Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .


 

PHẬT NÓI KINH NĂM THIÊN SỨ CỦA VUA DIÊM LA

 

Hán dịch: Ðời Tống, Tam tạng Pháp sư Huệ Giản.

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

--- o0o ---

 

Nghe như vầy:

Một thời Phật ở tại vườn ông Cấp Cô Ðộc, rừng cây ông Kỳ Ðà, nước Xá Vệ. Ðức Phật bảo các Tỳ kheo:

–Hãy khéo lắng nghe và ghi nhớ! Ta dùng thiên nhãn suốt thấy mọi người lúc sống lúc chết đi đến đường thiện, đường ác, hoặc có người xấu ác, hoặc có người dõng mãnh, hoặc có người khiếp nhược, hoặc sanh đường thiện, hoặc sanh đường ác. Phàm con người đã tạo tác hành động thế nào ta đều phân biệt mà biết được cả. Hễ con người thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, hủy báng hiền thánh, tà kiến, tà hạnh, người ấy lúc mạng chung liền đọa vào ác đạo, rớt vào địa ngục. Còn người thân làm điều lành, miệng nói điều lành, ý nghĩ điều lành, khen ngợi bậc hiền thánh, chánh kiến, chánh hạnh, người ấy khi mạng chung liền sanh lên thiên thượng, nhân gian.

Như vậy, này Tỳ kheo, ta dùng thiên nhãn quan sát lúc trời mưa, trong khi nước mưa rơi xuống, ta thấy hễ một bong bóng nước nỗi lên thì một bong bóng nước biến mất. Ta thấy con người khi chết, thần thức xuất sanh, người có sắc đẹp, người có sắc xấu, người thì dõng mãnh người thì khiếp nhược, hoặc sanh vào chỗ lành, hoặc sanh vào chỗ khổ, tự sống, tự chết, như bong bóng nước không khác.

Lại nữa, thí như có người lấy tơ năm màu, xâu ngọc lưu ly. Vì ngọc trong suốt cho nên tơ màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen đều hiện rõ ràng. Ta thấy người chết thần hồn xuất sanh cũng lại như vậy. Lại như đêm tối, lấy ngọc minh châu treo trước cửa cung, có người đứng ở một chỗ, nhìn kẻ ra người vào nơi cửa đều thấy rõ ràng. Lại có người ở trên lầu cao, nhìn thấy ở dưới, kẻ đến người đi, kẻ chạy, người đi bộ, kẻ ngồi, người đứng rõ ràng. Ta thấy con người khi chết thần hồn đi đầu thai, hoặc đoan chánh, xấu ác, dõng mãnh hay khiếp nhược, như những điều họ đã làm ra, ta phân biệt biết rõ.

Ðức Phật bảo các Tỳ kheo:

–Con người khi sống ở thế gian, do bất hiếu với cha mẹ, không cung kính sa môn, đạo nhân, không thực hành nhân nghĩa, không kiềm chế tâm, không học kinh giới, không sợ đời sau, người ấy khi chết thần hồn phải đọa vào địa ngục của Diêm Vương. Sứ giả liền bắt đem đến thưa với vua:

–Ðây là kẻ xấu ác. Kẻ này làm điều phi pháp, bất hiếu với cha mẹ, không tôn kính sa môn, đạo nhân, không theo nhân nghĩa, không có thể kiềm chế tâm, không có phước đức, không khiếp sợ cái chết, cần phải để cho họ thấy tội ác của mình, cúi mong Ðại vương hãy xử phạt chúng. Như vậy, Diêm Vương theo thường lệ, trước tiên dùng lời khuyên răn, cho hiện ra năm vị thiên sứ để dùng lời thẳng thắn để xét hỏi:

–Ngươi há không thấy người của thế gian lúc còn trẻ thơ, ngã nhào trên phân, tiểu, không thể tự che chở cho mình, miệng không biết nói, cũng lại không biết điều tốt, điều xấu chăng?

Người ấy thưa:

–Tôi có thấy điều ấy.

Vua bảo:

–Ngươi tự cho rằng riêng mình thì không có điều ấy sao? Thần thức con người theo hành động, lúc mạng chung liền có tái sanh. Tuy chưa thể thấy, nhưng thường phải làm việc thiện, tự đoan chánh thân mình, đoan chánh tâm mình, đoan chánh ý mình. Vậy tại sao ngươi lại buông lung tâm ý?

Người ấy thưa:

–Tôi quả thật là người ngu si, mê muội, không biết gì chăng?

Vua nói:

–Tự vì ngươi ngu si làm điều ác. Lỗi này đâu phải do cha mẹ, sư trưởng vua trời, sa môn, đạo nhân tạo ra đâu. Tội này là do ngươi, há lại vì không thích mà nó đình chỉ sao? Nay ngươi phải thọ lấy. Ðó là Diêm Vương hiện ra thiên sứ thứ nhất.

Diêm Vương lại hỏi:

–Khi ngươi đang làm người, sứ giả của trời lần lượt đi đến, vậy ngươi có thể biết chăng?

Người ấy thưa:

–Quả thật tôi không hay biết.

Vua bảo:

–Ngươi có thấy người đàn ông, đàn bà lúc tuổi về già, tóc bạc, răng long, gầy còm, ốm yếu, còng lưng mà bước, đứng ngồi đều phải chống gậy chăng?

Người ấy thưa:

–Tôi có thấy như vậy.

Vua bảo:

–Ngươi cho rằng chỉ riêng người là không bị già chăng? Phàm con người đã có sanh thì đều phải có già. Lẽ ra đang lúc cường tráng phải thường làm việc thiện, đoan nghiêm thân, miệng và tâm, phụng hành kinh giới, sao lại tự mình buông lung?

Người ấy thưa:

–Tôi đúng là người ngu si, ám muội vậy.

Vua bảo:

–Tự ngươi ngu si làm điều ác đâu phải là lỗi của cha mẹ, vua trời, sa môn, đạo nhân đâu. Tội này do ngươi, há lại vì không thích mà nó đình chỉ sao? Nay ngươi phải thọ lấy. Ðó là Diêm Vương chánh thức dạy bảo, hiện ra thiên sứ thứ hai vậy.

Diêm Vương lại hỏi:

–Trong khi làm người, ngươi há lại không thấy những người nam, người nữ ở thế gian, lúc bị bệnh tật, thân thể đau khổ, đứng ngồi không yên, mạng sống mong manh, các thầy thuốc đều bó tay không thể cứu chữa được chăng?

Người ấy thưa:

–Tôi có thấy như vậy.

Vua bảo:

–Ngươi cho rằng ngươi không bị bệnh chăng? Con người lúc già đều sẽ có bệnh. Lẽ đáng ra lúc cường tráng ngươi phải siêng năng làm điều thiện, phụng hành kinh giới, đoan nghiêm thân, miệng, ý, sao lại tự mình buông lung?

Người ấy thưa:

–Tôi quả thật là kẻ ngu si, ám muội.

Vua bảo:

–Vì ngươi ngu si, ám muội, làm điều ác chứ đâu phải lỗi của cha mẹ, vua trời, sa môn, đạo nhân? Tội này chính do ngươi làm, há vì không thích mà nó đình chỉ sao? Nay ngươi phải thọ lấy. Ðó là Diêm Vương chánh thức dạy bảo, hiện ra thiên sứ thứ ba vậy.

Diêm Vương lại bảo:

–Lúc làm người, ngươi há không thấy người chết ở thế gian, tử thi hoặc chôn xuống đất, hoặc bị hư tổn, từ một ngày cho đến bảy ngày da thịt bị bại hoại, chồn cáo trăm thứ chim đều chạy tới xác đó để ăn. Hễ con người chết thì thân bị hư nát, gớm ghê cả.

Người ấy thưa:

–Quả thật tôi có thấy như vậy.

Vua bảo:

–Ngươi cho rằng chỉ riêng ngươi là không chết sao? Phàm con người đã có sống đều phải có chết. Lẽ ra ở thế gian phải thường làm việc thiện, tinh tấn thân, miệng, ý để phụng hành kinh giới, sao ngươi tự mình buông lung?

Người ấy thưa:

–Tôi quả thật là người ngu si vậy.

Vua nói:

–Tự ngươi đã tạo ra điều ác, đó đâu phải là lỗi của cha mẹ, vua trời, sa môn, đạo nhân? Tội này do ngươi tạo ra, đâu có phải vì không ưa thích mà nó chấm dứt sao? Nay ngươi phải tự lãnh thọ lấy. Ðó là Diêm Vương chánh thức giáo hóa, hiện ra thiên sứ thứ tư vậy.

Diêm Vương lại hỏi:

–Khi làm người, há ngươi lại không thấy những người xấu ác của thế gian bị quan lại bắt bớ, xét thấy tội trạng cần phải dùng hình pháp để xử trị, hoặc chặt tay, chặt chân, hoặc xẻo mũi, xẻo tai, dùng cây vót nhọn đánh đập làm rách da rách thịt, dùng cát nóng, dầu sôi sùng sục đổ lên thân hình, hoặc bỏ vào trong áo vải to để đốt, hoặc treo dầu lên mà nướng lúc ban ngày, hoặc mổ, cắt cơ thể rã rời, hoặc bị các độc tố đau đớn thê thảm chăng?

Người ấy thưa:

–Quả thật tôi có thấy điều ấy.

Vua bảo:

–Ngươi cho rằng riêng ngươi thì không bị những sự tra khảo độc ác ấy chăng? Mắt ngươi đã nhìn thấy sự tội, phước của thế gian rõ ràng rồi, sao lại không làm việc thiện, giữ gìn thân, miệng, ý để phụng hành kinh đạo, tại sao tự mình lại buông lung?

Người ấy thưa:

–Tôi quả thật là người ngu si.

Vua bảo:

–Ngươi đã tự dùng tâm mình để làm điều không trung chánh, đó không phải là lỗi của cha mẹ, vua trời, sa môn, đạo nhân. Nay tội báo tai ương này ngươi phải lãnh lấy, đâu có phải vì không thích mà nó đình chỉ đâu? Ðó là Diêm Vương dạy điều trung chính, hiện làm thiên sứ thứ năm vậy.

Ðức Phật nói xong, các đệ tử đều lãnh thọ sự giáo giới của Ngài, tất cả đều đến trước đảnh lễ đức Phật.

 

PHẬT NÓI KINH NĂM THIÊN SỨ CỦA VUA DIÊM LA

--- o0o ---

Vi Tính: Nguyên Tịnh

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 5-2003


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com