Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

Tiếng Anh

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .

 

 

KINH PHẬT TỲ BÀ THI[1]

 

Hán Dịch: Tống Pháp Thiên

Việt dịch:  Thích Tâm Hạnh

Hiệu-chú: Tuệ Sỹ  – Đức Thắng

--- o0o --- 

  

QUYỂN THƯỢNG[2]

 

Lúc bấy giờ, Phật bảo các Bí-sô:

Thời quá khứ có đại quốc vương tên Mãn-độ-ma. Vua có một Thái tử tên Tỳ-bà-thi. Sống lâu ngày trong thâm cung, Thái tử muốn đi dạo xem công viên[3], nên bảo Du-nga[4], người đánh xe:

“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng để ta đi du ngoạn.”

Du-nga vâng lệnh đến chuồng ngựa, xếp đặt xe ngựa đem tới trước Thái tử. Thái tử lên xe, ra ngoài, thấy một người bệnh, bèn hỏi:

“Tại sao người này hình dáng tiều tụy, sức lực bạc nhược như vậy?”

Du-nga đáp:

“Đây là người bệnh.”

Thái tử hỏi:

“Bệnh là gì? “

Du-nga trả lời:

“Bốn đại giả hợp, hư huyễn không thật, chống trái nghịch nhau, liền sinh khổ não, đó gọi là bệnh.”

Thái tử hỏi:

“Ta có thoát khỏi bệnh không?”

Du-nga đáp:

“Thân thể huyễn hóa của Ngài cũng là tứ đại không khác. Nếu không tự bảo hòa cũng không thoát bệnh.”

Thái tử nghe nói, lòng cảm thấy không vui, liền bảo quay xe trở về hoàng cung, ngồi trầm tư về cái khổ của bệnh là thật, không hư dối, tâm không an ổn.”

Thế Tôn nói kệ:

Thái tử Tỳ-bà-thi,          

Dạo xem quanh vườn rừng;

Bỗng thấy người bệnh hoạn,     

Hình sắc rất tiều tụy.

Liền hỏi người đánh xe.

Biết mình không thoát bệnh,

Ngồi yên tự trầm tư:     

Khổ bệnh, là thật có.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Vua Mãn-độ-ma hỏi Du-nga:

“Thái tử đi ra ngoài trở về, tại sao không vui?’

“Du-nga đáp:

“Thái tử ra ngoài dạo xem phong cảnh, thấy một người bệnh hình sắc tiều tụy. Thái tử không biết, hỏi ‘Người ấy là người gì?’ Du-nga trả lời: ‘Đó là người bệnh.’ Thái tử hỏi: ‘Ta có thoát khỏi bệnh không?’ Du-nga đáp: ‘Thân thể của Ngài cũng đồng bốn đại huyễn hóa không khác; nếu không tự bảo hòa cũng không thoát khỏi bệnh.’ Thái tử liền bảo quay xe trở về cung; suy nghĩ về sự khổ của bệnh nên không vui.”

Vua Mãn Độ Ma nghe việc này, nhớ lại lời của thầy tướng ngày trước: ‘Nếu tại gia thì thọ phép Quán đảnh[5] nối ngôi vua Chuyển luân. Nếu xuất gia thì dốc chí tu hành thì chứng đắc quả Phật.’ Nghĩ vậy, nên trong cung cho bày các loại ngũ dục tuyệt vời để mua vui Thái tử, làm Ngài say đắm, bỏ chí xuất gia.

Thế Tôn nói kệ:

Phụ vương Mãn-độ-ma

Biết con dạo chơi về,

Thân tâm không được vui.       

Sợ Thái tử xuất gia;

Dùng thú vui tuyệt diệu,           

Sắc, thanh, hương, vị, xúc;

Làm thỏa lòng Thái tử,

Để sau kế nghiệp vua.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Sau đó, Thái tử Tỳ-bà-thi bảo Du-nga:

“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng để ta đi du ngoạn.”

Du-nga vâng lệnh, đến chuồng ngựa, xếp đặt xe ngựa đem tới trước Thái tử. Ra khỏi thành, Thái tử thấy một người già, tóc râu đều bạc, thân tâm suy nhược, run rẩy, hơi thở phều phào, chống gậy đi về phía trước. Thái tử hỏi:

“Đây là người gì?”

Du-nga đáp:

“Đây là người già.”

Thái tử hỏi:

“Sao gọi là người già?”

Du-nga đáp:

“Thân ngũ uẩn huyễn hóa, bốn tướng biến đổi, bắt đầu từ đứa bé, không bao lâu trưởng thành rồi già lão, mắt mờ, tai điếc, thân tâm suy tàn, gọi là già.”

Thái tử hỏi:

“Ta có thoát khỏi già không?”

Du-nga thưa:

“Sang hèn tuy khác nhưng thân hư giả này không khác; ngày qua tháng lại cũng phải già suy.”

Thái tử nghe nói không vui, trở về cung, ngồi yên trầm tư về sự đau khổ của già, không thể nào thoát được.

Thế Tôn nói kệ:

Thái tử Tỳ-bà-thi,          

Bỗng thấy một người già;

Tóc râu đều bạc phơ,    

Sức suy tàn, chống gậy.

Ngài nhập định tư duy: 

Tất cả pháp hữu vi;

Thay đổi từng sát na,    

Không ai thoát khỏi già.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

“Vua Mãn-độ-ma thấy Thái tử không vui, hỏi Du-nga:

“Tại sao tâm tình con ta không vui?

Du-nga đáp:

“Thái tử ra ngoài thấy một người già. Ngài hỏi: ‘Đây là người gì?’ Du-nga đáp: ‘Đây là người già.’ Thái tử lại hỏi: ‘Già là gì?’ Du-nga đáp: ‘Thân năm uẩn huyễn hóa, bốn tướng biến đổi, bắt đầu từ đứa bé, không bao lâu trưởng thành rồi già lão, mắt mờ, tai điếc, thân tâm suy tàn, gọi đó là già.’ Thái tử hỏi: ‘Ta có thoát khỏi già không?’ Du-nga thưa: ‘Sang hèn tuy khác nhưng thân giả hợp này không khác. Ngày qua tháng lại, cũng phải già suy.’ Thái tử nghe nói không vui, trở về, ngồi yên lặng trầm tư, thật không sao thoát khỏi già. Do đó Ngài không vui.”

Vua cha nghe việc này, nhớ đến lời của thầy tướng ngày trước: ‘Nếu tại gia làm vua Chuyển luân. Nếu xuất gia chắc chắn chứng quả Phật.’ Vua Mãn-độ-ma nghĩ vậy, nên dùng năm dục tuyệt vời mua vui Thái tử làm Ngài ưa thích bỏ chí xuất gia.

Thế Tôn nói kệ:

Phụ vương Mãn-độ-ma,           

Thấy con lòng không vui;

Nhớ lời thầy tướng nói,

Sợ Thái tử xuất gia.

Liền dùng vui năm dục,

Thỏa lòng cho Thái tử;

Như vua trời Đế Thích,

Vui trong vườn hoan hỷ.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Sau đó, Thái tử Tỳ-bà-thi bảo Du-nga:

“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng, ta muốn đi du ngoạn.”

Du-nga đến chuồng ngựa, xếp đặt xe cộ đem tới trước Thái tử. Thái tử đi ra ngoài, thấy có nhiều người vây quanh một chiếc xe tang, khóc lóc thảm thiết. Thái tử hỏi:

“Đây là người gì?”

Du-nga đáp:

“Đây là người chết.”

Thái tử hỏi:

“Người chết là gì?”

Du-nga đáp:

“Con người sống trong thế giới trôi nổi này, tuổi thọ có dài ngắn. Ngày nào đó, hơi thở dứt thì thần thức lìa khỏi xác, vĩnh biệt thân quyến ra ở luôn nơi gò hoang, thân thuộc buồn khóc, đây là chết.”

Thái tử hỏi:

“Ta có thoát khỏi chết không?”

Du-nga đáp:

“Ba cõi không an, làm sao thoát khỏi sinh tử? Cho nên, không ai thoát khỏi chết cả.”

Thái tử nghe nói, thân tâm buồn rầu, bảo quay xe trở về cung, ngồi yên lặng suy nghĩ về pháp vô thường, chẳng thể ưa thích, làm sao ta thoát được khổ này.

Thế Tôn nói kệ:

Thái tử Tỳ-bà-thi,          

Thấy người chết nên hỏi.

Người đánh xe trả lời,  

Không ai thoát chết được.

Ngồi yên tự suy nghĩ,    

Thật đúng không nghi ngờ;

Ta phải làm thế nào,     

Để thoát khỏi vô thường.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Vua Mãn-độ-ma hỏi Du-nga:

“Tại sao Thái tử không vui?”

Du-nga đáp:

“Thái tử đi ra khỏi thành thấy một người chết, hỏi: ‘Đó là người gì? Du Nga đáp: ‘Đó là thây chết.’ Thái tử hỏi: ‘Chết là gì?’ Du-nga đáp: ‘Con người sống trong thế giới trôi nổi này, tuổi thọ có dài ngắn. Ngày nào đó, đứt hơi thở, thần thức lìa khỏi xác, vĩnh biệt thân quyến ra ở luôn nơi gò hoang, thân quyến buồn khóc, đó gọi là chết.’ Thái tử hỏi: ‘Ta có thoát khỏi chết không?’ Du-nga đáp: ‘Ba cõi không yên, làm sao thoát được sinh tử? Cho nên không ai thoát khỏi chết cả.’ Thái tử nghe nói, bảo quay xe trở về cung, yên lặng trầm tư, thật không thể thoát chết, do đó không vui.”

Nhà vua nghe lời này nhớ đến lời thầy tướng ngày trước: ‘Nếu tại gia làm Luân vương, nếu xuất gia chứng quả Phật.’ Nhà vua đem năm loại dục để mua vui cho Thái tử làm người say đắm bỏ chí xuất gia.

Thế Tôn nói kệ:

Quốc vương Mãn-độ-ma,         

Biết Thái tử Tỳ-thi,

Nhìn thấy người qua đời,          

Than thở lòng không vui.

Vua dùng cảnh vui thú, 

Sắc thanh hương vị xúc;

Làm Thái tử ưa thích,   

Bỏ chí nguyện xuất gia.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Sau đó, Thái tử Tỳ-bà-thi bảo Du-nga:

“Hãy bố trí xe ngựa đàng hoàng, ta muốn đi du ngoạn.”

Du-nga nghe xong, liền đến chuồng ngựa, xếp đặt xe cộ đem tới cho Thái tử. Thái tử lên xe ra ngoài, thấy một Bí-sô[6], cạo bỏ râu tóc, mặc ca sa. Thái tử hỏi:

“Đây là người gì?”

Du-nga đáp:

“Đây là người xuất gia.”

Thái tử hỏi:

“Người xuất gia là gì?”

Du-nga đáp:

“Người giác ngộ lão bệnh tử, vào cửa giải thoát, thực hành nhẫn nhục từ bi, cầu an lạc Niết-bàn, vĩnh viễn cắt đứt sự ân ái của thân quyến, chí nguyện làm Sa-môn; gọi là người xuất gia.”

Thái tử nghe xong vui mừng đến trước vị Bí-sô, tán thán:

“Lành thay! Lành thay! Thực hành các pháp thiện từ bi, nhẫn nhục, bình đẳng thì có thể dứt bỏ phiền não hướng đến an lạc. Ta cũng mong muốn làm như vậy. Thái tử nói xong trở về cung, phát lòng tin, hành pháp xuất gia, tác thành tướng mạo Sa-môn.”

Thế Tôn nói kệ:

Thái tử ra khỏi thành,   

Dạo xem các phong cảnh.

Chợt thấy người già bệnh,        

Hiện tượng vô thường kia.

Tâm tư suy nghĩ mãi,    

Đau khổ vấn vương lòng.

Lại thấy người xuất gia,           

Cạo bỏ sạch râu tóc;

Mặc ca sa hoại sắc,       

Điềm đạm dáng trang nghiêm;

Hành từ bi bình đẳng,   

Nhẫn nhục các pháp thiện.

Nên ngài xin xuất gia,  

Từ bỏ năm dục lạc,

Cha mẹ cùng quyến thuộc,       

Quốc thành cùng vật quý.

Mang hình tướng Sa-môn,        

Nhẫn nhục, tự điều phục;

Trừ hẳn tâm tham ái,    

Siêng năng cầu giải thoát.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Tại thành Mãn-độ-ma có tám vạn người thấy Tỳ-bà-thi từ bỏ ngôi của phụ vương, xuất gia cạo tóc mang hình tướng Sa-môn, nên họ suy nghĩ:

“Thái tử thuộc dòng họ cao thượng lại từ bỏ năm dục để tu phạm hạnh. Chúng ta nên xuất gia theo. Họ nghĩ như thế rồi, liền xuất gia làm Sa-môn.”

Thế Tôn nói kệ:

Người đại trí tối thượng,          

Số này có tám vạn;

Tùy thuận Tỳ-bà-thi,     

Xuất gia tu phạm hạnh.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí sô:

Sau khi Bồ-tát Tỳ-bà-thi đã xuất gia rồi, cùng với tám vạn người kia, rời khỏi thành phố của mình, du hành các nơi, đến một làng nọ kết hạ an cư. Sau khi mãn hạ, Ngài suy nghĩ: ‘Tại sao Ta lại như người say mê du hành các nơi vậy?’ Nghĩ như vậy tâm Ngài thanh tịnh đi đến chỗ ở cũ. Nửa đêm, Ngài lại suy nghĩ: ‘Tại sao ta sử dụng sự phú quý của thế gian?’ Chúng sanh do tham ái nên luân hồi sanh tử, bị khổ ràng buộc liên tục không chấm dứt.’ Ngài lại suy nghĩ: ‘Nguyên nhân của khổ là già chết. Già chết do nhân duyên gì phát sinh?’ Ngài nhập chánh định [7] quán sát kỹ về pháp này, thấy có già chết là do có sự sinh. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của sinh do nhân duyên gì phát sinh? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, thấy từ hữu mà có. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của hữu do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do thủ sinh ra hữu. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của thủ do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do ái sinh ra thủ. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của ái do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do thọ sinh ra ái. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của thọ do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do xúc sinh ra thọ. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của xúc do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do lục nhập sinh xúc. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của lục nhập do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do danh sắc sinh lục nhập. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của danh sắc do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do thức sanh danh sắc. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của thức do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát kỹ về pháp này, do hành sinh ra thức. Ngài lại suy nghĩ: Khổ của hành do nhân duyên gì sinh? Ngài nhập chánh định quán sát pháp này, do vô minh sanh hành. Như vậy, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não. Như vậy là sự tập hợp thành một khối khổ lớn[8].

Bấy giờ Bồ tát Tỳ-bà-thi lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ lão tử? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này: sinh bị diệt thì lão tử diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về sinh? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do hữu diệt thì sinh diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về hữu? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do thủ diệt thì hữu diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về thủ? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do ái diệt thì thủ diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về ái? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do thọ diệt thì ái diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về thọ này? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do xúc diệt thời thọ diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về xúc này? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do lục nhập diệt thì xúc diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về lục nhập? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do danh sắc diệt thì lục nhập diệt. Ngài suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về danh sắc? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do thức diệt thời danh sắc diệt. Ngài suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về thức? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do hành diệt thì thức diệt. Ngài lại suy nghĩ: Làm sao diệt trừ nhân của khổ về hành? Ngài nhập chánh định quán sát về pháp này, do vô minh diệt thì hành diệt. Như vậy, vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt.”

Như vậy, một khối khổ lớn, tự nó không sanh nữa.

Thế Tôn nói kệ:

Bồ tát Tỳ-bà-thi,

Trầm tư khổ già chết,

Dùng trí tìm nhân khổ, 

Duyên gì sanh pháp gì?

Nhập định quán sát kỹ,

Biết rõ khổ do sinh;

Cho đến nhân của hành,           

Biết từ vô minh khởi.

Lại quán diệt từ đâu,    

Vô minh diệt hành diệt;

Cho đến hết lão tử,       

Thì khổ uẩn không còn.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Khi ấy, Bồ-tát Tỳ-bà-thi lại quán về sắc, thọ, tưởng, hành, thức sanh diệt không ngừng, như huyễn như hóa không chân thật. Khi ngài quán như vậy, trí quán hiện tiền, tất cả nghiệp tập phiền não không còn sinh khởi, đắc đại giải thoát, thành Chánh đẳng giác. Thế Tôn nói kệ:

Bồ tát Tỳ-bà-thi,

Lại quán các pháp uẩn;

Nhập vào Tam-ma-địa[9],

Khi trí quán hiện tiền.

Tập khí khổ hoặc nghiệp,         

Tất cả đều không sanh;

Như lụa bị gió cuốn,     

Không sát na nào ngừng.

Thành tựu Phật Bồ Đề, 

Quả Niết-bàn an lạc;

Như trăng tròn sáng chiếu,       

Rạng rỡ khắp mười phương.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

“Bồ tát Tỳ-bà-thi khi chưa giác ngộ, thứ nhất nghi ngờ về sự mê loạn của tự thân. Thứ hai nghi ngờ về các phiền não tham sân cứ phát triển mãi. Ngài quán sát về các pháp duyên sanh như vậy, đắc đại giải thoát.”

Thế Tôn nói kệ:

Thân Phật Như Lai kia,

Ngài chứng pháp khó chứng;

Quán sát pháp duyên sinh,        

Đoạn trừ tham, sân, si.

Tận cùng đến bờ giác,  

Thành tựu đại giải thoát;

Như mặt trời trên núi,  

Chiếu sáng khắp nơi nơi[10].

 

HẾT QUYỂN THƯỢNG

 


 

KINH PHẬT TỲ BÀ THI

QUYỂN HẠ  [11]

 

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Sau khi thành đạo, Phật Tỳ-bà-thi suy nghĩ:

“Nên thuyết pháp nơi nào trước để đem lại lợi lạc cho hữu tình? Ngài nghĩ kỹ, thấy thành lớn chỗ ngự của vua Mãn-độ-ma, nhân dân phồn thịnh, cơ duyên thuần thục. Suy nghĩ như vậy rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục tay cầm bát, lần lượt đi khất thực, đến thành Mãn-độ-ma, vào vườn An lạc Lộc dã, tạm trú ở đây với tâm tự tại, không sợ hãi.

Thế Tôn nói kệ:

Bậc nhị túc[12], chánh biến,          

Tự tại hành trì bát;

An trú vườn Lộc dã,     

Không sợ, như sư tử.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Phật Tỳ-bà-thi bảo người giữ cửa:

“Ta muốn gặp Thái tử Khiếm-noa và cận thần Đế-tô-rô. Ta đang ở vườn An lạc Lộc dã, muốn gặp hai vị đó.”

Người giữ cửa nghe nói, đến chỗ Thái tử Khiếm-noa và cận thần Đế-tô-rô, trình bày sự việc:

“Phật Tỳ-bà-thi thành đạo chánh giác, đến thành Mãn-độ-ma, ở trong vườn An lạc Lộc dã, muốn gặp các ngài.”

“Thái tử Khiếm-noa nghe tâu, cùng Đế-tô-rô lên xe ra khỏi thành Mãn-độ-ma, vào vườn An lạc Lộc dã, đến trước Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, mắt chăm chú chiêm ngưỡng tôn nhan của Phật không rời.

Bấy giờ, Phật Tỳ-bà-thi muốn cho Khiếm-noa vui vẻ phát lòng tin nên khai thị diệu pháp. Phật dạy:

“Như Phật quá khứ giảng dạy, nếu bố thí, trì giới, tinh tấn tu hành, xa lìa dục sắc phiền não lỗi lầm, sẽ được sinh nơi cõi trời thanh tịnh.”

Thái tử Khiếm-noa cùng Đế-tô-rô nghe lời dạy, tâm được thanh tịnh, như tâm của Phật Tỳ-bà-thi Chánh đẳng giác, sinh tâm hiểu biết chân chính, tâm không nghi ngờ, tâm thiện, tâm nhu hòa, tâm quảng đại, tâm vô ngại, tâm vô biên, tâm thanh tịnh. Đức Phật lại giảng nói, khai thị các pháp hành của Tứ đế là khổ, tập, diệt, đạo.

Bấy giờ, Thái tử Khiếm-noa và Đế-tô-rô thông đạt Tứ đế, thấy pháp, biết pháp, đắc pháp, được pháp kiên cố, nương nơi pháp, trụ nơi pháp, bất động nơi pháp, không xả pháp, không luống không nơi pháp[13]. Như tấm vải trắng không có các vết bẩn, tâm giác ngộ pháp cũng như vậy.

Lúc này, Thái tử Khiếm-noa và Đế-tô-rô bạch Phật Tỳ-bà-thi:

“Kính bạch Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác, con mong được xuất gia thọ giới của Thiện Thệ.”

Phật dạy:

“Lành thay! Nay đã đến lúc[14].”

“Đức Phật cho cạo tóc và truyền giới cụ túc cho hai người. Sau đó, Ngài vì hai người này hiện ba loại thần thông[15], làm cho họ phát tâm tinh tấn hướng đến Phật tuệ. Một, hiện biến hóa thần thông. Hai, hiện thuyết pháp thần thông. Ba, hiện điều phục thần thông. Thấy sự thị hiện như vậy, Thái tử Khiếm-noa và Đế-tô-rô càng dũng mãnh tinh tấn, không bao lâu tương ưng với chân trí, đoạn sạch các lậu, thành A-la-hán. Thế Tôn nói kệ:

Thế Tôn Tỳ-bà-thi,        

Thuyết pháp vườn Lộc dã;

Khiếm-noa, Đế-tô-rô,   

Đều đến nơi Phật ở.

Cúi đầu sát đảnh lễ,      

Nhất tâm chiêm ngưỡng Ngài.

Phật dạy thí, trì giới,    

Pháp khổ, tập, diệt, đạo.

Nghe xong càng tin nhận,         

Hiểu pháp không sanh diệt;

Đều cầu xin xuất gia,   

Thọ giới của Thiện Thệ.

Lại thấy sức thần thông,           

Liền phát tâm tinh tấn;

Không lâu, đoạn hết lậu,          

Chứng quả A-la-hán.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

“Các Thầy hãy lắng nghe! Nhân dân thành Mãn-độ-ma phồn thịnh, có tám vạn người gieo trồng gốc thiện đời trước, nghe Thái tử Khiếm-noa và Đế-tô-rô vì lòng tin chân chính xuất gia; đức Phật thuyết pháp, hiện thần thông, cả hai đều chứng thánh quả. Họ đều suy nghĩ: ‘Thật sự có xuất gia như vậy, có phạm hạnh như vậy, có thuyết pháp như vậy, có điều phục như vậy. Đây là sự việc hiếm có trên thế gian, được nghe việc chưa từng nghe, chúng ta nên nguyện xuất gia.’ Sau khi nghĩ như thế, tám vạn người đều xả bỏ gia đình duyên sự, ra khỏi thành Mãn-độ-ma, vào vườn An lạc Lộc dã, đến nơi Phật Tỳ-bà-thi, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, đứng qua một bên, chắp tay chăm chú chiêm ngưỡng Phật. Để cho họ phát sinh lòng tin, Phật nói:

“Diệu pháp mà chư Phật quá khứ đã dạy: người bố thí, trì giới, tinh tấn, tu hành, thoát ly dục sắc, phiền não, các lỗi lầm, thì sinh về cõi trời thanh tịnh.”

Tám vạn người nghe lời dạy, tâm được thanh tịnh, như tâm Phật Tỳ-bà-thi Chánh đẳng giác, sinh tâm hiểu biết chân chính, tâm không nghi ngờ, tâm thiện, tâm nhu hòa, tâm quảng đại, tâm vô ngại, tâm vô biên, tâm thanh tịnh. Phật lại giảng dạy, khai thị các pháp hành của Tứ đế là khổ, tập, diệt, đạo. Tám vạn người kia thông đạt Tứ đế, thấy pháp, biết pháp, đắc pháp, kiên cố nơi pháp, nương dựa nơi pháp, bất hoại nơi pháp, trụ nơi pháp, không dao động nơi pháp, không xả pháp, không luống không nơi pháp. Như tấm vải trắng không bị vết nhớp; tâm họ cũng như vậy.

Tám vạn người đồng bạch Phật:

“Cầu xin đức Như Lai, Ứng cúng, Chánh đẳng giác thu nhận chúng con, cho phép chúng con được xuất gia thọ trì giới của Thiện Thệ.”

Phật cho phép họ cạo tóc thọ giới. Ngài lại hiện ba loại thần thông làm cho họ phát khởi tinh tấn. Một, biến hóa thần thông. Hai, thuyết pháp thần thông. Ba, điều phục thần thông. Sau khi Phật thị hiện như thế, tám vạn người dũng mãnh tinh tấn, không bao lâu đoạn tận phiền não, tâm ý giải thoát, chứng A-la-hán.

Thế Tôn nói kệ:

Trong thành Mãn-độ-ma,         

Tám vạn người nghe được;

Khiếm-noa và Đế-tô-rô,           

Xuất gia chứng thánh đạo.

Đều phát tâm thanh tịnh,         

Đi đến nơi đức Phật;

Nghe pháp tâm hoan hỷ,           

Liền phát lòng dũng mãnh.

Chắp tay bạch Thế Tôn,           

Cho con xin xuất gia;

Thọ trì đối giới luật,      

Đã đúng lúc nhận họ.

Cạo tóc cho thọ giới,    

Rồi lại hiện thần thông;

Đoạn sạch các trói buộc,          

Như diệt rừng Thi Lợi.

Cháy sạch không còn sinh,       

Thành tựu giải thoát lớn;

Các khổ nương như vậy,          

Diệt hết không còn nữa.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Phật Tỳ-bà-thi độ đại chúng kia rồi, ra khỏi vườn An lạc Lộc dã đến thành Mãn-độ-ma. Tám vạn Bí-sô cũng đến thành Mãn-độ-ma, tới trước Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên. Phật giảng dạy đầy đủ nhân duyên đắc đạo, làm cho họ thêm kiên cố.

Thế Tôn nói kệ:

Làm việc rất khó làm,   

Luân hồi dứt luân hồi;

Tám vạn người như vậy,          

Đoạn sạch các trói buộc.

Cũng như Đế-tô-rô,      

Và Thái tử Khiếm-noa;

Tinh tấn cầu xuất gia,   

Đều được quả giải thoát.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Phật Tỳ-bà-thi suy nghĩ: ‘Nên giảm bớt số đông Bí-sô đang ở nơi thành Mãn-độ-ma; bảo sáu vạn hai ngàn Bí-sô đi khắp nơi, du hóa đến các thôn xóm, tùy ý tu tập. Sau sáu năm lại trở về thành Mãn-độ-ma, thọ trì Ba-la-đề-mục-xoa[16]’. Khi Phật suy nghĩ, trên hư không có một vị thiên tử, biết tâm niệm của Phật, bạch rằng:

“Lành thay! Nay đúng lúc bảo sáu vạn hai ngàn Bí-sô du hóa các thôn xóm, tùy ý tu hành, sau sáu năm lại trở về nước cũ[17], thọ trì Ba-la-đề-mục-xoa.”

Đức Phật dạy:

“Này các Bí-sô, nên sai sáu vạn hai ngàn người du hóa tới các thôn xóm, tùy ý tu hành, sau sáu năm lại trở về nước cũ, thọ trì Ba-la-đề-mục-xoa.”

Khi ấy, sáu vạn hai ngàn người nghe dạy, đi ra khỏi thành Mãn-độ-ma, du hóa các phương.

Thế Tôn nói kệ:

Vô lậu, Đẳng chánh giác,         

Điều ngự, Đại trượng phu;

Hướng dẫn chúng quần sinh,    

Đi đến đạo tịch tĩnh.

Sai đại chúng Bí-sô,      

Chúng Thanh văn tối thượng;

Sáu vạn hai ngàn người,           

Ra khỏi thành Mãn-độ.

Du hành các thôn xóm, 

Như rồng uy thế lớn;

Tùy ý tự tu hành,           

Sáu năm về chỗ cũ.

Thế Tôn nói kệ xong bảo các Bí-sô:

“Sáu vạn hai ngàn Bí-sô kia ra khỏi thành, đi đến các làng xóm tùy ý tu hành. Trải qua một năm, hai năm, cho đến sáu năm, các Bí-sô ấy bảo nhau:

“Đã hết sáu năm, nên trở về nước cũ.”

“Khi họ nói như vậy, Thiên nhân ở không trung lên tiếng:

“Nay đã đúng lúc trở về thành Mãn-độ-ma, thọ trì Ba-la-đề-mục- xoa. Sáu vạn hai ngàn Bí-sô dùng thần lực của mình và uy đức của chư thiên, trong chốc lát đã về thành Mãn-độ-ma.

Thế Tôn nói kệ:

Đại Bí-sô của Phật,       

Sáu vạn hai ngàn người;

Du hóa khắp làng xóm,

Thời gian đủ sáu năm.

Tự nhớ trở về nước,     

Thiên nhân lên tiếng nói;

Nên về thành Mãn-độ,  

Thọ trì giới thanh tịnh.

Nghe vậy rất vui mừng,

Cảm giác cả toàn thân;

Liền dùng sức thần thông,        

Như cỡi voi quý lớn.

Nhanh chóng về thành cũ,        

Tự tại không trở ngại;

Vô thượng nhị túc tôn[18],

Xuất hiện ở thế gian.

Khéo giảng các luật nghi,         

Độ thoát chúng quần sinh;

Nay Phật sẽ giảng dạy, 

Ba-la-đề-mục-xoa.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

Sáu vạn hai ngàn Bí-sô kia vào thành Mãn-độ-ma, đến trước Phật Tỳ-bà-thi cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi qua một bên. Phật dạy:

“Hãy lắng nghe! Ta sẽ giảng giải về Ba-la-đề-mục-xoa:

Nhẫn nhục là tối thượng,          

Nhẫn được chứng Niết-bàn;

Phật quá khứ đã dạy:   

Xuất gia làm Sa-môn,

Từ bỏ sự sát hại,           

Bảy chi tội thân, miệng;

Giữ giới cụ túc này,      

Phát sinh đại trí tuệ.

Được thân Phật thanh tịnh,     

Bậc tối thượng thế gian;

Xuất sinh trí vô lậu,      

Chấm dứt khổ sinh tử.

Khi Thế Tôn nêu giảng về giới luật này, có chư thiên, thiên tử, dùng uy lực chư thiên, rời khỏi thiên cung, đến trước Phật Tỳ-bà-thi, đảnh lễ chắp tay, lắng nghe Ba-la-đề-mục-xoa.

Thế Tôn nói kệ:

Vô lậu, không nghĩ bàn,

Phá tối, đến bờ giác;

Tất cả trời Thích, Phạm,          

Đều nghe giới Đại Tiên.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

“Một hôm, trong tịnh thất, cạnh hang Thất diệp ở thành Vương xá, Ta ngồi suy nghĩ: ‘Khi Phật quá khứ Tỳ-bà-thi tuyên bố tạng Tỳ-nại-da[19], e rằng có chư thiên không đến nghe giới của Đại Tiên. Nay Ta đến cõi trời để hỏi chúng Phạm thiên.’ Nghĩ như thế rồi, Ta nhập chánh định đến trời Thiện hiện[20] nhanh như người lực sĩ co duỗi cánh tay. Thiên tử nơi ấy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, bạch: ‘Lành thay Thế Tôn! Đã lâu Ngài không đến đây, con là đệ tử Thanh văn của Phật Tỳ-bà-thi Chánh đẳng Chánh giác. Ngài thuộc giòng Sát-đế-lợi, họ Kiều-trần, xuất gia vì lòng tin, sống tám vạn tuổi. Phụ vương tên Mãn-độ-ma, mẫu hậu tên Mãn-độ-ma-đế. Thái tử Khiếm-noa, Đế-tô-rô, xuất gia thọ giới, chứng A-la-hán. Vị thị giả hiền thiện đệ nhất tên A-du-ca. Phật thuyết pháp ba hội, độ nhiều Thanh văn. Đại hội thứ nhất có sáu vạn hai ngàn người đắc quả A-la-hán. Đại hội thứ hai mười vạn người đắc quả A-la-hán. Đại hội thứ ba có tám vạn người đắc quả A-la-hán. Đức Phật Tỳ-bà-thi có sự tối thượng như vậy, xuất gia như vậy, chứng Bồ-đề như vậy, thuyết pháp như vậy, điều phục như vậy, làm cho các đệ tử mặc y mang bát như vậy, tu hành Phạm hạnh, xa lìa năm dục, đoạn phiền não đắc giải thoát, chứng pháp Vô sanh, chứng A-na-hàm... cũng như vậy.

Sau đó, là Phật Thi-khí, Phật Ty-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp thuyết giảng pháp điều phục, mặc y mang bát, tu các phạm hạnh, xa lìa năm dục, đoạn phiền não chứng pháp vô sanh, chứng A-na-hàm... cũng như vậy.

Bấy giờ, có vô số trăm ngàn thiên tử, cung kính vây quanh Thế Tôn cùng đi đến trời Thiện kiến[21]. Chư thiên ở trời Thiện kiến thấy Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi cùng vô số trăm ngàn thiên tử cung kính vây quanh Phật, đi đến trời Sắc cứu cánh[22]. Thiên vương kia từ xa thấy Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, bạch:

“Lành thay Thế Tôn! Đã lâu Ngài không đến đây, con là đệ tử Thanh văn của Phật Tỳ-bà-thi Chánh đẳng Chánh giác. Ngài thuộc dòng Sát-đế-lợi, họ Kiều-trần sống tám vạn tuổi. Phụ vương tên Mãn-độ-ma, mẹ tên Mãn-độ-ma-đế. Đô thành cũng tên Mãn-độ-ma. Thái tử Khiếm-noa, Đế-tô-rô, xuất gia thọ giới, chứng A-la-hán. Vị thị giả hiền thiện đệ nhất tên A-du-ca. Phật thuyết pháp ba hội, độ nhiều chúng Thanh văn. Đại hội thứ nhất độ sáu vạn hai ngàn người đắc quả A-la-hán. Đại hội thứ hai độ mười vạn người đắc quả A-la-hán. Đại hội thứ ba độ tám vạn người đắc quả A-la-hán. Phật Tỳ-bà-thi có sự tối thượng như vậy, xuất gia như vậy, phạm hạnh như vậy, chứng Bồ-đề như vậy, thuyết pháp như vậy, điều phục như vậy, quy định các đệ tử mặc y mang bát, tu các phạm hạnh, xa lìa năm dục, đoạn phiền não, chứng pháp Vô sanh, chứng A-na-hàm...

“Sau đó là Phật Thi-khí, Phật Ty-xá-phù, Phật Câu-lưu-tôn, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, mặc y mang bát thuyết pháp điều phục, tu các phạm hạnh, xa lìa năm dục, chứng pháp vô sanh, chứng A-na-hàm...

“Nay, bậc Đại Mâu-ni thuyết pháp phạm hạnh điều phục chúng sanh cũng như vậy.”

Thiên tử nói kệ:

Vô thượng Nhị túc tôn, 

Nhập vào tam-ma-địa;

Dùng sức thần thông lớn,         

Ra khỏi cõi Diêm-phù.

Đến cõi trời Thiện hiện,

Chỉ trong một chớp nhoáng;

Như lực sĩ duỗi tay,       

Sát-na đến cõi ấy.

Thế Tôn rất hy hữu,      

Vô lậu, không chướng ngại;

Thân thanh tịnh giải thoát,       

Như sen không dính nước.

Trong trăm ngàn thế giới,        

Không ai sánh bằng Phật;

Hàng phục đại ma vương,        

Như sông cuốn cỏ rác.

Các vị trời Thiện hiện,  

Đều đến cúi đầu lạy;

Quy y bậc Tối thượng,  

Chánh giác Đại từ tôn.

Điều phục các chúng sanh,       

Sáu căn đều thanh tịnh;

Phát sinh tuệ vô thượng,          

Y pháp tu tinh tấn.

Quá khứ Tỳ-bà-thi,       

Bậc Chánh đẳng chánh giác;

Thuyết diệu pháp ba hội,          

Hóa độ chúng Thanh văn.

Luật nghi và phạm hạnh,          

Giữ gìn không khuyết phạm;

Thanh tịnh và viên mãn,           

Như trăng trong đêm rằm.

Phật Thi-khí Thế Tôn,   

Như Lai Tỳ-xá-phù;

Hiền kiếp Câu-lưu-tôn, 

Câu-na-hàm Nâu-ni.

Cùng với Phật Ca-diếp,

Các Như Lai như vậy;

Chúng Thanh văn được độ,      

Đều chứng đắc, lậu hết.

Không có các phiền não,          

Thường tu bảy giác chi;

Hành trì Bát chính đạo,

Xa lìa lỗi năm dục.

Thông đạt trí tuệ lớn,    

Đều là bậc tri thức;

Như vua Tỳ-sa-môn,     

Thường uống vị cam lồ.

Như ánh sáng mặt trời,

Tất cả Phật, Thế Tôn.

Uy nghi và pháp hành, 

Lợi ích chúng quần sanh;

Mở bày các phương tiện,          

Hướng dẫn đều giống nhau.

Thế Tôn nói kệ xong, bảo các Bí-sô:

“Ta đến chỗ chư thiên kia, nghe sự việc này, biết các thiên nhân, đối với pháp hội của chư Phật, đều tùy hỷ, có người ưa thích thọ trì, đi đứng nằm ngồi, tư duy đọc tụng, không có các mê hoặc, đoạn trừ hẳn luân hồi, giải thoát an lạc.

Phật thuyết kinh này xong, mọi người đều hoan hỷ, tin thọ phụng hành.

 

HẾT QUYỂN HẠ


 

[1].    Bản hán, Tỳ-bà-thi Phật kinh, Tống Pháp Thiên dịch (Đại 1, No. 3, trang 154b-

      159a). - Tham chiếu: Phật thuyết Trường A-hàm kinh, Hậu Tần Hoằng thỉ Phật-đà-da-xá cọng Trúc Phật Niệm dịch, ' Đệ nhất phần sơ đại bản kinh đệ nhất,' (Đại I, No. 1(1), trang 1b-10c.).

[2].   Hán, quyển thượng, tiếp theo No. 2, nói về đức Phật Tỳ-bà-thi từ khi dạo bốn cửa thành cho đến khi thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

[3].   Hán: Viên lâm . No. 1(1): Viên quán.    

[4].   Du-nga ; No. 1(1) không nói tên người đánh xe. 

[5].     Quán đảnh , nghi thức rưới nước lên đỉnh đầu để làm lễ tức vị cho vua hay lập Thái tử theo pháp cổ xưa của Ấn-độ.

[6]     Bí-sô , cũng gọi là tỷ khưu; No. 1(1): gặp một Sa-môn .

[7].  Hán: Tam-ma-địa, : chánh định, định ý, là xa lìa hôn trầm trạo cử, chuyên tâm trụ vào một cảnh (đối tượng quán sát).

[8].   Hán: Tập thành nhứt đại khổ uẩn, . No. 1(1): Khổ thạnh ấm, ; chỗ khác: thuần đại khổ tụ ; hay ngũ ấm xí thạnh khổ .

[9].   Tam-ma-địa, : chánh định, xem cht. 14.

[10].  No. 3, đoạn này là phần kết của quyển thượng. No. 1 (1), thì không có đoạn này.

[11].  Nói về việc sự truyền giáo, giáo giới độ đệ tử của đức Phật Tỳ-bà-thi.   

[12].  Hán: Nhị túc , gọi đủ là nhị túc tôn, , hay có chỗ gọi là Lưỡng túc tôn, : Tôn quý giữa loài hai chân, chỉ cho chư thiên và loài người. Có chỗ giải thích là đầy đủ Phước và trí, vì chữ Hán vừa có nghĩa là 'cái chân' vừa có nghĩa là 'đầy đủ'.

[13].  Nghĩa là: không còn do dự đối với pháp.

[14].  Hán: Thiện tai! Kim chánh thị thời, ! . No. 1(1): Thiện lai Tỳ-kheo . Theo Luật tạng, lúc bấy giờ các đức Phật quá khứ cũng như hiện tại thường trực tiếp truyền giới cụ túc cho đệ tử bằng cách nói như vậy.

[15].   Tức ba thị đạo 導入: thần biến thị đạo , ký tâm thị đạo   và giáo giới thị đạo .

[16].  Ba-la-đề-mục-xoa, No. 1(1): Cụ túc giới .            

[17].     Hán: phục hoàn bổn quốc, . no. 1(1):  hoàn thử thành, .    

[18].  Nhị túc tôn, , xem cht. 20.    

[19].  Tỳ-nại-da, ; hay Tỳ ni. No. 1(1) không có sự kiện này.

[20].   Thiện hiện, , một trong năm cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm. No. 1(1)   không thấy đề cập.  

[21].  Thiện kiến, , một trong năm cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm; No. 1(1) có đề cập đến cõi này.         

[22].  Sắc-cứu-cánh, , một trong năm cõi Tịnh cư của Thánh giả A-na-hàm. No. 1(1): Nhất cứu cánh ,           

 

--- o0o ---

 

Mục Lục Kinh Trường A Hàm

 

--- o0o ---

 

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 7-2003

 

Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com