ti Tiếng Việt

Trang nhà Quảng Đức

   Tiếng Anh 

qd.jpg (8936 bytes)

Kinh Điển Phật Giáo


...... ... .


 

PHẬT NÓI KINH

QUẢNG NGHĨA PHÁP MÔN

(kinh này rút ra một phẩm từ Trung A Hàm)

Hán dịch:  Ðời Trần, Thiên Trúc Tam tạng Chơn Ðế.

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

---o0o---  

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời Tịnh Mạng Xá lợi phất ở tại rừng cây ông Kỳ Ðà, vườn ông Cấp Cô Ðộc, nước Xá vệ, cùng đông đủ chúng Ðại tỳ kheo.

Bấy giờ Tịnh Mạng Xá lợi phất bảo các tỳ kheo; các tỳ kheo thưa:

–Ðại đức Xá lợi phất!

Tôn giả Xá lợi phất nói:

–Này các trưởng lão, nay tôi thuyết pháp cho các trưởng lão nghe, phần đầu thiện, phần giữa thiện, phần cuối thiện, nghĩa thiện, lời thiện, thuần nhất không xen tạp, thanh tịnh tròn đầy. Nay tôi vì các vị chỉ rõ phạm hạnh; đó là Quảng Nghĩa pháp môn. Cho nên các vị nay nên lắng nghe cho kỹ, một lòng cung kính, khéo léo nhớ nghĩ. Pháp môn Quảng Nghĩa này, này các trưởng lão, có mười hai loại. Khi xa lìa sự khó khăn, tùy thuận đạo, có thể khởi ra phương tiện để chứng đắc chánh pháp. Những gì là mười hai?

1.           Tự chiến thắng lấy mình

2.           Cũng chiến thắng người khác

3.           Sanh vào nhân đạo

4.           Sanh vào thánh địa

5.           Tánh được lợi căn

6.           Ðược thành chánh kiến

7.           Khéo tạo tư lương

8.           Thiện xứ sanh tín tâm

9.           Gặp Phật xuất thế

10.        Chánh chuyển pháp luân

11.        Chánh pháp ở thế gian không diệt mất.

12.        Theo lời Phật dạy, ở trong chánh pháp như lý tu hành.

Này các trưởng lão, đây là mười hai thứ lìa sự khó, khi tùy thuận theo đạo có thể khởi ra phương tiện để chứng được chánh pháp.

Này các trưởng lão, có thể nói cho tỳ kheo, nếu muốn nói chánh pháp cho người khác thì pháp với nghĩa phải tương ưng. Lời nói ra thì cung kính, thứ lớp tương nhiếp, tương ưng, khiến cho người khác hoan hỷ và ưa thích, đầy đủ chánh cần, không tổn não người khác. Ðiều nói ra thì như lý, tương ứng, không xen tạp, tùy thuận thính chúng. Lời nên nói ra này phải có tâm từ bi, có tâm lợi ích, có tâm tùy thuận sự ưa thích, không tham đắm lợi dưỡng, cung kính khen ngợi. Nếu chính thức thuyết pháp vào buổi tối (?) không được tự khen mình, tự cao, không được hủy báng, nói xấu người khác.

Này trưởng lão, nếu ai muốn nghe chánh pháp phải đầy đủ mười sáu tướng mới có thể nghe và thọ trì được. Những gì là mười sáu?

1.     Tùy thời mà nghe

2.     Cung kính

3.     Ưa thích  

4.     Không chấp trước

5.     Như điều đã nghe tùy thuận thực hành

6.     Không phải vì phá hoại cật nạn

7.     Ðối với pháp phải khởi tâm tôn trọng

8.     Ðối với người thuyết pháp phải khởi tâm  tôn trọng

9.     Không khinh bác chánh pháp

10. Không khinh chê, bài bác người thuyết pháp.

11. Không khinh thân mình

12. Nhất tâm không tán loạn

13. Có tâm muốn cầu giải thoát

14. Nhất tâm lắng nghe

15. Y theo lý mà tư duy chơn chánh  

16. Nhớ thọ trì trước sau khi nghe chánh pháp.

Thánh đệ tử của Phật nếu có thể làm được như vậy, cung kính lắng nghe, tín căn sanh trưởng; đối với trong chánh pháp, tâm được trong sạch, lấy đó làm trước tiên; đối với Niết bàn, tâm sanh hoan hỷ và tâm cầu chứng đắc, lấy đó làm trước nhất; đối với Niết- bàn, tâm sanh hoan hỷ, xa lìa ái trước, lấy đó làm trước tiên; đối với Niết bàn, diệt trừ được chướng mê hoặc, được nhất định tâm, lấy đó làm trước; đối với Niết - bàn, xa lìa nghi hoặc sanh tri kiến chánh trực, lấy đó làm trước; đối với Niết bàn, khởi tâm hồi tưởng để tu quán hạnh, để thắp lên ngọn đuốc trí tuệ, vì để tùy thuận đạo pháp, vì diệt trừ pháp chướng ngại của Trợ đạo, vì để được tâm an trú, vì để đạt được Ðệ nhất nghĩa, lấy đó làm trước, đối với tất cả hành pháp tịch diệt chứng được chơn không, diệt ái lìa dục; đối với Niết bàn vô sanh được nhập tâm thành, trụ tin vui, lấy đó làm trước; đối với Niết bàn và ấm, vô thường, được vào trong tâm, thành trụ tin vui, lấy đó làm trước. Ðối với Niết - bàn và Tứ thánh đế được pháp nhãn thanh tịnh, để sanh huệ nhãn. lấy đó làm trước; đối với Niết-bàn mà được giải thoát, lấy đó làm trước, nên đối với Niết-bàn, giải thoát tri kiến đều được viên mãn.

Này trưởng lão, do có thể như lý như vậy nhất tâm lắng nghe chánh pháp, các thánh đệ tử không bị tổn não, có thể thuyết pháp, có thể hiểu rõ được mùi vị chơn chánh của lời nói, liền nương tựa pháp có cúng dường Ðại sư, chứng đắc tự lợi và lấy Niết bàn làm người nghe pháp.

Có mười pháp sanh khởi có thể thành thục được Bát nhã. Những gì là mười?

1.     Gần gũi bạn lành

2.     Trì giới thanh tịnh

3.     Tâm muốn cầu giải thoát

4.     Thích thọ giáo điều lành

5.     Thích cúng dường người thuyết pháp

6.     Tùy thời mà nạn vấn

7.     Lắng nghe chánh pháp

8.     Hằng tu chánh pháp

9.     Ðối với điều nhàm tởm xấu ác thường sanh tâm nhàm tởm.

10. Ðã sanh tâm nhàm tởm, như lý có thể  khởi ra bốn thứ chánh cần.

Những gì là nương vào lý chánh cần? Ðó là đối với thiện pháp, tâm không giải đãi, thường luyện pháp trị tâm, thanh tịnh các ác pháp. Nếu tâm chưa được định khiến cho được tự tại. Nếu tâm chưa thông suốt khiến cho được thông suốt hết. Như vậy gọi là nương vào lý chánh cần.

Này trưởng lão, nếu thánh đệ tử tự mình nương vào đạo lý như vậy mà khởi lên chánh cần, có mười thứ pháp tu hành tương ưng. Những gì là mười?

1-        Quán tưởng bất tịnh

2-        Quán tưởng vô thường

3-        Ðối với vô thường quán, quán tưởng

4-        Ðối với trong pháp quán hổ, quán khổ tưởng vô ngã.

5-        Nhàm chán ghét bỏ về sự quán tưởng đồ ăn

6-        Quán tưởng thấy tất cả thế gian đều không an lạc

7-        Sanh ra tưởng về ánh sáng

8-        Quán tưởng lìa dục

9-        Quán tưởng diệt ly

10-     Quán tưởng về  cái chết.

·         Một là, này trưởng lão, có mười bốn pháp có thể làm chướng ngại, chống trái pháp quán tưởng bất tịnh này. Những gì là mười bốn?

1.Cùng ở một chỗ với người nữ

2.Khi nhìn xem người nữ mà tâm thất niệm

3.Thường khởi phóng dật

4.Sanh tâm coi nặng cái dục

5.Thường tập tưởng tướng thanh tịnh

6.Không thường tập bất tịnh tưởng

7.Thường cùng với người làm việc an trụ, tụ tập.

8.Hành động theo người khác

9.Không ưa nghe chánh pháp

10.        Không hỏi chánh pháp

11.        Không hay gìn giữ 6 căn

12.        Ăn không có độ lượng

13.        Một mình ở chỗ vắng vẻ, tâm không được an

14.        Không thể quán sát một cách như thật.

·         Hai là quán tưởng vô thường, tức là do ái trước pháp hành làm chướng ngại.

·         Ba là đối với việc quán tưởng vô thường, khổ có sáu pháp làm chướng ngại. Những gì là sáu? Một: giải đãi. Hai: lười biếng. Ba: thường ưa ngủ nghỉ. Bốn: phóng dật. Năm: không thể tùy hành. Sáu: Không thể quán sát như thật.

·         Bốn là đối với việc quán tưởng khổ, vô ngã, do ngã kiến làm chướng ngại.

·         Năm là nhàm chán tưởng về thức ăn, do tham mùi vị làm chướng ngại.

·         Sáu là quán tưởng tất cả thế gian đều không an lạc, tức là do hy vọng, ái dục của thế gian làm chướng ngại.

·         Bảy là để sanh ra tưởng về ánh sáng có mười một pháp làm chướng ngại. Những gì là mười một?

1-       Nghi hoặc

2-       Không hay nghĩ lường.

3-       Thân nặng nề, thô tháo.

4-       Uể oải.

5-       Siêng năng chơn chánh thái quá.

6-       Chánh tinh cần quá ít.

7-       Tâm ô trược.

8-       Tâm kinh sợ.

9-       Sanh các thứ tưởng.

10-   Nói nhiều.

11-   Ngắm nhìn sắc nhiều.

·         Tám là quán tưởng ly dục, do hữu dục làm chướng ngại.

·         Chín là quán tưởng diệt ly, do theo pháp mà chấp tướng làm chướng ngại.

Những chướng ngại như vậy chưa từng tiêu diệt hàng phục. Ðể diệt chướng ngại này, có ba phương pháp có rất nhiều ân đức. Những gì là ba?

1-      Thích tu.

2-      Diệt trừ và xa lìa.

3-      Phần nhiều trụ ở hai  cái trước.

Này trưởng lão, có mười bốn pháp đối với việc quán bất tịnh có rất nhiều ân đức:

1-       Không ở một chỗ với người nữ.

2-       Tâm không thất niệm khi quán xem người nữ.

3-       Hằng không phóng dật.

4-       Không có sanh  dục tâm nặng.

5-       Thường tu tập tưởng bất tịnh.

6-       Không thường tu tập tưởng tịnh.

7-       Không ở chung với người làm công việc.

8-       Không theo việc làm của người khác.

9-       Ưa nghe chánh pháp.

10-   Thích hỏi chánh pháp.

11-   Thủ hộ sáu căn.

12-   Tiết độ việc ăn uống.

13-   Ở một mình mà tâm được an trụ.

14-   Hay quán sát một cách như thật.

Này trưởng lão:

¯       Một là quán tưởng bất tịnh, nếu phụng sự tu tập thì có thể diệt trừ được dục trần, ái dục.

¯       Hai là quán tưởng vô thường, nếu phụng sự tu tập có thể diệt trừ tất cả hành pháp ái trước

¯       Ba là đối với vô thường, quán khổ tưởng, nếu phụng sự tu tập có thể trừ được tâm giải đãi và lười biếng.

¯       Bốn là đối trong pháp khổ, quán tưởng vô ngã, nếu phụng sự tu tập có thể diệt trừ ngã kiến.

¯       Năm là nhàm chán tưởng ăn uống, nếu phụng sự tu tập có thể diệt trừ được sự tham mùi vị.

¯       Sáu là đối với tất cả thế gian,  quán tưởng không an lạc, nếu phụng sự tu tập có thể diệt trừ được ái dục hy hữu của thế gian.

¯       Bảy là quán tưởng về ánh sáng, nếu phụng sự tu tập có thể sanh trưởng trí tuệ và chánh kiến.

¯       Tám là quán tưởng ly dục, nếu phụng sự tu tập có thể trừ được hữu dục.

¯       Chín là quán tưởng diệt ly, nếu thừa sự tu tập có thể diệt trừ tất cả các pháp thuộc về hữu vi.

¯       Mười là quán tưởng cái chết, nếu phụng sự tu tập có thể trừ được tham ái thọ mạng.

Này trưởng lão, nếu thánh đệ tử như lý chơn chánh tu tập chánh cần như vậy, có mười hai pháp làm chướng ngại cho sự siêng tu. Những gì là mười hai? Một: Cùng ở chung với người không tu quán. Hai: Không thích nghe pháp, hỏi pháp. Ba: Không tùy thuận sự giáo huấn. Bốn:  tự mình trở thành câm điếc. Năm: có nhiều sự cầu dục. Sáu: Nhiều việc. Bảy: Không như pháp an lập đời sống. Tám: Bỏ gánh nặng thiện pháp. Chín: Gặp tám thứ nạn. Mười: Theo dòng mà bị tán động. Mười một: Cao mạn.  Mười hai: Không thọ lãnh lời dạy hay. Mười ba: Thất niệm. Mười bốn: Phóng dật. Mười lăm: Không ở với kẻ chánh.  Mười sáu: Không giữ gìn căn môn. Mười bảy: Không độ lượng trong khi ăn. Mười tám: Ðầu đêm, cuối đêm không giác ngộ tu hành. Mười chín: Ở một mình chỗ trống mà tâm không được an. Hai mươi: Không có thể quán sát một cách như thật.

Này trưởng lão, hai mươi thứ chướng ngại như vậy chưa từng được hàng phục, tiêu diệt. Có mười một pháp có thể hàng phục tiêu diệt chướng này, có nhiều ân đức. Những gì là mười một? Một: tin, thích tu hành. Hai: quán tu công đức. Ba: có thể làm những điều khó làm. Bốn: có thể chế phục được tâm mình. Năm: tâm không thối chí rơi rớt. Sáu: thông suốt được thật tướng của chánh pháp. Bảy: không khinh thân mình. Tám: ưa nghe, không chán. Chín: thưa hỏi để  giải quyết nghi ngờ. Mười: ở một mình chỗ vắng vẻ  tâm được an trụ. Mười một: có thể quán sát một cách như thật.

Này trưởng lão, các thánh đệ tử nếu có thể tu tập chánh cần như vậy có hai mươi pháp có nhiều ân đức. Những gì là hai mươi?

¯       Một: cùng ở chung với người tu quán.

¯       Hai: ưa nghe, hỏi chánh pháp.

¯       Ba: tùy thuận với lời dạy.

¯       Bốn: tự mình không điếc, câm.

¯       Năm: không có cầu dục nhiều.

¯       Sáu: không đa sự.

¯       Bảy: an lập sự sống đúng như pháp.

¯       Tám: không bỏ gánh nặng đối với thiện pháp.

¯       Chín: không gặp tám nạn.

¯       Mười: không theo dòng mà tán, động.

¯       Mười một: tâm không tự cao, kiêu mạn.

¯       Mười hai: có thể thọ giáo điều lành.

¯       Mười ba: không mất chánh niệm.

¯       Mười bốn: tâm không buông lung.

¯       Mười lăm: ở một chỗ với kẻ chân chánh.

¯       Mười sáu: có thể giữ gìn căn môn.

¯       Mười bảy: có thể tiết độ trong việc ăn uống.

¯       Mười tám: đầu đêm cuối đêm tu hành giác ngộ.

¯       Mười chín: Một mình ở riêng chỗ vắng mà tâm được an trụ.

¯       Hai mươi: Quán sát một cách như thật.

Này trưởng lão, có hai mươi hai chỗ, người xuất gia phải luôn luôn quán sát. Những gì là hai mươi hai?

¯       Một: tự nghĩ nay ta hình sắc xấu xí, đã bỏ tại gia, được các tướng khả  ái. Ðó là việc thứ nhất, người xuất gia nên luôn luôn quán sát.

¯       Hai: tự nghĩ nay ta đã mặc áo hoại sắc.

¯       Ba: tự nghĩ sự trang sức của thân ta khác với thế gian.

¯       Bốn: tự nghĩ sự sống của ta lệ thuộc vào bốn chúng.

¯       Năm: tự nghĩ nay ta luôn luôn nhờ vào kẻ khác mong chờ những vật dụng để sinh sống. Ðó là y phục, đồ ăn uống, ngọa cụ và dụng cụ, thuốc men để trị bệnh. 

¯       Sáu: tự nghĩ nay ta cho đến hết cuộc đời đã thọ giới cấm đối với trần dục của thế gian.

¯       Bảy: tự nghĩ nay ta cho đến hết cuộc đời đối với các việc rong chơi, nô đùa đã vĩnh viễn cấm chế.

¯       Tám: tự nghĩ nay ta đã nương vào giới nên chê trách tự thân, có gì mà được?

¯       Chín: tự nghĩ ta cùng đi với bạn lành, vậy đối với trong pháp luật ta có điều đáng chê trách chăng?

¯       Mười: tự nghĩ nay ta sẽ giữ thân này để được không bị thương hại chăng?

¯       Mười một: tự nghĩ nay ta thọ dụng đồ ăn uống của quốc độ để được quả Bất - không chăng?

¯       Mười hai: tự nghĩ nay ta ở một mình chỗ vắng vẻ để tâm được an trụ chăng?

¯       Mười ba: Tự nghĩ nay ta đã được cái gì mà cứ để ngày đêm trôi qua?

¯       Mười bốn: tự  nghĩ nay ta đối với tất cả hành tịch diệt xứ, chứng đắc không xứ và ái diệt xứ, lìa dục, diệt vô sanh Niết - bàn, được nhập vào tâm thành trụ tín.

¯       Mười lăm: tự nghĩ nay ta đối với ấm, khởi lên tưởng vô thường, đối với ấm, khởi lên tưởng vô sở hữu, đối với ấm, khởi lên tưởng hư vọng, đối với ấm, khởi lên tưởng là không thật, đối với ấm, khởi lên tưởng hư hoại, được nhập vào tâm thành trụ tin vui.

¯       Mười sáu: tự nghĩ nay ta đối với trong bốn quả sa môn, vậy đã chứng đắc tùy theo một quả sa môn. Do sự chứng đắc này, lúc sắp chết được các thiện hữu đồng hành thông minh, đến thăm hỏi, ta dùng tâm không nghi ngờ sợ sệt, sanh tâm vui thích, nên nói điều ta đã đắc, nếu khi tự mình ghi nhận, vậy là như lý chăng?

¯       Mười bảy: tự nghĩ nay ta chưa lìa pháp sanh, đối với đời vị lai vì chưa độ thoát nên tùy xứ mà thác sanh.

¯       Mười tám: tự nghĩ nay ta chưa lìa tướng già.

¯       Mười chín: tự nghĩ nay ta chưa lìa tai hoạn của bệnh.

¯       Hai mươi: tự nghĩ nay ta chưa thoát khỏi tai hoạn của sự chết, chưa vượt qua được sự chết.

¯       Hai mươi mốt: tự nghĩ nay ta ái niệm tất cả, ưa, tiếc, biệt ly các chỗ, điều đó không cùng hợp, không cùng nhóm, không cùng biết, quyết định phải có như vậy.

¯       Hai mươi hai: tự nghĩ nay ta tùy thuộc vào nghiệp, bị nghiệp khống chế, do nghiệp làm nhân, nương tựa vào nghiệp, ta đã tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác, tùy theo nghiệp đó quyết định phải thọ báo.

Các xứ như vậy, người xuất gia nên luôn luôn quán sát. Nếu người xuất gia quán sát hai mươi hai chỗ này, đối với tên gọi của sa môn chắc chắn được viên mãn.

Nếu tên gọi sa môn đã được viên mãn rồi, đối với bảy loại tướng, chắc chắn được viên mãn. Những gì là bảy?

¯       Một: hằng tu tập không dừng nghỉ.

¯       Hai: luôn luôn dạy cho người khác mà không tỏ ra mệt mỏi.

¯       Ba: tỏ ra không tham trước.

¯       Bốn: được tâm không sân hận.

¯       Năm: tâm được chánh niệm.

¯       Sáu: không có tăng thượng mạn.

¯       Bảy: được tất cả phương tiện nuôi sống.

Vì thành tựu những điều ấy cho nên có thể đắc định. Bảy tướng như vậy đều được viên  mãn.

Này trưởng lão, tâm ý thức này lúc khôn lớn chơi đùa vui thích với sắc, đối với thanh, hương, vị, xúc, cũng lại như vậy, sanh trưởng theo sắc, thanh, hương, vị, xúc. Tâm như vậy là do không chánh tư duy cho nên đối với cảnh giới giải thoát không thể an lập được.

Này trưởng lão, có hai mươi tướng mà người phàm phu lấy các tướng đó thường thường làm cho tự tâm sợ sệt, nhàm chán. Những gì là hai mươi?

¯       Một: nay ta trống rỗng chẳng có thắng đức.

¯       Hai: nay ta sẽ phải chết, không chế phục được cái chết.

¯       Ba: ta sẽ đọa vào chỗ rất thấp.

¯       Bốn: nay ta thực hành phương pháp đưa đến sợ hãi, tai nạn.

¯       Năm: nay ta không biết phương pháp làm cho không sợ sệt.

¯       Sáu: nay ta không hiểu con đường ngay thẳng, bình đẳng, quang minh.

¯       Bảy: nay ta không được định tâm viễn ly tán loạn.

¯       Tám: tương lai ta sẽ thọ lãnh các sự khổ không chịu nổi.

¯       Chín: không thể luôn luôn được duyên lành để tu tập.

¯       Mười: ý tưởng có thể bị giết hại thường theo đuổi ta.

¯       Mười một: chẳng có gì ngăn chận ta khỏi trôi lăn trong lục đạo.

¯       Mười hai: nay ta chưa được bốn đường giải thoát.

¯       Mười ba: Nay ta chưa lìa vô lượng kiến loại.

¯       Mười bốn: nay ta chưa đắp bờ đê để ngăn chặn dòng nghiệp vô gián ở đời vị lai.

¯       Mười lăm: nay ta không tạo sự sanh tử từ vô thỉ kiếp đến đời sau.

¯       Mười sáu: nếu không cố tâm tạo các thiện nghiệp, cuối cùng chẳng ra gì.

¯       Mười bảy: không có người khác vì mình tạo nghiệp.

¯       Mười tám: nếu không tạo tác (thiện nghiệp) sẽ không được an ổn tốt lành.

¯       Mười chín: Nếu đã tạo nghiệp, chắc chắn phải có quả báo.

¯       Hai mươi: nay ta bị vô tri vô minh che lấp, chắc chắn khi chết sẽ có tai hoạn.

Do nghĩa trên cho nên kẻ phàm phu lấy các tướng này, thường thường làm cho tự tâm nhàm chán, sợ sệt, thì làm ngăn cản tự tâm.

Lại có hai mươi pháp mau được chỗ nương tựa an trụ. Những gì là hai mươi?

¯       Một: tâm chánh tư duy, sẽ mau được an trụ.

¯       Hai: tâm suy tư theo thứ lớp.

¯       Ba: trụ tướng suy tư nhất tâm.

¯       Bốn: nhập tam ma đề.

¯       Năm: xuất ra khỏi tam ma đề.

¯       Sáu: tự kiềm chế cho tâm lắng xuống.

¯       Bảy: được tướng bật khởi tâm lên.

¯       Tám: được tướng tâm xả bỏ.

¯       Chín: được xa lìa chỗ không nên làm.

¯       Mười: được việc hành xử chơn chánh.

¯       Mười một: chánh thức thọ nhận lời dạy chơn chánh.

¯       Mười hai: tập nhiều tướng nhàm chán sự xấu ác.

¯       Mười ba: tập nhiều tướng hỷ lạc.

¯       Mười bốn:  có thể được pháp môn thắng trí.

¯       Mười lăm: chơn chánh nương tựa vào tôn sư.

¯       Mười sáu: chơn chánh tu hạnh thiện, tâm mau được an trụ.

¯       Mười bảy: chánh tu nhớ nghĩ phương pháp A na ba na.

¯       Mười tám: chánh thức tu quán bất tịnh.

¯       Mười chín: chơn chánh tu Tứ niệm xứ.

¯       Hai mươi: chơn chánh tu quán Tứ thánh đế.

Ðối trong các thật tướng này, tâm mau được y chỉ an trụ.

Này trưởng lão, các thánh đệ tử nếu có thể tu tập như lý về chánh cần lại nên biết mười một thứ chướng ngại làm khó khăn. Những gì là mười một?

¯       Một: luôn luôn tập họp chúng.

¯       Hai: coi trọng việc ăn uống.

¯       Ba: thường đùa giỡn.

¯       Bốn: thường nói lời đùa giỡn.

¯       Năm: thường ưa nằm ngủ.

¯       Sáu: thường ưa nói bậy.

¯       Bảy: thường ưa sống ồn ào.

¯       Tám: tiếc thân mình.

¯       Chín: tâm thường tán loạn lay động.

¯       Mười: tâm thường phóng dật không thích tu hành.

¯       Mười một: ở chỗ  phi pháp.

Này trưởng lão, mười một thứ này gọi là pháp chướng ngại, chưa từng bị hàng phục tiêu diệt. Ðể diệt trừ nó, có mười thắng trí, quyết định phải tu tập. Những gì là mười?

¯       Một: thắng trí Tam ma đề.

¯       Hai: thắng trí trụ định.

¯       Ba: thắng trí xuất định.

¯       Bốn: thắng trí đè nén tâm xuống.

¯       Năm: thắng trí bật khởi tâm lên.

¯       Sáu: thắng trí xả bỏ.

¯       Bảy: thắng trí khéo tiến tới.

¯       Tám: thắng trí khéo thối lui.

¯       Chín: thắng trí phương tiện.

¯       Mười: thắng trí hướng dẫn thu nhiếp.

Này trưởng lão, các thánh đệ tử nếu hay được mười thứ thắng trí này, lại có mười ba pháp y chỉ hỷ lạc, nương vào bên trong mà sanh khởi.

Những gì là mười ba?

¯       Một: nếu người có tín tâm chơn chánh nghĩ đến Ðại sư, khi ấy sự hỷ lạc phát ra từ bên trong. Ðó gọi là người có tín tâm y chỉ hỷ lạc thứ nhất.

¯       Hai: chân chánh suy nghĩ chánh pháp.

¯       Ba: chân chánh suy nghĩ về tăng.

¯       Bốn: suy nghĩ về giới thanh tịnh của mình và của người một cách chơn chánh.

¯       Năm: chơn chánh suy nghĩ về thiện pháp xả thí của mình và người.

¯       Sáu: chơn chánh suy nghĩ về pháp tu đạo chứng đắc của mình và người. Bấy giờ nhờ nương tựa ở bên trong liền sanh hỷ lạc.

¯       Bảy: nên nghĩ như vầy: “Ðức Thế Tôn vì ta mà nói pháp diệt các thứ khổ, nương vào đó mà chánh niệm, khi ấy nhờ nương vào bên trong, liền sanh hỷ lạc”.

¯       Tám: nên suy nghĩ như vầy: “Ðức Thế Tôn vì ta nói pháp, làm cho sanh trưởng các thứ lợi ích an lạc”.

¯       Chín: nên nghĩ như vầy: “Ðức Thế Tôn vì ta mà ngăn chận, cấm chế, đoạn trừ, ngăn cách vô lượng ác pháp chướng ngại”.

¯       Mười: lại suy nghĩ như vầy: “Ðức Thế Tôn vì ta mà làm cho sanh trưởng vô lượng thiện pháp trợ đạo”.

Người có tín tâm nhờ bốn niệm này khi ấy liền sanh ra sự hỷ lạc.

Này trưởng lão, các thánh đệ tử nếu hay thường xuyên đượcmười ba thứ hỷ lạc, y chỉ vào bốn pháp, lại có năm pháp... cho đến tu hành viên mãn. Những gì là y chỉ vào bốn pháp?

¯       Một: tin và ưa.

¯       Hai: tinh tấn.

¯       Ba: ở riêng một mình chỗ vắng vẻ, tâm được an trụ.

¯       Bốn: đối với việc tu hành và sự biến diệt, tâm đừng có nhàm chán một cách thái quá.

Những gì là năm pháp đưa đến tu hành viên mãn?

¯       Một: tâm an.

¯       Hai: tâm hỷ.

¯       Ba: tâm có đình chỉ.

¯       Bốn: tâm lạc.

¯       Năm: tâm định.

Này trưởng lão, do năm pháp như vậy nên làm cho sanh trưởng viên mãn.

Lại có tám thứ gai phải xa lìa, hoại diệt. Những gì là tám?

¯       Một: gai dục.

¯       Hai: gai sân.

¯       Ba: gai si.

¯       Bốn: gai ngã mạn.

¯       Năm: gai ái.

¯       Sáu: gai kiến.

¯       Bảy: gai vô minh.

¯       Tám: gai nghi ngờ.

Do tám thứ gai này nên phải xa lìa hoại diệt.

Các thánh đệ tử đạt được mười thứ Thánh pháp vô học, những gì là mười?

¯       Một: vô học chánh kiến.

¯       Hai: vô học chánh giác.

¯       Ba: vô học chánh ngôn.

¯       Bốn: vô học chánh nghiệp.

¯       Năm: vô học chánh mạng.

¯       Sáu: vô học chánh tinh tấn.

¯       Bảy: vô học chánh niệm.

¯       Tám: vô học chánh định.

¯       Chín: vô học chánh giải thoát.

¯       Mười: vô học chánh giải thoát tri kiến.

Này trưởng lão, các thánh đệ tử do có thể chứng đắc mười pháp vô học, luôn luôn được tương ưng, không có thối thất.

Thánh đệ tử ấy đã lìa năm phần, tương ưng sáu phần, thủ hộ một pháp, được bốn y chỉ, xả một đế thiên chấp, ra khỏi lỗi lầm của giác, quán, suy nghĩ không ô trược, thân hành tịch tịnh, khéo giải thoát tâm, khéo giải thoát huệ, ở một mình một cách thanh tịnh, điều cần làm đã làm xong. Như vậy gọi là bậc trượng phu chiến thắng.

Này trưởng lão, tâm ý thức sau cùng này chẳng phải sắc, thanh... nuôi lớn, sanh trưởng, chính nhờ vô sở hữu, thọ sanh đời sau đều đã vĩnh viễn đoạn trừ . Ðó gọi là vĩnh viễn đoạn trừ cái khổ đời sau. Do nói nghĩa này cho nên gọi tên là “pháp môn Quảng nghĩa’’

Này trưởng lão, ta đã nói cho các ngươi nghe các pháp, đó là: ban đầu thiện, ở giữa thiện, phần cuối cũng thiện, nghĩa thiện, lời thiện, thuần nhất không xen tạp, tròn đầy thanh tịnh, đã vì các ngươi chỉ bày phạm hạnh, gọi là pháp môn Quảng nghĩa. Trước đây ta đã hứa nói những lời như vậy, thì nay ta đã nói xong.

Bấy giờ Tịnh Mạng Xá lợi phất, khi nói kinh này xong, các đồng hành thông huệ, vô lượng đồ chúng chưa chứng chơn nghĩa nay được chứng. Ai chưa được quả sa môn nay đều đắc cả, vui mừng phấn khởi, tín thọ phụng hành.

Ðại đức Xá lợi phất chánh thuyết như vậy.

 

PHẬT NÓI KINH  “QUẢNG NGHĨA PHÁP MÔN”

 

Kinh này rút ra một phẩm từ Trung A Hàm

Niên hiệu Trần Thiên Gia năm thứ tư, nhằm năm Quý Mùi, mồng 10, tháng 11, thỉnh ngài Tam tạng Chơn Ðế Xà Lê ở tại chùa Chế Chỉ, đất Quảng Châu dịch.

--- o0o ---

Vi tính: Nguyên Tịnh

Trình bày: Nhị Tường

Cập nhật: 4-2003


Webmaster:quangduc@quangduc.com

Trở về Thư Mục Kinh Điển Phật Giáo

Đầu trang

 

Biên tập nội dung: Tỳ kheo Thích Nguyên Tạng
Xin gởi bài mới và ý kiến đóng góp đến ban biên tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com