỡi ngựa vàng, xe vàng, y vàng, lọng vàng, cờ phướn vàng, đám quan thuộc đều dùng màu vàng. Có người cỡi ngựa đỏ, xe đỏ, áo đỏ, lọng đỏ, cờ phướn đỏ, đám quan thuộc đều dùng màu đỏ. Có người cỡi ngựa trắng, xe trắng, y phục trắng, lọng trắng, cờ phướn trắng, đám quan thuộc đều dùng màu trắng.

Đức Phật thấy đoàn xe, ngựa cùng hàng mười vạn người chật cả đường đi đến, liền bảo các Tỳ-kheo:

“Các vị muốn thấy đám thị tùng ra vào nơi vườn của Thiên-đế[75] trên cõi trời Đao-lợi như thế nào thì đoàn người ở đây cũng như vậy, không khác.”

Các Ly-xa đến đều xuống xe đi bộ, vào vườn xoài đảnh lễ đức Phật xong thì ngồi qua một bên. Đức Phật thuyết pháp, giảng dạy, chỉ bày pháp yếu mọi người nghe. Có một người tên là Tịnh Ký[76], từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, hướng về đức Phật tự trình bày:

“Mỗi khi nghe công đức của Phật, to lớn vòi vọi, trên trời, dưới trời không ai là không ngưỡng mộ, kính phục. Con thường ở chỗ mình, sớm tối luôn kính ngưỡng, lại được giáo hóa theo nẻo thanh tịnh, cho nên không dám không để ý đến.”

Đức Phật bảo Tịnh Ký:

“Những người hiền trí trong thiên hạ mới biết kính Phật. Hễ ai kính Phật liền được phước đức, khi chết đều được sanh lên cõi trời, không đọa vào đường ác.”

Bấy giờ, Tịnh Ký nói bài kệ khen ngợi Phật:

Kính gặp đấng Pháp vương, 

Tâm chánh, đạo lực an,

Phật là bậc Tối Thắng, 

Danh nêu như núi tuyết,

Như hoa sạch, không nghi,

Như gần hương hoan hỉ,

Ngắm thân Ngài không chán,

Sáng chói như trăng rằm,

Trí Phật thật cao diệu,

Sáng tỏa không chút bụi,

Xin giữ giới thanh tín,

Tự quy y Tam-tôn.

Lúc này, trong số đông đang ngồi quanh có năm trăm vị trưởng giả đều cởi áo choàng quý giá của mình tặng cho Tịnh Ký. Tịnh Ký nhận lấy các tấm áo choàng quý giá ấy đến trước đức Phật, bạch:

“Những vị gia chủ này nghe lời giảng nói về các pháp thiện của đức Phật nên rất hoan hỷ, cùng nhau đem năm trăm áo choàng quý giá này dâng lên cúng dường đức Thế Tôn, mong Ngài thương xót mà thọ nhận.”

Đức Phật nhận xong liền bảo:

“Các vị hiền sĩ nên biết! Phật là Như Lai, Chí chân, Đẳng chánh giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự thiên nhân sư, Phật, Chúng hựu, xuất hiện ở thế gian, có năm pháp tự nhiên rất khó có được. Những gì là năm:

1. Phật xuất hiện giáo hóa khắp mọi nơi chốn, kể cả các hàng Đế Thích, Phạm vương, Sa-môn, Phạm chí, rồng, thần, đế vương; dùng trí huệ tự nhiên, thể hiện sự chứng đắc nơi thế gian, khai mở, giảng nói đạo chơn thật, lời nói đầu cũng thiện, lời nói giữa, lời nói cuối đều cũng thiện, đầy đủ ý nghĩa thiết yếu, thanh tịnh, rốt ráo. Tất cả đều được diễn đạt rõ ràng. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ nhất.

2. Phật nói kinh cho khắp mọi đối tượng, người nghe đều hoan hỉ, tin học, đọc tụng, khiến cho thân, miệng, ý được đoan nghiêm bỏ tà theo chánh. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ hai.

3. Dân chúng khắp nơi nghe kinh pháp của Phật, tâm ý được khai mở, tư duy càng sâu xa, đều đạt được trí huệ sáng suốt. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ ba.

4. Muôn người nghe lời chỉ dạy của Phật, phần nhiều đều tôn kính, thực hiện, nhờ đấy thoát khỏi ba cõi ác, sanh nơi cõi trời, người, đạt được lợi ích lớn. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ tư.

5. Muôn người được nghe giáo pháp thâm diệu, uyên áo của Phật, hiểu được nguồn gốc, duyên cớ của sanh tử, đoạn trừ hẳn tham dục, đều được giải thoát. Hạng tinh tấn thứ nhất đạt được đạo quả Ứng chơn, hạng tinh tấn thứ nhì thì được đạo quả Bất hoàn, hạng tinh tấn thứ ba được đạo quả Tần lai, hạng tinh tấn thứ tư thì được đạo quả Câu cảng. Đó là pháp tự nhiên khó có được thứ năm.

“Phàm con người đối với Đức Phật phải có lòng nhớ tưởng đền đáp dù là cúng dường chút ít điều lành cũng đạt được phước lớn, không bao giờ là vô ích. Cho nên, này Tịnh Ký, hãy tự mình gắng sức học hỏi để đạt được điều ấy.”

Đức Phật nêu dạy như vậy xong, các Ly-xa từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, chấp tay thưa:

“Chúng con muốn cung thỉnh đức Phật và Thánh chúng thọ trai, nhưng Nại nữ đã thỉnh trước, mong rằng sau này chúng con sẽ được mời đức Phật. Hiện nay chúng con có nhiều việc phải trở về, vậy chúng con xin cáo từ.”

Đức Phật dạy:

“Nên biết thời.”

Khi ấy, các Ly-xa liền cung kính đảnh lễ đức Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi.

Nại nữ thì suốt đêm sửa soạn những món ăn đặc biệt, trang trí phòng ốc, buổi sáng sắp đặt chỗ ngồi, nằm, xong xuôi rồi đi đến bạch đức Phật:

“Trai phạn đã dọn xong, mong bậc Thánh biết thời.”

Đức Phật cùng các đệ tử đồng đi đến nhà Nại nữ. Ngài an tọa chỗ ngồi cao trước đại chúng, Nại nữ tự tay múc dọn, dâng cúng. Buổi thọ trai xong, Nại nữ bưng nước rửa tay rồi lấy một cái ghế nhỏ ngồi trước đức Phật, muốn hỏi pháp.

Đức Phật dạy:

“Đời ta nhờ ưa thích bố thí, về sau không hề có oán sợ, phần nhiều được tiếng khen, tiếng lành ngày một nhiều, được mọi người kính yêu. Con người không keo kiệt, lấy nhân từ làm trí, như vậy là không bị cấu nhiễm, được an ổn, được sanh lên cõi trời, cùng được mọi an lạc với chư thiên.”

Đức Phật vì Nại nữ thuyết giảng, chỉ dẫn pháp yếu, khiến tất cả đều hoan hỉ.

Đức Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi đến ấp Trúc-phương[77], dừng chân cạnh nơi rừng cây, phía bắc thành. Năm ấy thôn Trúc-phương bị đói kém, lúa thóc khan hiếm. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hiện nay ở đây đang lúc đói kém, việc khất thực khó khăn, các vị nên phân bổ đi đến các thôn xóm của các nước Duy-da và Việt-kỳ, có thể những nơi đó lúa thóc dồi dào hơn. Hãy nghe lời chỉ dẫn và thực hiện đi.”

Đức Phật dạy:

“Này Tỳ-kheo! Nên biết pháp để tự chế ngự tâm ý, được điều lành không mừng, bị điều ác không buồn, việc ăn uống là để nuôi thân thể, chớ tham cầu đồ ngon, tham đắm mùi vị. Do ái dục tham cầu cho nên sanh tử không bao giờ chấm dứt.

“Phàm biết giữ thân điều độ, tự mình chế ngự thì có thể đạt được tâm định.”

Đức Phật thuyết giảng cho các Tỳ-kheo nghe, chỉ bày pháp yếu, khiến cho tất cả đều vui mừng. Họ đảnh lễ rồi lui ra.

Các Tỳ-kheo phân chia đi đến các vùng lân cận, riêng đức Phật và hiền giả A-nan thì cùng đi đến xóm Vệ-sa[78]. Lúc này, đức Phật bị bệnh, toàn thân đau nhức. Đức Phật suy nghĩ: ‘ Hiện nay Ta bị bệnh nặng, nhưng các đệ tử đều không có ở đây, Ta hãy chờ tất cả trở về đông đủ, Ta sẽ nhập Nê-hoàn. Vậy Ta nên tự dùng lực tinh tấn để trị bệnh này, bằng cách nhập môn định không suy niệm về các tưởng[79]. Ngài liền bằng tam-muội chánh thọ[80] như vậy[81] mà tư duy, nhập môn định không suy niệm về các tưởng. Bằng tâm ý nhẫn nại này mà được tự tại.’

Hiền giả A-nan từ một gốc cây khác đứng dậy đi đến chỗ đức Phật; cúi lạy xong, đứng qua một bên, hỏi thăm về bệnh tình của đức Phật có thuyên giảm chăng.

Tôn giả thưa:

“Nghe Thánh thể bị bệnh, con thật sư vì thế mà lo và sợ. Há chẳng phải Đức Thế Tôn muốn nhập Niết-bàn? Cúi nguyện Thế Tôn có điều chỉ dạy chúng đệ tử.”

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

“Phật há có bao giờ cách biệt với chúng sao? Ta luôn luôn ở trong chúng Tỳ-kheo. Những điều cần nêu bày chỉ dạy thì trước sau đối với chúng Tăng Ta đã giảng nói đầy đủ. Các vị hãy nên tinh tấn theo kinh mà làm. Nay Ta bị bệnh toàn thân đau đớn, Ta liền tư duy về môn định không suy niệm các tưởng, ý không gắn vào bệnh, cố gắng chịu đựng để chấm dứt cơn đau. Này A-nan! Những gì Ta đã thuyết giảng trong ngoài đều đầy đủ. Phật là pháp sư, chẳng hề bỏ sót điều gì. Những sự việc cần làm, thì tự mình đều nhận biết một cách rõ ràng. Nay Ta cũng đã già, tuổi đã tám mươi, giống như chiếc xe cũ kỹ, không còn vững chắc nữa. Ta vốn có nói: Sanh tử có lúc, không có cái gì cóù sanh mà không có kết thúc. Có một cõi trên trời tên là Bất-tưởng-nhập[82], tuổi thọ đến tám mươi bốn ngàn vạn kiếp, cuối cùng thì cũng phải chết. Cho nên Phật giảng nói kinh pháp cho muôn người, nhằm chỉ ra con đường lớn là Nê-hoàn, đoạn trừ cội gốc của sanh tử. Nay Ta điều thân, lấy thân làm cây đèn[83] để cho thân là chỗ quy y; lấy pháp làm cây đèn, để cho pháp là chỗ tự quy y.

“Sao gọi là cây đèn? Sao gọi là tự quy y? Đó là chuyên tâm vào bốn chí duy[84]. Một, tư duy quán thân. Hai, tư duy quán thọ. Ba, tư duy quán tâm. Bốn, tư duy quán pháp, tinh cần, chuyên niệm, tâm ý không xao lãng[85]. Đó gọi là lấy tất cả giáo pháp làm ngọn đèn sáng, làm chỗ nương tựa cho chính mình. Ta vì điều này nên nói lại lần nữa. Nếu muốn hiểu rõ phải tinh tấn thực hành giới pháp trong, ngoài, khiến luôn được thành tựu. Còn như tự mình nương tựa nơi giáo pháp, hiểu kinh giáo của Phật thì đều là con cháu của đức Như Lai.

“Nay Ta đã lìa bỏ ngôi vị Chuyển luân vương, vì muôn loài mà làm bậc giác ngộ, chuyên lo hóa độ để thoát khỏi sinh tử nơi ba cõi. Các vị cũng nên tự lo cho thân mình để đoạn trừ các khổ.”

Bấy giờ là an cư mùa hạ[86] mùa mưa, sau khi khâu vá, sửa lại y phục xong, đức Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi đến Duy-da-ly. Hiền giả vâng lời, lên đường dừng chân ở quán Viên hầu[87], khất thực xong, rửa bát, tắm rửa, ngài lại cùng với hiền giả A-nan đến chỗ Cấp tật thần[88]. Đức Phật dạy:

“Này A-nan! Nước Duy-da-ly được an lạc. Nước Việt-kỳ cũng được an lạc. Nay trong thiên hạ này có mười sáu nước lớn, tất cả các vùng đất ấy đều được an lạc. Sông Hy-liên-nhiên[89], tạo ra nhiều vàng ròng, cõi Diêm-phù-đề như bức tranh vẽ có năm màu sắc. Con người ở đời cho sống lâu là vui sướng. Nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni biết được bốn thần túc, thì có thể dứt trừ hết khổ, tu tập thực hành nhiều, thường nhớ mãi không quên, nếu mong muốn thì có thể đạt được bất tử, không chỉ trong một kiếp.

“Như vậy, này A-nan, bốn thần túc của Phật đã tu tập trong nhiều thời gian, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn Như Lai có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp cũng được.”

Đức Phật nói điều này đến lần thứ hai, thứ ba.

Khi ấy tâm ý của hiền giả A-nan như chìm đắm đâu đâu, bị ma che khuất, mịt mờ không rõ, nên im lặng không đáp.

Đức Phật bảo:

“Này A-nan! Ngươi hãy đến dưới một gốc cây mà tĩnh tọa tư duy. Hiền giả liền theo lời dạy đi tới bên gốc cây, an tọa. Lúc này Ma Ba-tuần[90] đến nói rằng:

“Phật nên vào Bát-nê-hoàn. Việc giáo hóa đã hoàn tất, vậy có thể diệt độ. Ngày xưa, Phật du hóa nơi bờ sông Ủ-lưu[91], giảng dạy cho các người già rằng[92].

“Ta là Phật, tuy được tự tại, nhưng không tham sống lâu. Vậy nay chẳng phải là đã đúng lúc, công việc hóa độ đã hoàn tất, có thể Bát-nê-hoàn được rồi.”

Đức Phật bảo Ba-tuần:

“Sở dĩ tới bây giờ mà ta chưa diệt độ là vì còn chờ cho chúng Tỳ-kheo và Tỳ-kheo ni của ta đều được đầy đủ trí tuệ để kế thừa chánh pháp khuyến hóa kẻ chưa đến với đạo giải thoát cùng khiến cho kẻ tu học được thành tựu. Và cũng vì chờ cho các hàng Thanh tín sĩ, thanh tín nữ có được trí tuệ đầy đủ để góp phần kế thừa kinh, giới. Ai chưa hội nhập được hội nhập, kẻ thọ pháp thì được thành tựu. Như vậy, này Ba-tuần! Ta phải chờ cho bốn chúng đệ tử đều đạt được diệu lý của giáo pháp, thay nhau dạy dỗ, khai mở cho những chúng sanh còn mê muội, khiến cho kẻ tu học được thành tựu. Vì thế, mãi đến nay ta vẫn chưa diệt độ.”

Ma nói:

“Đã đủ rồi, thời gian đã hết.”

Đức Phật bảo:

“Ngươi hãy im lặng! Không bao lâu, sau ba tháng nữa, Như Lai sẽ nhập Nê-hoàn.”

Lòng Ma vui sướng, hoan hỷ ra đi. Đức Phật liền ngồi ngay thẳng, nhập định tự tư duy, ở trong pháp tam-muội, không trụ vào tánh mạng, xả bỏ thọ hành còn lại. Ngay lúc ấy, đại địa chấn động mạnh; bầu trời trong vắt, ánh hào quang của đức Phật soi khắp mười phương, chư thiên, thần hiện ra khắp hư không. Đức Phật xuất định, tự nói kệ:

Trong vô lượng các hành  

Ta nay bỏ hữu vi,

Gần xa cần hóa độ,   

Ta đã hóa độ khắp.

Hiền giả A-nan trong lòng hoảng hốt, lông tóc dựng đứng, vội bước nhanh đến chỗ đức Phật, cúi lạy xong, đứng qua một bên, thưa:

“Kỳ lạ thay, bạch đức Thế Tôn! Đại địa chấn động như vậy là do nhân duyên gì?”

Đức Phật bảo hiền giả A-nan:   

“Đại địa ở thế gian khi chấn động có tám nguyên nhân. Những gì là tám?”

1. Trong khắp thiên hạ, đất ở trên nước, nước trụ trên gió, gió trụ trên hư không. Nơi hư không, gió lớn có lúc nổi lên làm cho các vùng nước lớn bị nhiễu loạn, như thế thì cả đại địa đều bị chấn động. Đó là nguyên nhân thứ nhất.

2. Có lúc một bậc Sa-môn đắc đạo, hoặc chư Thiên thần diệu, uy đức to lớn, muốn thể hiện diệu lực của mình nên dùng tay ấn xuống mặt đất, tức thì đại địa bị chấn động. Đó là nguyên do thứ hai.

3. Hoặc như vị Bồ-tát mới từ cõi trời thứ tư hạ sanh, nhập vào thai mẹ, là bậc minh triết sáng suốt, muốn thị hiện đạo lớn để giáo hóa, khai mở cho kẻ mê lầm, bèn phóng luồng hào quang kỳ diệu làm chấn động cả đất trời, khiến cho các Phạm thiên, Đế Thích, Ma, Sa-môn, Phạm chí, tất cả đều được thấy ánh sáng ấy. Đó là nguyên do thứ ba.

4. Lúc Bồ-tát ra khỏi thai mẹ, đức của Ngài cảm hóa chư Thiên, bầu trời lúc này trong lành không chút mây che, hào quang kỳ diệu tỏa chiếu khắp nơi khiến cả đại địa chấn động. Đó là nguyên do thứ tư.

5. Đến lúc Bồ-tát đạt được đạo vô thượng, chứng đắc quả vị Phật, khiến cho cả đại địa chấn động mạnh, trời thần bốn phương đều tán dương danh hiệu Phật. Đó là nguyên do thứ năm.

6. Lúc đã thành Phật, nơi pháp hội đầu tiên, ba lần chuyển pháp luân, trời người hiểu rõ đấy là việc Bồ-tát đã thành tựu được đạo lớn, hào quang tỏa chiếu khắp, bấy giờ cả đại địa đều chấn động. Đó là nguyên do thứ sáu.

7. Sự nghiệp giáo hóa của đức Phật sắp hoàn mãn, muốn bỏ tuổi thọ, không trụ nơi tánh mạng, bèn phóng luồng hào quang lớn, như thông báo cho trời người cùng biết, làm cả đại địa chấn động. Đó là thứ nguyên do thứ bảy.

8. Phật là bậc Chúng hựu, lúc sắp xả thân, nhập Bát-nê-hoàn, hào quang chiếu nơi nơi, thiên thần đều đến dự, khiến cho đại địa chấn động. Đó là nguyên do thứ tám.”

Tôn giả A-nan thưa:

“Nay đức Phật đã xả bỏ tánh mạng rồi sao?”

Đức Phật đáp:

“Ta đã xả bỏ.”

A-nan thưa:

“Ngày xưa con nghe Phật dạy: ‘Nếu có đệ tử nào biết được bốn thần túc, tu tập thực hành nhiều lần, chuyên niệm không quên, tùy theo ý muốn, có thể sống tới một kiếp hay hơn. Nhưng uy đức của Phật còn thù thắng hơn nhiều, vậy sao Ngài không kéo dài tuổi thọ?’.”

Đức Phật bảo A-nan:

“Nay lời nói của ngươi, há chẳng sai lầm sao? Ta đã nói với ngươi về bốn thần túc ấy cho đến hai ba lần, nhưng lúc đó ngươi vẫn im lặng, đang mãi đắm chìm trong mê muội, tâm tưởng không sáng tỏ, bị ma che khuất, bây giờ còn hỏi gì nữa! Như thế thì lời của Phật đã nói ra có thể đi ngược lại chăng?

A-nan thưa:

“Không thể được.”

“Như vậy, này A-nan! Những kẻ không trí khi đã tự mình nói ra rồi có thể đi ngược lại, còn ta thì không như vậy.”

A-nan rơi nước mắt, thưa:

“Đức Phật sắp nhập Niết-bàn sao mà vội thế! Con mắt của thế gian chợt tắt, sao mà chóng thế!.”

Đức Phật bảo hiền giả A-nan:

“Hãy gọi các Tỳ-kheo đang du hóa ở nước Duy-da-ly trở về đông đủ ở đây.”

Tôn giả liền vâng lời đi gọi, tất cả các Tỳ-kheo trở về tụ tập ở giảng đường, cung kính đảnh lễ Phật rồi đứng qua một bên.

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thế gian là vô thường, không bền chắc, tất cả rồi sẽ ly tán. Ở trong cái vô thường đó, để cho tâm thức dong ruổi chỉ là tự dối mình mà thôi. Ân ái hội họp nào có bền lâu? Trời đất, núi Tu-di còn phải sụp đổ, huống chi là con người, sự vật mà lại muốn trường tồn sao! Sanh tử sầu khổ, chỉ là điều đáng nhàm chán. Sau ba tháng nữa, Phật sẽ nhập Niết-bàn, chớ cho là lạ, chớ có ưu sầu. Vả lại tất cả các đức Phật quá khứ, vị lai và hiện tại đều do pháp mà thành tựu. Kinh pháp nếu tồn tại đầy đủ thì nên tự cố gắng, siêng năng nỗ lực tu học, giữ tâm thanh tịnh, tất được giải thoát. Tình của tâm thức ngưng nghỉ, thì không chết, mà cũng không còn sinh trở lại nữa không còn phải luân lưu trong năm đường để bỏ thân này, thọ thân khác. Năm ấm đã đoạn trừ thì không còn tai họa đói, khát, lạnh, nóng, ưu sầu khổ não nữa.

“Con người biết giữ tâm chân chánh thì chư thiên trên cõi trời thảy đều vui mừng cho kẻ ấy. Hãy hàng phục tâm, khiến luôn được thuần thục, tự chế ngự, chớ có theo tâm hành. Hành của tâm, không gì là không làm. Đắc đạo cũng do tâm vậy. Tâm làm trời, tâm làm người, tâm làm quỉ thần. Súc sanh, địa ngục cũng đều do tâm tạo ra cả. Từ sự tạo tác của tâm mà sanh ra các pháp, tâm làm ra thức, thức làm ra ý, ý chuyển nhập vào tâm. Tâm ấy, là cái dẫn đầu. Tâm chí làm ra hành, hành làm ra mạng[93]. Hiền hay ngu cũng do hành. Thọ hay yểu đều từ mạng. Phàm ba cái là chí, hành và mạng đều tùy thuộc vào nhau. Việc làm tốt hay xấu, thân ta phải thọ lãnh lấy. Cha làm điều bất thiện, con khôngchịu thay. Con làm điều bất thiện, cha cũng không chịu thay. Làm thiện thì tự mình được phước, làm ác thì tự mình nhận lấy tai ương. Nay Phật được cả trời người tôn kính đều do chí mà ra. Cho nên cần phải lấy tâm chân chính để hành pháp. Chỉ có người thực hành đúng theo chánh pháp thì đời này được tịch tĩnh[94], đời này được an ổn. Vậy hãy khéo thọ trì, tụng đọc kinh, giới, giữ tâm ý tĩnh lặng tư duy thì giáo pháp thanh tịnh của ta mới được an trụ lâu dài, mới thể hiện lòng từ bi thương xót cứu độ các nỗi khổ của thế gian, dẫn dắt chư thiên và muôn người đạt được an lạc.

“Các Tỳ-kheo nên biết, pháp ấy là những gì? Là bốn chí duy, bốn ý đoan, bốn thần túc, bốn thiền hạnh, năm căn, năm lực, bảy giác và tám Đạo đế[95]. Theo như điều đã thọ nhận mà hành trì thì có thể đạt được giải thoát, làm cho chánh pháp không suy thối.

“Sao gọi là bốn chí duy? Là tư duy quán toàn thân trên nội thân; quán toàn thân trên ngoại thân; quán toàn thân trên nội ngoại thân, phân biệt, chuyên niệm, đoạn trừ tâm ý ngu si mê lầm. Quán về thọ, ý và pháp cũng giống như trên.

“Sao gọi là bốn ý đoan? Là pháp ác đã sanh thì nên liền đoạn trừ, sửa tánh theo hướng tinh tấn, tự thu nhiếp tâm ý đoan chánh. Pháp ác chưa sanh thì kiềm chế đừng cho khởi lên, sửa tánh cho tinh tấn để tự thu nhiếp tâm ý đoan chánh. Pháp thiện chưa sanh thì nên làm cho phát sanh, sửa tánh theo hướng tinh tấn, để tự thu nhiếp tâm ý đoan chánh. Pháp thiện đã sanh, thì lập chí không quên, khiến cho luôn tăng trưởng, siêng năng làm cho tâm ý đoan chánh.

“Sao gọi là bốn thần túc? Là tư duy về dục định để diệt các hành, đầy đủ niệm thần túc[96]. Dục ấy không tà vạy, không lấy không bỏ, thường giữ hạnh thanh tịnh. Tư duy tinh tấn định, tư duy ý chí định, tư duy giới tập định[97], đều giống như trên đã nói.

“Sao gọi là bốn thiền? Là bỏ dục, pháp ác, duy chỉ niệm, duy chỉ hành[98], tâm chí an lạc vô vi[99] thành thiền hạnh thứ nhất. Niệm, hành đã diệt, bên trong giữ nhất tâm, chí ở chỗ tịch tĩnh[100], thành thiền hạnh thứ hai. Tư duy quán sát, không dâm, tâm an, thể chánh, phân biệt thấy rõ ràng, thành thiền hạnh thứ ba. Đã đoạn trừ khổ, vui, không còn tưởng về sự buồn vui, ý đã thanh tịnh, thành thiền hạnh thứ tư[101].

“Sao gọi là năm căn?

1. Tín căn, ý hướng về bốn điều hoan hỷ[102].

2. Tinh tấn căn, phát huy bốn ý đoan.

3. Niệm căn tức niệm về bốn chí duy.

4. Định căn, suy tư về bốn thiền hạnh.

5. Trí căn, thấy bốn chơn đế.

“Sao gọi là năm lực?

1. Tín lực, ý hoan hỷ không hoại.

2. Tinh tấn lực, thường hay kiềm chế dõng mãnh.

3. Niệm lực, được quán chí duy.

4. Định lực, thiền ý không loạn.

5. Trí lực, dùng đạo để tự chứng đắc.

“Sao gọi là bảy giác chi? Là Niệm giác ý, Pháp giải giác ý, Tinh tấn giác ý, Ái hỷ giác ý, Nhất hướng giác ý, Duy định giác ý, Hành hộ giác ý.”

“Sao gọi là tám đạo? Là Chánh kiến, Chánh tư, Chánh ngôn, Chánh hành, Chánh mạng, Chánh trị, Chánh chí, Chánh định. Đó là pháp thanh tịnh để thoát khỏi thế gian.

Bấy giờ, đức Phật bảo hiền giả A-nan đồng đến ấp Câu-lợi[103]. hiền giả vâng lời cùng đi. Đức Phật thích Duy-da; đi ngang qua nước này, khi ra khỏi cửa thành, Ngài quay người về phía bên phải, nhìn cửa thành mà cười. Hiền giả A-nan liền sửa lại y phục, gối bên mặt chạm sát đất, quỳ gối thưa:

“Từ khi con được hầu hạ đức Phật cho đến nay hơn hai mươi năm, con chưa từng thấy đức Phật làm gì mà không có duyên cớ. Như vậy việc Ngài quay người lại nhìn cửa thành mà cười là do nhân duyên gì?”

Đức Phật đáp:

“Đúng vậy, đúng vậy. Này A-nan! Nghi pháp của Phật là không bao giờ quay người một cách vọng động rồi cười suông. Đây là lần cuối cùng ta nhìn thành Duy-da-ly, nên Ta nhìn rồi cười.”

Bấy giờ, đức Phật tự nói bài tụng: 

Đây là lần cuối cùng, 

Ta ngắm Duy-da-ly,

Ta sắp vào Niết-bàn,

Không còn tái sinh nữa.

Có vị Tỳ-kheo khác cũng tán thán Ngài bằng bài tụng:

Phật bảo đây cuối cùng,   

Thân hành từ đây hết,

Nếu tâm mãi ruổi dong,

Làm sao thấy được Phật?!

Đức Phật cùng hiền giả A-nan đồng đến Câu-lợi, dừng chân ở bên khu rừng phía Bắc thành. Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy gìn giữ tịnh giới, nên tư duy định ý, nên phát huy trí tuệ. Hễ ai giữ giới mà có cả định, huệ, thành bậc đại đức, có tiếng tăm lớn[104], vĩnh viễn xa lìa dứt tham dâm, sân hận, ngu si, có thể đạt được đạo quả Ứng chơn. Nếu muốn đời hiện tại đạt được giải thoát chơn chánh thì hãy nỗ lực tự giải thoát, khiến cho: sự sanh đã dứt hết, đã an trú hạnh thanh tịnh, đã làm viện cần làm, tự mình biết rằng sau thân này không còn thọ thân nào nữa[105].”

Đức Phật lại bảo hiền giả A-nan cùng đi đến ấp Kiện-trì[106], đến nơi thì ngồi bên gốc cây phía Bắc thành. Ngài bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy giữ giới thanh tịnh, tư duy định ý, để mong mở mang trí tuệ. Người giữ giới thanh tịnh thì không chạy theo ba trạng thái[107]; người tư duy định ý thì tâm không buông lung tán loạn; người đã mở mang trí tuệ rồi thì lìa bỏ ái dục, hành động không bị chướng ngại. Người có đủ Giới-Định-Tuệ thì đức lớn, tiếng tăm vang xa, lại lìa dứt ba cấu uế [108], cuối cùng đạt được quả Ứng chơn. Nếu muốn đời hiện tại đạt được giải thoát chơn chánh thì hãy nỗ lục tự giải thoát, khiến cho: sự sanh đã dứt hết, đã an trú hạnh thanh tịnh, đã làm việc cần làm, tự mình biết rằng sau thân này sẽ không còn thọ thân nữa.”

Đức Phật lại cùng hiền giả A-nan đồng qua ấp Yêm-mãn và ấp Xuất-kim, ấp Thọ-thủ, ấp Hoa-thị, lại đến ấp Thiện-tịnh[109], ở chỗ nào Ngài cũng vì các đệ tử nói ba điều căn bản này: Nên giữ giới, nên tư duy thiền định, và nên mở mang trí tuệ. Giữ ba điều ấy thì uy đức, tiếng tốt vang xa, tiêu trừ dâm, nộ, si. Đó gọi là sự giải thoát chân chánh.

“Đã có giới thì tâm được định, tâm định đã thành tựu thì trí huệ liền sáng tỏ. Như nhuộm tấm giạ sạch thì màu sắc sẽ tươi đẹp. Ai có ba tâm này thì dễ đạt được đạo. Chỉ một lòng cầu giải thoát, để cho sự sanh đã dứt hết, đã an trú hạnh thanh tịnh, đã làm việc cần làm, tự mình biết rằng sau thân sẽ không còn thọ thân nữa. Nếu ai không thực hành đầy đủ Giới-Định-Huệ, mà muốn thoát khỏi sanh tử nơi thế gian thì thật là khó.

“Nếu có đủ ba điều ấy thì tâm ý tự khai mở, an tọa tư duy liền thấy rõ năm đường: Trời, Người, Địa ngục, Súc sanh, Ngạ quỷ[110]; biết rõ những điều nhớ nghĩ trong tâm ý của chúng sanh[111]. Ví như khe nước trong sạch thì những thứ cát sỏi ở dưới đáy có màu xanh, vàng, trắng, đen đều thấy tất cả. Người đắc đạo do tâm thanh tịnh nên mọi đối tượng nhận thức đều thấu đạt. Nếu ai muốn đắc đạo thì hãy làm cho tâm mình được thanh tịnh. Như nước dơ, đục thì không thấy gì cả. Nếu giữ tâm không thanh tịnh thì không thể giải thoát khỏi thế gian[112].

“Những điều Thầy thấy được rồi giảng nói ra thì đệ tử phải nên thực hành. Thầy không thể thực hành thay cho đệ tử, nên giữ niệm chơn chánh. Nếu ai niệm ý được ngay thẳng thì liền đắc đạo. Đức Phật đã đạt được an lạc trong pháp thiện thanh tịnh.”

Đức Phật lại bảo hiền giả A-nan cùng đi đến ấp Phu-diên[113], ngồi bên gốc cây nơi phía Bắc thành. Vào lúc xế chiều, hiền giả A-nan từ chỗ ngồi thiền đứng dậy, đến trước đức Phật đảnh lễ rồi chắp tay thưa:

“Con thật sự muốn biết rõ là đại địa chấn động do mấy nguyên nhân?”

Đức Phật bảo Hiền giả:

“Có ba nguyên nhân:

1. Đất nương trên nước, nước nương trên gió, gió nương trên hư không. Khi gió lớn nổi lên khiến nước bị chấn động, nước chấn động làm cho đại địa chấn động.

2. Bậc Sa-môn đắc đạo và chư Thiên thần diệu, muốn thể hiện sự cảm ứng cho nên đại địa chấn động.

3. Do thần lực của Phật. Từ lúc ta thành Phật đến nay, trước và sau đại địa đều chấn động. Ba ngàn mặt trời mặt trăng, một vạn hai ngàn cõi trời đất đều cảm ứng, hầu hết trời, người, quỷ thần đều được khai mở[114].”

Hiền giả A-nan tán thán:

“Kỳ diệu thay! Không ai sánh bằng Phật! Ngài dùng pháp tự nhiên mà không đâu là không cảm ứng, chấn động. Đức tột bực, đạo tột cùng, vòi vọi như thế.”

Đức Phật dạy:

“Đúng vậy! Đúng vậy, này A-nan! Oai đức của Phật hết sức lớn lao, vì đã tích lũy công đức từ vô số kiếp, phụng hành các pháp lành, tự mình tu tập thành Phật, có pháp hóa tác tự nhiên thần diệu như vậy. Ngài là bậc biết tất cả, thấy tất cả, không gì là không hội nhập, không gì là không cảm hóa được. Nhớ lại xưa kia Ta đã dùng tâm từ bi đối với hàng trăm ngàn người trong thiên hạ gồm các bậc vua chúa, các vị quân tử đều cùng gặp nhau để giáo hóa, tùy theo hình tướng của họ mà Ta an ủi, giảng nói kinh pháp, giáo hóa cùng khắp khiến họ đạt được ý lành. Ta hiện thân giáo hóa như vậy, khắp cả tám phương[115], tùy theo tiếng nói, phục sức và phong tục của nước đó, biết họ hành pháp gì, biết kinh gì nên Ta đã diễn giảng truyền trao để đưa họ vào chánh đạo. Đối với người ưa thích ngôn từ mang nhiều ý nghĩa thì Ta nêu bày giáo pháp rõ ràng, dễ lãnh hội. Đối với người hiểu đạo lý thì Ta giảng nói về những điều cốt yếu nhằm làm cho ý chí của họ thêm vững chắc rồi Ta đi. Các vua, các vị quân tử đều chẳng biết Ta là ai, về sau họ đều hết lòng, cung kính vâng theo sự giáo hóa đúng pháp ấy. Đó là pháp tự nhiên thanh tịnh vi diệu của Phật.

“Lại nữa, này A-nan! Ta có được Phật lực, hội nhập khắp chốn để hiện thân giáo hóa, dùng oai nghi của Phật đi vào chúng Sa-môn, làm bậc đạo sư, sau đó hóa nhập vào chúng Phạm chí, lại nhập vào chúng cư sĩ, cũng như các nhóm học thuật khác nhau. Tùy theo lối ăn mặc, âm thanh, ngôn ngữ của họ mà Ta giảng dạy kinh pháp cho họ, khiến cho tất cả đều được thành tựu, làm pháp mẫu mực cho họ, rồi biến mất. Họ đều nghe theo lời chỉ dạy của Ta mà chẳng biết Ta là ai. Đó là pháp tự nhiên khó có được của Phật.

“Ta cũng nhập vào cõi trời thứ nhất là Tứ thiên vương, cõi trời thứ hai là Đao-lợi, cõi trời thứ ba là Diệm thiên, cõi trời thứ tư là Đâu-thuật, cõi trời thứ năm là Bất kiêu lạc, cõi trời thứ sáu là Hóa ứng thinh[116], chung quanh là cõi Ma.

“Lại lên cõi trời thứ bảy là Phạm thiên, cõi trời thứ tám là Phạm chúng, cõi trời thứ chín là Phạm phụ, cõi trời thứ mười là đại Phạm, cõi trời thứ mười một là Thủy hành, cõi trời thứ mười hai là Thủy vi, cõi trời thứ mười ba là Thủy vô lượng, cõi trời thứ mười bốn là Thủy âm, cõi trời thứ mười lăm là Ước tịnh, cõi trời thứ mười sáu là Biến tịnh, cõi trời thứ mười bảy là Thanh minh, cõi trời thứ mười tám là Thủy diệu, cõi trời thứ mười chín là Huyền diệu, cõi trời thứ hai mươi là Phước đức, cõi trời hai mươi mốt là Ý thuần thứ, cõi trời thứ hai mươi hai là Cận tế, cõi trời thứ hai mươi ba là Khoái kiến, cõi trời thứ hai mươi bốn là Vô kết ái[117]. Tất cả các cõi ấy Ta đều đi khắp, gặp hàng trăm ngàn người, hóa hiện theo dung mạo của chư thiên để cùng họ gặp gỡ. Người ưa sự thanh tịnh thì Ta nói về sự thanh tịnh cho họ, người thông đạt ý đạo thì Ta khuyên nên hóa độ rộng rãi. Với người nhân từ thuần thục thì Ta để họ nơi đại đạo. Ai hiểu rõ về các pháp ta liền trao truyền pháp quan trọng. Ta khuyên nhủ, dẫn dắt, hóa độ thuận hợp nhanh chóng, khiến họ đạt đạo xong thì liền biến mất, mà các hàng chư Thiên ấy chẳng biết Ta là ai. Đó là pháp tự nhiên khó có được của Phật.

“Vì bốn cõi trời còn lại ở trên không có hình tướng, âm thanh, nên Phật không đến. Đó là cõi trời thứ hai mươi lăm là Không huệ nhập, cõi trời thứ hai mươi sáu là Thức huệ nhập, cõi trời thứ hai mươi bảy là Bấ dụng huệ nhập, và cõi trời thứ hai mươi tám là Bất tưởng nhập[118].

“Như vậy, này A-nan! Ân đức của Phật thật là rộng lớn, không ai là không được Phật tế độ, nhưng rất khó gặp. Đức Phật xuất hiện ở thế gian như hoa âu-ba-la[119] đúng thời mới nở. Đức Phật thuyết pháp cũng khó được nghe; đã nghe được Kinh pháp thì phải nên thọ nhận, hộ trì.

“Hộ trì như thế nào? Sau khi ta diệt độ, nếu có Tỳ-kheo nói:

“Tôi thấy Phật, tôi thọ lãnh pháp này, luật này, sự chỉ dạy này từ miệng Ngài nói ra. Nhưng lời nói của người ấy không gần gũi với Kinh điển lại là pháp thiếu sót gây tổn hại. Vậy hãy nên đem các câu giáo pháp nơi kinh, nơi luật đã thấy đã biết để giảng giải cho vị Tỳ-kheo kia. Nếu những lời ấy không hợp với kinh, luật, so sánh xong thì khuyên can: ‘Hiền giả hãy nghe đây! Đức Phật không giảng nói điều này. Thầy đã thọ lãnh không đúng nên không hợp với ý của pháp, chẳng phải là pháp, chẳng phải là luật, không giống như lời Phật dạy. Thầy nên biết điều đó để bỏ đi’.”

Nếu có Tỳ-kheo bảo:

“Tôi ở chỗ đó, được nương tựa nơi Thánh chúng, có pháp giới, tôi trực tiếp thọ pháp này, luật này, những lời giảng dạy này. Nhưng nếu lời nói của người đó không gần với kinh điển, gây tổn hại cho chánh pháp, thì hãy đem giáo pháp nơi kinh nơi luật để giải thích cho kẻ ấy. Nếu những lời nói kia không thích hợp với giáo pháp nơi kinh, nơi luật thì nên khuyên can: ‘Này Hiền giả, hãy lắng nghe! Chúng Tỳ-kheo biết pháp hiểu luật, còn những điều ông nói thì không phải là giáo pháp, là giới luật. Thầy đã thọ nhận sai lạc, không hợp với ý nghĩa của kinh, pháp. Điều này không giống như lời Phật dạy, nên biết điều đó mà bỏ đi’.”

Nếu có Tỳ-kheo nói:

“Tôi đích thân theo các bậc trưởng lão kỳ cựu được nghe từ miệng chư vị ấy nói về pháp này, luật này, giáo này. Nhưng những lời được cho là kinh giáo ấy không gần gũi với kinh điển, làm tổn hại chánh pháp; hãy đem những giáo pháp nơi kinh để giải thích cho kẻ ấy. Nếu những lời nói kia không hợp với ý nghĩa nơi kinh luật thì nên khuyên can: ‘Này Hiền giả, hãy lắng nghe! Các bậc trưởng lão kỳ cựu là người biết pháp hiểu luật, còn những điều Thầy nói ra thì chẳng phải là giáo pháp, giới luật. Thầy đã thu nhận sai lạc, không phù hợp với kinh, lại ngược với ý pháp, không đúng như lời Phật dạy; nên biết điều đó mà bỏ đi’.”

Nếu có Tỳ-kheo cho rằng:

“Tôi được ở gần các bậc hiền tài, cao minh, trí tuệ thông tỏ, phước đức, được nhiều người tôn kính, lãnh thọ từ các vị ấy những lời dạy về kinh, luật giáo pháp này. Nhưng lời nói của người kia không gần với kinh lại làm tổn hại chánh pháp; nên đem ý nghĩa của giáo pháp nơi kinh để giải thích cho vị ấy. Nếu những lời nói kia không hợp với ý nghĩa kinh pháp, chống trái đưa đến tranh cãi, thì nên khuyên vị ấy: ‘Này Hiền giả hãy lắng nghe! Các bậc hiền triết cao minh thì hiểu biết giáo pháp kinh luật. Còn những điều này thì không phải là giáo pháp kinh luật. Thầy đã thu nhận sai lạc về điều này không phù hợp với kinh, cùng đi ngược lại ý nghĩa giáo pháp, không đúng như lời Phật dạy; nên biết điều đó mà bỏ đi’.”

Lại nữa, này A-nan! Nếu có người nói:

“Tôi được theo Phật thụ nhận giáo pháp này. Nhưng lời nói ấy thì sai lầm, không hợp với kinh pháp. Hoặc có người bảo: ‘Tôi từng nương tựa nơi Thánh chúng, nên được phụng lãnh giáo pháp như vậy.’ Nhưng lời nói của người kia thì sai lầm, không hợp với Kinh pháp. Hoặc có người nói: ‘Chính miệng của tôi nghe điều này từ các vị trưởng lão kỳ cựu.’ Nhưng lời nói ấy lại sai lầm, không hợp với kinh pháp.’ Hoặc nói: ‘Tôi thụ lãnh lời nói này từ các bậc hiền tài, cao minh, trí lớn, phước dày’. Nhưng lời nói ấy sai lầm, không hợp với kinh pháp; hãy nêu lên lời dạy của Phật để giải thích cho những kẻ ấy hiểu, khiến họ hội nhập và hiểu biết đúng theo kinh luật. Nhờ nói rõ về giáo pháp kinh luật của Phật mà Thánh chúng thừa hành, các vị trưởng lão thấy rõ, các bậc hiền tài được biết, các hàng hiền thiện thọ nhận đúng đắn. Như luật dạy là không được tranh cãi, nên biết để thọ trì bốn điều này.

“Này A-nan, hoặc có bốn điều tối tăm[120] làm tổn hại chánh pháp, phải biết phân biệt, để trừ bỏ điều tà vạy, thọ trì bốn chánh ý[121]. Đó gọi là thọ trì, giữ gìn chánh pháp. Nếu ai không vâng theo kinh giới, thì chúng Tỳ-kheo nên trục xuất kẻ ấy ra ngoài. Các thứ cỏ xấu nếu không nhổ đi thì sẽ làm hại đến mầm lúa tươi tốt. Đệ tử không tốt làm tổn hại đến đạo pháp của ta. Hãy cùng nhau kiểm điểm, sách tấn, đừng để sau khi Phật diệt độ rồi không ai kế thừa giáo pháp.

“Ở đời nếu có các vị Sa-môn phụng hành kinh giới thì khắp chốn được phước, trời, thần đều hoan hỷ. Nếu nghe ở chỗ nào đó có Tỳ-kheo thông hiểu kinh, các Tỳ-kheo khác tuy lớn tuổi mà mới vào đạo thì phải tìm đến vị kia để học hỏi, thọ trì. Như vậy thì sẽ được các hàng thanh tín sĩ, thanh tín nữ vui thích cúng dường y phục, các thức ăn uống, giường nằm, thuốc chữa bệnh. Tỳ-kheo đồng đạo thì không nên bất hòa. Những người bị đọa vào địa ngục, ba cõi ác đều do bất hòa mà ra. Tỳ-kheo không nên cùng nhau đùa giỡn cho rằng: ‘Ta biết kinh nhiều, ông biết kinh ít!’. Biết nhiều hay biết ít phải tự mình thực hành. Lời nói nào phù hợp với kinh thì dùng, lời nói nào không phù hợp với kinh thì bỏ. Điều nào do Phật nói ra, Tỳ-kheo đã thọ trì thì hãy khéo gìn giữ. Từ nay về sau, phàm giảng giải về kinh thì nên nói: ‘Nghe như vậy! Một thời Phật ở tại nơi nào, nước nào, cùng đông đủ chúng Tỳ-kheo nào giảng nói Kinh này’. Nếu kinh đó là đúng thì không được khinh suất nói rằng: ‘Kinh đó không phải do Phật nói.’ Nếu các Tỳ-kheo cùng nhau vâng làm như vậy, thì chánh pháp được tồn tại lâu dài[122].”

Bấy giờ đức Phật bảo hiền giả A-nan:

“Tất cả hãy đến nước Ba-tuần[123]. Các đệ tử vâng lời cùng đi. Đức Phật muốn vào trong thành Phu-diên-lịch[124], rồi dừng chân nơi vườn Thiền đầu[125] bên ngoài thành. Các tộc họ phú hào ở Ba-tuần có những người thuộc dân Hoa thị[126], nghe đức Phật đến, họ cùng nhau kéo tới ra mắt, đảnh lễ, xong rồi ngồi qua một bên. Đức Phật bảo các Hoa thị:

“Hàng trí thức ở nhà, tuân thủ sự kiệm ước, phụng hành bốn việc, để luôn được vui vẻ:

1. Phụng dưỡng cha mẹ săn sóc vợ con.

2. Trông nom khách khứa, nô tỳ.

3. Cung cấp bố thí cho những người thân thuộc, bằng hữu tri thức.

4. Phụng sự các bậc vua, trời, thần, Sa-môn, đạo sĩ.

Nếu làm được như vậy sẽ biết cuộc sống hiện tại thân được an, nhà cửa được an, có sức khỏe, dung mạo tươi đẹp, giàu có sung túc, hiểu biết rộng, lúc chết được sanh lên cõi trời.”

Đức Phật thuyết pháp, giáo hóa các Hoa thị, với những lời lẽ thiết yếu khiến cho tất cả đều hoan hỷ, xin cáo từ. Chỉ có người con của Hoa thị tên là Thuần[127], một mình ở lại, đứng dậy sửa y phục rồi quỳ gối bạch đức Phật:

“Con muốn sửa soạn một bữa cơm thịnh soạn, cúi mong đức Phật cùng đại chúng đồng thể hiện oai thần, hạ cố.”

Đức Phật vì lòng thương xót nên im lặng nhận lời.

Thuần vui mừng đảnh lễ rồi về nhà sửa soạn các thức ăn ngon, trang hoàng phòng ốc. Sáng sớm, trải sàng tọa xong đi đến bạch đức Phật:

“Công việc đã xong xuôi, cúi mong đức Thánh biết thời.”

Đức Phật cùng các đệ tử đồng đến nhà ông. Đức Phật ngồi chỗ ngồi cao trước đại chúng.

Thuần tự tay bưng dọn thức ăn và phân chia vào các bình bát. Có vị Tỳ-kheo xấu tính đã ăn rồi mà vẫn đưa bình bát. Đức Phật biết điều đó. Thuần nghĩ đến sự tư duy của Thánh, thành tâm cúng dường: Khi lấy nước rửa xong, ông cầm một cái ghế nhỏ ngồi trước đức Phật, nói bài tụng để hỏi:

Xin hỏi bậc Thánh Trí, 

Đã đến bờ bên kia,

Vị Pháp ngự hết nghi 

Có mấy loại Sa-môn.

Đức Phật bảo Thuần:

“Có bốn hạng Sa-môn, phải biết mà phân biệt:

1. Loại hành đạo thù thắng.

2. Đạt đạo có thể diễn giảng.

3. Nương đạo để sanh sống.

4. Hạng làm ô uế đạo.

“Sao gọi là hạng Sa-môn hành đạo thù thắng? Là đức Phật thuyết giảng kinh pháp nhiều vô số, vị ấy có thể thực hành không gì sánh kịp, hàng phục được tâm luôn lo lắng đối với chánh pháp, là bậc chỉ đường, dẫn dắt cho thế gian. Đó là loại Sa-môn hành đạo thù thắng bậc nhất.

“Sao gọi là hạng Sa-môn đạt đạo có thể giảng nói được? Những pháp thâm diệu được đức Phật thuyết giảng, tán dương, vị ấy đều có thể lý giải thông suốt, thực hành không chút nghi ngờ, lại cũng có thể thuyết giảng kinh pháp cho người khác nghe. Đó là loại Sa-môn đạt đạo và có thể giảng nói được.

“Sao gọi là hạng Sa-môn nương vào đạo? Là kẻ luôn nhớ nghĩ, tự giữ gìn, siêng năng học tập không thối lui, luôn nỗ lực không mỏi, lấy pháp để tự nuôi sống. Đó là hạng Sa-môn biết nương theo đạo để sanh sống.

“Sao gọi là hạng Sa-môn làm ô uế đạo? Là kẻ buông lung tâm ý theo dục lạc, ỷ lại vào tộc họ, giòng dõi, chuyên làm ô uế đạo, bị chúng dị nghị, không tôn kính lời Phật dạy, cũng không sợ tội lỗi. Hạng Sa-môn này làm ô uế đạo.

“Phàm con người khi nghe thấy điều gì nên đem so sánh với đạo, học theo bậc trí huệ, thanh tịnh như họ mới thôi. Nên biết trong đó có đúng có sai, có thiện có ác, không thể giống nhau, cùng một loại. Người bất thiện sẽ bị các hiền giả chê trách; cho nên trong giới luật của đức Phật luôn gạt bỏ những kẻ xấu ác, ví như trong lúa non sanh ra cỏ, nếu không nhổ cỏ đi thì lúa bị tổn hại.

“Thế gian có rất nhiều hạng người này, trong thì ôm lòng uế trược, ngoài thì in như người thanh tịnh. Nếu có người biết phước đức, có lòng tin tưởng, dốc phụng sự đạo pháp, thì rốt cuộc không bao giờ vì những kẻ xấu ác kia mà khởi tâm sân hận. Người biết điều thiện, tu thân, xa điều ác, trừ bỏ dục, nộ, si cho nên được đắc đạo nhanh.”

Đức Phật giảng nói như vậy xong, Thuần hết sức vui mừng.

 

QUYỂN HẠ

Bấy giờ, đức Phật bảo hiền giả A-nan đồng đi đến ấp Câu-di[128]. Sau khi đã yên ổn trong thành Ba-tuần-lịch[129], đang đi nửa đường thì đức Phật bị bệnh, toàn thân đau đớn[130]. Ngài ngồi bên gốc cây, bảo Hiền giả A-nan:

“Hãy cầm bát đến sông Câu-di[131] múc một ít nước.”

Hiền giả vâng lời ra đi. Lúc này có năm trăm cỗ xe đang chạy ầm ầm qua phía trên dòng sông làm cho nước bị đục. Tôn giả A-nan lấy nước xong trở về bạch đức Phật:

“Vừa rồi có rất nhiều xe chạy qua làm cho nước sông bị đục, chưa được trong, vậy Thế Tôn có thể dùng nước này để rửa ráy. Có con sông Hy-liên[132] cách đây không xa, con sẽ đến đó lấy nước về để Thế tôn uống.”

Đức Phật dùng nước trong bát rửa mặt và rửa chân. Bấy giờ cơn đau của đức Phật dịu bớt.

Sau đấy, có vị đại thần người Hoa thị tên là Phước-kế[133] đang đi qua vùng này; từ xa trông thấy đức Phật các căn vắng lặng, được định tịch tĩnh, an nhiên, thần sắc quang minh rạng rỡ, trong lòng hoan hỷ, nên đến trước đảnh lễ đức Phật, rồi đứng qua một bên. Đức Phật hỏi Phước-kế:

“Nhờ đâu mà ông có được pháp hỷ.”

Thưa:

“Nhờ Tỳ-kheo Lực Lam[134]. Ngày trước, con đang đi trên đường trông thấy Lực Lam đang an tọa ở bên một gốc cây. Khi ấy ở trên đường có năm trăm cỗ xe chạy qua, có người đến sau, xuống xe hỏi Tỳ-kheo:

“Ngài có thấy đoàn xe chạy ở trước chăng?”

“Không thấy.”

“Vậy Ngài không nghe tiếng xe à?”

“Không nghe.”

“Khi đó Ngài đang ngủ sao?”

“Không ngủ, do vì ta đang suy nghĩ về đạo.”

Người ấy khen:

“Tiếng xe chạy ầm ầm, thức nhưng vẫn không nghe, giữ tâm sao mà chuyên nhất như vậy, thật khó có người làm được. Tiếng của năm trăm cỗ xe chạy qua mà còn không nghe, há lại còn nghe tiếng gì khác sao?”

Ông liền cúng dường vị Tỳ-kheo kia một tấm y bằng vải nhuộm.

Lúc ấy, con nghe sự việc như thế, trong lòng hết sức sung sướng, liền được pháp hỷ cho đến ngày hôm nay.

Đức Phật hỏi Phước-kế:

“Ông xem tiếng sấm sét ầm ầm dữ dội so với tiếng động của năm trăm cỗ xe chạy qua thì thế nào?”

“Cho dù có một ngàn cỗ xe cùng lúc chạy thật nhanh thì tiếng động ấy cũng không thể so với tiếng sấm sét được.”

Đức Phật nói:

“Ngày trước, có một thời Ta du hóa ở A-trầm[135]. Hôm đó vào lúc nửa trưa, trời đổ mưa to, sấm sét dữ dội, làm chết hết bốn con trâu và hai anh em người đi cày. Dân chúng xúm tới chật ních để xem. Lúc ấy Ta vừa ra khỏi pháp định, đang thong thả đi kinh hành. Có một người đến, cúi đầu đảnh lễ, rồi đi theo Ta. Ta hỏi:

“Người ta làm gì đông vậy?”

“Vừa rồi trời sấm sét, đánh chết bốn con trâu và hai anh em người đi cày, vậy Thế Tôn không nghe sao?”

“Không nghe.”

“Lúc đó ngài đang ngủ chăng?”

“Không ngủ. Ta đang ở trong tam-muội.”

Người ấy khen ngợi nói:

“Ít nghe có người định như đức Phật. Tiếng sấm sét vang rền trời đất, nhưng Ngài đã được định tĩnh lặng, nên không còn nghe biết. Người đó trong lòng vui mừng, cũng đạt được pháp hỷ.”

Phước-kế tán thán bằng kệ:

Gặp Phật, xem thấy Phật,

Ai mà không hoan hỷ;

Phước nguyện cùng gặp thời, 

Khiến con được pháp lợi.

Đức Phật đáp lại bài tụng:

Người mến pháp ngủ yên,

Hoan hỷ, tâm thanh tịnh;

Chơn nhân đã thuyết pháp,

Bậc hiền thường làm theo.

Pháp che chở người tu,

Như mưa làm cây tốt.

Khi ấy đại thần Phước-kế liền sai người hầu trở về lấy tấm giạ bằng sợi vàng mới dệt dâng lên đức Phật, bạch rằng:

“Con biết đức Phật không dùng thứ này, nhưng mong Ngài thương xót nhận cho.”

 Đức Phật nhận tấm giạ rồi thuyết pháp, chỉ dạy nhiều điều pháp yếu. Phước-kế tránh qua một bên cung kính bạch:

“Kể từ ngày hôm nay, con xin tự quy y Phật, tự quy y đạo pháp, tự quy y Thánh chúng, thọ giới của hàng thanh tín, thân không sát sanh, không trộm lấy của người, không dâm dật, không lừa dối sai quấy, không uống rượu, không ăn thịt, không vi phạm những giới ấy. Vì việc nước bận rộn vậy con xin cáo từ.”

Ông liền lạy sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi đi ra.

Đức Phật bảo hiền giả A-nan lấy tấm giạ dệt bằng sợi vàng của Phước-kế đem đến. Hiền giả vâng lời dâng lên, đức Phật mặc vào người. Hiền giả A Nan thấy đức Phật thần sắc rạng ngời, tươi vui chói lọi, khác nào màu sắc vàng ròng nên quỳ gối, thưa:

“Từ khi con được làm thị giả đến nay hơn hai mươi năm, nhưng chưa lúc nào thấy thần sắc của đức Phật quang minh rực rỡ như hôm nay. Con không rõ đó là ý gì?”

Đức Phật dạy:

“Này A-nan! Có hai nguyên nhân làm cho thần sắc của đức Phật tươi sáng. Đó là đêm đầu tiên khi Ta thành tựu đạo Chơn chánh Vô thượng, Chánh giác vi diệu và đến đêm sau cùng khi Ta xả bỏ tuổi thọ còn lại, tâm vô vi để diệt độ. Vào lúc nửa đêm này Ta sẽ Bát nê-hoàn, cho nên thần sắc tỏa ra ánh sáng như vậy.”

Hiền giả A-nan than khóc và thưa:

“Đức Phật nhập Niết-bàn sao mà vội quá! Con mắt của thế gian sẽ tắt mất, sao mà nhanh thế!”

Bấy giờ, đức Phật bảo hiền giả A-nan cùng đi tới sông Hi-liên. Đức Phật đến bên bờ sông, cởi bỏ y phục, lội vào nước, tay nâng y, tự tắm rửa thân thể, rồi qua đứng ở bờ bên kia, sửa lại y phục, bảo hiền giả A-nan:

“Buổi sáng Ta thọ thực ở nhà đệ tử Thuần, đến đêm sẽ diệt độ. Hiền giả hãy giải thích cho Thuần rõ là Ta thọ cơm ở nhà ông ấy, tối nay Ta sẽ diệt độ. Thiên hạ có hai điều khó gặp, nếu được gặp mà lại đích thân cúng dường liền được dứt trừ hết mọi điều nghi, sợ, lại có phước báo chơn chánh.

“Những gì là hai? Nếu cúng dường trai phạn cho đức Phật, nhờ bữa cơm đó Ngài được khí lực, thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh chơn, thành bậc giác ngộ hoàn toàn. Hoặc cúng dường trai phạn cho đức Phật, sau bữa cơm đó Ngài xả bỏ tuổi thọ, tâm vô vi mà diệt độ.

“Nay Thuần đã cúng dường trai phạn cho đức Phật như vậy thì ông ấy sẽ được sống lâu, được vô dục, được phước lớn, được mọi người hết sức tôn quý, được dự vào hàng quan viên, sau khi mạng chung được sanh lên cõi trời. Được năm thứ phước đó, nên bảo Thuần chớ buồn, phải vui mừng. Ông ta cúng dường trai phạn cho đức Phật một lần, đạt được nhiều phước báo như vậy. Cho nên biết rằng đối với Phật không thể không cung kính, đối với Kinh pháp không thể không học, đối với Thánh chúng không thể không tôn thờ.”

Hiền giả A-nan bạch đức Phật:

“Tỳ-kheo Như-diên[136] tánh tình hung dữ, nóng nảy, thích mắng chửi, nói nhiều, sau khi Phật Nê-hoàn rồi thì phải đối trị hạng người ấy như thế nào?”

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

“Sau khi ta nhập Nê-hoàn rồi, đối với những Tỳ-kheo hung dữ phải phạt bằng pháp Phạm-đàn[137], bảo đại chúng hãy im lặng lánh đi, đừng nói chuyện với kẻ ấy, kẻ ấy sẽ thấy xấu hổ mà tự cải hối.”

Bấy giờ đức Phật bảo hiền giả A-nan:

“Hãy trải giường gối, lưng ta đau nhức.”

Hiền giả liền trải giường gối. Đức Phật nằm nghiêng theo phía hông bên hữu, hai chân chồng lên nhau, tư duy về đạo trí tuệ chơn chánh. Khi ấy đức Phật gọi hiền giả A-nan, bảo nói về bảy giác ý.

Hiền giả A-nan thưa:

“Dạ vâng, ngày xưa con theo Phật được nghe:

“1. Giác là chí niệm. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn[138].

“2. Giác làpháp giải. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

“3. Giác là tinh tấn. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

“4. Giác là ái hỷ. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

“5. Giác là nhất hướng. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

“6. Giác là duy định. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

“7. Giác là hành hộ. Đức Phật vì mục đích tự giác, thành vô tỷ, có khinh an của bậc Thánh, vô vi, an tĩnh, không dâm, trừ bỏ tâm ý tán loạn.

Đức Phật nói:

“A-nan đã có thể nói được như thế, vậy phải nên tinh tấn.”

Bạch:

“Xin vâng, con đã nói được, vậy con sẽ tinh tấn.”

“Như vậy, này A-nan! Người nỗ lực tu hành sẽ mau đắc đạo.”

Đức Phật đứng dậy khỏi chỗ ngồi, tư duy về ý nghĩa của giáo pháp. Có Tỳ-kheo nói bài tụng:

Pháp cam lộ xuất từ Phật;

Khi Ngài bịnh, đệ tử thuyết.

Dạy điều này khuyên hậu học:

Thất giác ý hỏi thánh hiền.

Phật ra đời con mới hiểu,

Hạnh thanh bạch, không tỳ vết;

Học phải biết, niệm chánh chí,

Ái hỷ pháp, nhập tinh tấn.

Chuyên nhất hướng, hộ, định ý,

Như pháp giải là tịnh trí.

Người có bịnh nên nghe đây,

Tu giác ý, trừ tà niệm.

Vị đang bịnh là pháp vương,

Đạo báu xuất từ nguồn này.

Bậc như vậy còn nghe pháp,

Huống phàm phu mà không nghe?!

Đệ tử giỏi, thông minh nhất,

Đến thăm bịnh để hỏi đạo

Nơi Thánh triết, còn không chán,

Huống người khác, lại không nghe.

Nếu quá khứ, đã nghe đạo,

Dấy niệm khác, tâm sai trái;

Ai làm thế, không ái hỷ,

Lời Phật dạy, không tạp niệm.

Do ái hỷ mà nhất hướng,

Sống vô vi, tâm vắng lặng;

Đã an tĩnh, không nghe tưởng,

Đó gọi là pháp giải giác.

Diệt các hành, trí thuần thục,

Tự quy y, Tam Thế Tôn;

Cầu tất cả Trời, Người, Thần,

Học tâm từ, theo đại đạo.

Nay Thánh sư đã diệt độ,

Các hiền giả tiếp tục dạy;

Tùy thời giảng tụng pháp âm,

Mong Thần cốt giúp giáo hóa.

Bấy giờ đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

“Ngươi hãy đi mắc giường dây giữa hai cây song thọ ở Tô Liên[139], đầu quay về hướng Bắc, vào lúc nửa đêm hôm nay Ta sẽ diệt độ.”

Hiền giả thọ giáo liền làm như lời Phật dạy, rồi trở về bạch Phật là đã làm xong. Đức Phật đến song thọ, nằm lên giường dây, hông nghiêng về phía hữu. Hiền giả A-nan đứng ở sau giường, gục đầu khóc, tức tối thở dài, thưa:

“Đức Phật nhập Niết-bàn sao mà vội quá! Con mắt của thế gian sao mà tắt nhanh thế? Các bạn đồng tu học của con từ bốn phương về, là muốn được thấy Phật, không còn trông mong gì nữa! Khó mà được thấy lại Phật! Khó mà được hầu hạ lại Phật! Đến mà không thấy đức Thế Tôn, họ sẽ buồn tủi. Sao lòng con buồn quá!”

Đức Phật hỏi Tỳ-kheo:

“Hiền giả A-nan đang làm gì?”

Thưa:

“Hiền giả đang đứng phía sau buồn khóc.”

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

“Ngươi chớ khóc lóc. Vì sao? Từ lúc ngươi hầu Phật cho tới nay, thân hành luôn từ bi, khẩu hành cũng từ bi, ý hành cũng từ bi, mong sao đem lại mọi sự an lạc, ý nghĩ suy xét rõ ràng, hết lòng đối với đức Phật. Tuy các thị giả của Phật ở quá khứ, có dốc lòng phụng sự cũng không hơn ngươi. Các thị giả của Phật ở thời vị lai và hiện tại dù có dốc lòng phụng sự cũng không thể hơn ngươi. Vì sao? Vì ngươi đã hiểu rõ ý của Phật nên biết lúc nào là thích hợp. Nếu có chúng Tỳ-kheo mỗi khi đến yết kiến đức Phật, mgươi đều cho vào yết kiến luôn đúng lúc. Nếu có các chúng Tỳ-kheo ni và thanh tín sĩ, thanh tín nữ, mỗi khi đến xin gặp đức Phật, ngươi cũng cho vào đúng lúc. Mỗi khi các chúng dị học, các Phạm chí, cư sĩ, đến để thưa hỏi, ngươi cho họ vào gặp luôn đúng thời.”

Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Bậc tôn quý nhất trong thiên hạ là Chuyển luân Thánh vương. Vua có bốn đức tự nhiên khó ai bì kịp.

“Những gì là bốn? Nếu lúc các vua thuộc giòng Sát-lợi của các nước chư hầu đến để được gần gũi chầu vua, Thánh vương hoan hỷ thuyết pháp cho họ nghe, khiến cho tất cả đều thích lãnh hội, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ nhất.

“Nếu có các vị Phạm chí thờ đạo, thân hành đến chầu vua, nhà vua luôn hoan hỷ xuất hiện, thuyết pháp cho họ nghe, khiến họ đều ưa thích lãnh hội, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ hai.

“Nếu có các hàng Lý gia[140], cư sĩ cùng nhau đến để chầu vua, Thánh vương liền hoan hỷ xuất hiện, thuyết pháp cho họ nghe, khiến họ đều ưa thích lãnh hội, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ ba.

“Nếu có những học giả thuộc các phái dị học[141] đến để chầu vua, Thánh vương liền xuất hiện, thuyết pháp cho họ nghe, khiến họ đều ưa thích lắng nghe, vâng lời phụng hành. Đó là đức thứ tư.

“Lại nữa, Tỳ-kheo hiền giả A-nan này cũng có bốn đức tốt đẹp khó ai bì kịp. Những gì là bốn? Nếu các Tỳ-kheo đến chỗ A-nan, liền hoan hỷ cùng họ gặp gỡ chào hỏi, thuyết kinh pháp cho họ nghe, không ai là không được thêm phần hiểu biết, ưa thích thọ giáo, phụng hành. Các Tỳ-kheo ni, các thanh tín sĩ đến chỗ hiền giả A-nan, hiền giả liền hoan hỷ cùng họ gặp gỡ chào hỏi, thuyết kinh pháp cho họ nghe, khiến không ai là không được thêm phần hiểu biết, ưa thích thọ trì, phụng hành. Đó là bốn đức thứ nhất.

“Lại có bốn đức khác. Hiền giả A-nan vì các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ, lúc thuyết kinh pháp, tâm và lời đều đứng đắn, không có hai ý, khiến cho người nghe cung kính, im lặng nghe. Chính nhờ sự tĩnh lặng cho nên Hiền giả A-nan nhớ rộng, không quên mất một cách thình lình. Đó là bốn đức thứ hai.

“Lại có bốn đức khác. Hoặc có các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, thanh tín sĩ, thanh tín nữ, không hiểu nghĩa của kinh và giới luật, đều đến hỏi hiền giả A-nan. Hiền giả A-nan liền phân biệt thuyết giảng, giúp họ đều được hiểu rõ. Sau khi ra về, không ai là không khen ngợi hiền giả A-nan. Đó là bốn đức thứ ba.

“Lại có bốn đức khác. Phật đã nói mười hai bộ kinh, hiền giả A-nan đều đọc tụng nhớ biết, nên nói lại cho bốn chúng đệ tử như hiền giả đã được nghe, không có thêm bớt, cũng chưa từng chán mỏi. Đó là bốn đức thứ tư của hiền giả A-nan, khó ai bì kịp, thế gian ít có.”

Bấy giờ, có vị Hóa Tỳ-kheo[142] đang đứng trước đức Phật. Đức Phật bảo:

“Này Tỳ-kheo! Nên tránh đi, đừng đứng ở trước ta.”

Hiền giả A-nan bạch Phật:

“Con được hầu hạ đức Thế Tôn hai mươi lăm năm, nhưng chưa thấy có Tỳ-kheo nào như vậy, không hỏi ý con mà lại đi thẳng đến trước Phật.”

Đức Phật bảo:

“Này A-nan! Đó là vị Hóa Tỳ-kheo. Vả lại, trong nhiều kiếp vị ấy là bậc Đại-tuân-thiên, rất thần diệu, có oai đức, đã trừ sạch mọi sự buồn lo, sợ hãi, biết đức Phật vào nửa đêm hôm nay sẽ nhập Niết-bàn, cho nên mới đến đây. Vì từ nay về sau sẽ vĩnh viễn không còn thấy đức Phật nữa.”

A-nan thưa:

“Chỉ có một vị Trời này biết đức Phật sắp diệt độ sao?”

 Đức Phật đáp:

“Từ Đông, Tây, Nam, Bắc, trong chu vi bốn trăm tám mươi dặm của thành Câu-di, chư Thiên hiện ra đầy cả hư không, đều buồn than, bối rối không an, tâm họ đều nghĩ: ‘Đức Phật diệt độ sao mà vội quá!’”

A-nan thưa:

“Gần hai bên vùng này có các nước lớn như: Văn-vật, Vương-xá, Mãn-la, Duy-da[143], sao đức Phật không chọn những chỗ ấy mà nhập Niết-bàn mà lại ở nơi thành nhỏ bé, hẻo lánh này?”

Đức Phật bảo:

“Này A-nan! Đừng gọi thành này là nhỏ bé, hẻo lánh. Vì sao? Ngày xưa nước này tên là Câu-na-việt [144], là kinh đô của Đại vương, thành dài bốn trăm tám mươi dặm, rộng hai trăm tám mươi dặm, trang nghiêm đẹp như tranh vẽ, có bảy lớp tường thành, nền thành có bốn bậc, cao tám tầm, bên trên rộng ba tầm, đều làm bằng hoàng kim, bạch ngân, thủy tinh, lưu ly, dùng bốn thứ báu làm ngói, trên tường có xếp nhiều tường ngắn điêu khắc, chạm trổ tinh vi, dưới đất thì lát gạch nung, và phòng ốc của dân chúng đều do bốn báu tạo thành. Dọc theo đường đi, tự nhiên sanh trưởng nhiều cây đứng san sát nhau. Cây cũng bằng bốn báu. Cây bằng vàng thì lá, hoa, quả bằng bạc. Cây bằng bạc thì lá hoa, quả bằng vàng. Cây bằng lưu ly, thủy tinh cũng giống như vậy. Gió hiu hiu thổi làm cây lay động thường phát ra năm thứ âm thanh. Âm thanh ấy hiền hòa, dịu dàng, như năm dây đàn cầm rung lên. Ở giữa hàng cây có ao tắm, bên bờ ao có lát ngói, các bờ để đi bộ nối tiếp nhau, bên trong có bốn đài báu, bực thềm của đài có hàng lan can. Vách tường, giường, ghế trong nhà, tất cả đều làm bằng bốn báu. Trong ao thường có các thứ hoa sen đủ màu, sen xanh âu-bát, sen tía câu-điềm, sen vàng văn-na, sen đỏ phù-dung[145], nhìn bốn bên đều thẳng hàng. Hai bên đường đi lại có bảy thứ hoa lạ, mùi hương thơm ngát, thường sanh trong mùa đông, mùa hạ, có năm màu rực rỡ. Ở trong đất nước ấy thường nghe mười ba loại tiếng: tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng bò, tiếng xe, tiếng loa, tiếng chuông, tiếng linh, tiếng trống, tiếng múa, tiếng ca, tiếng đàn tiếng nhạc, tiếng ca tụng nhân nghĩa, tiếng tán thán những hạnh cao quý của đức Phật.

“Bấy giờ có vị Chuyển luân Thánh vương tên là Đại Khoái Kiến[146], làm vua bốn châu thiên hạ, lấy chánh pháp để trị dân, có bảy báu tự nhiên: 1. Xe vàng báu, 2. Voi trắng báu, 3. Ngựa biếc báu, 4. Thần giữ kho châu báu, 5. Ngọc nữ báu, 6. Lý gia báu[147], 7. Thánh đạo báu.[148]

Vua có bốn thần đức:

Lúc còn nhỏ thời gian là tám vạn bốn ngàn năm; khi làm Thái tử là tám vạn bốn ngàn năm; lúc làm bậc Chuyển luân vương là tám vạn bốn ngàn năm; lúc bỏ ngôi vị ở thế gian mặc pháp y là tám vạn bốn ngàn năm, tuổi thọ của vua là ba mươi ba vạn sáu ngàn năm. Đó là thần đức thứ nhất của vua.

Ngài có thể phi hành, chu du bốn châu thiên hạ, bảy báu đều đi theo, cùng các quan tùy tùng. Đó là thần đức thứ hai của vua.

Ngài có thân tướng đẹp đẽ đoan nghiêm, khỏe mạnh ít bệnh, thân nhiệt điều hòa, không lạnh, không nóng. Đó là thần đức thứ ba của vua.

Ngài có oai thần thù thắng, tâm luôn hiền hòa, vui vẻ, thấy rõ chánh đạo, lấy chánh pháp để giáo hóa muôn dân. Đó là thần đức thứ ba của vua.

Mỗi lần nhà vua đi dạo, ngài luôn bố thí để tạo thêm phước, đáp ứng những mong muốn của mọi người, ai xin nước uống thì cho uống, ai cầu thức ăn thì cho ăn, ai cầu áo quần xe ngựa, hương hoa tiền bạc châu báu, ngài đều cho tất cả. Ngài thương yêu người, vật như cha mẹ thương yêu con. Sĩ dân kính mến vua như con kính mến cha. Mỗi khi vua đi dạo, bảo người đánh xe đi từ từ để cho sĩ dân ở trong nước đươc nhìn vua lâu hơn. Bản tánh của vua thì thuần hậu nhân từ, bốn phương thì thái bình. Đó chính là cái đức cùng tột của vua.

Nhà vua thống lãnh tiểu vương gồm đến tám vạn bốn ngàn nước. Các vị tiểu vương ấy mỗi lần vào chầu, khi ấy vua Đại Khoái Kiến đều mời lên điện, vui vẻ an ủi, giảng nói chánh pháp cho họ nghe, hỏi họ trong nước có thiếu thốn gì không?”

Các tiểu vương đều thưa:

“Nhờ thọ ân nặng của Thiên vương, nên đất nước chúng thần tự thấy đầy đủ mọi điều vui sướng.”

Nhà vua lại ra lệnh:

“Các vị hãy sửa sang lại cung điện của mình như cung điện của ta vậy, lấy chánh pháp giáo hóa dân chúng, chớ làm khổ muôn dân của Trời. Ngài lại ban cho các Tiểu vương áo mão, giày dép, xe cộ, vật báu. Các tiểu vương thọ nhận lời dạy bảo của nhà vua rồi cáo từ lui ra, ai nấy đều hoan hỷ.

Bấy giờ đại vương sửa lại Pháp điện, dài bốn mươi dặm, có bốn tầng cấp bậc, tất cả đều làm bằng hoàng kim, bạch ngân, thủy tinh, lưu ly. Nhà, tường, lan can, cây trụ, xà ngang gác trên cao, trụ trên cây vuông, xà ngắn, đòn dông dưới mái hiên che, từ trên xuống dưới, giường tòa, ghế, chiếu đều làm bằng bốn báu.

Lại ở trên Pháp điện có tám vạn bốn ngàn thứ xen lẫn phô bày đẹp đẽ, nào xe cộ, nhà gác đều hiện ra như sao Bắc-đẩu, có giát vàng nơi các khoảng trống giao nhau, phía trước bày ra cái bệ bằng bạc. Hễ nhà gác bằng bạc thì bệ bằng vàng, nhà gác thủy tinh, lưu ly thì cấp bậc cũng lại như vậy. Ở khoảng giữa của vùng châu báu tô điểm thì treo hoa kết trái, bốn báu xen lẫn che trên trướng, do vàng bạc dệt thành, hoặc nhung đỏ dệt bằng lông thú màu sắc rực rỡ, bốn góc thì làm bằng san hô, riêng ở trên điện, bốn mặt điện đều có ao tắm, tất cả vuông vức rộng một do-tuần.

Chung quanh ao tắm sanh ra nhiều cây Đa-lân[149], có tám vạn bốn ngàn gốc, cao một do-tuần, mọc dọc theo các giao lộ.

Mỗi lần Đại Vương đi dạo thì dùng xe voi. Khi đó, vua Khoái Kiến đem những vật sở hữu của mình để làm phước đối với dân chúng. Buổi sáng Ngài mời các Sa-môn, Phạm chí lên trên điện để thọ thực. Nhà vua tự suy nghĩ: ‘ Ngày tháng trôi mau mà ta sắp già rồi, ta đang dùng năm thứ dục này, cùng tạo ra các thứ như nhà báu... Ta hãy kiềm chế lòng dục, tự thân tu hạnh thanh tịnh’. Nhà vua chỉ đi với một người hầu, lên Pháp điện, đi vào vùng châu báu trang sức bằng vàng, ngồi trên ngự sàng bằng bạc, suy nghĩ: ‘ Thiên hạ tham dâm vô độ, đã có sanh thì phải có tử, hình hài rồi trở về với đất bụi. Tất cả vạn vật thảy đều vô thường.’ Nhà vua đứng dậy, đi vào vùng trang sức bằng bạc, ngồi trên giường bằng vàng, suy nghĩ: ‘ Hễ có gặp gỡ thì phải có biệt ly, mọi luyến mộ đều không ích gì. Hãy xả bỏ ân ái, dốc tu phạm hạnh.’ Suy nghĩ xong, nhà vua đứng dậy đi vào vùng trang hoàng bằng thủy tinh, ngồi trên giường lưu ly, tự nghĩ: ‘Ta chống chọi với cái già, bệnh, chết, sửa tâm, đổi thay hành động để trừ bỏ dâm, nộ, si, suy nghĩ về đạo Vô vi.’ Rồi nhà vua lại đứng dậy đi vào vùng trang hoàng bằng lưu ly, ngồi trên giường thủy tinh, chuyên tâm tư duy, để trừ bỏ pháp ác, tham dục của thế gian, suy nghĩ về đạo Vô vi, giữ tâm thanh tịnh, thành hạnh Nhất thiền, kéo dài như vậy thật lâu, bao trùm tất cả.

Bấy giờ, tám vạn bốn ngàn ngọc nữ cùng thưa với Ngọc nữ báu đệ nhất rằng:

“Thiên Hậu biết cho, chúng tôi nghe tiếng, nhưng chưa được thân cận đứng hầu, tỏ tình cung kính đức vua. Chúng tôi muốn được bái kiến.”

Đáp:

“Các em hãy trở về tự trang điểm, chúng ta sẽ cùng đến bái kiến.

Bà liền bảo Chủ binh báu rằng:

“Chị em phụ nữ chúng tôi đã từ lâu chưa được thân cận hầu hạ để tỏ lòng kính ngưỡng Thánh vương, nay chị em chúng tôi thảy đều muốn bái kiến đức vua.”

Quan Chủ binh báu liền sửa soạn tám vạn bốn ngàn thớt voi, trang sức bằng chiến giáp da tê ngưu lát vàng, dây cương bằng châu báu là con bạch tượng vương có lông đuôi dài màu đỏ là thứ nhất; tám vạn bốn ngàn con ngựa, trang sức bằng chiến giáp, da tê ngưu lát vàng, dây cương bằng ngọc báu, chỉ có con Lực mã vương thân nó màu xanh biếc, đuôi dài màu đỏ tía là thứ nhất. Tám vạn bốn ngàn cỗ xe, dùng chiến giáp da tê ngưu bao phủ, trang sức bằng bốn báu, nhưng Quan chủ binh báu là thứ nhất. Có tám vạn bốn ngàn người nữ, mỗi người nữ ngồi một xe, nhưng Ngọc nữ báu là thứ nhất. Các ngọc nữ đi theo sau, đến Pháp điện thì xuống xe.

Quân hầu thưa với đức vua:

“Các voi, ngựa, xe cộ, phu nhân và tiểu vương đều muốn đến bái yết nhà vua.”

Nhà vua ra lệnh quân hầu hãy trải tòa ngồi ở dưới điện. Vua đi xuống Pháp điện, trông thấy tám vạn bốn ngàn người nữ, trang sức đẹp đẽ. Khi ấy mọi người đều trầm trồ khen rằng: ‘ Thật không có bút mực nào diễn tả hết vẻ đẹp của các người nữ thuộc hàng vua chúa, chỉ có họ mới tuyệt đẹp như vậy.’

Ngọc nữ thưa:

“Chúng tôi xa cách vua đã lâu, không được thân cận để hầu hạ, cho nên mới trang điểm và cùng đến đây, mong được bái kiến đức vua.

 Lúc này, đức vua đang ngồi. Các người nữ đều đến phía trước, cúi lạy xong rồi ngồi qua một bên. Ngọc nữ báu đến trước đức vua thưa:

“Nay đây tất cả voi, ngựa, xe, ngọc nữ, tiểu vương đều là sở hữu của vua, mong Thiên vương lưu tâm chiếu cố để cùng vui thích. Lại trong tám vạn bốn ngàn nước thì Thiên vương đứng đầu, tám vạn bốn ngàn chiếu giường đơn thì giường Đại chánh là bậc nhất, mong Thiên vương lưu tâm để nuôi dưỡng tánh mạng.”

Đức vua đáp:

“Này các muội! Sở dĩ ta ngày đêm tự chế ngự nơi bản thân, chánh tâm, hành từ là chỉ muốn xa lìa cái tham dục này thôi. Vì sao? Vì tánh ganh ghét của người nữ làm hại đến thân ta. Cho nên ta bỏ dục để xa lìa lỗi lầm ấy.”

Ngọc nữ báu rơi lệ thưa:

“Này Thiên vương! Vì sao đức vua lại riêng chọn việc cắt bỏ ái dục? Gọi chúng tôi là các em? Lìa bỏ ân tình, khiến cho các cung nữ hầu như tuyệt vọng? Chúng tôi muốn biết Thiên vương giữ giới, chánh tâm, hành từ là để làm gì? Chúng tôi cũng nguyện cùng nhau dốc lòng tu theo đức vua.”

Vua đáp:

“Tâm từ, hạnh chánh thì không rơi vào các lậu, vứt bỏ dục lạc, tu đức để giữ sự thanh tịnh, vì nghĩ rằng sự sống ngày càng rút ngắn mà mạng người thì qua mau, người và vật đều là vô thường, chỉ có đạo mới là chơn thật. Do đó, ta đối với các thứ voi, ngựa, xe, cung điện, quốc độ, tiểu vương, nữ nhân, ái dục đều xa lìa tất cả, không còn trói buộc tâm ý ta nữa. Nếu ai muốn lo cho thân mình hãy xem trong khoảng đất trời này hễ có sanh thì không tránh khỏi tử. Vậy các muội hãy nên giữ tâm chơn chánh, hành từ bi, đừng nên buông lung tâm ý mà bị đọa lạc vào nẻo phiền não sinh tử.”

Ngọc nữ báu rơi nước mắt tâu:

“Nay Thiên vương đã tự kiềm chế thân tâm, không muốn rơi vào nẻo phiền não khổ lụy, vì nghĩ rằng sự sống ngày càng rút ngắn, mà mạng người thì qua mau, nên ẩn cư để lo cho thân, giữ tâm, tu hạnh thanh tịnh. Do suy biết, con người và vạn vật, hễ có sanh thì không tránh khỏi tử, nên xa lìa mọi thứ sở hữu, để tâm ý không bị cấu uế. Chúng em nguyện phụng thờ giới sáng suốt ấy, không bao giờ dám quên.”

Đức vua dùng tâm từ đáp tạ các người nữ, rồi bảo họ lui ra. Ngài lên Pháp điện, vào chỗ trang hoàng bằng vàng, ngồi suy nghĩ về tâm từ, quên hết tất cả những oán hận, không còn tâm ganh tỵ xấu ác, tiến lên suy tư về đại đạo, vô lượng đức hạnh, lòng từ rải khắp thế gian, để tự mình thức tỉnh, chế ngự. Ngài lại đứng dậy đi vào chỗ trang hoàng bằng bạc ngồi suy nghĩ về tâm bi, quên hết sự oán hận, không còn tâm ganh ghét xấu xa, tiến lên suy tư về đại đạo, vô lượng đức hạnh, lòng bi rải khắp thế gian, để tự kiềm chế, thức tỉnh. Ngài lại đứng dậy đi vào chỗ trang hoàng bằng thủy tinh, ngồi suy nghĩ về tâm hỷ, quên hết tất cả những oán hận, không còn sự ganh ghét xấu ác, tiến lên suy tư về đại đạo, dùng vô lượng đức hạnh, lòng từ rải khắp thế gian, để tự kiềm chế và thức tỉnh. Ngài lại đứng lên đi vào chỗ trang hoàng bằng lưu ly, ngồi suy nghĩ về sự phòng hộ tâm, quên hết những oán hận, không còn tâm ganh tỵ xấu xa, tiến lên suy tư về đại đạo, dùng vô lượng đức hạnh muốn che chở cho tất cả, để tự chế ngự, thức tỉnh.

Nhờ dốc thực hành bốn đại phạm hạnh này nên bỏ được tâm ái dục, tu nhiều hạnh thanh tịnh. Nhà vua thực hành như vậy, nên liền được tự tại, lúc chết được an ổn, thân không đau khổ, giống như lực sĩ, trong khoảng thời gian một bữa ăn ngon, thần thức đã sanh lên cõi trời thứ bảy là Phạm thiên. Vua Chuyển luân Đại Khoái Kiến lúc ấy chính là thân ta ngày trước.

“Như vậy, này A-nan! Ai có thể biết được điều này, kiếp trước của Ta là Chuyển luân vương, có bảy báu tự nhiên thực hành chánh pháp, có bốn đức, thường không tham đắm.

“Bấy giờ, từ thành Câu-di, trải rộng ra bốn trăm tám mươi dặm đều ở trong phạm vi thành của Thiên vương. Thời trước của Ta lại làm vua Sát lợi, đã sáu lần bỏ thân trong đất này và nay nữa là lần thứ bảy. Nay ta thành Phật, đã đoạn trừ sanh tử, từ đây về sau, không còn tạo thân nữa. Ta cũng đối với tất cả mọi sự việc đều đã hoàn tất. Ta hiện ở phương Đông, phương Nam, phương Tây, phương Bắc, tùy phương mà giáo hóa. Sau ba tháng nữa, Ta cũng để xương cốt ở nơi đây.”

Hiền giả A-nan thưa đức Phật:

“Sau khi Phật diệt độ, phải làm phép an táng như thế nào?”

Đức Phật dạy:   

“Ngươi hãy im lặng. Các Phạm chí, cư sĩ sẽ tự vui thích lo liệu việc ấy.”

Lại hỏi:

“Các Phạm chí, cư sĩ sẽ an táng bằng cách nào?”

Đức phật dạy:

“Nên làm theo phương pháp an táng của Chuyển luân vương. Hãy dùng lụa kiếp-ba mới quấn quanh thân thể, rồi lấy năm trăm xấp giạ tiếp tục quấn lên trên, đặt vào kim quan, rưới dầu mè, làm chất dầu thấm đều xong nâng kim quan lên đặt vào trong cái quách lớn bằng sắt. Lấy các thứ gỗ thơm chất lên trên mà xà-duy[150], xong thì thâu xá-lợi, đặt ở ngã tư đường, lập tháp, dựng đền, lập đàn tràng, treo phan, dâng cúng hương hoa, bái yết, lễ lạy. Đó là phương pháp an táng của Chuyển luân vương.”

Đức Phật bảo Hiền giả A-nan:

“Nên vào thành bảo cho các Hoa thị biết: ‘Nửa đêm hôm nay, đức Phật sẽ diệt độ, ai muốn cúng dường cái gì thì hãy cố gắng đến đúng lúc, đừng để sau này phải hối hận. Ai muốn gặp đức Phật để mong được khai mở, hãy nên kịp thời’.”

Hiền giả liền vâng lời vào thành Câu-di, thấy năm trăm Hoa thị đang cùng họp nhau bàn luận. Hiền giả A-nan bèn báo cho các vị ấy biết:

“Nửa đêm hôm nay, đức Phật sẽ diệt độ. Ai muốn cúng dường hãy cố gắng cho kịp thời, đừng để sau này phải hối hận. Ai muốn gặp đức Phật để được khai mở thì hãy nên đến cho đúng lúc.”

Mọi người đều kinh ngạc, buồn bã than:

“Sao mà nhanh quá, đức Phật nhập Niết-bàn? Con mắt của thế gian mất đi, sao mà nhanh thế?”

Tiếng kêu bi ai đã lan đến cung vua. Vua bảo Thái tử và các Hoa thị hãy đem cả quyến thuộc của mình, cùng đến Song thọ, bạch với hiền giả A-nan:

“Chúng con muốn đến trước để đảnh lễ và thăm hỏi.”

Hiền giả A-nan vào bạch với đức Phật:

“Thái tử A Thần[151] cùng các vị bà con hào tộc đồng đến để xin thọ Tam-tự-quy, vì không còn bao lâu nữa, đức Phật sẽ diệt độ. Đức Phật cho vào.”

Tất cả đều đến trước cúi lạy xong ngồi qua một bên, Thái tử thưa:

“Đức Phật diệt độ, sao mà nhanh quá?!”

Đức Phật đáp:

“Ta vốn đã nói: ‘Thế gian là không chân thật, chẳng có gì là vui, hễ ai ham sống lâu, tham luyến năm dục thì sẽ bị mê lầm mà chẳng còn lợi, chỉ tăng thêm sự sanh tử, thọ khổ vô lượng. Nay ta là Phật, đã được an nhiên, vô dục đối với các thứ ấy, mà lại còn phải tự mình siêng năng. Những bậc trí giả trong thiên hạ, thường muốn gặp Phật, ưa nghe kinh pháp. Ông đã có ý như vậy cốt phải an lập trên sự tin tưởng, an lập trên giới, bố thí, nghe nhiều, học rộng phát huy trí tuệ; xây dựng năm chí này để xa lìa tham đắm cấu uế. Như vậy đời đời sẽ được phú quý, tiếng lành đồn xa, mạng chung sanh lên cõi trời, được an lạc, có thể đạt được Nê-hoàn.”

“Đức Phật giảng nói như vậy, Thái tử và các Hoa thị đều đảnh lễ Phật rồi cáo lui.”

Bấy giờ, vua và mười bốn vạn người nam nữ lớn nhỏ trong nước, theo giờ đã định, liền đi đến Song-lâm, thưa với hiền giả A-nan:

“Cho phép chúng tôi đến bái yết đức Phật để nghe lời Ngài dạy.”

Hiền giả xin đức Phật cho phép họ được vào. Nhà vua liền dẫn các bậc hiền giả trong nước tiến lên đảnh lễ đức Phật, xong rồi ngồi qua một bên. Lúc này, nơi phía trước không có đèn đuốc gì cả. Đức Phật bèn phóng một luồng hào quang từ trên đỉnh đầu chiếu sáng đến hai ngàn dặm. Đức Phật dạy:

“Thật là cực nhọc cho Đại vương và các quần thần đã đến đây.”

Vua thưa:

“Đức Phật sắp diệt độ, vậy Ngài có dạy bảo gì không?”

Đức Phật bảo nhà vua:

“Từ khi ta thành Phật đến nay là bốn mươi chín năm; những kinh, giới ta giảng nói, tất cả đã đầy đủ. Các bậc hiền tài ở trong nước của vua đều đã lãnh hội.”

“Nhà vua cùng quần thần đều tỏ ra thương cảm, buồn bã.”

Đức Phật bảo nhà vua:

“Từ xưa đến nay, trời, thần, người, vật, hễ đã sanh thì không tránh khỏi chết. Chết mà không diệt, duy chỉ Nê-hoàn là an vui. Vua không nên buồn bã làm gì, chỉ nên nghĩ đến điều lành, cải đổi những lỗi lầm ở quá khứ, tu tỉnh ở tương lai, để sửa trị việc nước, đừng vô cớ tăng thêm bạo ác, phải hậu đãi kẻ hiền lương, hãy ân xá, khoan thứ kẻ bị mắc các lỗi nhỏ, thi hành bốn ân để an ủi vỗ về lòng người. Những gì là bốn?

“1. Thường bố thí cứu giúp, không lúc nào thấy là đủ.

“2. Nên lấy lòng nhân ái xem dân như con của mình.

“3. Vì lợi người nên giáo hóa họ theo đường lành.

“4. Nên chia lợi cho kẻ dưới để cùng vui hưởng.

“Nếu nhà vua làm được như vậy thì thường được phước đức lớn. Kiếp trước của ta, nhờ thực hành bốn ân này[152], tích lũy qua nhiều đời cho nên mới được thành Phật.”

Đức Phật nói kệ:

Đã ngộ, Phật Chí Tôn,

Bỏ dâm, sạch, vô lậu;

Bậc trí, thầy trời, người,

Theo Ngài được an vui.

Phước báo được diệu lạc,

Nguyện lớn dốc thành tựu;

Dõng mãnh đạt giải thoát,

Ta sắp nhập Nê-hoàn.

Vua cùng mọi người đồng đứng dậy lạy Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ, ở trong thành có một dị học già, tuổi đã một trăm hai mươi, tên là Tu-bạt[153], nghe đức Phật vào nửa đêm nay sẽ diệt độ, ông tự nghĩ: ‘ Ta có sự nghi ngờ về pháp, thường mong được đức Cù-đàm một lần khai mở, ý của ta đã đúng lúc!’ Khi ấy, ông liền đứng dậy, tự gắng sức đi đến Song thọ, thưa với hiền giả A-nan:

“Tôi nghe đức Cù-đàm, vào nửa đêm hôm nay sẽ diệt độ, vậy tôi muốn được gặp Ngài để xin giải quyết sự nghi ngờ.”

Hiền giả A-nan đáp:

“Thôi đi, thôi đi! Này Tu-bạt! Đừng có gây phiền hà cho đức Phật.”

Tu-bạt năn nỉ đến hai, ba lần:

“Tôi nghe đức Phật là bậc Như Lai, Chí chơn chánh đế giác, Minh hạnh thành, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Đạo pháp ngự, Thiên nhân sư, hiệu Phật, Chúng hựu[154], rất khó được gặp, như hoa âu-đàm[155], trăm ngàn vạn năm mới nở một lần. Xin được gặp Ngài một lần để gỡ mối nghi.

“Hiền giả A-nan vì sợ làm phiền đến đức Như Lai cho nên không muốn thưa lại đức Thế tôn. Trí huệ của Phật luôn thông tỏ, thanh tịnh hơn người thường, do đó Ngài biết được, liền bảo Hiền giả A Nan:

“Đừng ngăn chận, hãy cho ông ấy vào. Đây là lúc cuối cùng ta sẽ hóa độ cho ông cụ ngoại đạo Tu-bạt.

“Tu-bạt được vào, trong lòng vui mừng, phát sanh thiện tâm, thấy Phật hoan hỷ, cung kính, thăm hỏi đúng lễ rồi, đứng qua một bên, bạch đức Phật:

“Tôi có điều muốn hỏi, vậy Ngài có vui lòng giải đáp điều nghi cho tôi được không?”

Đức Phật nói:

“Cứ hỏi, tùy theo ý ông muốn, nghe rồi sẽ giải thích.”

Tu-bạt thưa:

“Kẻ học thức đời nay ai cũng tự xưng là thầy. Đó là Cổ-quy Thị, Vô-thất thị, Chí-hành thị, Bạch-lộ-tử thị, Diên-thọ thị, Kế-kim-phàn thị, Đa-tích-nguyên thị và Ni-kiền Tự.[156] Tám người ấy là do người khác truyền lại, hay do tự biết được?”

Đức Phật bảo Tu-bạt:

“Họ khác với Phật. Những người ấy tự tạo ra con đường tà vạy, tham sanh, mê tưởng[157].

“1. Gọi là tà kiến tức không biết đời này đời sau, việc làm tự cho là đúng, ưa thích bói toán để cầu phước sống lâu.

“2. Tà tư, nhớ nghĩ ái dục, dấy tâm tranh cãi, sân hận.

“3. Tà ngôn, nói lời dèm pha một cách hư dối, dua nịnh, bêu xấu, nói lời thêu dệt.

“4. Tà hạnh, có ý sát sanh, trộm cắp, dâm dật.

“5. Tà mạng tức cầu lợi lộc, cơm áo không đúng chánh đạo.

“6. Tà trị tức không thể ngăn chận điều ác, không thể thực hành điều thiện.

“7. Tà chí, tâm tham chuyện dục lạc, thân đau khổ mà cho là thanh tịnh.

“8. Tà định, chú tâm mong cầu, không thấy được con đường giải thoát.[158]

“Như vậy, này Tu bạt! Ngày trước, Ta xuất gia tìm đạo, trải mười hai năm, được đắc đạo thành Phật, giảng nói kinh pháp trải qua năm mươi năm. Từ lúc Ta từ bỏ gia đình, có định, có huệ, có giải thoát, giải thoát tri kiến. Người giảng nói chánh đạo chỉ có Phật Sa-môn, chứ không phải kẻ phàm phu, ngoại đạo thực hiện được. Ta vốn có tám chơn đạo. Quả vị Sa-môn thứ nhất nhờ đó mà đắc đạo, quả vị Sa-môn thứ hai, thứ ba, cho đến thứ tư đều từ đó mà thành tựu. Nếu ai không thấy tám chơn đạo này thì kẻ ấy không thể chứng đắc được bốn đạo quả Sa-môn. Tám chơn đạo là:

“1. Chánh kiến: là thấy đời này và đời sau, làm thiện thì có phước, làm ác thì bị tai họa, hiểu biết khổ, tập; hành diệt, được đạo.

“2. Chánh tư: nghĩ đến sự xuất gia đạt an lạc, bỏ tâm tranh chấp, sân hận.

“3. Chánh ngôn: lời nói chân thật chí thành, hòa dịu, trung tín.

“4. Chánh hạnh: không sát sanh, không tà vạy, không có tâm dâm dục.

“5. Chánh mạng: cầu lợi ích cơm áo, theo đúng đạo không tà vạy.

“6. Chánh trị: ngăn chận, kiềm chế hạnh ác, phát khởi ý thiện.

“7. Chánh chí: Quán về bốn pháp: quán về thân, thọ, ý, pháp, hiểu vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh.

“8. Chánh định: một mực vô vi, thành tựu bốn thiền hạnh.[159]

“Sa-môn, Phạm chí, thực hành tám điều chơn chánh này, mới thành tựu bốn đạo quả, có thể rống lên tiếng rống của sư tử. Đệ tử hiền thiện của Ta thực hành không buông lung, ý niệm về thế gian đã diệt, cho nên được quả A-la-hán.”

Bấy giờ Tu-bạt nói với hiền giả A-nan:

“Vui thay, này hiền giả! Sự lợi lạc này vừa rộng lớn vừa tốt đẹp. Thật chưa từng có. Phàm là hàng đệ tử thượng tôn, được gặp điều này, há chẳng vi diệu sao? Nay tôi đã thọ ân của bậc Thánh, được nghe pháp này, mong được xuất gia, thọ giới thành tựu[160].”

Hiền giả A-nan thưa đức Phật:

“Phạm chí Tu-bạt mong được thọ giới luật giải thoát của đức Thế Tôn[161], xuất gia, thành tựu hạnh Sa-môn.”

Đức Phật dùng giới thành tựu trao cho Phạm chí nói:

“Người cuối cùng chứng đắc giới pháp thanh tịnh của ta chính là dị học Tu-bạt. Ngài liền trao giới cho Tu-bạt làm Tỳ-kheo. Tu-bạt nhất tâm lãnh tho,ï không buông lung, bằng chánh cần, bằng niệm xứ,[162] đoạn trừ các thứ phiền não, để đạt được mục đích vì đó mà đã cạo bỏ râu tóc, khoác cà-sa, từ gia đình do tín tâm mà lìa bỏ gia đình, vì muốn đắc pháp với đạo, thành tựu tịnh hạnh, tự biết đã được chứng ngộ, thành tựu giải thoát, cứu cánh an lạc, làm những điều nên làm, tâm ý đã thông suốt. Hiền giả Tu-bạt đã vượt khỏi mọi trói buộc của thế gian, đắc quả Ứng chơn. Hiền giả tự suy nghĩ: ‘Ta không thể chờ đức Phật Bát-nê-hoàn.’ Hiền giả liền diệt độ trước đức Phật.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Sau khi ta diệt độ, như có kẻ ngoại đạo học theo phái khác học, trong hàng dị sanh, muốn cắt bỏ đầu tóc bện, bước chân lên bến pháp, tắm rửa để trở nên thanh tịnh, xuất gia xin thọ giới, thì nên cho kẻ ấy làm Sa-môn. Tại sao? Vì kẻ ấy có chí lớn. Trước hết phải tập sự trong ba tháng[163] để biết kẻ ấy có thật sự dụng tâm hay không? Nếu lời nói và hành động của người ấy phù hợp nhau thì có thể xả bỏ các lỗi lầm, trước trao cho mười giới, nếu ba năm không sai phạm thì mới trao cho hai trăm năm mươi giới, trong đó mười giới là gốc, hai trăm bốn mươi giới là phần oai nghi phép tắc[164]. Nếu ai có thể làm được như vậy thì chư thiên luôn hoan hỷ.

“Lại nữa, phàm người mong muốn trì luật thị giới làm Sa-môn là do có bốn nhân duyên, đều do có ý muốn gần đạo thích an lạc mà ra. Sau khi ta diệt độ, hoặc có người lìa bỏ chức quan mong làm Sa-môn; hoặc có người vì tuổi cao, già cả nên mong làm Sa-môn; hoặc có người bần cùng, nghèo khốn nên muốn làm Sa-môn; hoặc có người vì muốn tu tập theo chánh hạnh nên muốn làm Sa-môn. Nếu là người hiền tài muốn tu tập chánh hạnh, kẻ già cả, bần cùng khốn khổ, kẻ lìa bỏ quan chức đến mà tu đạo, những người ấy đối với y phục, thức ăn uống đã đầy đủ rồi thì phải thọ tụng lời pháp. Như có người tu tập hạnh thanh tịnh, thì có thể làm cho chánh pháp được tồn tại lâu dài, vì nhờ người ấy nên khiến cho nhiều người đươc an ổn, được độ thoát, thế gian được nương nhờ, lợi lạc khắp trời, người. Cho nên mới nói: ‘Người theo pháp thì đời này được an lạc, đời này được giải thoát.’ Vậy nên dốc tâm thọ trì.

“Người đó nhờ pháp gì mà đời này được an lạc, được giải thoát? Là 12 bộ kinh mà Phật đã nói: 1. Văn, 2. Ca, 3. Ký, 4. Tụng, 5. Thí dụ, 6. Bổn ký, 7. Sự giải, 8. Sanh truyện, 9. Quảng bác, 10. Tự nhiên, 11. Đạo hạnh, 12. Lưỡng hiện.[165] Đó gọi là pháp. Nếu ai phụng trì, gìn giữ đúng như pháp thì đời này được an lạc, có thể được giải thoát. Vậy nên dốc tâm thọ lãnh, hộ trì, đọc tụng, chánh tâm suy nghĩ, khiến cho đạo thanh tịnh được trụ thế lâu dài.

“Này các đệ tử, hãy nên tự nỗ lực, tinh tấn, đừng có biếng nhác, xem thường, rồi bảo: ‘ Đức Phật đã diệt độ, không còn ai để nương tựa.’ Nên vâng theo pháp giáo, cứ mỗi nửa tháng, vào ngày rằm và ngày ba mươi hãy giảng giới, các ngày lục trai, ngồi trên tòa cao tụng kinh, để tâm nơi kinh, giống như đức Phật còn tại thế.

“Lại nữa, các vị tộc tánh tử và tộc tánh nữ, hãy nên nhớ nghĩ bốn việc sau đây:

“1. Khi đức Phật làm Bồ tát, mới hạ sanh.

“2. Lúc đức Phật mới đắc đạo chánh giác vi diệu.

“3. Lúc thuyết kinh chuyển pháp luân đầu tiên.

“4. Lúc bỏ tuổi thọ còn lại, tâm vô vi nhập Nê-hoàn.

“Hãy nên bàn luận, tư duy các việc này. Nhớ đức Phật lúc sanh ra, phước đức như vậy. Lúc đức Phật đắc đạo, thần lực như vậy. Lúc chuyển pháp luân độ người như vậy. Lúc sắp diệt độ, để lại giáo pháp như vậy.

“Tiếp theo, thời trung gian, thời cuối cùng, nếu ai suy tư nhớ nghĩ về điều này, khởi ý thực hành đều được sanh lên cõi Trời. Nếu ai thọ trì điều này mà có nghi ngờ về Phật, và Pháp, Thánh chúng, về Khổ, Tập, Tận, Đạo, thì này các Tỳ-kheo, hãy nên giải đáp những nghi vấn cho kẻ ấy như lúc ta còn tại thế. Vậy nay hãy đem lời nói ấy hỏi đức Phật và chơn đệ tử, hãy tự mình đến hỏi ta và nghe ta giải thích.”

Hiền giả A-nan đứng ở sau, quạt đức Phật, thưa:

“Dạ vâng! Tất cả đều đã mong chờ ân Phật mà được an lạc. Không có một Tỳ-kheo nào có ý nghi về Phật, Pháp, Chúng và Bốn đế.”

Đức Phật bảo hiền giả A-nan:

“Tất cả đều đã được an lạc, nhờ Như Lai giáo hóa, dẫn dắt, nên đối với Phật, Pháp, Thánh chúng và Bốn đế là Khổ, Tập, Tận, Đạo, không còn nghi ngờ nữa. Vậy hãy bỏ tâm tham dục, khinh mạn đi, vâng theo lời Phật dạy, bằng tâm tinh tấn để thọ trì, tư duy tĩnh lặng mà hành đạo. Đó là những lời khuyên dạy cuối cùng của đức Phật, hãy cung kính tùy thuận.

“Này các Tỳ-kheo! Hãy quan sát dung mạo, uy nghi của đức Phật, khó có dịp để nhìn lại Ngài. Về sau, hơn một ức bốn ngàn năm nữa mới lại có đức Phật Di-lặc[166] ra đời. Thật khó mà luôn được gặp Phật. Trong thiên hạ có cây Âu-đàm-bát[167], không hoa mà có trái. Nhưng nếu khi cây ấy ra hoa thì thế gian mới có Phật. Đức Phật là mặt trời của thế gian, luôn lo trừ diệt bóng tối cho chúng sanh. Chính Ta là bậc Thánh sư, tuổi đã bảy mươi chín, điều cần làm thì đã làm xong, các vị hãy siêng năng, tinh tấn. Giờ cũng đã nửa đêm rồi.”

Rồi thì, đức Phật nhập sơ thiền. Rồi xuất sơ thiền, Ngài khởi thiền thứ hai. Xuất thiền thứ hai, Ngài khởi thiền thứ ba. Xuất thiền thứ ba, Ngài khởi thiền thứ tư. Xuất thiền thứ tư, Ngài nhập Không vô tế[168]. Xuất Không vô tế, Ngài nhập Thức vô lượng. Xuất Thức vô lượng Ngài nhậpVô sở dụng. Xuất Vô sở dụng Ngài nhập Bất tưởng nhập.[169] Xuất Bất tưởng nhập Ngài nhập Tưởng tri diệt[170].”

Bấy giờ, hiền giả A-nan hỏi hiền giả A-na-luật [171]:

“Đức Phật đã diệt độ rồi chăng?”

A-na-luật nói:

“Chưa diệt độ. Đức Phật mới tư duy nhớ nghĩ về định Tưởng tri diệt.”

Hiền giả A-nan nói:

“Trước đây tôi nghe đức Phật bảo: ‘ Từ chỗ nhập Tứ thiền cho đến vô tri, xả trạng thái vô vi hữu dư y thì nhập Niết-bàn[172]’.”

Khi ấy, đức Phật xả Tưởng tri diệt, trở lại tư duy Bất tưởng nhập; xả Bất tưởng nhập tư duy Vô sở dụng; xả Vô sở dụng tư duy Thức vô lượng; xả Thức vô lượng tư duy Không vô tế; xả Không vô tế tư duy Thiền thứ tư; xả Thiền thứ tư tư duy Thiền thứ ba; xả Thiền thứ ba tư duy Thiền thứ hai; xả Thiền thứ hai tư duy Thiền thứ nhất. Từ thiền thứ nhất nhập trở lại cho đến thiền thứ ba, rồi thiền thứ bốn, trở lại Vô tri, xả bỏ trạng thái Niết-bàn hữu dư y, liền Bát-nê-hoàn. Ngay lúc ấy, đại địa chấn động, chư thiên, rồng, thần, hiện ra đầy cả không trung, tung hoa như mưa, chẳng ai là chẳng than thở, luyến tiếc, đi đến cúng dường.”

Bấy giờ Đế Thích ở tầng trời thứ hai hiện ra đọc bài tụng:

Ấm, hành đều vô thường,

Chỉ là Pháp hưng, suy;

Có sanh thì có tử,

Phật diệt độ, an lạc.

Vị Phạm thiên nơi cõi trời thứ bảy hiện ra đọc bài tụng:

Tuyệt thay, Phật đã bỏ,

Điều thế gian mê đắm;

Rộng dạy pháp thanh tịnh,

Ba cõi không ai bằng.

Thần lực diệu, Vô uý,

Ánh sáng mất từ nay.

Hiền giả A-na-luật đọc bài tụng:

Phật đã trụ Vô-vi,

Hơi ra vào đã dứt;

Vốn từ tự nhiên đến,

Nay trở về Linh diệu.

Ý tịnh, không tham đắm,

Vì người, chịu thân bịnh;

Giáo hóa đã hoàn tất,

Mới trở về Tịch diệt.

Từ khi được gặp Phật,

Ai chẳng đội ơn sâu;

Nay vào cõi thanh hư,

Biết lúc lại xuất hiện.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo đều rối loạn, bồi hồi, than thở: ‘Đức Phật Bát-nê-hoàn, sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất, sao mà nhanh quá!’ Trong số ấy có người buồn bã than khóc, tự nghĩ đến cái khổ của thế gian không đạt được đạo. Có người nhìn vào thi thể đức Phật chú tâm tư duy về hữu là từ nhân duyên sanh, tạo tác không ngừng, phải chịu sự vô thường, khổ, đã sanh thì phải tử, tử rồi lại sanh, sanh tử qua lại, nhưng tinh thần bất diệt, không bị chi phối. Hiền giả A-na-luật nói:

“Thôi đi, thôi đi! này A-nan! Hãy bảo cho các Tỳ-kheo biết, chư Thiên trên trời thấy việc đó sẽ cho là mê mờ. Vì có ai xuất gia nhập vào luật giải thoát mà lại không thể dùng pháp lợi để tự giải thoát?”

Hiền giả A-nan gạt nước mắt thưa:

“Ở trên đó có bao nhiêu vị trời?”

“Từ Uy-da-việt[173] cho đến miếu Âu-đồ[174] và sông Hi-liên[175], khoảng cách bốn trăm tám mươi dặm, chư Thiên hiện ra đầy khắp, chẳng có khoảng hư không nào là chẳng có họ đang bồi hồi, rối loạn, cùng nói: ‘Đức Phật Bát-nê-hoàn sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất, sao mà nhanh quá!’ Trong đó có người lo lắng than thở, thương nỗi khổ của thế gian bị tham dục che lấp, không thấy được chánh đạo. Hoặc họ cùng bảo nhau rằng: Đức Phật dạy: ‘ Sanh tử vốn từ duyên khởi, ý luôn tạo tác, thọ nhận sự vô thường, khổ, đã sanh thì phải tử, tử rồi lại sanh, thức theo hành mà di chuyển, đâu biết được Nê-hoàn? Đức Phật đã độ thoát thế gian, vậy mọi người phải nên tinh tấn, đã quá nửa đêm rồi!’”

Hiền giả A-na-luật bảo hiền giả A-nan:

“Hãy vào trong thành bảo cho mọi người biết là đức Phật đã diệt độ, ai muốn khâm liệm, hãy nên kịp thời.”

Hiền giả A-nan liền vào trong thành, báo cho mọi người biết. Các Hoa thị nghe được điều ấy, ai cũng kinh ngạc, buồn bã thương tiếc, nói:

“Đức Phật Bát nê-hoàn sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất, sao mà nhanh quá!”

Người trong thành cùng nhau tụ hội, mang hương hoa đến chỗ nhục thân của Phật, cúi đầu đảnh lễ để thừa sự cúng dường. Họ cùng hỏi hiền giả A-nan:

“Phương pháp khâm liệm an táng đức Thế Tôn như thế nào?”

Như lời Đức Phật dạy:

“Phải làm như phương pháp khâm liệm và an táng của Chuyển luân vương, đối với đức Phật còn phải hơn thế nữa.”

Các hào tánh thưa:

“Xin hãy để trong bảy ngày, chúng con muốn dâng cúng kỹ nhạc, hoa hương, đèn đuốc để tâm ý được khai mở.”

Hiền giả A-nan đáp:

“Tùy ý các vị mong muốn.

Các Hoa thị liền chung sức lại để lo liệu. Nào làm bình bằng vàng, linh xa bằng vàng, kim quan bằng vàng, quách bằng sắt, đầy đủ gấm mới kiếp-ba, năm trăm xấp giạ.

Bấy giờ, dân chúng ở bốn phương, chu vi trong khoảng bốn trăm tám mươi dặm, đều mang kỹ nhạc, hoa hương đi đến song thọ, đồng khiêng nhục thân đức Phật đặt lên trên giường bằng vàng, rồi dùng kỹ nhạc, lễ bái cúng dường.

Bấy giờ, các Hoa thị tuyển chọn các đồng nam để lo việc gìn giữ linh xa. Họ muốn đưa linh cữu đến khoảnh đất Âu-đồ để trà tỳ. Nhưng các đồng nam không thể đến gần phía trước linh xa của đức Phật được, họ lại tiến lên đến hai ba lần, nhưng vẫn không thể tới được.”

Hiền giả A-na-luật nói với hiền giả A-nan:

“Sở dĩ không thể đến gần linh xa của đức Phật, vì đó là ý của chư Thiên. Họ muốn bảo các đồng nam của Hoa thị hãy vịn vào phía bên trái, còn chư Thiên ở phía bên mặt, dân trong nước thì đi theo sau, đồng khiêng kim sàng của đức Phật vào cửa thành phía Đông, lúc đi qua trong thành, tấu nhạc trời lên để cúng dường, xong thì đi ra cửa thành phía tây, đặt trên đất Âu Đồ, chất các thứ gỗ hương nhiều lớp rồi trà tỳ.”

Hiền giả A-nan thưa:

“Xin vâng, kính vâng như ý nguyện của chư Thiên.”

Rồi hiền giả bảo cho các Hoa thị biết ý nguyện đó.

Họ đều thưa:

“Kính tuân lệnh.

Họ liền bảo các đồng nam ở phía bên tả dùng nhiều dây lụa cột chặt góc bên trái, còn chư Thiên thì thuộc về bên mặt, dùng dây lụa cột chặt nơi góc phải của cái giường. Ngoài ra, có vô số chư Thiên ở trên hư không, rải đủ thứ hoa trời, rưới các hương thơm.

Bấy giờ, đại thần Ba-hiền cùng đại thần Câu-di-bàn-bạc[176]: Muốn dùng âm nhạc của loài người để ca ngợi, tiếp theo nhạc trời cùng đưa xá-lợi.

“Liền như lời bàn bạc, cả đoàn đi từ từ vào cửa thành phía Đông, đi khắp trong thành, đến ngã tư đường lớn, dừng chân nơi đường hẻm, rải hương hoa và trỗi nhạc, ra khỏi cửa thành phía Tây, đến vùng đất Âu đồ, lấy lụa kiếp-ba quấn quanh thân thể đức Phật, dùng năm trăm xấp giạ quấn tiếp theo hơn một ngàn lần, rồi dùng dầu mè dầu thơm để tẩm, rưới đầy kim quan, cùng trên nhục thân Phật, khiêng kim quan lên đặt vào trong quách bằng sắt, đậy kín nắp kim quan, chất các thứ gỗ hương lên xong, đại thần Âu-tô[177] bắt đầu châm lửa đốt, lửa mới hừng lên liền tắt ngay đốt tới ba lần vẫn không cháy.”

Hiền giả A-na-luật bảo hiền giả A-nan:

“Sở dĩ lửa không cháy là do ý của chư thiên. Họ thấy hiền giả Đại Ca-diếp đang dẫn năm trăm đồ chúng từ Ba-tuần trở về đây, đã đi được nửa đường, muốn về gấp để được thấy mặt cùng đảnh lễ đức Phật, cho nên đã khiến lửa không cháy.”

Hiền giả A-nan thưa:

“Dạ vâng, xin tôn kính ý nguyện của chư thiên.

Bấy giờ có đạo sĩ thuộc học phái khác, tên là A-di-duy[178], thấy đức Phật diệt độ, ông ta nhặt được cành hoa trời mạn-na-la, ngược đường đi về phía hiền giả Đại Ca-diếp. Hiền giả Ca-diếp thấy vậy liền đến hỏi:

“Ông có biết đức Phật là bậc Thánh sư mà tôi tôn thờ chăng?

A-di-duy đáp:

“Tôi biết rõ điều này. Ngài đã Bát-nê-hoàn được bảy ngày. Trời người cùng tụ hội để cúng dường Ngài. Tôi từ chỗ đó đến đây nên có được cành hoa trời này.”

Khi ấy, hiền giả Ca-diếp buồn bã không vui. Trong số năm trăm vị Tỳ-kheo, nhiều người bồi hồi, rối loạn, ngẩng mặt lên trời than thở:

“Đức Phật Bát-nê-hoàn sao mà nhanh quá! Con mắt của thế gian đã tắt mất rồi!”

Có người thì lo lắng, buồn thương, nghĩ đến nỗi khổ của thế gian do ân ái trói buộc, không thể thấy được chánh đạo.

Hiền giả Ca-diếp bảo:

“Các hiền giả chớ lo buồn. Nên biết rằng có thân là do duyên khởi, tâm ý luôn tạo tác không dừng nghỉ, đều là vô thường, khổ, có sanh thì có tử, có tử là do có sanh, ở trong năm đường bất an, chỉ có Nê-hoàn mới là cảnh giới hoàn toàn an lạc. Người chưa đắc đạo, hãy cầu pháp lợi, lìa bỏ mọi nẻo tạo tác của các pháp hữu vi thì sẽ đắc đạo. Tất cả hãy thu gom y bát, đi nhanh thì mới kịp để được nhìn thấy thân sắc của Phật.

Trong chúng này có một Tỳ-kheo tên là Đàn-đầu, cũng thuộc giòng họ Thích, cùng xuất gia theo Phật, nói với các Tỳ-kheo:

“Chuyện gì phải lo lắng như vậy? Chúng ta từ nay được tự do. Ông già ấy thường bảo: ‘ Nên làm cái này, không nên làm cái kia.’ Nay ông ta mất rồi há không phải là điều hết sức tốt sao?”

Hiền giả Ca-diếp nghe lời ấy càng buồn bã hơn, nên giục đại chúng mau đến Song thọ để được thấy Phật. Đến nơi, hiền giả Ca-diếp bảo Hiền giả A-nan:

“Nay chưa trà-tỳ vậy hãy cho tôi thấy thân đức Phật.”

Hiền giả A-nan thưa:

“Thân của đức Phật đã được khâm liệm, ướp bằng dầu mè, để trong kim quan, bên ngoài thì chất các thứ gỗ hương, chung quanh thì tẩm dầu, tuy chưa trà-tỳ, nhưng khó có thể thấy được.

Hiền giả Ca-diếp bày tỏ ý muốn của mình đến lần thứ ba, nhưng Hiền giả A Nan vẫn đáp như lúc đầu.

Bấy giờ, nhục thân của đức Phật từ trong nhiều lớp áo quan lộ ra hai chân. Mọi người đều thấy, ai cũng hết sức vui mừng. Hiền giả Ca-diếp cúi đầu đảnh lễ. Thấy trên chân của đức Phật có màu sắc lạ, liền hỏi hiền giả A-nan:

“Thân Phật sắc vàng, vậy do cớ gì mà đổi khác?”

A-nan thưa:

“Có một bà cụ già yếu, cúi lạy nơi chân đức Phật làm nhỏ nước mắt trên chân Ngài nên mới có màu sắc khác như vậy.

Hiền giả Đại Ca-diếp lại không vui, cung kính đọc bài tụng:

Ngài tịch diệt, chẳng sanh

Chẳng còn thọ già, chết

Cũng không còn hội ngộ,

Không có ghét phải gặp

Vốn đã bỏ ân ái,

Chẳng bị buồn biệt ly

Do dốc cầu phương tiện,

Nên đạt được như vậy

Năm ấm Phật thanh tịnh,

Đã đoạn trừ hết thảy

Cũng không còn tạo tác,

Để thọ lại năm ấm.

Khổ đau đã hết rồi,

Gốc hữu cũng trừ sạch

Do dốc cầu phương tiện,

Mới an lạc như vậy.

Phật đã đoạn thế gian,

Trừ bỏ mọi ái dục

Ngài kham nhẫn tất cả,

Nên lìa các hoạn nạn

Ngài đã đạt an định

Đem an lạc muôn loài.

Phải nên đảnh lễ Ngài,

Vĩnh viễn thoát ba cõi.

Kinh giới Phật nói ra,

Tỏa sáng khắp thế gian

Ngài rộng hiện chánh đạo,

Chắc thật, dứt mọi nghi.

Cứu tất cả muôn loài,

Khiến thoát khỏi già chết.

Những người gặp được Phật,

Ai chẳng mang ơn lớn

Như trăng chiếu ban đêm,

Để phá tan bóng tối.

Mặt trời chiếu ban ngày,

Soi sáng mọi nơi chốn.

Cũng như ánh điện chớp,

Mây dày liền rực sáng.

Hào quang Phật chiếu ra,

Ba cõi cùng tỏ rạng.

Hết thảy sông danh tiếng,

Sông Côn-luân lớn nhất;

Tất cả vùng nước lớn,

Biển cả là hơn hết;

Trong tất cả tinh tú,

Mặt trăng là sáng nhất;

Phật dẫn dắt chúng sanh,

Trời người đều tôn quý.

Phật cứu độ thế gian,

Phước đức ban rải khắp.

Giới pháp đã thuyết giảng,

Mọi chốn đều phân minh.

Cũng đem pháp lưu bổ,

Đệ tử dốc hành trì,

Khiến Trời, người, quỷ, thần ...

Đều cung kính đảnh lễ.

Hiền giả Đại Ca-diếp đọc kệ xong, đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh kim quan ba vòng, rồi đứng qua một bên.

Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, các thanh tín sĩ, thanh tín nữ, Trời, Rồng, Quỷ thần, Thần thiên-nhạc, Thần chất-lược, Thần kim-sí điểu, Thần Ái dục, Thần Xà-khu... đều đến trước đảnh lễ nơi chân Phật, nhiễu quanh kim quan ba lần, rồi đứng qua một bên.

 Bấy giờ, kim quan của đức Phật không đốt nhưng tự nhiên bốc cháy. Hiền giả A-nan liền đọc bài tụng:

Phật thanh tịnh trong ngoài,   

Là thân của Phạm thế;

Gốc hành hóa thần diệu,   

Nên nay mới như vậy.

Hơn ngàn lớp lụa, giạ,  

Đâu cần áo che thân,

Cũng không cần giặt giũ,  

Như trăng trong sáng ngời.

 Cho đến hết đêm ấy, công việc trà-tỳ nhục thân Phật xong xuôi, thì tự nhiên ở nơi đó mọc lên bốn cây: Cây tô-thiền-ni, cây ca-duy-đồ, cây a-thế-đề, cây ni-câu-loại[179]. Các vị cư sĩ, lý gia trong nước cùng nhau thu nhặt xá-lợi của Phật đựng đầy nơi bình bằng vàng, đặt trên linh xa, đưa vào thành để trên đại điện, rồi cùng cho tấu kỹ nhạc, rải hoa, đốt hương, lễ bái cúng dường.

Bấy giờ, các tộc họ Hoa thị của nước Ba-tuần, các Câu-lân của nước Khả Lạc, các Mãn-ly của nước Hữu Hoành, các Phạm chí của nước Thần Châu, các Ly-kiền của nước Duy-da,[180] nghe tin đức Phật dừng chân ở Song thọ để Bát Nê-hoàn, nên họ đều sửa soạn bốn thứ binh đội là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh cùng kéo đến nước Câu-di, dừng chân nơi ngoài thành, bảo sứ vào thưa:

“Chúng tôi nghe đức Phật Chúng hựu diệt độ ở đây. Ngài cũng là Thầy của chúng tôi. Chúng tôi có lòng kính mộ Ngài, đồng đến với vua xin phân chia phần xá lợi, đem về bản quốc lập bảo tháp cúng dường.”

Vua nước Câu-di bảo:

“Đức Phật tự đến nơi đây, vậy nước tôi sẽ chăm lo việc cúng dường Ngài. Thật là cực khổ cho các vua từ xa tới muốn chia phần xá-lợi, điều đó thì không thể được.

Các người thuộc dòng họ Thích nước Xích trạch[181] cũng kéo bốn loại binh, đến nói:

“Chúng tôi nghe đức Phật Chúng hựu diệt độ ở đây. Ngài là bậc Thánh đệ nhất của giòng họ Thích, xuất thân từ bà con, đúng là bậc cha ông của chúng tôi. Chúng tôi có lòng kính mộ, nên đến đây để xin chia phần xá-lợi đem về dựng bảo tháp cúng dường.

Nhà vua nước Câu-di vẫn trả lời như trước, không chịu chia phần.

Vua nước Ma-kiệt là A-xà-thế lại dẫn bốn loại binh, vượt qua sông lớn để đến, bảo Phạm chí Mao-quệ[182] vào để hỏi tin tức, rồi ân cần thưa:

“Tôi lâu nay vốn có lòng tin tưởng vào tình bạn của nhà vua, không bảo thủ, không tranh chấp. Nay đức Phật Chúng hựu đã diệt độ nơi đây. Ngài là bậc tôn quý của ba cõi; chính là vị Trời của tôi. Tôi luôn có lòng kính mộ nên đến đây để xin chia phần xá-lợi. Nếu nhà vua cho tôi phần xá-lợi của Phật thì hai nước chúng ta nếu có những vật báu gì thì nguyện cùng trao cho nhau để chung hưởng.”

Vua nước Câu-di đáp:

“Đức Phật tự đến đây, tôi sẽ lo việc cúng dường Ngài, xin cảm ơn Đại vương chứ không thể chia phần xá-lợi cho nhà vua được.”

Khi ấy Mao-quệ nhóm mọi người lại, làm bài tụng thông báo:

Nay những người thành tâm,

Từ xa đến lễ bái;

Xin được chia xá-lợi,

Nếu như vua không cho.

Sự việc ấy động chúng,

Bốn binh chủng sẵn đây;

Nếu không dùng đạo nghĩa,   

Không tránh khỏi đao binh.

“Người của nước Câu-di cũng đáp lại bằng bài tụng:

Phiền các Ngài từ xa,

Nhọc sức đến lễ bái;

Phật để thân nơi đây,

Không dám hứa cho ai.

Các vị muốn động binh,

Tôi đây cũng sẵn sàng;

Ta cùng nhau sống chết,

Chưa từng biết sợ ai.

Phạm chí Mao-quệ giải thích với mọi người:

“Các vua đều vâng theo lời dạy của đức Phật một cách nghiêm túc; ban ngày thì tụng lời pháp, tâm cảm phục sự giáo hóa nhân từ của Ngài. Tất cả chúng sanh ai cũng nghĩ đến việc muốn được an ổn. Huống chi, đức Phật vì lòng đại từ nên thiêu hình để lại xá-lợi, muốn rộng làm phước báu cho khắp thiên hạ. Vậy sao lại muốn hủy diệt ý nhân từ của Ngài? Cho nên xá-lợi hiện tại phải được phân chia ra mà thôi.”

Mọi người đều khen là hay, nên cùng đến chỗ đặt xá-lợi, cung kính đảnh lễ xong thì đứng qua một bên, rồi bảo Mao-quệ chia xá-lợi. Bấy giờ Mao-quệ lấy một cái bát đá dùng mật xoa bên trong, chia làm tám phần, rồi thưa với mọi người:   

“Tôi đã cung kính đức Phật, và cũng thuận theo ý tốt của mọi người, mong được đem chiếc bát chia xá lợi này về nước để dựng bảo tháp cúng dường, được chăng?”

Mọi người đều nói:

“Bậc trí tuệ thì nên biết thời.”

Họ liền đồng ý.

Lại có Phạm chí tên là Ôn-vi[183], thưa với mọi người:

“Tôi trộm mến ý lành của chư vị, chỉ xin lấy phần than đốt ở dưới đất để đem về dựng bảo tháp cúng dường.”

Mọi người đều đồng ý.

Sau lại có đạo sĩ thuộc học phái khác ở nước Hữu hoành[184] đến xin phần tro còn lại ở dưới đất.

Lúc này tám nước đều được mỗi phần xá-lợi nên đều trở về nước mình để dựng tháp. Những tháp ấy đều trang nghiêm, đẹp đẽ.

Phạm chí Mao-quệ, đạo nhân Đại Ôn-vi ở Chủng-ấp trở về ấp Ti-phần, đạo sĩ của nước Hữu Hoành, thảy đều được phần tro đất, đều trở về dựng bảo tháp. Tám phần xá lợi có tám bảo tháp, tháp thờ bát chia xá lợi là chín, tháp thờ than là mười, tháp thờ tro là mười một.  

Đức Phật đãn sanh ngày mồng tám tháng tư, xuất gia ngày mồng tám tháng tư, thành đạo ngày mồng tám tháng tư, Bát-nê-hoàn ngày mồng tám tháng tư. Tất cả đều vào tháng sao Phật mọc[185]. Khi ấy trăm thứ hoa cỏ đều xanh tươi, cây cối sầm uất.   

Bấy giờ đức Phật đã Bát-nê-hoàn, ánh sáng của thiên hạ đã mất, chư thiên, thần khắp mười phương, thảy đều tự quy ngưỡng Phật.

 Xá-lợi đã chia rồi, nhưng bốn chúng đệ tử ở phương xa có người chưa được nghe tin, nên phải để sau chín mươi ngày mới xây tháp. Các vị Quốc vương đến tham dự, các Lý gia, dân chúng, gia đình quyến thuộc và các hàng nô tỳ đều trai giới trong chín mươi ngày. Bốn chúng đệ tử ở phương xa cùng tụ hội ở Câu-di, đồng hỏi hiền giả A-nan:

“Nên dựng tháp ở đâu?”

A-nan đáp:

“Nên ra khỏi thành bốn mươi dặm, đến ngã tư đường của khu đất rộng tạo dựng bảo tháp.”

Các tộc họ phú hào của nước Câu-di cùng nhau dùng ngọc làm ngói, viên ngói bề ngang và rộng ba thước (tấc), tập trung lại dùng để làm tháp, cao và rộng đều mười lăm thước, lấy bát vàng chứa xá-lợi để ngay chính giữa tháp, lập đàn pháp luân, treo cờ phướn trên cao, thắp đèn chưng hoa, đốt hương, ca nhạc, lễ bái cúng dường, để dân chúng trong cả nước đều được tạo lập phước đức.

Hiền giả Đại Ca-diếp, hiền giả A-na-luật và chúng Tỳ-kheo cùng nhau hội họp bàn bạc:

“Trong một ngày, ba mươi vạn dân chúng, các quan lại, các tộc họ quyền quý của các nước, khi gặp được Phật, đều hết lòng cung kính, tạo phước, khi chết đều được sanh lên cõi Trời thứ tư, cùng được gặp Di-lặc và được giải thoát. Quốc vương của nước Câu-di sẽ sanh lên trên cõi Trời thứ mười hai là Thủy âm[186], chờ khi Bồ-tát Di-lặc thành Phật sẽ đầu thai xuống tạo dựng Tinh xá cho đức Phật còn đẹp hơn khu lâm viên Kỳ-đà Cấp cô độc hiện nay.”

Hiền giả A-nan hỏi hiền giả Đại Ca-diếp:

“Vua nước Câu-di vì sao không ở chỗ đức Phật Di-lặc mà mong đạt đạo quả Ứng chơn?”

Đáp:

“Vì vua này chưa nhàm chán cái khổ về sanh tử. Ai không nhàm chán cái khổ của sanh thì không được đạo quả Ứng chơn.”

A-nan thưa:

“Tôi đã nhàm chán cái khổ của thân, sao không được lìa thế gian, không đạt được đạo quả?”

Hiền giả Đại Ca-diếp đáp:

“Vì hiền giả chỉ trì giới mà không hành quán về thân, vẫn còn ham thích sanh tử, niệm tưởng thức ăn, nên các hành về sanh tử chưa dứt.”

Đến chín mươi ngày, hiền giả Đại Ca-diếp, hiền giả A-na-luật  và chúng Tỳ-kheo cùng nhau bàn luận:

“Mười hai bộ kinh của đức Phật có bốn A-hàm, chỉ riêng hiền giả A-nan là người luôn gần gũi hầu hạ đức Phật. Đức Phật giảng nói, hiền giả A-nan đều ghi nhớ, vậy chúng ta phải nhờ hiền giả A-nan tụng đọc để chép lại, nhưng sợ hiền giả là người chưa đắc đạo nên còn có tâm tham chăng. Chúng ta nên đem việc xưa mà chất vấn hiền giả A-nan. Vậy hãy cho đặt tòa ngồi cao. Ba lần bước lên, ba lần phải bước xuống. Làm như vậy mới có thể đạt được lời thành thật.”

 Mọi người đều cho là hết sức hay.

Đại chúng đã tề tựu đông đủ và ngồi yên, Tỳ-kheo Trực Sự đuổi A-nan ra ngoài, giây lát lại thỉnh vào. Hiền giả A-nan đi vào, đảnh lễ chúng Tăng. Các Tỳ kheo chưa đắc đạo thấy thế bèn đứng dậy hết.

Tỳ-kheo Trực Sự bảo A-nan ngồi nơi tòa cao chính giữa. A-nan nhún nhường từ chối:

“Đây không phải là tòa ngồi của A-nan.”

Chúng Tỳ-kheo nói:

“Do vì Kinh Phật, cho nên hãy mời Hiền giả ngồi vào tòa cao để cho chúng tăng hỏi.”

A-nan ngồi lên ngồi tòa

Chúng Tăng hỏi:

“Hiền giả có lỗi lớn, vậy có biết chăng? Ngày ấy đức Phật nói: ‘An vui thay, Diêm-phù-đề! Tại sao Hiền giả không trả lời?’”

Tỳ-kheo Trực Sự bảo hiền giả A-nan bước xuống. A-nan bước xuống, rồi trả lời:

“Đức Phật không được tự tại sao mà phải chờ tôi thỉnh cầu?”

Chúng Tăng im lặng, Tỳ-kheo Trực Sự lại bảo lên tòa. Chúng Tăng lại hỏi:

“Đức Phật nói với hiền giả, ai đạt được bốn Thần túc thì có thể kéo dài tuổi thọ hơn một kiếp, tại sao Hiền giả lại làm thinh?”

Hiền giả A-nan lại xuống tòa để trả lời:

“Đức Phật nói: Bồ tát Di-lặc sẽ hạ sanh thành Phật. Người nào mới vào đạo theo ngài Di-lặc để tu tập mà thành. Giả sử đức Phật tự lưu lại thì Phật Di-lặc sẽ thế nào?”

Tăng chúng lại im lặng. Hiền giả A-nan trong lòng sợ hãi. Chúng Tỳ-kheo nói:

“Hiền giả nên theo đúng như ý của Pháp nói đầy đủ về Kinh của Phật.”

Hiền giả đáp:

“Kính vâng.”

Ba lần lên tòa như vậy. Lần sau cùng hiền giả A-nan lên tòa nói:

“Nghe như vầy, một thời...”

Trong chúng hội có những người chưa đắc đạo đều rơi nước mắt nói:

“Đức Phật vừa mới nói Kinh, nay sao đã vội mất?”

Hiền giả Đại Ca-diếp liền chọn ở trong chúng được bốn mươi vị Ứng chơn theo hiền giả A-nan để nghe truyền lại bốn bộ A-hàm. 1.-Trung A-hàm. 2.-Trường A-hàm. 3.-Tăng nhất A-hàm. 4.-Tạp A-hàm. Văn của bốn bộ này là:

Một là vì hàng tham dâm mà giảng nói.

Hai là vì hàng mừng giận mà giảng nói.

Ba vì hàng ngu si mà giảng nói.

Bốn vì hàng bất hiếu, không thừa sự mà giảng nói.

Văn của bốn bộ A-hàm, mỗi bộ gồm sáu mươi xấp.

Chúng Tỳ-kheo thưa rằng:

“Hãy nên chép văn bốn bộ A-hàm để phổ biến trong thiên hạ.”

Do vậy, chỗ trà-tỳ đức Phật tự nhiên mọc lên bốn cây danh mộc.

Tăng chúng liền cùng nhau kiểm điểm, phân biệt Kinh Phật ra thành mười hai bộ loại: Giới, Luật, Pháp đầy đủ để lưu lại cả ngàn năm.

Những ai trì kinh giới của Phật về sau đều được sanh chỗ đức Phật Di-lặc, tu học với Ngài mà được giải thoát sanh tử.


[1].Bản Hán, Bát-nê-hoàn kinh, quyển thượng, Đông Tấn, vô danh dịch. Đại I, No. 6 tr. 176a-183b. Tham chiếu, Phật thuyết Trường A-hàm kinh, quyển 2, Hậu Tần Hoằng thỉ niên Phật-Đà-Da-Xá cọng Trúc Phật Niệm dịch, ‘ Đệ nhất phần sơ Du hành kinh đệ nhị.’ Đại. I No. 2(1) tr. 11a-16b.

[2].Bản Hán: Quyển thượng kinh Bát-nê-hoàn.

[3].Nguyên văn: Văn như thị .

[4].    Diêu sơn . No. 1(2), Kỳ-xà-quật sơn. Các tên riêng phần lớn giống như No. 5. Xem các cht. liên hệ từ 4-7, số hiệu 5 Kinh Phật bát-nê-hoàn, quyển thượng.

[5].Chúng hựu ; phổ thông dịch là Thế Tôn.

[6].Chánh táo thần xá ; trong bản Pāli tương đương, Phật đã từng giảng 7 pháp bất thối cho người Bạt-kỳ tại thấn miếu Sārandada-cetiya. Xem cht.11, số hiệu 5, sđd.:

[7].Hán: chuyển tương thừa dụng . Xem cht. 11, số hiệu 5, sđd.:

[8].Hán: vô thủ vô nguyện . Xem cht. 12, sđd.: nt.

[9].Hán: Ứng chơn , tức A-la-hán.

[10]Sơn trạch, .

[11].  Hán; bất lạc hữu vi , không ham thích những hoạt động thế tục. Pāli: na kammārāmā  bhavissanti.

[12].   Hán: không hạnh ; có lẽ chỉ a-lan-nhã hạnh, tức thích sống trong rừng thanh vắng. Pāli: bhikkhū na saṅgaṇikārāmā bhavissanti, nếu các Tỳ-kheo không thích quần tụ.

[13].   Thất tài , hay thất Thánh tài. Đối chiếu Pāli: satta-ariya-dhanāni: bhikkhū saddhā  bhavissanti (Tỳ-kheo có tín),... hirimanā (có tàm),... ottappī (có quý),... bahussutā (đa văn),... āraddhaviriyā (có tinh cần nghị lực),... upatthitassatī (an trụ chánh niệm),... paññāvanto (có trí tuệ).

[14].   Thất giác ý (tức thất giác chi , hay bồ-đề phần ): 1. Chí niệm giác ỷ ; 2. Pháp giải giác ỷ ; 3. Tinh tấn giác ỷ ; 4. Ái hỷ giác ỷ ; 5. Nhất hướng giác ỷ ; 6. Duy định giác ỷ ; 7. Hành hộ giác ỷ . Đối chiếu bản Pāli: satta-sambojjhaṅgā: bhikkhū satisambojjhaṅgaṃ bhāvessanti (Tỳ-kheo tu tập niệm giác chi);... dhamma- vicayasambojjhaṅgaṃ (trạch pháp giác chi);... viriyasambojjhaṅgaṃ (tinh tấn giác chi);... pītisambojjhaṅgaṃ (hỷ giác chi);... passaddhi-sambojjhaṅgaṃ (khinh an giác chi);... amādhisambojjhaṅgaṃ  (chánh định giác chi),... upekkhāsamboj-jhaṅgaṃ... (xả giác chi).

[15]. Tham chiếu, No. 26(1) Trung A-hàm “Thiện pháp kinh”; No. 27 Thất tri kinh; Pāli: A.vii. 64 Dhamaññū.

[16].  Thất duy . Bản Pāli có satta-saññā, bảy tưởng, nhưng nội dung hơi khác.

[17].   Lục trọng pháp , thường gọi là pháp lục hòa, hay sáu pháp hòa kỉnh. Tham chiếu, No. 1(10) Trường A-hàm, “10. Thập thượng kinh” mục sáu thành pháp. Pāli: cha sārāiṇīyā dhammā, sáu pháp khả niệm, cần ghi nhớ.

[18].  Hán: tu thân dĩ khởi tâm từ tâm , nghĩa là, luôn luôn có thái độ hay cử từ ái đối với bạn đồng tu. Pāli: mettaṃ kāyakammaṃ, thân hành từ, hay thân nghiệp từ ái.

[19].  Xem cht. 22.

[20].   Tu khẩu thiện hành dĩ khởi từ tâm ; Pāli: metteṃ vacīkammaṃ paccupaṭṭhāpenti, xử sự khẩu nghiệp từ hòa với bạn đồng tu.

[21].   Hán: vị sở kiến pháp tế ; tham chiếu No. 1(10) Trường A-hàm “10 Thập thượng kinh” mục sáu thành pháp. Tham chiếu Pāli: labhā dhammikā dhamma -laddhā...

[22].   Đắc xuất chánh yếu ; xuất yếu hay xuất ly, Pāli: nissaraṇīya.

[23].   Nói về ý nghĩa của sáu trọng pháp, tham chiếu No. 1(10): Danh viết trọng pháp, khả kính khả trọng, hòa hiệp ư chúng, vô hữu tranh tụng, độc hành vô tạp . Pāli: ayaṃ pi dhammo sāraṇīyo piyakaraṇo garukaraṇo saṅgahāya avivādāya.

[24].  Ba-liên-phất ấp ; No. 1(2) sđd.: Ba-lăng-phất thành Pāli: Pāṭaliputta,.

[25].   Vương viên No. 1(2) sđd.: Trúc viên.; Pāli: Veluvana. Khu rừng trúc nổi tiếng ở Ma-kiệt-đà (Magadha).

[26].   Bốn Thánh đế: 1, tri khổ khổ ; 2. khổ do tập sanh ; 3. khổ tập tận  diệt ; 4. khổ tập tận thọ đạo .

[27].   Ngũ thạnh ấm khổ ; năm thạnh ấm tức năm thủ uẩn (Pāli: pañca upādānakkhamdhā)

[28].   Hán: đắc nhãn , tức có được con mắt thấy pháp. Pāli: dhamma-cakkhuṃ paṭilabhati.

[29].   Bát hạnh . Chính xác phải là tám chi (Pāli: aṭṭhaṅgika), nhưng nội dung được nêu trong đây không cùng nội dung với tám chi thường được biết.

[30].  Nguyên Hán: phi thân .

[31].  Hán: Thần thọ ; No. 1(2), Phật ngồi dươi gốc cây ba-lăng-phất (Pāli: pāṭala) ở ngoại thành.

[32].  A-vệ tụ . Không rõ địa danh này.

[33].  Nhân ý (?)

[34].  Nguyên Hán: vi thực

[35].  Cù-đàm môn . Pāli: Gotama-dvāra.

[36].   Cù-đàm tân . Pāli: Gotama-titthaṃ.

[37].   Bài tụng  hoàn toàn giống nhau với bài tụng ở No. 1(2) sđd.: chỉ khác nhau một vài chữ trên cách viết nhưng nghĩa thì đồng.

[38].   Như No. 1(2).

[39].   Ba điều ấy, chỉ cho Giới-định-tuệ.

[40]. Hán: thiền dự ký phong , không rõ nghĩa. Nhưng, tham chiếu Pāli: sīlaparibhāvito samādhi  mahapphalo hoti: định được tu tập cùng với giới thì có kết quả lớn.

[41].   Chánh độ dục tật ; có lẽ tương đương Pāli: (...) sammadeva āsavehi vimuccati seyyathidaṃ kāmāsavā bhavāsavā avijjāsavā, “chân chánh giải thoát  khỏi các lậu, là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.”

[42].   Hán: dụng tận thị sanh, nhập thanh tịnh hạnh, vụ như ưng tác, nhi tri nhất tâm 生。入 行。務 作。而 . Đây là văn chuẩn khi nói về một vị chứng quả A-la-hán; tuyên bố 4 điều, văn Hán dịch ở đây chỉ có 3.Văn chuẩn Hán thường gặp như sau: tự tri sanh dĩ tận, phạm hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu . khīṇā jāti vusitaṃ brahmacariyaṃ kataṃ karaṇīyaṃ nāparaṃ itthattāyāti pajānāti.

[43].   Hỷ dự ấp ; Pāli: Nādikā.

[44].  Hán: Kiền-kỳ thọ hạ Pāli: Ginjakāvasatha , ngôi nhà lợp ngói, hay nhà gạch.

[45].   Trên là danh sách mười người qua đời ở Hỷ-dự: Huyền Đảm , Thời Tiên . Sơ Động , Hoặc Chấn , Thúc Lương , Khoái Hiền , Bá Tông , Kiêm Đốc , Đức Xứng , Tịnh Cao . Tham chiếu No. 1(2) sđd.: ở Na-đà gồm mười hai người: Già-già-la, Già-lăng-già, Tỳ-già-đà, Già-lị-thâu, Giá-lâu, Bà-da-lâu, Bà-đầu-lâu, Tẩu-bà-đầu-lâu, Đà-lê-xá-nậu, Tẩu-đạt-lê-xá-đậu, Gia-thâu,  Gia-thâu-đa-lâu. Xem Số hiệu 1(2), cht. 41.

[46].  Chỉ 18 tầng trời thuộc Sắc giới.

[47].   Ngũ đạo đoạn ; đây chỉ đoạn trừ năm hạ phần kết, tức năm loại kết sử phiền não khiến tái sanh Dục giới; khi ấy được gọi là Thánh giả Bất hoàn vì không còn tái sanh Dục giới nữa. Pāli; orambhāgiya-samyojana.

[48].   Đoạn tam kết , đoạn trừ ba kết sử (Pāli: tiṇṇam samyojanaṃ parikkayā): hữu thân kiến (Pāli: sakkāya-diṭṭhi), giới cấm thủ (Pāli: sīlabbataparāmāsa), nghi (Pāli: vicikicchā ), chứng quả Tu-đà-hoàn hay Dự lưu.

[49].   Vô dâm nộ si , bị trấn áp không còn hoạt động chứ không phải đoạn tuyệt. (Pāli: rāgadosamohānam tanuttā).

[50]. Tần lai hay còn gọi là Nhất lai, Tư-đà-hàm (Pāli: Sakadāgāmi, Skt.: Sakṛdāgāmi), người tái sanh Dục giới một lần nữa mới nhập Niết-bàn.

[51].  Tứ hỷ , tức bốn chứng tịnh, bốn bất hoại tín, hay bốn dự lưu chi.

[52].  Câu cảng   tức Dự lưu hay Tu-đà-hoàn (Pāli: Sotapanna).

[53].  Tam ác đạo .

[54].   Ứng chơn tức A-la-hán

[55].   Nguyên văn: bất Phật pháp tình hỷ . Pháp tình tức pháp tánh, Pāli: dhammatā.

[56].   Dụng ngữ 12 chi duyên khởi theo bản Hán này: duyên bất minh hành , duyên hành thức , danh sắc , lục nhập , cánh lạc , thống , ái , thọ , hữu , sanh , lão tử ưu bi khổ mạn não , cư túc khổ tánh tập .

[57].  Nguyên Hán: si bất minh .

[58].  Xem cht. 51.

[59].  Hán: ý hỷ bất ly , cách dịch và hiểu khác của bất hoại tín, hay chứng tịnh. Pāli: avecca-pasāda.

[60].  Hán: quỷ thần ; đây chỉ ngạ quỷ.

[61].  Duy-da-ly quốc No. 1(2): Tỳ-xá-ly.

[62].  Câu-lợi-lịch thành ; No. 1(2) Câu-lợi. 

[63].  Hán: Nại thị viên , khu vườn của Nại nữ; xem cht. dưới

[64].  Nại nữ . No. 1(2) dâm nữ Am-bà-bà-lê. Pāli: Ambapāli.

[65].  Hán: kiện chế , “mạnh mẽ mà chế ngự”; đây chỉ bốn chánh cần hay chánh đoạn, nghị lực tu tập. Pāli: cattāro sammappadhānā.

[66].  Chí-duy ; đây chỉ bốn niệm xứ. Pāli: Cattāro sati-paṭṭhānāni.

[67].  Xem cht. dưới.

[68].Hán: duy nội thân tuần thân quán .

[69]Hán: tư duy phân biệt, đoạn, bất sử ý 使 . Tham chiếu No. 1(2): tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời.

[70].Hán: duy nội thống tuần thống quán , “quán thọ trên (nội) thọ.”

[71].   Hán: duy nội ý tuần ý quán . Nhận xét, các nơi khác, về bốn niệm xứ, chỉ quán thân mới có quán nội thân, ngoại thân và nội ngoại thân. Ba niệm xứ còn lại không phân biệt nội ngoại.

[72].  Hán: phân biệt . Tham chiếu No. 1(2) “10. Kinh Thập thượng”: Thế nào là hai tri pháp? Biết thị xứ và phi xứ. Tham chiếu Pāli, D. iii. Sangīti-sutta: ṭhānakusalatā ca aṭṭhānakusalatā ca.

[73].   Hán: dữ tâm tránh .

[74]Ly-xa No. 1(2), Lệ-xa. Paøli: Licchavi, thuộc bộ tộc Vajji, một bộ tộc hùng mạnh vào thời bấy giờ ở Vesali (Tỳ-xá-ly).

[75].Thiên-đế , tức Thiên-đế Thích. Pāli: Sakka Devā Indānam.

[76].Tịnh-ký (?)

[77].   Trúc phương ; No. 1(2), Trúc lâm. Trong bản Pāli, Phật từ vườn Ampāli đến làng Beluva.

[78].   Vệ-sa tụ ; chưa xác định được địa danh này. Có lẽ phiên âm của Trúc phương, hay Pāli  Beluvagāma. Theo bản Pāli, năm đó Phật và A-nan an cư tại xóm này.

[79].Bất niệm chúng tưởng chi định ; không thấy đề cập nơi các bản khác. Có thể muốn nói là tưởng thọ diệt tận định (Pāli: saññāvedayita-nirodha- samāpatti). Hoặc vô tướng định (Pāli: asaññā-samāpatti), nhưng đây là định của ngoại đạo mà Phật chê.

[80].Chánh thọ tam muội : chánh thọ và tam muội, hay đẳng chí và đẳng trì . Pāli: samāpatti và samādhi.

[81].Như kỳ tượng , Pāli, hoặc Skt. evarūpam: hình dung từ, “có hình thức như vậy,” hay “giống như vậy.”

[82].   Bất tưởng nhập , tức cõi trời phi tưởng phi phi tuởng xứ.

[83].   Đô vi hữu thân tác đính linh thân quy ; nói rõ hơn: hãy tự mình là ngọn đèn; tự mình là nơi nương tựa cho mình.

[84].   Xem cht. 66.

[85].   Câu chót này là văn chuẩn cho cả ba niệm xứ trên.

[86].   Hán: tị vũ thời , vào thời kỳ tránh mưa.

[87].   Viên hầu quán , không rõ địa danh này.

[88].   Cấp tật thần địa . No. 1(2), Giá-bà-la tháp. Pāli: Cāpāla-cetiya,.

[89].   Hy-liên-nhiên hà . Pāli:Hiraṇñavatī, ở Kusināra, nơi Phật nhập Niết-bàn.

[90].   Ma-ba-tuần . Pāli: Māra pāpimant , Ác ma, hay tử thần kẻ gây tội ác, xúi người khác làm ác.

[91].   Ủ-lưu hà . Pāli: Uruvelā; nhưng đó là địa phương ở bên bờ sông Neranlarā, gần cây bồ-đề nơi Phật thành đạo. Tham chiếu No. 1(2): “Khi xưa, Phật ở bên bờ sông Ni-liên-thuyền, thuộc xứ Uất-tỳ-la.”

[92].   Trong bản Hán: giải thuyết chư lão , có sự nhầm lẫn nào ở đây chăng?

[93].   Chí, hành, mạng ; chỉ tư, nghiệp và mạng căn. Tham chiếu, Câu xá luận, quyển 5: thức khởi nghiệp, nghiệp kết thành mạng căn tức tuổi thọ.

[94].   Hán: hưu , chỉ sự bình an; Pāli: santi.

[95].   Bốn chí duy tức bốn niệm xứ; bốn ý đoan tức bốn chánh cần hay chánh đoạn; bốn thân túc ; bốn thiền hành hay bốn tĩnh lự; năm căn ; năm lực ; bảy giác tức bảy giác chi; tám đạo đế hay thánh đạo tám chi. Trên đây, trừ bốn thiền, còn lại là 37 thành phần bồ-đề?

[96].   Tư duy dục định dĩ diệt chúng hành cụ niệm thần túc , , . Văn chuẩn (định cú) của Huyền Tráng: dục tam-ma-địa thắng hành thành tựu thần túc. Pāli: chanda-samādhi-padhāna-sankhāra-samanvāgata-iddhipāda: thần thông được thành tựu bằng dụng công không ngừng tập trung  tư tưởng trên điều ước muốn. Các giai đoạn tiếp theo, tập trung tâm chí (citta), tập trung nghị lực (viriya) và tập trung quán sát (vīmaṃsa)

[97].   Duy tinh tấn định, duy ý chí  định, duy giới tập định , , . Xem cht.96.

[98].   Đản niệm đản hành , tức duy tầm duy tứ, hay hữu giác hữu quán. Pāli: savitakka, savicāra.

[99].   Hỷ lạc vô vi , nghĩa là, có hỷ và lạc phát sanh do ly dục.

[100]. Chí tại điềm tĩnh , tức là, trạng thái hỷ và lạc  phát sanh do định.

[101]. Về văn chuẩn (định cú) của bốn thiền, tham chiếu No. 1(2), bản Việt, “9. Kinh Chúng tập”, “10. Kinh Thập thượng” và các chú thích rải rác.

[102]. Chỉ bốn bất hoại tín .

[103].  Câu-lợi ấp ; Pāli: koṭgāma. Nhưng trong bản Pāli, ra khỏi Vesāli, Phật đi đến thôn Bhandagāma.

[104].Tham chiếu Pāli: sīlaparibhāvito samādhi  mahapphalo hoti, định cùng tu với giới thì có kết quả lớn.

[105].Tuyên bố của một vị khi chứng quả A-la-hán: tận thị sanh, nhập thanh tịnh đạo, dĩ như ưng hành, nãi tự tri thân hậu bất phục thọ . Văn chuẩn, xem rải rác trong bản Việt, No. 1(2).

[106].Kiện trì ấp . Phiên âm gần giống Kiền chùy xứ (Pāli: Giñjakāvasatha), là ngôi nhà gạch mà Phật đã đi qua trước đó, ở Nàdika, tức xóm Hỷ dự.

[107].  Tam thái  chỉ cho tham, sân, si.

[108]. Tam cấu , đây chỉ ba lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.

[109].  Những nơi Phật đi qua:  ấp Yêm-mãn 滿 , ấp Xuất kim , ấp Thọ thủ , ấp Hoa thị , ấp Thiện tịnh . No. 1(2): từ Am-bà-la đi qua Chiêm-bà, Kiển-trà, Bệ-bà-la và thành Phụ-di. Pāli: từ  Bhandagāma đi Hatthigāma, Ambagāma, Jambugāma, Bhoganagara.

[110].   Chỉ sự chứng đắc thiên nhãn trí.

[111]. Chỉ sự chứng đắc tha tâm trí (thay vì là túc mạng trí).

[112]. Theo tuần tự, đoạn này nói về  lậu tận trí, nhưng văn dịch không rõ ràng.

[113].Phu diên ấp ; No. 1(2) sđd.: Phụ di thành. Pāli: Bhoganagara.

[114].  Lập lại ba trong tám nguyên nhân khiến cho cõi đất rung động ở trên.

[115].   Tám phương. No. 1(2) và bản Pāli đều nói là tám chúng hội.

[116].Trên là Sáu cõi trời thuộc Dục giới: Tứ thiên vương ; Đao-lợi thiên , Diệm thiên , Đâu-thuật thiên , Bất kiêu lạc thiên , Hóa ứng thanh thiên . Tham chiếu Trường A-hàm kinh quyển 20; Câu xá luận quyển 8, quyển 21; Đại trí độ luận quyển 9; Thành duy thức luận quyển 5.

[117].Trên là mười tám cõi trời Sắc giới; Phạm thiên , Phạm chúng thiên , Phạm phụ thiên , Đại phạm thiên , Thủy hành thiên , Thủy vi thiên , Thủy vô lượng thiên , Thủy âm thiên , Ước tịnh thiên , Tịnh thiên , Thanh minh thiên , Thủ diệu thiên , Huyền diệu thiên , Phước đức thiên , Ý thuần thiên , Cận thiên , Khoái kiến thiên , Vô kết ái thiên . Tham chiếu Câu xá luận quyển 8.

[118].Trên là bốn cõi trời Vô sắc: Không huệ nhập thiên , Thức huệ nhập thiên , Bất dụng huệ nhập thiên , Bất tưởng nhập thiên . Tham chiếu Trường A-hàm kinh quyển 20, Đại tỳ bà sa luận quyển 84.

[119].  Âu-ba-la , phiên âm phổ thông là ưu-đàm-bát-la, dịch là hoa linh thụy.

[120]. Tứ ám , chưa rõ.

[121]. Tứ chánh ý , chưa rõ.?

[122]. No. 6, đoạn văn từ: Bấy giờ đức Phật bảo hiền giả A-nan... cho đến thì chánh pháp được tồn tại lâu dài. Ngoài những sự kiện đồng dị về các pháp dạy giữa hai bản ra, như những chú thích trên, chúng cũng còn có những sự kiện sai biệt khác đó là có những sự kiện bản này có mà bản kia không và ngược lại.

[123]. Ba tuần quốc ; No. 1(2) sđd.: Ba-bà. Pāli: Pāvā.

[124]. Phu diên lịch thành ; No. 1(2) sđd.: Phụ-d1; Paøli: Bhoganagara . Xem cht. 113.

[125].Thiền đầu viên ; No. 2(2) sđd.: Xà đầu viên; Pāli: Pāvāyaṃ viharati Cundassa cammāraputtassa ambavane, trú xứ ở Pāvā trong vườn xoài của con trai người thợ sắt tên Cunda .

[126]. Hoa thị ; tức dòng họ Mạt-la (Pāli: Malla ), chủ nhân của thị trấn Pāvā và Kusinārā.

[127].Hán: Hoa thị tử Thuần ,  người con trai dòng họ Mạt-la tên Thuần (tức Thuần-đà, hay Châu-na); No. 1(2) sđd.: Châu-na , con trai của một người thợ. Pāli: Cundo kammāraputto, Cunda , người thợ (hoặc con trai người thợ) luyện kim.

[128]. Câu-di ấp ; No. 1(2): Câu-di-na-kiệt. Pāli: Kusinārā hay Kusinagara.

2.   Ba-tuần-lịch thành . Phiên âm cho phép đồng nhất với Pāli Pāvārikamba, khu vườn xoài ở Nālanda, gần Rajagaha (Vương xá). 

[130]. Trong bản Pāli, Phật sau khi dùng món nấm  sūkara-maddave do Cunda cúng, Ngài phát bịnh lỵ huyết.

[131].Câu-di hà . No. 1(2) và bản Pāli đều có đề cập con sông này nhưng không nói là tên gì.

[132].  Hi-liên ; tức Hi-liên-thiền (Pāli: Hiraññavatī, con sông có vàng), gần chỗ Phật diệt độ. Theo lộ trình, còn cách xa nữa. No. 1(2): A-nan đề nghị Phật chờ đến sông Câu tôn gần đó. Pāli: Kakutthā.

[133]. Phước-kế ; No. 1(2): Phúc-quý, đệ tử A-la-hán. Pāli: Pukkusa, đệ tử của Alāra Kālāma .

[134]. Tỳ-kheo Lực Lam ; No. 1(2); Thầy của Phúc-quý, A-la-hán. Pāli: Thầy của Pukkus là Alāra Kālama.

[135]. A-trầm ; No. 1(2) sđd.: A-việt. Pāli: Atuma .

[136]. Như-diên (diên bộ tâm); xem Trường 1(2) sđd.: cht. 141.

[137]. Phạm-đàn phạt ; xem Trường 1(2) sđd.: cht. 142

[138]. Nội dung tu tập mỗi giác chi: chí niệm chi giác, Phật dụng tự giác, thành vô tỷ Thánh ỷ, vô vi, chỉ, bất dâm, xả phân tán ý . Tham chiếu, No. 1(2): tu niệm giác ý, nhàn tĩnh, vô dục, xuất yếu, vô vi ; hoặc rải rác: y vô dục, y tịch diệt, y viễn ly .

[139]. Tô liên song thọ . Xem Trường 1(2) sđd.: cht. 111

[140]. Lý gia tức gia chủ.

[141]. Hán: Nho lâm dị học .

[142]. Hóa Tỳ-kheo , chỉ Tỳ-kheo hóa thân, không phải người thực. No, 1(2): Tỳ-kheo Phạm-ma-na. Pāli: Upavāna.

[143]. Đô thị lớn thời Phật:  Văn vật đại quốc tức Xá-vệ, thủ phủ của nước Câu-tát-la (Pāli: Kosala); Vương xá đại quốc ; thủ phủ của Ma-kiệt-đà (Magadha); Mãn-la đại quốc 滿 , tức Mạt-la; Duy-da đại quốc tức Tỳ-xá-ly, thủ phủ của nhừng người Lệ-xa (Licchavi). Hán dịch nói là các đại quốc, là lấy tên đô thị mà gọi thay tên nước.

[144]. Câu-na-việt  ; No. 1(2):  Câu-xá-bà-đề.

[145]. Thanh liên Âu-bát (Pāli: uppala); Tử liên Câu-điềm (Pāli: kumuda), Hoàng liên Văn-na (mandārava), Hồng liên Phù-dung (paduma).

[146]. Đại Khoái Kiến . No. 1(2): Đại Thiện Kiến. Pāli: Mahāsudassana.

[147].  Lý gia bảo , tức cư sĩ bảo.

[148].  Thánh đạo bảo , tức chủ binh thần bảo (vị tướng quân).

[149].    Đa lân . Xem No. 1(2), bản Việt, cht. 116.

[150].  Xà-duy   Xem 1(2) ‘ Du hành kinh đệ nhị hậu’ cht. 154.

[151].  A Thần , giống như No. 5. Nhưng chưa thấy nơi khác chép.

[152].  Tức chỉ bốn nhiếp sự hay bốn nhiếp pháp: bố thí, ái ngữ, lợi hành vào đồng sự. Pāli: samgrahavatthu, cùng ng? căn với anugraha: ân huệ, nên Hán dịch là bốn ân đức.

[153].  Tu-bạt , xem 1(2), bản Việt, cht. 130.

[154]. Trên là mười hiệu của Như Lai: Như Lai, Chí chơn chánh đế giác, Minh-hạnh-thành, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng sĩ, Đạo-pháp-ngự, Thiên-nhân-sư, hiệu Phật, Chúng hựu , , , , , , , , , . Bản dịch này có nhiều chỗ không giống với nơi khác.

[155].    Âu-đàm hoa Xem No. 1(2), bản Việt, , cht.131.

[156].   Danh sách các giáo tổ đương thời, thường kể sáu; đây kể tám:Cổ-quy Thị, Vô-thất Thị, Chí-hành Thị, Bạch-lộ-tử Thị, Diên-thọ Thị, Kế-kim-phàn Thị, Đa-tích-nguyên Thị và Ni-kiền Tử , , , , , , , . Danh sách này giống với No. 5.Tham chiếu No. 1(2), bản Việt, xem cht. 133, 134, 135, 136, 137, 138.

[157].  Tham sanh ỷ tưởng .

[158]. Trên đây là tám tà đạo, trái với tám chánh đạo của Phật.

[159].  Bát chân đạo : chánh kiến  , chánh tư , chánh ngôn  , chánh hành  , chánh mạng  , chánh trị  , chánh chí  , chánh định  .

[160]. Thành tựu giới , tức cụ túc giới, chỉ giới pháp Tỳ-kheo.

[161]. Hán: Chúng hựu .

[162]. Hán: dĩ kiện chế, dĩ chí duy . Xem cht.65, 66. 

[163].    Theo các Luật tạng, sống biệt trú giữa các Tỳ-kheo trong bốn tháng. Nhưng, No. 1(2) Nói: quy định này không áp dụng sau khi Phật Niết-bàn.

[164]. Phân tích này không thấy nói đến trong Luật tạng nào.

[165].   Mười hai bộ phận Thánh điển: 1. Văn, 2. Ca, 3. Ký, 4. Tụng, 5. Thí dụ, 6. Bổn ký, 7. Sự giải, 8. Sanh truyện, 9. Quảng bác, 10. Tự nhiên, 11. Đạo hạnh, 12. Lưỡng hiện. , , , , , , , , , , , , . Tham chiếu Trường 1(2) sđd.: Quán kinh, Kỳ dạ kinh , Thọ ký kinh, kệ kinh, Pháp cú kinh, Tương ưng kinh , Bản duyên kinh, Thiên bản kinh, Quảng kinh , Vị tằng hữu kinh,  Chứng dụ kinh Đại giáo kinh.

[166]. Di lặc Pāli: Metteyya.

[167]. Âu-đàm-bát , xem chú thích 36.

[168]. Không vô tế , tức Không vô biên xứ định.

[169].  Bất tưởng nhập , tức Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

[170]. Tưởng tri diệt , tức Tưởng thọ diệt tận định. Tham chiếu No. 1(2), Việt, xem cht. 150.

[171].  A-na-luật , tham chiếu No. 1(2), bản Việt, xem cht. 149.

[172].Hán: chí ư vô tri, khí xả  sở thọ dư vô vi chi tình . Trạng thái vô tri ở Tứ thiền là trạng thái nhập vô tưởng định (Pāli: asaññā-samāpatti), nhưng các Thánh giả không nhập loại định này. “Sở thọ dư vô vi” chỉ hữu dư y Niết-bàn.

[173]. Uy-da-việt . Có lẽ Pàli: Upavattana, tên khu rừng sāla  ở Kusinārā.

[174]. Âu đồ miếu ; tức chùa Thiên quan, tham chiếu No. 1(2), xem cht. 156.

[175]. Hi liên hà ; tham chiếu Trường 2(3) sđd.: xem cht. 155.

[176]. Đại thần Bà-hiền , chủ quản thành Pāva. Đại thần Câu-di , vị quan của thành Kusinārā .

[177]. Âu-tô ; tham chiếu No. 1(2) sđd.: Lộ-di châm lửa.?

[178]. A-di-duy ; No. 1(2)  , ngoại đạo Ni-kiền Tử.

[179].Bốn giống cây bồ-đề: Tô-thiền-ni , Ca-duy-đồ , A-thế-đề , Ni-câu-loại . Xem No. 5, bản Việt, Cht.59.

[180].Tám nước động binh yêu cầu được phần xá-lợi. Đây kể 5 nước trước: Hoa thị ở Ba tuần , ; tức Pāli: dòng họ Mallā chi nhánh Pāvā; người Câu-lân ở Khả lạc, , , Pāli: người Koli ở thôn Rāmagāma ; người Mãn-ly ở Hữu hoành , 滿 , Pāli: Buli ở Allakappa; các Bà-la-môn ở Thần châu , , Pāli: những người Bà-la-môn ở Vethadīpaka; người Ly-tiệp ở Duy-da, , , Pāli: những người Licchavi ở Vesāli .

[181].Xích Trạch quốc chư Thích thị : những người họ Thích ở Kapilavatthu.

[182]. Phạm chí Mao-quệ ; tham chiếu No. 1(2) , bản Việt, cht. 161.

[183].    Ôn-vi, người ấp Ty-phần ; Pāli: người Morya ở Pipphalavana.

[184].  Hữu Hoành , tham chiếu No. 1(2), bản Việt, cht. 162.

[185].  Phật tinh ; xem No. 5, bản Việt, quyển hạ, cht. 66

[186]. Thủy âm ; tức Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Pāli: Ābhassara.

 

--- o0o ---

 

Mục Lục Kinh Trường A Hàm

 

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com