PHẬT NÓI KINH DỤ MŨI TÊN
Hán
dịch:
Mất tên người dịch phụ lục Ðông Tấn.
Việt dịch:
Thích Chánh Lạc
---o0o---
Nghe như vầy:
Một thời Bạt Già Bà ở tại vườn ông Cấp Cô Ðộc, rừng cây ông Kỳ Ðà, thành
Xá Vệ. Bấy giờ tôn giả Ma La Cưu Ma La một mình ở chỗ vắng vẻ sanh ra ý
nghĩa như vầy: “Ðức Thế Tôn bỏ tà kiến, trừ tà kiến nhưng không nói: “Thế
gian là hữu thường hay thế gian là vô thường hay thế gian là vô thường,
thế gian là hữu biên hay thế gian là vô biên? Mạng là thân hay mạng là
khác, thân khác có mạng chung hay không có mạng chung? Cũng có, cũng không
có vấn đề không có mạng chung?”. Ta không thể chấp nhận, không thể xử dụng
được, không thể vui được, nếu đức Thế Tôn một mực nói về thế gian “Thế
gian là hữu thường” ta sẽ theo Ngài tu phạm hạnh. Nếu Thế Tôn một mực
không chịu nói “Thế gian là hữu thường” ta sẽ tranh luận với Ngài rồi bỏ
đi. Cũng như vậy “Thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên, hay mạng khác
thân khác, có vấn đề mạng chung hay không có vấn đề mạng chung? Có hay
không có vấn đề “không có mạng chung?”. Nếu đức Thế Tôn một mực nói với ta
rằng: “Chỉ có đây là chơn thật, ngoài ra là ngu si”, ta sẽ tu phạm hạnh
với Ngài. Còn nếu đức Thế Tôn một mực không nói: “Ðây là chơn thật, ngoài
ra là ngu si”, ta hỏi xong rồi bỏ đi”.
Bấy giờ, tôn giả Ma La Cưu Ma La sau buổi trưa đứng dậy đi đến chỗ đức Thế
Tôn, đến rồi lạy dưới chân đức Thế Tôn, ngồi qua một bên. Tôn giả Ma La
Cưu Ma La đã ngồi qua một bên rồi, bạch Thế Tôn rằng:
-Thưa Thế Tôn, con ở chỗ vắng vẻ, khởi lên ý nghĩ rằng: “Ðức Thế Tôn bỏ tà
kiến, trừ tà kiến, không nói: “thế gian hữu thường, cho đến không có mạng
chung”. Ðiều này con không muốn, con không thể chịu được, không ưa thích,
nếu đức Thế Tôn một mực biết “thế gian là hữu thường” thì đức Thế Tôn cứ
nói ra. Còn nếu đức Thế Tôn hoàn toàn không biết là “thế gian hữu thường”
thì xin Ngài cứ nói thẳng ra là: “Ta không biết” cũng như vậy “thế gian là
vô thường cho đến không có mạng chung”, nếu đức Thế Tôn hoàn toàn biết rõ
thì xin hãy nói cho con rằng: “Ðây là chơn thật ngoài ra là ngu si”. Ðức
Thế Tôn nên ghi nhận như vậy. Còn nếu đức Thế Tôn không biết “Ðây là chơn
thật, ngoài ra là ngu si” thì Ngài cứ nói thẳng cho con rằng “Ngài không
biết”.
Này Ma La Cưu Ma La, trước đây ta có từng nói với ngươi rằng: nếu ta nói
“thế gian là hữu thường” thì ngươi hãy theo ta mà tu hành Phạm hạnh chăng?
-Không có, thưa Thế Tôn!
Cũng như vậy, “thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung”. Nếu ta
nói “lời của ta là chơn Phạm hạnh chăng?
-Không có, thưa Thế Tôn!
Này Ma La Cưu Ma La, trước đây ngươi nói với ta: nếu Thế Tôn một mực cho
là “thế gian là hữu thường” thì tôi sẽ theo Ngài để tu Phạm hạnh chăng?
-Không có, thưa Thế Tôn!
Cũng như vậy, “thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung”. Nếu
đức Thế Tôn nói với tôi “Ðây là chơn thật, ngoài ra là ngu si thì tôi sẽ
theo Ngài tu học Phạm hạnh chăng?”.
-Chẳng phải vậy, thưa Thế Tôn!
-Này Ma La Cưu Ma La, ta vốn không nói với ngươi như vậy, ngươi cũng vốn
không nói với ta như vậy. Ngươi là người ngu si, vô cớ tại sao lại hủy
báng ta? Bấy giờ, tôn giả Ma La Cưu Ma La bị đức Phật quở trách thẳng vào
mặt, không lời biện bạch, im lặng. Khắp cả mình mồ hôi toát ra, cúi mặt
lặng thinh.
Khi ấy đức Thế Tôn quở trách thẳng vào mặt của Ma La Cưu Ma La xong, bảo
các Tỳ kheo rằng:
-Ví như có kẻ ngu si nghĩ
rằng: “Ta sẽ không theo đức Thế Tôn để tu Phạm hạnh, nếu đức Thế Tôn một
mực nói: thế gian là hữu thường”. Người ngu si ấy chưa kịp biết gì cả, nửa
chừng thì đã chết rồi. Cũng như vậy, đối với vấn đề “thế gian là vô
thường, cho đến không có mạng chung” thì ta sẽ không theo đức Thế Tôn để
tu hành Phạm hạnh. Nếu đức Thế Tôn nói với ta rằng: “Ðây là chơn thật,
ngoài ra là ngu si”. Người ấy chưa biết được gì cả thì nửa chừng đã chết
mất rồi.
Ví như có người bị trúng tên độc vào thân, quyến thuộc của y thương xót,
muốn làm cho y được an ổn, được nhiêu ích, cấp tốc mời thầy thuốc đến nhổ
mũi tên độc ra. Khi ấy người bị trúng tên độc nghĩ rằng: Ta chưa muốn nhổ
tên độc ra vội ta muốn biết người bắn cung họ gì, tên gì, hình dạng ra
sao? Kẻ ấy cao hay thấp, hay trung bình? Kẻ ấy đen hay trắng, thuộc dòng
Sát lợi hay bà la môn, hay cư sĩ, hay thợ thuyền? Kẻ ấy ở phương Ðông,
phương Tây, phương Nam hay phương Bắc? Tại sao lại lấy tên bắn vào ta? Ta
chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết cây cung làm bằng loại cây
Tát la hay loại cây Ða la, hay loại cây Xí la ương quật lê?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết loại gân quấn cây cung
làm bằng gân trâu, gân dê hay gân mèo?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết mũi tên làm bằng xương
trắng, đen hay là nâu?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết dây cung làm bằng gân
trâu hay gân dê hay gân mèo?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết mũi tên làm bằng cây Xá
la hay cây tre, hay cây La nga lê?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết gân của cây cung ấy là
gân trâu, gân dê hay gân mèo dùng để quấn nó?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết cái lông vũ gắn sau mũi
tên là của chim Khổng tước hay của chim Thương hạc, hay của chim Thứu?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, hãy cho ta biết sắt mà bịt đầu mũi tên là
Bà ta, hay Bà la, hay Na la, hay Già la bệ?
Ta chưa muốn nhổ tên độc ra vội, điều cần yếu cho ta biết người thợ làm
mũi tên sắt ấy họ gì, tên gì, hình dáng ra sao, cao thấp hay trung bình?
Kẻ ấy đen hay trắng, ở phương Ðông, phương Tây, phương Nam hay phương Bắc?
Nhưng người ấy chưa kịp biết gì cả, nửa chừng thì nó đã chết mất rồi. Cũng
vậy, nếu có kẻ ngu si nghĩ rằng “Ta sẽ không theo đức Thế Tôn để tu Phạm
hạnh, nếu đức Thế Tôn nói với ta rằng: Ðây là chơn thật, ngoài ra là ngu
si”. Người ngu si ấy chưa biết được gì, dù thế gian có hữu thường, thì nửa
chừng đã chết mất rồi, vì có tà kiến này. Cũng vậy, kẻ ấy sẽ theo ta tu
Phạm hạnh nếu “thế gian là vô thường, cho đến không có mạng chung”, đây là
tà kiến, y cũng sẽ theo ta tu Phạm hạnh, “thế gian là hữu thường” có tà
kiến này kẻ ấy không nên theo ta để tu Phạm hạnh. Cũng như vậy, “thế gian
là vô thường, cho đến không có mạng chung”, có tà kiến này không nên theo
ta tu Phạm hạnh. Không có tà kiến này “thế gian là hữu thường” cũng nên
theo ta mà tu học Phạm hạnh. Không có tà kiến này “thế gian là vô thường,
cho đến không có mạng chung”, cũng nên theo ta mà tu học Phạm hạnh. Không
có tà kiến “thế gian là hữu thường” không nên theo ta mà tu học Phạm hạnh.
Không có tà kiến này “Như vậy, thế gian là vô thường, cho đến không có
mạng chung”, không nên theo ta mà tu học Phạm hạnh.
Dù thế gian có hữu thường đi nữa thì vẫn có sanh, già, bệnh, chết, có ưu
sầu khóc lóc không vui. Như vậy, khối đại khổ ấm này tập khởi. Cũng vậy,
cho dù thế gian có vô thường, cho đến không có mạng chung thì vẫn có sanh,
già, bệnh, chết, cho đến khối đại khổ ấm này tập khởi. Dù “thế gian có hữu
thường”, điều đó ta không nói. Cũng vậy, “thế gian là vô thường, cho đến
mạng chung”, điều đó ta cũng không nói. Vì sao ta lại không nói? Vì điều
đó chẳng đúng nghĩa, cũng là phi pháp, chẳng phải là Phạm hạnh, không
thành thần thông, không đưa đến chí đạo, không tương ưng với Niết bàn, cho
nên ta không nói.
Vậy vấn đề gì ta một mực nói? Ta một mực nói đến: “Ðây là khổ”, ta một mực
nói: “Ðây là khổ tập, khổ tận, trụ xứ”. Vì sao vậy? Ta một mực nói những
vấn đề ấy là vì nó là nghĩa, là pháp, được thần thông, tu hành Phạm hạnh
cho đến Ðẳng đạo, cùng tương ưng với Niết bàn, cho nên ta một mực nói đến.
Những điều ta không nói đến thì nên bỏ đi, còn những điều ta nói đến thì
nên thọ trì.
Ðức
Phật nói như vậy, các Tỳ kheo nghe Thế Tôn nói xong, hoan hỷ vui mừng.
PHẬT NÓI KINH DỤ MŨI TÊN
--- o0o ---
Trình bày: Nhị Tường
Cập nhật: 5-2003